Rời việc văn phòng, chàng trai ‘ngao du’ khắp châu Á
Travel blogger Phạm Hoàn Khải – Ảnh do nhân vật cung cấp
Kênh Youtube của Khải tập trung vào việc định hướng người xem về đặc trưng ở các đất nước, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức để người xem có được chuyến đi hiệu quả và an toàn hơn ở nước ngoài.
Dù mới thành lập cách đây vài tháng, kênh Youtube Fahoka Xê Dịch của Hoàn Khải đã gây sự chú ý lớn mạnh cho giới trẻ, đặc biệt là những ai đam mê du lịch với hơn 19.000 lượt đăng ký theo dõi.
Mê khám phá thế giới
Hoàn Khải bắt đầu hành trình xuyên châu Á cách đây khoảng một năm. Kênh Fahoka Xê Dịch của Khải đặc biệt thu hút bởi các video phản ánh chân thật, sâu sắc về nét đặc sắc trong văn hóa, tín ngưỡng… của các quốc gia ở châu Á.
Hoàn Khải trong chuyến đi Hunder – Ladakh (Ấn Độ) – Ảnh do nhân vật cung cấp
“Tôi quyết định nghỉ việc ở công ty khi đã làm việc được hơn 4 năm, vì tôi thấy mình như đang đi vào khuôn khổ và lề lối hàng ngày. Áp lực công việc cao khiến mình chẳng ngó ngàng đến bản thân hay cho những đam mê như chơi thể thao, chơi nhạc cụ, học thêm kiến thức.
Và mọi chuyện bắt đầu khi tôi tham gia vào một hành trình tâm thức, một hành trình thực tế đi đến Ấn Độ, hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng. Khi đến Ấn Độ, tôi phát hiện ra thêm một thế giới quan hoàn toàn mới mẻ với bao điều kỳ thú.
Nếu tiếp tục ngồi làm việc ở một chỗ, tôi sẽ không thấy được cảnh người ta thiêu xác và tắm ở sông Hằng của đạo Bà La Môn, cảnh hàng trăm người ngồi thiền ở nơi linh thiêng nhất của Phật giáo, cảnh người đọc kinh Qu’ran sáng sớm tinh mơ ở một ngôi đền Hồi giáo với mặt trời đang ló dạng.
Những cảnh tượng đấy đẹp đến ngoạn mục và thần thánh. Sau đó, mình cũng bắt đầu đến Trung Quốc – quốc gia còn nhiều định kiến, và những đất nước lân cận như Hàn Quốc, Nhật Bản để thấy đất nước họ tiên tiến và phát triển thế nào”, Phạm Hoàn Khải chia sẻ.
Cảnh sắc tuyệt vời nhất Hoàn Khải từng thấy là ở vùng chiến sự tam giác ba nước Pakistan, Ấn Độ, Trung Quốc có tên là Kashmir. Theo anh, núi non, sông hồ ở đây rất đẹp, hùng vĩ, nét hoang sơ không thể diễn tả, nơi đây còn được chọn là nơi quay bộ phim Ba chàng ngốc đình đám.
Hành trình tâm linh lại là một sự cuốn hút lớn, khó cưỡng nhất khi Khải đến Ấn Độ. Khải quan sát và thấy người Ấn Độ họ tôn thờ hàng ngàn thần thánh và những nghi thức cúng tế vô cùng cầu kì, huyền bí, độc đáo.
Diskit – Ladakh (Ấn Độ) để lại cho Khải nhiều ấn tượng sâu đậm – Ảnh do nhân vật cung cấp
Từ việc hàng tháng thu về mức lương ổn định, giờ đây Khải phải tự tiết kiệm, tự tìm ra kinh phí để làm sao có thể vừa thực hiện hành trình mà cũng ngân sách riêng. Ngoài ra, việc tìm kiếm thông tin để lên kế hoạch đem lại cho Hoàn Khải không ít khó khăn.
Dù Internet đã rất phát triển, thông tin về các địa điểm ít du khách lui tới lại rất vất vả, những lúc như vậy Khải đành làm liều, đến đó rồi tính tiếp. Việc nay ở thành phố này, mai ở đất nước khác khiến Khải cũng gặp không ít sự ngăn cản từ gia đình, bạn bè.
Mong muốn truyền cảm hứng cho giới trẻ
Đến hiện tại, Phạm Hoàn Khải đã đặt chân đến khoảng 50 thành phố ở châu Á. Bangkok (Thái Lan) là địa điểm Khải đến đầu tiên. Dù gần Việt Nam nhưng Thái Lan lại có nền văn hóa rất khác biệt và mang lại cho anh nhiều điều thú vị, mới mẻ.
Khi được hỏi về lý do chọn các thành phố ở châu Á làm nơi chu du, anh nói Đông Nam Á là nhà, châu Á là hàng xóm. Đó là bàn đạp để Khải vươn xa ra những châu lục khác trong tương lai.
Trải nghiệm thú vị của Hoàn Khải tại lăng mộ nhà Tần (Tây An – Trung Quốc) – Ảnh do nhân vật cung cấp
Hoàn Khải cho biết: “Nói rằng đi chơi “nhà hàng xóm” nhưng chi phí cũng không rẻ. Từ việc xin visa, vé máy bay hay mức sống ở Nhật, Hàn, Singapore, Trung Quốc đã gấp đôi, gấp ba lần ở Việt Nam. Do đó, tôi phải lên ngân sách và kế hoạch thật chu đáo, học hỏi kinh nghiệm của dân du lịch tự túc để giảm phần nào gánh nặng ngân sách so với du lịch theo công ty dịch vụ”.
Để tiết tục hành trình xuyên châu Á, Hoàn Khải kiếm thêm thu nhập từ việc viết blog, cộng tác với báo, tạp chí và kinh doanh các sản phẩm liên quan đến du lịch. Bạn cho biết mình luôn cố gắng để có nhiều trải nghiệm hơn nữa và chia sẻ điều đó với mọi người, để sau khi xem những video, mọi người có thể tận hưởng một thế giới đa dạng văn hóa, mở rộng kiến thức.
Ngoài ra, Hoàn Khải còn dành dụm chi phí để làm từ thiện, tham gia hoạt động cộng đồng, tuyên truyền bảo vệ môi trường nhằm giảm chất thải nhựa hay sát sinh giết hại các động vật hoang dã.
Nói về những dự định trong tương lai, Hoàn Khải chia sẻ: “Mình mong muốn thành lập một quỹ để giúp đỡ các trẻ em, gia đình nghèo ở Ấn Độ và châu Phi, đồng thời, kết hợp tuyên truyền bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức để mọi người phải yêu quý hành tinh này.
Hi vọng mình có thể là người truyền được cảm hứng, kỹ năng cho các bạn trẻ, để khi sống trong một thế giới mở, tất cả các quốc gia và thông tin được kết nối với nhau dễ dàng”.
Con đường nào cũng về đích, quan trọng là xa hay gần, nhanh hay chậm. Nếu không về đích, những kinh nghiệm và trải nghiệm mình có được trên đoạn đường đấy cũng là bài học quý báu, đáng nhớ và giúp mình trưởng thành hơn.
Phạm Hoàn Khải
‘Lông bông’ và áp lực của những blogger mê du lịch