Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu phải làm sao? Nguyên nhân do đâu?

Khi bé còn nằm trong bụng mẹ, dây rốn chính là nguồn sống, giúp cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho bé và loại bỏ chất thải. Sau khi bé chào đời, bác sĩ sẽ kẹp và cắt dây rốn trong vài phút đầu sau sinh và để lại phần gốc hay cuống rốn dài khoảng 2 – 3 cm. Phần gốc này sẽ rụng tự nhiên trong khoảng 2 tuần sau đó hoặc lâu hơn.

Trước khi rốn của bé rụng và liền lại hoàn toàn, trẻ sơ sinh có thể bị chảy máu rốn. Tình trạng trẻ sơ sinh đã rụng rốn nhưng vẫn rỉ máu này có thể khiến mẹ hết sức băn khoăn, lo lắng không biết bé bị gì và có nguy hiểm không. Bài viết của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân khiến rốn bé sơ sinh chảy máu cũng như biết cách chăm sóc khi rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu.

Nguyên nhân khiến rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu

Trẻ sơ sinh đã rụng rốn nhưng vẫn rỉ máu do đâu? Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu là hiện tượng rất thường gặp, nhất là trong lúc trẻ rụng rốn hoặc 1 tuần sau rụng rốn. Nguyên nhân rốn trẻ sơ sinh sau khi rụng bị chảy máu thường là do trong quá trình rụng, rốn bị bong tróc vảy và rỉ máu, sau đó sẽ tự khỏi và liền lại. Ngoài máu, khi trẻ sơ sinh rụng rốn, rốn còn có thể tiết một ít dịch có màu xanh lá hoặc vàng, giống như mủ.

Nếu trẻ sơ sinh chưa rụng rốn trẻ sơ sinh chảy máu thì nguyên nhân có thể là do:

  • Rốn bị trầy xước do tã cọ xát với phần rốn hoặc do bạn vô tình cọ xát quá mạnh khi chăm sóc và vệ sinh rốn cho bé.

  • Rốn trẻ sơ sinh bị chảy máu khi chưa rụng vì rốn bị nhiễm trùng do chăm sóc không đúng cách khiến vi khuẩn, virus có điều kiện tấn công, gây viêm nhiễm. Tình trạng này rất thường gặp nếu mẹ băng rốn của bé quá kín hoặc băng rốn hay bị ẩm ướt.