Review sách Tâm Lý Học Hài Hước – Vnwriter.net

Giới thiệu

Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao nhạc sĩ dở tệ luôn luôn giành chiến thắng trong cuộc thi Eurovision Song Contest, hoặc làm thế nào mà những chính trị gia không đủ năng lực lại được bầu?

Trong khi các nhà khoa học khác đi vào vấn đề hiển nhiên thì Richard Wiseman lại bận rộn khám phá những yếu tố bí mật của sự quyến rũ, khám phá tính cách con người được hình thành như thế nào khi chúng ta sinh ra và kiểm tra tại sao mọi người thường bỏ qua những dấu hiệu rõ ràng nhất của sự phản bội đối tác của mình. Sử dụng các phương pháp khoa học điều tra các chủ đề khác thường thu hút sự quan tâm của công chúng cũng như cộng đồng khoa học, Tâm lý học hài hước mang đến hiểu biết mới cho những phần chưa được khám phá của tâm trí con người và đưa chúng ta đến những nơi các nhà khoa học chính thống sợ bước đến. Cuốn sách có thể so sánh với Kinh tế học hài hước, nhưng mang tính dân túy và hài hước hơn rất nhiều.

Cuốn sách hàm chứa những nghiên cứu, thí nghiệm độc đáo, dị thường của những nhà khoa học tò mò nhất trên thế giới. Trong đó có rất nhiều điều chúng ta cũng thường xuyên tự hỏi mỗi ngày. Mỗi chương sách hé lộ một mảng tâm lí học bí mật nằm dưới những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của chúng ta, từ sự lừa dối cho đến việc ra quyết định, từ tính ích kỉ cho đến sự mê tín. Trong quá trình này, chúng ta sẽ bắt gặp một vài mảnh ghép ưa thích về sự kì lạ nhưng hấp dẫn.

Liệu tên của những đứa trẻ có ảnh hưởng tới cuộc đời của chúng hay không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, những đứa trẻ có tên tiêu cực, thường xuyên nhận được cái nhìn tiêu cực từ bố mẹ, người xung quanh khi trưởng thành có tỷ lệ phạm tội cao hơn những đứa trẻ có tên tích cực và nhận được cái nhìn tích cực từ những người xung quanh.

Liệu số vụ tự tử có liên quan đến các bài báo, truyền hình về các vụ việc có liên quan đến tự tử không? Các thống kê xã hội đã cho thấy, trong hai tuần sau khi có một bài báo, thông tin truyền hình về một vụ tự tử, thì số lượng các vụ tự tử tăng cao đột biến, đặc biệt nếu các thông tin, bài báo đó mô tả cụ thể hình thức tự tử.

Đàn ông và phụ nữ có sự hài hước khác nhau trước các câu chuyện cười như thế nào? Các nghiên cứu chỉ ra rằng, đàn ông thường cười trước những câu chuyện có những phụ nữ ngớ ngẩn và phụ nữ thích những câu chuyện cười có những gã đàn ông ngu ngốc.

Liệu có thật có người sinh ra đã may mắn, và nhiều người thì “xui tận mạng” suốt cuộc đời không? Liệu mọi người có thể thay đổi vận may của mình không? Các nghiên cứu cho thấy, bạn có thể thay đổi vận may của mình. Những người may mắn là những người luôn vui vẻ, năng động và biết tạo ra cơ hội cho chính mình. Ngược lại, những người kém may mắn là những người hay lo lắng, lúng túng, khép kín và không sẵn sàng đón nhận cơ hội đến với mình.

Mỗi chương của sách sẽ là một cánh cửa mở ra hàng loạt những nghiên cứu dị thường của những nhà khoa học tò mò, giúp cho lá cờ của ngành khoa học không chính thống này được tiếp tục tung bay cũng như mang đến cho độc giả những hiểu biết mới lạ về ngành khoa học đặc biệt, tính chất công việc của các nhà khoa học cũng như tự khám phá ra nhiều điều thú vị của cuộc sống quanh mình.

Đọc thử

Ngày sinh thực sự cho biết điều gì về bạn? Ngành khoa học mới của Tâm lý học thời gian

Cuộc đời của những kẻ sát nhân hàng loạt đã được sử dụng trong thí nghiệm chiêm tinh học như thế nào; bạn sinh ra có thật sự may mắn hay không; tại sao người giàu và người nổi tiếng lại nói dối về ngày sinh của họ; và một số người chết để tiết kiệm tiền thuế ra sao.

Ước tính khoảng 100 triệu người Mỹ đọc về lá số tử vi hàng ngày của mình, và khoảng 6 triệu người đã trả tiền cho các nhà chiêm tinh học để phân tích tính cách của họ, dễ dàng biện luận rằng niềm tin chiêm tinh học đã đứng vững trước thử thách của thời gian. Ngay cả những nhà lãnh đạo trên thế giới cũng không thoát khỏi cám dỗ của những lời tiên tri của các nhà chiêm tinh học. Cả Ronald(2) và Nancy Reagan đều thích tư vấn những việc liên quan đến chiêm tinh, để cho các nhà chiêm tinh học tác động đến nhiều mặt đời sống chính trị của họ, bao gồm quyết định thời gian của những hội nghị thượng đỉnh quốc tế, những tuyên bố của tổng thống và lịch trình bay của chuyên cơ Không Lực Một.

Nhiều năm qua, một số nhà khoa học đã dốc sức nghiên cứu mối quan hệ giữa cuộc đời con người với ngày sinh của họ. Công trình nghiên cứu bao gồm về những kẻ sát nhân hàng loạt, kiểm tra hàng triệu tờ khai thuế của người Mỹ, nghiên cứu ngày sinh của những cầu thủ bóng đá giải Ngoại hạng Anh, có hơn 20.000 người đã tham gia trực tuyến, đánh giá vận may của họ, và đề nghị một em bé bốn tuổi dự đoán xu hướng của thị trường chứng khoán quốc tế. Chậm mà chắc, công trình đã phân tích thực tế từ giả thuyết để cho thấy những cách mà ngày sinh thực sự ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ và cư xử.

Sách tiên tri và lợi nhuận

Hiệp hội Vì Sự phát triển của Khoa học Anh (BAAS) được nhà khoa học xuất chúng người Scotland, David Brewster thành lập năm 1831. BAAS nổi tiếng vì một số tuyên bố. Thuật ngữ “khủng long” (dinosaur) được sử dụng lần đầu tiên trong một phiên họp của Hiệp hội vào năm 1841, và tại cuộc họp thường niên năm 1860, nhà vật lý học Oliver Lodge đã giới thiệu một trong những mẫu thử nghiệm đầu tiên về truyền dẫn không dây trước công chúng. Cũng vào năm 1860, Hiệp hội đã tổ chức một cuộc tranh luận công khai về sự tiến hóa giữa nhà sinh vật học T. H. Huxley và Giám mục giáo phận Oxford, Samuel Wilberforce (biệt danh là “Sam Xà phòng” vì tính hay thay đổi của ông trong những cuộc tranh luận của giáo hội). Có lời đồn đại rằng, trong cuộc tranh luận đó, Wilberforce đã quay sang hỏi Huxley: “Liệu có phải ông nội hay bà nội của ngài có nguồn gốc từ loài khỉ hay không?”. Huxley bình thản quay sang nói nhỏ với một đồng nghiệp: “Chúa đã trao ông ấy vào tay tôi rồi”, trước khi đứng lên phát biểu trước công chúng rằng ông thà là hậu duệ của một con khỉ còn hơn là của một giám mục.

Mỗi năm BAAS tổ chức một buổi lễ kỷ niệm khoa học quốc gia kéo dài một tuần, và năm 2001, họ mời tôi tiến hành một thí nghiệm như một phần của chương trình. Sau khi nhận lời mời, tôi tình cờ biết đến một bài viết trên một tờ báo mô tả những xu hướng mới nhất trong chiêm tinh – chiêm tinh tài chính. Theo bài báo, một số nhà tiên tri tuyên bố rằng ngày thành lập công ty có thể ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính trong tương lai của công ty đó. Nếu đúng thì điều này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà đầu tư trên thế giới, và vì vậy tôi quyết định tìm hiểu xem liệu hoạt động siêu linh có thật sự tiên đoán được doanh thu sau thuế hay không.

Thí nghiệm này đã thu hút ba người tham gia, một nhà chiêm tinh tài chính, một nhà phân tích giàu kinh nghiệm của thành phố, và một đứa trẻ. Lúc bắt đầu thử nghiệm, chúng tôi đã đưa cho mỗi người tham gia khoảng 5.000 bảng Anh, và đề nghị họ đầu tư số tiền đó vào nơi họ nghĩ là tốt nhất trên thị trường chứng khoán. Sau khóa học một tuần, chúng tôi theo dõi sự lựa chọn của họ. Ai sẽ có sự đầu tư khôn ngoan nhất?

Việc tìm được các nhà chiêm tinh tham gia vào những nghiên cứu kiểu này là rất khó. Đa phần họ không muốn đưa những lời khẳng định của mình vào thử nghiệm, và những người bị thu hút thì lại hiếm khi đồng ý với những điều kiện kèm theo trong một thí nghiệm khoa học. Tuy nhiên, sau hàng tá cuộc điện thoại, chúng tôi đã tìm được một nhà chiêm tinh tài chính chuyên nghiệp, người nghĩ rằng dự án có vẻ thú vị và đồng ý tham gia thử thách.

Hai người tham gia thí nghiệm còn lại dễ tìm hơn. Một cuộc tìm kiếm nhanh trên Internet và vài cuộc điện thoại đã đưa đến một nhà phân tích giàu kinh nghiệm của thành phố, người cũng rất sẵn sàng chấp nhận thử thách. Cuối cùng, bạn của một người bạn nói rằng họ đã hỏi con gái họ xem liệu cô bé có muốn là người tham gia thứ ba và cũng là người cuối cùng không. Một thanh sô-cô-la đã giúp hoàn thành thỏa thuận, và Tia, bé gái bốn tuổi đến từ đông nam London, không hề có kinh nghiệm đầu tư nào, đã tạo thành một đội hoàn chỉnh. Khi tập đoàn môi giới chứng khoán Barclays, một tập đoàn đầu tư hàng đầu nước Anh, đồng ý làm giám khảo cuộc thi, thì tất cả chúng tôi đã sẵn sàng.

Chúng tôi cho phép ba người tình nguyện đầu tư tiền mặt của họ vào bất kỳ công ty nào trong số 100 công ty lớn nhất Anh quốc. Nhà chiêm tinh tài chính đã nghiên cứu kỹ lưỡng ngày thành lập của các công ty, và nhanh chóng nhảy vào một loạt các lĩnh vực khác nhau, bao gồm thông tin liên lạc và công nghệ – dựa trên cổ phiếu (Vodafone, Emap, Baltimore Tech và Peason). Nhà đầu tư của chúng tôi đã dùng bảy năm kinh nghiệm của mình quyết định đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực thông tin liên lạc (Vodafone, Marconi, Cable & Wireless và Prudential).

Chúng tôi muốn sự lựa chọn của Tia hoàn toàn ngẫu nhiên, và cô bé đã vui vẻ chấp thuận một quá trình lựa chọn khôn ngoan bằng cách dùng một chiếc thang gấp và một tập giấy. Vào lúc 11h55 sáng ngày 15 tháng Ba năm 2001, tôi đứng chênh vênh trên đỉnh chiếc thang gấp cao 1,8m đặt trên nền đá cẩm thạch trong phòng chờ của Tập đoàn môi giới chứng khoán Barclays. Tia, và một số ít những “khán giả” là những nhà đầu tư hàng đầu của Anh, đã kiên nhẫn chờ đợi ở bên dưới. Một tay tôi bám vào chiếc thang, trong khi tay còn lại giữ cả trăm mẩu giấy nhỏ, mỗi mẩu giấy có tên một công ty. Khi đồng hồ điểm giữa trưa, tôi tung tập giấy lên không và Tia bắt lấy ngẫu nhiên bốn mẩu giấy khi chúng chạm đất. Cô bé cẩn thận cầm lấy bốn mẩu giấy đưa cho mẹ, và bà thông báo con gái bà sẽ đầu tư vào một ngân hàng thương mại lớn (Ngân hàng Scotland), tập đoàn với những nhãn hiệu đồ uống nổi tiếng (Diageo), tập đoàn dịch vụ tài chính (Old Mutual) và chuỗi siêu thị hàng đầu (Sainsbury). Những người theo dõi vỗ tay và Tia đã cúi chào nhóm khán giả ít ỏi nhưng đáng kính của cô bé.

Để công bằng nhất, chúng tôi đã cho phép những người tham gia thay đổi những khoản đầu tư của họ vài ngày trong thí nghiệm dài cả tuần của chúng tôi. Nhà chiêm tinh tài chính một lần nữa “hỏi ý trời” và thay đổi ba lựa chọn, vì thế danh mục đầu tư cuối cùng của bà bao gồm BOC, Hệ thống BAE, Unilever và Pearson. Trong một cuộc phỏng vấn, bà giải thích rằng bà đưa ra quyết định dựa trên cơ sở những công ty này ẩn chứa một luồng năng lượng tốt lành. Chuyên gia đầu tư của chúng tôi vẫn giữ nguyên những lựa chọn ban đầu. Ở vòng tung giấy ngẫu nhiên lần thứ hai, Tia chọn Amvescap, Bass, Ngân hàng Scotland và Halifax.

Đến cuối tuần, chúng tôi tập trung tại Tập đoàn môi giới chứng khoán Barclays và kiểm tra kết quả. Đó thực sự là một tuần cực kỳ hỗn loạn của thị trường chứng khoán, khi nhiều công ty hàng đầu thế giới bị sụt giảm giá trị tới hàng tỷ bảng Anh. Thật kỳ lạ, không có chuyên gia nào của chúng tôi nhìn thấy được sự sụp đổ sắp diễn ra. Theo xu hướng sụp đổ này, cả ba người tham gia thử nghiệm của chúng tôi đều bị thua lỗ. Thua lỗ nhiều nhất là nhà chiêm tinh tài chính, người có những quyết định dựa vào những điều siêu linh bị mất 10,1%. Chuyên gia đầu tư đứng thứ hai với khoản thua lỗ là 7,1%. Và người thua lỗ ít nhất là Tia, chỉ với 4,6%.

Nhà đầu tư của chúng tôi đã không thể hiện rõ kiểu lạc quan phổ biến gắn liền với hoạt động thương mại của thành phố, ông nói với các phóng viên rằng ông dám chắc mình sẽ đứng cuối cùng và nghĩ rằng Tia sẽ thành công nhất. Nhà chiêm tinh thì quay sang dùng những điều siêu linh để giải thích cho thất bại của mình, lưu ý rằng nếu bà đã biết trước Tia thuộc cung Cự Giải thì bà sẽ không thi với cô bé. Tia đã rất khiêm tốn khi nói về chiến thắng của mình, cô bé không thể giải thích được cách mà cô chiến thắng, và cô bé còn chẳng hề học khoa học ở trường mẫu giáo.

Tờ The Sun khá ấn tượng với thành công của Tia và dành hẳn một trang đăng tiểu sử sơ lược của cô bé trong mục tài chính, bao gồm ba lời khuyên hàng đầu của cô bé dành cho những người muốn “chơi hết mình” trong những thị trường này: “Tiền bạc không phải là tất cả – mà là đồ ngọt”, “Đi ngủ sớm” và “Hãy theo dõi sự phát triển của thị trường trong những món đồ chơi của trẻ em”. Chương trình Buổi tối với Jay Leno (The Tonight Show with Jay Leno) bày tỏ mong muốn mời Tia tham dự chương trình, và tôi ngờ rằng cô bé là khách mời duy nhất từ chối lời mời vì đống bài tập về nhà.

Một tuần không phải là khoảng thời gian dài trong giới tài chính, vì vậy chúng tôi quyết định tiếp tục thí nghiệm trong một năm. Đó là 12 tháng đầy khó khăn, khi thị trường toàn cầu sụt giảm 16%. Tuy nhiên, gần một năm từ khi bắt đầu thí nghiệm đầu tiên, chúng tôi đã đề nghị Tập đoàn môi giới chứng khoán Barclays đánh giá lại giá trị của ba danh mục đầu tư. Trong thời gian này, sự khác biệt thậm chí còn ấn tượng hơn. Nhà đầu tư của chúng tôi đã mất 46,2% vốn đầu tư ban đầu. Nhà chiêm tinh tài chính thì khá khẩm hơn, nhưng vẫn mất 6,2%. Một lần nữa, Tia lại dẫn đầu. Mặc dù thị trường đang sụt giảm, nhưng cô bé vẫn thu về 5,8% lợi nhuận.

Tôi không hề ngạc nhiên về việc những dự đoán của các chuyên gia của chúng tôi kém ấn tượng hơn. Đây không phải lần đầu tiên kinh nghiệm của những nhà phân tích tài chính thành phố đưa ra không hiệu quả. Trong một nghiên cứu tương tự tại Thụy Điển, tờ báo quốc gia đã trao cho năm nhà đầu tư có kinh nghiệm mỗi người 1.250 đô-la và một con tinh tinh có tên Ola. Ola đưa ra lựa chọn bằng cách ném phi tiêu vào tên của những công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán Stockholm. Sau một tháng, tờ báo so sánh lợi nhuận và thua lỗ của từng người tham gia. Ola đã vượt trội so với các chuyên gia tài chính. Tương tự, tờ Wall Street Journal thường xuyên đề nghị bốn nhà đầu tư chọn một cổ phiếu, sau đó ngẫu nhiên lựa chọn bốn cổ phiếu khác bằng cách sử dụng kỹ thuật phi tiêu của Ola. Sau sáu tháng, tờ báo so sánh lợi nhuận của mỗi cổ phiếu được các chuyên gia lựa chọn với danh mục được chọn bằng phi tiêu. Những cổ phiếu được chọn bằng cách ném phi tiêu thành công hơn, và hầu hết luôn đánh bại ít nhất một cổ phiếu của các chuyên gia.

Thí nghiệm của tôi về nhà chiêm tinh tài chính không phải là thí nghiệm khoa học đầu tiên về mối liên hệ giữa hoạt động siêu linh và những sự kiện trong cuộc sống. Công trình tương tự đã kéo dài hàng thập kỷ, và bao gồm hàng loạt thí nghiệm lạ thường, bao gồm cả công trình được một trong những nhà tâm lý học có nhiều nghiên cứu nhất nước Anh tiến hành.

Những lời chiêm tinh

Giáo sư Hans Eysenck được cho là một trong những nhà tư tưởng có sức ảnh hưởng nhất thế kỷ XX, và cho đến khi ông qua đời vào năm 1997, ông là nhà tâm lý học thường xuyên được nhắc đến trong các tạp chí và tập san khoa học. Nổi tiếng vì câu nói yêu thích “Nếu một thứ không thể đo đếm được, thì nó không tồn tại”, Eysenck đã dành phần lớn sự nghiệp để định lượng khía cạnh của tâm lý con người (bao gồm thi ca, hành vi tình dục, óc hài hước, và tài năng xuất chúng), mà nhiều người tin rằng vượt ra khỏi sự nắm bắt của khoa học. Tuy nhiên, có lẽ ông nổi tiếng nhờ công trình phân tích nhân cách con người, và phát triển một số bảng câu hỏi về nhân cách được sử dụng rộng rãi nhất trong tâm lý học hiện đại ngày nay.

Để đánh giá đầy đủ nghiên cứu chiêm tinh của Eysenck, cần hiểu đôi chút về công trình nghiên cứu về nhân cách của ông. Eysenck đã sắp xếp hàng nghìn người hoàn thành những bảng câu hỏi về chính bản thân họ, sau đó phân tích kết quả bằng cách sử dụng những kỹ thuật thống kê hiệu quả cao được thiết kế để khám phá những khía cạnh quan trọng khác nhau ở con người. Kết quả cho thấy nhân cách của con người hầu như không phức tạp như chúng thể hiện lúc đầu. Thực tế, theo Eysenck, chúng chỉ khác nhau ở một số nhân tố cơ bản, hai điều quan trọng nhất trong đó mà ông đã gán cho là “hướng ngoại” và “tâm lý bất ổn”. Bảng Đánh giá Nhân cách Eysenck được thiết kế để đánh giá những đặc điểm này, gồm khoảng 50 câu. Bản đánh giá yêu cầu mọi người trả lời mỗi câu mô tả về bản thân bằng cách khoanh tròn vào ô “Có” hoặc “Không”.

Đặc điểm đầu tiên về mức độ nhân cách trong bảng của Eysenck, sự hướng ngoại, toàn bộ là về mức độ tương tác với những người xung quanh. Ở phần trên thang đo này là “những người hướng ngoại”. Những người hướng ngoại có xu hướng bốc đồng, lạc quan, vui vẻ, thích giao tiếp, cố gắng đạt được sự thỏa mãn nhất thời, có mối quan hệ xã hội rộng, và có khả năng lừa dối đối tác của mình hơn những người khác. Ở đầu kia của thang đo là “những người hướng nội”, họ cẩn trọng, có chừng mực và kín đáo. Đời sống xã hội của họ xoay quanh một số ít bạn thân và họ thích đọc một cuốn sách hay vào buổi tối hơn là đi ra ngoài. Hầu hết mọi người rơi vào khoảng giữa hai thái cực này, và Bảng đánh giá Nhân cách Eysenck đo mức độ hướng nội – hướng ngoại của mọi người bằng cách đưa ra cho họ những câu như “Cuộc sống của tôi là những bữa tiệc” và “Tôi cảm thấy thoải mái khi ở nơi đông người”.

Nhân tố thứ hai – tâm lý bất ổn – liên quan đến khả năng một người có thể cân bằng cảm xúc. Những người có số điểm cao có xu hướng dễ bị lo lắng, có lòng tự trọng thấp, tự đặt bản thân vào những mục tiêu phi thực tế và thường xuyên cảm thấy thù hằn và ghen tị. Trái lại, những người có số điểm thấp lại điềm tĩnh, nhẹ nhàng và dễ phục hồi hơn khi đối mặt với thất bại. Họ khéo léo dùng óc hài hước để giảm căng thẳng, và thậm chí đôi khi tiến bộ được nhờ áp lực. Bảng Đánh giá Nhân cách Eysenck đánh giá mức độ bất ổn tâm lý bằng cách sử dụng những câu như “Tôi lo lắng nhiều thứ” và “Tôi dễ dàng thoát khỏi căng thẳng”.

Theo truyền thuyết chiêm tinh cổ đại, trong 12 cung hoàng đạo có sáu cung được liên tưởng đến sự hướng ngoại (Bạch Dương, Song Tử, Sư Tử, Thiên Bình, Nhân Mã và Bảo Bình) và sáu cung được liên tưởng đến sự hướng nội (Kim Ngưu, Cự Giải, Xử Nữ, Bọ Cạp, Ma Kết và Song Ngư). Tương tự, những người sinh ra thuộc nhóm nguyên tố “đất”(3) (Kim Ngưu, Xử Nữ, Ma Kết) được xem là những người có cảm xúc ổn định và thực tế, trong khi đó những người có liên hệ đến ba cung thuộc nhóm nguyên tố “nước” (Cự Giải, Bọ Cạp và Song Ngư) thì có tâm lý bất ổn hơn.

Để xem liệu đây có thực sự là vấn đề, Eysenck đã cộng tác với nhà chiêm tinh đáng kính người Anh, Jeff Mayo. Vài năm trước, Mayo sáng lập ra Trường Chiêm tinh Mayo, và trường nhanh chóng có lượng lớn sinh viên theo học trên toàn cầu. Có hơn 2.000 khách hàng và sinh viên của Mayo được đề nghị cung cấp ngày sinh và hoàn thành Bảng đánh giá Nhân cách Eysenck. Những người hoài nghi về chiêm tinh học hy vọng rằng những phát hiện này sẽ cho thấy rõ ràng không có mối liên hệ nào giữa tính cách của những người tham gia với truyền thuyết chiêm tinh cổ đại. Trái lại, những người tin vào chiêm tinh học tin rằng các vị trí của bầu chòm sao tại thời điểm sinh sẽ có tác động đến suy nghĩ và hành vi của mọi người.

Điều bất ngờ đối với những người hoài nghi là những kết quả này hoàn toàn phù hợp với thuyết chiêm tinh. Những người sinh vào những cung thường có liên hệ với sự hướng ngoại có sự hướng ngoại cao hơn một chút so với những người khác, và những người sinh ra ở ba cung thuộc yếu tố Nước nhạy cảm hơn những người sinh ra ở những cung thuộc yếu tố Đất. Tạp chí chiêm tinh Phenomena đã công bố rằng những kết quả này “có thể là phát triển quan trọng nhất của chiêm tinh học trong thế kỷ này”.

Nhưng Eysenck đã nghi ngờ khi ông nhận ra rằng những người tham gia nghiên cứu có một niềm tin mạnh mẽ vào chiêm tinh học. Hầu hết những người có niềm tin như vậy biết rất rõ kiểu người mà chiêm tinh học tiên đoán họ sẽ trở thành, và ông băn khoăn liệu những điều họ biết có làm giảm độ chính xác của kết quả nghiên cứu hay không. Liệu kết quả nghiên cứu có thể là do những người tham gia nghĩ rằng họ có kiểu tính cách mà họ đã biết là có liên quan đến các cung không? Liệu có thể là tâm lý học, chứ không phải vị trí của các ngôi sao vào thời điểm họ sinh ra, chiếm kết quả vượt trội trong nghiên cứu?

Eysenck đã tiến hành hai nghiên cứu bổ sung để khám phá ý tưởng này. Nghiên cứu đầu tiên bao gồm những người ít nghe nói đến việc đặc điểm tính cách có liên quan đến những cung hoàng đạo khác nhau – một nhóm gồm 1.000 trẻ em. Lần này kết quả có sự khác biệt đáng kể, và không khớp với hình mẫu mà chiêm tinh học dự đoán: mức độ hướng ngoại và bất ổn tâm lý của những trẻ em này hoàn toàn không liên quan đến cung hoàng đạo. Để chắc chắn, Eysenck tiến hành nghiên cứu thứ hai về tính cách theo ngày sinh với những người trưởng thành, nhưng cũng đánh giá mức độ họ biết về chiêm tinh học. Những người biết nhiều về tác động của những chòm sao lên tính cách của họ có kết quả rất phù hợp với hình mẫu được chiêm tinh học dự đoán. Trái lại, những người nói rằng họ không biết gì về chiêm tinh học thì không theo khuôn mẫu nào cả. Kết luận đã rõ ràng. Vị trí của các chòm sao ở thời điểm một người sinh ra không có ảnh hưởng thần bí nào lên tính cách của người đó. Thay vào đó, những người biết rõ về những đặc điểm tính cách liên quan đến cung hoàng đạo của họ đã phát triển thành những người có tính cách như những nhà chiêm tinh đã dự đoán. Khi Eysenck trình bày những kết quả này tại buổi hội thảo nghiên cứu khoa học và chiêm tinh, người viết tiểu sử của ông ghi lại, “một số nhà chiêm tinh học có cảm nhận rõ ràng rằng đầu tiên Eysenck đã lừa gạt họ bằng thái độ kẻ cả, sau đó phản bội họ bằng việc đưa ra những sự thật xấu xí”.

Đây không phải lần duy nhất các nhà nghiên cứu phát hiện ra bằng chứng mọi người sẽ trở thành người mà họ phải trở thành. Trong những năm 1950, nhà tâm lý học Gustav Jahoda đã nghiên cứu cuộc sống của những người dân Ashanti ở miền trung Ghana. Theo truyền thống, mọi đứa trẻ Ashanti đều nhận được tên thánh dựa trên ngày chúng chào đời, và mỗi ngày đều có liên hệ với một nhóm tính cách. Những đứa trẻ chào đời vào thứ Hai được liên tưởng đến Kwadwo, được xem là ít nói, kín đáo và điềm tĩnh. Còn nếu chào đời vào ngày thứ Tư thì được gọi là Kwaku, và được cho là cư xử tệ. Jahoda tò mò muốn khám phá xem liệu việc gán cho trẻ những điều này từ sớm có thể có tác động lâu dài đến sự tự nhận thức về bản thân và cuộc sống của chúng không. Để tìm hiểu, ông đã kiểm tra tần suất xuất hiện trong hồ sơ tòa án vị thành niên của những người được sinh ra vào những ngày khác nhau trong tuần. Kết quả đã cho thấy rằng những điều được gán cho đứa trẻ về ngày sinh đã ảnh hưởng đến hành vi của chúng, trẻ được coi là Kwadwo xuất hiện trong hồ sơ ít hơn đáng kể, còn Kwakus thì xuất hiện nhiều hơn.

Liệu kết quả của Eysenck có khiến niềm tin của hàng triệu người vào sự ảnh hưởng của cung hoàng đạo thay đổi không? Rõ ràng là không. Thay vào đó, nhiều người tin vào chiêm tinh học cho rằng các cung hoàng đạo cung cấp một nhận định chung chung về tính cách của một người, và độ chính xác thực sự chỉ có thể có được bằng cách nghiên cứu kỹ thời điểm mà một người chào đời. Đó là tuyên bố nhận được sự chú ý rất lớn từ các nhà khoa học trên khắp thế giới.

Những người sinh cùng giờ và Anh hề Pogo

Nhà khoa học người Anh, Geoffrey Dean, là một người ít nói, điềm đạm đã dành cả cuộc đời để thu thập và đối chiếu bất kỳ thông tin nào có thể cho phép ông đánh giá tác động tiềm ẩn của các vì tinh tú lên hành vi của con người. Ông là một trong số ít những nhà khoa học trên thế giới từng kiếm sống bằng công việc của một nhà chiêm tinh chuyên nghiệp.

Vào năm 2000, tôi được mời đến nói chuyện tại một buổi hội thảo quốc tế ở Australia, và vui mừng phát hiện ra rằng Geoffrey cũng ở đó. Trong buổi nói chuyện, Geoffrey đã mô tả dự án lớn nhất và gần đây nhất của ông: một nghiên cứu ông gọi là “nghiên cứu đáng tin cậy” của chiêm tinh học. Giống như rất nhiều ý tưởng hay ho khác, ý tưởng này rất đơn giản. Theo như tuyên bố của các nhà chiêm tinh học, vị trí của các hành tinh ở thời điểm một người sinh ra sẽ dự đoán tính cách của họ và những sự kiện chính trong cuộc đời. Nếu đúng như vậy, thì những người sinh ra vào cùng một thời điểm, ở cùng một nơi, hẳn sẽ giống hệt nhau. Trong thực tế, như Geoffrey đã ghi lại, họ là những người “sinh cùng giờ”.

Có một số bằng chứng là những giai thoại chứng minh cho ý kiến này. Vào những năm 1970, các nhà nghiên cứu chiêm tinh học đã rà soát dữ liệu ngày sinh và ghi lại rằng một số người sinh ra cách nhau vài ngày có cuộc đời giống nhau đáng kinh ngạc. Chẳng hạn, nhà vô địch giải đua xe đạp nước Pháp, Paul Chacque và Leon Lével sinh lần lượt vào ngày 14 tháng Bảy năm 1910 và 12 tháng Bảy năm 1910. Họ đều rất thành công vào năm 1936, Chacque giành chiến thắng ở chặng Bordeaux-Paris của giải đua Vòng quanh nước Pháp (Tour de France), và Lével giành chiến thắng ở hai chặng leo núi trong cùng một cuộc đua. Tháng Ba năm 1949, Lével qua đời vì chấn thương sọ não trong một tai nạn trên đường đua Parc des Princes. Chacque cũng qua đời trong một tai nạn tương tự, trên cùng một đường đua vào tháng Chín năm đó.

Tò mò với những trường hợp như vậy, chúng có thể đơn giản là kết quả của sự ngẫu nhiên, do vậy Geoffrey đã quyết định tiến hành nghiên cứu có hệ thống thêm về hiện tượng này. Ông đã xoay xở để khám phá cơ sở dữ liệu có chứa những thông tin chi tiết của hơn 2.000 người sinh ra ở London trong khoảng từ ngày 3 đến ngày 9 tháng Ba năm 1958. Cơ sở dữ liệu đã được một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu về con người khi qua đời tập hợp lại, và nó bao gồm kết quả của những bài kiểm tra trí thông minh và bảng câu hỏi về tính cách được thực hiện ở những người trong độ tuổi 11, 16 và 23. Giờ sinh chính xác của mỗi người được ghi lại cẩn thận, với hơn 70% trong số đó được sinh cách nhau trong khoảng thời gian dưới năm phút. Geoffrey đã sắp xếp nhóm theo thứ tự sinh, và xuống cuối danh sách, tính toán mức độ tương đồng giữa mỗi cặp. Một lần nữa, những người hoài nghi và những người tin vào chiêm tinh học đưa ra những dự đoán rất khác nhau về kết quả nghiên cứu. Những người hoài nghi thì cho rằng không có mối liên hệ nào giữa kết quả kiểm tra từng cặp trong danh sách. Trái lại, các nhà chiêm tinh học kỳ vọng sẽ thấy được sự tương đồng nổi bật giữa tính cách của những người sinh cùng thời điểm.

Lần này, những người hoài nghi đã đúng. Geoffrey gần như không tìm được sự tương đồng nào giữa những cặp sinh cùng thời điểm. Những người sinh vào lúc 11h05 ngày 4 tháng Ba, 1958 không có nhiều điểm tương đồng hơn những người sinh vào những ngày sau đó.

Geoffrey đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm như vậy và các kết quả chỉ có một điểm chung – không có kết quả nào trong số đó thiên về những khẳng định của chiêm tinh học. Kết quả là, đôi khi ông mô tả bản thân mình như “người bị thù ghét nhất trong chiêm tinh học”, và bị các nhà chiêm tinh học hiện đại coi như kẻ phản bội – kẻ đã vén bức màn bí ẩn bằng cách công khai tuyên bố sự hoài nghi của ông về tác động của cung hoàng đạo đến cuộc sống của chúng ta.

Nghiên cứu của Geoffrey có xu hướng tương tự như phương pháp trong nghiên cứu của Hans Eysenck, trong đó thường bao gồm kiểm tra một lượng lớn dữ liệu trong quá trình tìm kiếm kiểu mẫu được chiêm tinh học dự đoán. Tuy nhiên, đây không phải là cách tiếp cận duy nhất để kiểm tra độ chính xác của những lời chiêm tinh. Các nhà khoa học khác đã kiểm tra những tuyên bố được các nhà chiêm tinh riêng lẻ đưa ra. Một trong những ví dụ nổi bật và lạ thường nhất của phương pháp này được một nhóm các nhà khoa học Mỹ đưa ra vào cuối những năm 1980 trong một bài báo được đặt tiêu đề đầy khiêu khích: “Chiêm tinh học ở Khu tử tù”.

Các nhà nghiên cứu này lần đầu tiên đã tìm ra giờ sinh, ngày sinh và nơi sinh của kẻ giết người hàng loạt khét tiếng, John Gacy. Gacy là kẻ giết người tàn bạo nhận 12 án tử hình và 21 năm tù vì tra tấn và sát hại 33 nam giới và các bé trai. Bằng cách hóa trang thành anh hề Pogo và biểu diễn ở các bữa tiệc sinh nhật trẻ em trong khoảng thời gian rảnh rỗi, Gacy có thể đã phát triển ý nghĩ về tên hề “xấu xa”. Một trong các nhà nghiên cứu đã viếng thăm năm nhà chiêm tinh học chuyên nghiệp, và đưa ra những thông tin chi tiết về Gacy dưới dạng là thông tin về bản thân ông. Nhà nghiên cứu đã giải thích cho từng nhà chiêm tinh rằng ông rất thích làm việc với người trẻ, và đề nghị họ cho vài lời khuyên nghề nghiệp và đọc ra tính cách chung. Các nhà chiêm tinh đã nhìn nhận lầm. Một người khuyến khích nhà nghiên cứu làm việc với những người trẻ vì ông có thể “phát huy những phẩm chất tốt nhất của họ”. Nhà chiêm tinh khác thì phân tích thông tin được cung cấp và tự tin dự đoán rằng cuộc sống của nhà nghiên cứu “rất, rất tốt”. Người thứ ba thì nói rằng nhà nghiên cứu “tốt bụng, lịch thiệp và ân cần với người khác”.

Công trình nghiên cứu của Hans Eysenck, Geoffrey Dan và những người khác cho thấy rằng những lời chiêm tinh thường quá xa rời thực tế. Như vậy, họ đã để lại cho chúng ta một bí ẩn lớn hơn: Tại sao lại có quá nhiều người tin vào chiêm tinh học?

Giáo sư Bertram Forer và câu lạc bộ đêm thầy tướng chữ

Cuối những năm 1940, Giáo sư Bertram Forer bận rộn với việc nghĩ ra những phương pháp mới để đánh giá tính cách. Một buổi tối, Forer đến một câu lạc bộ đêm và được một thầy tướng chữ tiếp cận và đề nghị đoán tính cách của ông dựa trên chữ viết tay. Forer từ chối lời đề nghị, nhưng cơ hội gặp gỡ đó đã khiến ông muốn khám phá xem tại sao nhiều người lại bị ấn tượng với các nhà chiêm tinh học và thầy tướng chữ. Forer có thể tiếp tục với nghiên cứu học thuật bình thường của mình. Tuy nhiên, tính hiếu kì trong con người ông rất lớn, và ông quyết định tiến hành một thí nghiệm lạ thường. Đó là thí nghiệm đã khiến ông nổi tiếng sau một thời gian dài công trình nghiên cứu chính của ông về tính cách bị chìm vào quên lãng.

Forer sắp xếp cho các sinh viên trong lớp nhập môn tâm lý học của ông hoàn thành bài kiểm tra tính cách. Một tuần sau, mỗi sinh viên được phát một tờ giấy và được cho biết rằng tờ giấy có một đoạn mô tả ngắn về tính cách của họ dựa trên điểm bài kiểm tra. Forer đã đề nghị các sinh viên này kiểm tra tờ mô tả một cách cẩn thận, xác định độ chính xác của đoạn mô tả bằng cách khoanh tròn con số từ 0 (không chính xác) và 5 (rất chính xác) trên tờ giấy, sau đó giờ tay lên nếu họ nghĩ bài kiểm tra đã đánh giá đúng tính cách của họ.

Hãy quay trở lại thời điểm trước và xem lại thí nghiệm này. Đây là một trong những mô tả đã được phát cho sinh viên trong nghiên cứu của Forer. Hãy đọc hết và xem bạn có nghĩ đó là lời mô tả khá chính xác về tính cách của mình hay không:

Bạn mong muốn người khác yêu thích và ngưỡng mộ bạn, và bạn vẫn có xu hướng chỉ trích bản thân. Dù bạn có một vài điểm yếu, nhưng nhìn chung bạn vẫn có thể bù đắp lại. Bạn có những khả năng chưa được dùng đến mà bạn không biến nó thành lợi thế cho mình. Bên ngoài, bạn thể hiện là người có kỷ luật và kiểm soát bản thân, nhưng nội tâm bạn có xu hướng lo lắng và bất an. Có lúc bạn thật sự băn khoăn về việc liệu quyết định mình đưa ra hay việc bạn làm có đúng đắn hay không. Bạn thích một số sự thay đổi và đa dạng và không thoải mái khi bị bao vây bởi những giới hạn và hạn chế. Bạn cũng tự hào mình là một người tư duy độc lập và không chấp nhận ý kiến của người khác mà không có bằng chứng thỏa đáng. Nhưng bạn cũng nhận ra rằng không hề khôn ngoan và quá thẳng thắn khi thể hiện bản thân với người khác. Đôi khi bạn hướng ngoại, niềm nở và hòa đồng, có lúc lại hướng nội, thận trọng và dè dặt. Một số tham vọng của bạn có xu hướng phi thực tế.

Các sinh viên của Forer đã đọc đoạn mô tả, đưa ra đánh giá và lần lượt từng người giơ tay. Một lúc sau, ông rất ngạc nhiên khi thấy hầu như tất cả các sinh viên đều giơ tay. Tại sao Forer lại ngạc nhiên như vậy?

Vấn đề là đôi khi với những thí nghiệm tâm lý học kiểu này, Forer đã không hoàn toàn nói thật với những người tham gia. Đoạn mô tả tính cách mà ông đưa cho họ không dựa trên điểm số bài kiểm tra. Thay vào đó, nó được lấy từ một cuốn sách chiêm tinh ở quầy báo mà ông đã mua vài ngày trước đó. Quan trọng hơn, tất cả các sinh viên đều nhận được cùng bản mô tả tính cách – chính là bản mô tả mà bạn đã đọc vài phút trước.

Forer đọc hết cuốn sách chiêm tinh, chọn ra khoảng 10 hoặc hơn 10 câu từ các mục chiêm tinh và xếp chúng lại với nhau để tạo thành một bản mô tả riêng biệt. Mặc dù tất cả sinh viên đều nhận được cùng một bản mô tả tính cách, nhưng 87% số sinh viên khoanh ở mức đánh giá 4 hoặc 5 cho thấy rằng họ cực kỳ ấn tượng với độ chính xác của những gì họ đã đọc. Đoạn mô tả mà Forer tạo ra trở nên nổi tiếng thế giới, và nó được sử dụng trong hàng nghìn nghiên cứu tâm lý học và các chương trình truyền hình.

Kết quả của Forer đã làm sáng tỏ bí ẩn khiến ông băn khoăn kể từ lúc tình cờ gặp thầy tướng chữ. Chiêm tinh học và thuật xem tướng chữ không thực sự cần phải chính xác để được coi là chính xác. Thay vào đó, tất cả những gì bạn cần làm là nói cho mọi người một câu rất chung chung về tính cách của họ, và bộ não sẽ đánh lừa họ tin rằng lời tiên đoán đó sâu sắc.

Ngay sau khi tiến hành nghiên cứu, Forer đã nói với các sinh viên rằng họ nhận được cùng đoạn mô tả tính cách, ông đã giải thích rằng bài tập đó là “một minh họa cụ thể để chứng minh xu hướng bị ấn tượng mạnh bởi những tuyên bố mơ hồ”, và chỉ ra “những điểm tương đồng giữa sự thể hiện và những hành vi của những kẻ bịp bợm”. Rõ ràng, hầu hết sinh viên của Forer không quá khó chịu về việc bị phơi bày ra là anh chàng cả tin. Rất nhiều sinh viên đã dành cho thí nghiệm này vinh dự lớn nhất mà một sinh viên có thể trao, đề nghị Forer sao chép lại bản mô tả tính cách để họ có thể chơi lại trò lừa bịp này với các bạn của họ. Hầu hết các nhà tâm lý học sẽ dừng thí nghiệm tại đó, nhưng Forer đã nghĩ ra một trò lừa cuối cùng để làm bẽ mặt thêm lớp học đầy nhẫn nại của ông.

Forer băn khoăn liệu sinh viên của ông có muốn thấy bản thân họ khôn ngoan, dễ hòa nhập và thông minh không. Nếu vậy, liệu việc chấp nhận những thông tin mơ hồ về tính cách của họ có đưa ra thách thức thực sự với khía cạnh này trong nhận thức bản thân của họ hay không? Thêm vào đó, liệu có nhiều người lựa chọn đơn giản là tự phủ nhận rằng họ đã bị đưa vào thí nghiệm, hơn là việc trải qua quá trình tổn thương của việc thấy được bản chất con người họ?

Ba tuần sau đó, Forer nói với lớp rằng ông đã vô tình xóa mất tên họ trong tờ đánh giá, và đề nghị họ ghi lại trung thực những gì họ đã đánh giá trong bản mô tả trước đó. Trên thực tế, ông không hề làm mất tên, và có thể so sánh đánh giá của mỗi sinh viên đã ghi vào bản mô tả lần đầu với đánh giá sau này họ nói là họ đã ghi. Một nửa số sinh viên, những người ban đầu cho thấy rằng họ đã nghĩ bản mô tả là “hoàn hảo” (đánh giá ở mức điểm cao nhất, mức 5) sau đó lại khẳng định rằng không phải như vậy, và nói rằng họ đã đưa ra mức đánh giá thấp hơn. Dường như những người cả tin nhất thà tự lừa dối bản thân còn hơn là đối diện với sự cả tin của mình.

Nghiên cứu hiệu ứng Phineas Taylor Barnum

Vào những năm 1950, nhà tâm lý học Paul Meehl đã đặt tên cho phát hiện đầu tiên của Forer là “Hiệu ứng Barnum”, sau khi ông bầu người Mỹ Phineas Taylor Barnum, người từng nổi tiếng khi nói rằng bất kỳ sự kiện ồn ào nào cũng đều có điều gì đó dành cho mọi người. Nghiên cứu được tiến hành trong nhiều năm của ông đã cho thấy rằng hầu hết mọi người đều dễ mắc Hiệu ứng Barnum – kể cả nam giới và nữ giới, người trẻ và người già, những người tin vào chiêm tinh học lẫn những người hoài nghi, sinh viên, và thậm chí cả các nhà quản lý nhân sự.

Một trong những nghiên cứu thú vị nhất tiếp theo được nhà nghiên cứu người Pháp Michel Gauquelin tiến hành. Gauquelin đã gửi những thông tin chi tiết về ngày sinh của bác sĩ Marcel Petiot, kẻ giết người hàng loạt khét tiếng người Pháp, đến một công ty sử dụng máy tính công nghệ cao để tạo ra lá số tử vi được cho là chính xác. Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Petiot đã nói với những nạn nhân của hắn rằng hắn có thể giúp họ thoát khỏi nước Pháp bị Đức quốc xã xâm chiếm, nhưng thay vào đó, hắn lại tiêm thuốc độc và nhìn họ chết từ từ. Petiot sau đó đã nhận tội sát hại 19 người và bị tử hình vào năm 1946. Lá số lập bằng máy tính được kiểm soát để bỏ qua tất cả những mặt ghê rợn trong cuộc đời của Petiot, và thay vào đó tạo ra cùng một kiểu tiên đoán Barnum ôn hòa, thứ từng được sử dụng mang lại ảnh hưởng lớn như Forer đã làm, lời tiên đoán này bao gồm:

Tính mềm dẻo và dễ thích nghi của ông bộc lộ qua kỹ năng và hiệu quả công việc; thiên hướng quy củ, kiểm soát và cân bằng cũng giúp ích cho sự năng động của ông. Ông có đầu óc tổ chức quản lý về mặt xã hội, xử lý thông tin và tri thức. Ông thể hiện mình là một người chấp nhận những quy tắc xã hội, thích sự đúng mực và có lương tri – một công dân thuộc tầng lớp trung lưu, có suy nghĩ đúng đắn, đáng được coi trọng.

Mặc dù Petiot bị thi hành án vào năm 1946, nhưng tử vi lại dự đoán rằng giữa năm 1970 và 1972, hắn sẽ trải qua một bước ngoặt để tạo ra những gắn kết liên quan đến đời sống tình cảm”.

Lấy cảm hứng từ đây, Gauquelin sau đó đã đặt một quảng cáo trên một tờ báo nổi tiếng, cung cấp miễn phí những lá tử vi do máy tính lập. Hơn 150 người trên khắp nước Pháp đã hồi đáp, và Gauquelin đã gửi cho từng người một đoạn thông tin dựa trên những thông tin chi tiết ngày sinh của Petiot. Ông cũng đã đề nghị họ đánh giá mức độ chính xác mà tử vi mô tả về tính cách của họ. 94% số người nhận được lá tử vi nói nó rất chính xác. Một người đã viết cho Gauquelin, nhấn mạnh, “Lá số do máy tính tạo ra thật kỳ diệu… Sẽ hơi quá nếu tôi nói rằng nó thật ngoạn mục”, trong khi một người khác thì viết “Thực là hoàn toàn bối rối khi một chiếc máy điện tử lại có thể khám phá được tính cách và tương lai của mọi người”. Một vài người thì quá ấn tượng đến nỗi họ đề nghị trả tiền để Gauquelin phân tích chi tiết hơn.

Vậy tại sao lại có quá nhiều người bị hấp dẫn bởi những kiểu bói toán này?

Mọi người tin vào những lời tiên đoán trong lá số vì chúng đúng với số đông. Hơn cả, những người không gặp phải các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến một quyết định quan trọng liệu có không muốn người khác ngưỡng mộ mình, hoặc không cố gắng để có được cảm giác an toàn hay không? Ngay cả những lời tiên đoán nghe có vẻ cụ thể cũng có thể đúng với một tỷ lệ lớn dân số. Vài năm trước, một đồng nghiệp của tôi, nhà tâm lý học Susan Blackmore đã khảo sát hơn 6.000 người, hỏi họ về những lời tiên đoán cụ thể trích từ những bài bói toán huyền bí, chẳng hạn như, “Có người trong gia đình bạn tên là Jack”. Cô đã khám phá ra rằng khoảng 1/3 số người có sẹo ở đầu gối trái, 1/3 số khác có băng hoặc đĩa CD Water Music của Handel, 1/5 số người có người trong gia đình tên Jack, và khoảng 1/10 số người đêm trước đó đã mơ về người mà họ không gặp nhiều năm. Có vẻ nhiều câu tiên đoán kiểu Barnum chính xác vì hầu hết hướng suy nghĩ và cư xử của mọi người đều dễ dự đoán được một cách bất ngờ.

Tiếp đó là “hiệu ứng xu nịnh”. Đa phần mọi người đều rất muốn tin vào bất cứ điều gì khiến họ có suy nghĩ tích cực, vì thế họ dễ chấp nhận những lời tiên đoán rằng họ có khả năng tiềm ẩn rất lớn hoặc là những người có tư duy độc lập. Hiệu ứng này giải thích tại sao một nửa dân số tin vào thuật chiêm tinh. Mười hai cung hoàng đạo được chia thành sáu cung “tích cực” (Bạch Dương, Song Tử, Sư Tử, Thiên Bình, Nhân Mã và Bảo Bình) và sáu cung “tiêu cực” (Kim Ngưu, Cự Giải, Xử Nữ, Bọ Cạp, Ma Kết và Song Ngư). Các đặc trưng liên quan tới những cung tích cực có xu hướng được ưa thích hơn so với những cung tiêu cực. Những người sinh vào cung Thiên Bình được xem là những người tìm kiếm sự yên bình và cái đẹp, trong khi những người thuộc cung Kim Ngưu lại được coi là thực dụng hơn và dễ buồn phiền. Nhà tâm lý học Margaret Hamilton, Đại học Wisconsin, đã đề nghị mọi người cung cấp ngày sinh và đánh giá mức độ họ tin vào chiêm tinh học trên bảy mức độ. Khi được tiên đoán bằng “hiệu ứng xu nịnh”, những người sinh ở các cung “tích cực” tin vào chiêm tinh học nhiều hơn đáng kể so với những người sinh ở các cung “tiêu cực”.

Công trình nghiên cứu của Forer và những người tiếp bước chứng minh làm cách nào thuật chiêm tinh lại lừa bịp được hàng triệu người trong hàng nghìn năm qua. Các nhà chiêm tinh học có thể tạo ra bất kỳ chuyện cổ vớ vẩn nào, miễn là nó đủ mơ hồ và hão huyền, thì đa phần mọi người sẽ đánh dấu vào ô “rất chính xác”. Vì vậy, thực tế bằng chứng khoa học ủng hộ chiêm tinh học không mấy nổi trội, nên sẽ rất thú vị khi kết luận rằng không có khoa học thực sự gắn liền với ngày sinh của một người.

Hấp dẫn, nhưng hoàn toàn sai.

Khoa học nghiên cứu thời gian và trí não

Tâm lý học thời gian là một ngành khoa học khá mới mẻ và và mơ hồ, nghiên cứu về mối quan hệ giữa thời gian và trí não. Nhiều công trình nghiên cứu trong lĩnh vực này liên quan đến nhịp sinh học, thay đổi công việc và hội chứng mệt mỏi sau chuyến bay dài.

Năm 1962, nhà thám hiểm hang động và nhà địa chất học người Pháp Michel Siffre quyết định dành trọn hai tháng dưới lòng đất theo dõi sự dịch chuyển của một dòng sông băng xuyên qua một hang động băng dưới lòng đất. Thay vì đơn giản là chỉ ngồi đó đo đạc và chơi không, Siffre đã tạo ra điều thú vị nhất của việc bị cách ly dưới lòng đất bằng cách tiến hành một thí nghiệm đặc biệt về tâm lý học thời gian. Siffre quyết định không mang theo vào hang động bất kỳ loại đồng hồ nào, và buộc bản thân phải dựa hoàn toàn vào đồng hồ sinh học của cơ thể để quyết định giờ nào thì thức và giờ nào thì ngủ. Mối liên hệ duy nhất của Siffre với thế giới bên ngoài là chiếc điện thoại được cung cấp một đường truyền trực tiếp đến nhóm các nhà nghiên cứu ở trên mặt đất. Siffre gọi cho nhóm nghiên cứu bất cứ khi nào ông đi ngủ và tỉnh dậy và đôi khi trong lúc ông đang thức. Mỗi lần đó, những người tiến hành thí nghiệm trên mặt đất không cho ông biết bất cứ dấu hiệu nào về thời gian thực tế. Bị thiếu ánh sáng mặt trời hơn 60 ngày trong căn lều nilon nằm cách mặt đất khoảng 115m, những cuộc gọi của Siffre cho thấy khả năng suy đoán thời gian của ông đã trở nên hoàn toàn sai lệch. Lúc gần kết thúc thí nghiệm, ông gọi điện lên mặt đất và tin chắc rằng mới chỉ một giờ trôi qua từ lúc ông gọi điện lần cuối – trong khi thực tế là đã vài giờ. Khi được đưa ra khỏi hang động sau hai tháng, Siffre tin chắc rằng thí nghiệm đã kết thúc sớm và mới chỉ diễn ra trong 34 ngày. Thí nghiệm này đã đưa ra một minh họa đáng chú ý của việc ánh sáng ban ngày giúp đồng hồ bên trong cơ thể chúng ta duy trì thời gian chính xác như thế nào.

Một công trình nghiên cứu tâm lý học thời gian khác đã nghiên cứu những cách giảm thiểu tác động của tình trạng rối loạn khó chịu và phổ biến nhất mà đồng hồ sinh học của cơ thể ngày nay phải đối mặt – tình trạng rối loạn do lệch múi giờ. Một trong những nghiên cứu đặc biệt và gây tranh cãi nhất trong lĩnh vực này được Scott Campbell và Patricia Murphy, Đại học Cornel tiến hành vào cuối những năm 1990, và liên quan đến ánh sáng chiếu vào đầu gối. Công trình nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng việc ánh sáng chiếu vào mắt con người sẽ đánh lừa não tăng tốc hoặc giảm tốc đồng hồ sinh học, và vì vậy có thể giúp vượt qua những tác động của tình trạng rối loạn do lệch múi giờ. Campbell và Murphy băn khoăn liệu con người có thể phát hiện ra những dấu hiệu tương tự từ những bộ phận khác của cơ thể hay không. Vì đầu gối chứa một lượng lớn các mạch máu sát với bề mặt da, nên họ đã quyết định thử nghiệm tình trạng tồi tệ này bằng cách sử dụng đèn halogen được thiết kế đặc biệt để chiếu vào vùng này. Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy rằng khả năng thay đổi đồng hồ sinh học của ánh sáng được chiếu vào đầu gối cũng tương đương như ánh sáng được chiếu trực tiếp vào mắt.

Vậy mối liên hệ giữa những tư tưởng chiêm tinh học nền tảng và lĩnh vực nghiên cứu khoa học đầy thú vị này là gì? Không phải tâm lý học thời gian là về việc dành hàng tháng trời trong những hang động và chiếu đèn vào đầu gối. Một nhánh khác của ngành khoa học bí ẩn này đã thu hút một số ít các nhà khoa học tham gia thử nghiệm những ảnh hưởng khó nhận thấy mà ngày sinh có thể tác động nhiều hơn lên cách mọi người suy nghĩ và cư xử.

Khái niệm phía sau nhánh nghiên cứu đặc biệt của ngành khoa học hành vi này được công trình của nhà tâm lý học Hà Lan, Ad Dudink minh họa rất hay. Sau khi phân tích ngày sinh của gần 3.000 cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Anh, Dudink đã phát hiện ra rằng số người sinh ra từ tháng Chín đến tháng Mười một nhiều gấp đôi số người được sinh ra từ tháng Sáu đến tháng Tám. Có vẻ ngày sinh của một người dự đoán được thành công trong thể thao của họ. Một số người có thể đã xem kết quả này như bằng chứng thuyết phục dành cho chiêm tinh học, cho rằng vị trí những ngôi sao gắn liền với cung Xử Nữ, Thiên Bình, Bọ Cạp và Nhân Mã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những vận động viên thành công. Tuy nhiên, vẫn có một lời giải thích thú vị và thực tế hơn cho kết quả kỳ lạ của Dudink.

Thời điểm ông tiến hành phân tích vào đầu những năm 1990, các cầu thủ bóng đá người Anh đang bắt đầu bộc lộ tài năng, họ đủ điều kiện chơi bóng chuyên nghiệp nếu đủ 17 tuổi khi mùa giải bắt đầu vào tháng Tám. Do đó, những cầu thủ tiềm năng được sinh ra trong khoảng từ tháng Chín đến tháng Mười một lớn hơn khoảng 10 tháng tuổi và trưởng thành hơn về mặt thể chất so với những người sinh vào khoảng từ tháng Sáu đến tháng Tám. 10 tháng tuổi này đã chứng tỏ sự có lợi thực sự khi nó trở thành sức mạnh, sức bền và tốc độ cần thiết để chơi bóng, với kết quả này, những người sinh ra vào giữa tháng Chín và tháng Mười một có khả năng được chọn chơi ở hạng chuyên nghiệp.

Nhiều năm nghiên cứu đã cho thấy số lượng bằng chứng áp đảo về hiện tượng này trong nhiều lĩnh vực thể thao. Mỗi khi bắt đầu một mùa giải thể thao, số lượng những vận động viên sinh vào vài tháng trước mùa giải đều rất nhiều. Từ Giải Bóng chày Nhà nghề Mỹ đến giải cricket cấp hạt của Anh, giải khúc côn cầu trên băng của Canada đến giải bóng đá của Brazil, tháng sinh của các vận động viên liên quan trực tiếp đến thành tích thi đấu của họ.

Những ảnh hưởng tâm lý học thời gian này không bị giới hạn trong cuộc đời của các vận động viên chuyên nghiệp. Chúng cũng là nhân tố đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của mọi người – đó là may mắn.

Sinh ra đã may mắn?

Bạn là người may mắn hay đen đủi? Tại sao một số người dường như luôn gặp may, trong khi những người khác lại hay xui xẻo? Liệu mọi người có thể thay đổi vận may của mình hay không? Khoảng 10 năm trước, tôi đã quyết định trả lời những câu hỏi hấp dẫn này bằng cách tiến hành nghiên cứu đi sâu vào tâm lý học của sự may mắn. Do vậy, tôi làm việc với khoảng 1.000 người đặc biệt may mắn và không may mắn từ nhiều tầng lớp trong xã hội.

Sự khác biệt giữa cuộc sống của những người may mắn và không may luôn luôn rõ rệt. Những người may mắn dường như luôn ở đúng nơi vào đúng thời điểm, luôn thành công và có một khả năng thần bí để sống một cuộc sống may mắn. Những người kém may mắn thì hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống của họ có xu hướng là một loạt thất bại và tuyệt vọng, và họ bị thuyết phục rằng vận rủi của họ không phải là do bản thân gây ra. Một trong những người kém may mắn nhất trong nghiên cứu này là Susan, một trợ lý 34 tuổi đến từ Blackpool. Susan đặc biệt kém may mắn trong chuyện tình cảm. Một lần, cô sắp xếp cuộc hẹn với một người đàn ông không quen, nhưng anh chàng tiềm năng này lại gặp tai nạn xe máy trên đường đến buổi hẹn và bị gãy cả hai chân. Người đàn ông trong buổi hẹn tiếp theo thì đâm vào cửa kính và bị vỡ mũi. Vài năm sau, khi đã tìm được vị hôn phu thì nhà thờ nơi cô định tổ chức đám cưới bị cháy rụi ngay trước ngày trọng đại của cô do một kẻ cố tình phóng hỏa. Susan cũng đã trải qua một loạt những tai nạn bất ngờ. Trong một lần cực kỳ xui xẻo, cô cho biết mình đã gặp tám tai nạn ô tô trên một hành trình chỉ 80 km.

Tôi băn khoăn liệu vận may và vận rủi có thực sự là ngẫu nhiên, hay liệu tâm lý học có thể giải thích được những cuộc đời hoàn toàn khác biệt này hay không, vì vậy tôi đã thiết kế một loạtnghiên cứu để điều tra. Trong một nghiên cứu đặc biệt đáng nhớ, tôi đã đưa cho một vài người tình nguyện tham gia nghiên cứu một tờ báo, đề nghị họ xem hết và nói cho tôi biết trong đó có bao nhiêu bức ảnh. Tôi không cho họ biết rằng tôi đã đặt vào nửa sau của tờ báo một cơ hội bất ngờ. “Cơ hội” này là một bức ảnh lớn, chiếm nửa trang, thông báo rằng “Bạn sẽ nhận được 100 Bảng khi nói cho người tiến hành thì nghiệm rằng bạn nhìn thấy thông báo này”. Những người kém may mắn có xu hướng quá tập trung vào việc đếm những bức ảnh đến nỗi không để ý đến cơ hội. Trái lại, những người may mắn thì thoải mái hơn nên đã nhìn thấy bức ảnh lớn hơn, do đó đã bắt được cơ hội giành 100 Bảng. Đó là minh chứng đơn giản cho việc những người may mắn có thể tạo ra vận may cho chính mình bằng việc trở nên năng động hơn để tận dụng tối đa cơ hội bất ngờ.

Những kết quả như vậy tiết lộ rằng những người tình nguyện đã tạo ra nhiều vận may và vận rủi của họ theo cách họ suy nghĩ và cư xử. Những người may mắn thường lạc quan, mạnh mẽ và đón nhận những cơ hội và trải nghiệm mới. Trái lại, những người kém may mắn lại khép kín, lúng túng, lo lắng về cuộc sống hơn, và không sẵn sàng đón nhận những cơ hội đến với họ.

Một vài nghiên cứu gần đây nhất của tôi trong lĩnh vực này là về sự thay đổi tâm lý học thời gian, khám phá xem liệu câu ngạn ngữ nói rằng một số người sinh ra đã may mắn có đúng không. Dự án này bắt nguồn từ một thư điện tử gây tò mò mà tôi nhận được vào năm 2004 từ Giáo sư Jayanti Chotai, một nhà nghiên cứu tại Đại học Hospital, Umeå, Thụy Điển.

Phần lớn công trình của Jayanti nghiên cứu mối quan hệ giữa ngày sinh của mọi người với các khía cạnh khác nhau của sức khỏe tâm lý và thể chất của họ. Trong một nghiên cứu của mình, Jayanti đã đề nghị một nhóm khoảng 2.000 người hoàn thành bảng câu hỏi đo mức độ họ tự mô tả bản thân như những người tìm kiếm cảm xúc (sensation-seeker), sau đó xem xét xem liệu có mối liên hệ nào giữa điểm trả lời bảng câu hỏi với tháng sinh hay không. Sự mới lạ và tìm kiếm cảm xúc là những khía cạnh nền tảng của nghiên cứu tính cách của chúng tôi. Những người tìm kiếm cảm xúc mạnh không thể chịu được việc xem những bộ phim họ đã xem trước đó, thích được những người khó đoán vây quanh, và bị hấp dẫn bởi những trò thể thao mạo hiểm như leo núi hoặc nhảy bungee(4). Trái lại, những người không thích tìm kiếm cảm giác lại thích xem đi xem lại các bộ phim, thích sự thân thiết thoải mái của những người bạn cũ, và không thích đến những nơi mà họ chưa từng đến. Kết quả nghiên cứu của Jayanti đã cho thấy rằng những người tìm kiếm cảm giác có xu hướng sinh vào mùa hè, trong khi những người thoải mái với những thứ quen thuộc có xu hướng sinh vào mùa đông.

Bức thư của Jayanti giải thích rằng ông đã đọc nghiên cứu của tôi về mối liên hệ giữa tính cách và vận may, và băn khoăn liệu một số người có thực sự sinh ra đã may mắn hay không. Đó là một ý tưởng hấp dẫn và hai chúng tôi đã quyết định cùng khám phá xem liệu câu ngạn ngữ đó có sự thật nào hay không.

Công trình nghiên cứu trước đó của Jayanti đã gợi ý rằng đúng là có mối liên hệ giữa tháng sinh của mọi người và tính cách của họ, nhưng rất nhỏ. Để phát hiện được những ảnh hưởng rất nhỏ này chúng tôi cần tiến hành một thí nghiệm có hàng nghìn người tham gia. Chúng tôi cũng biết rằng đó không phải là điều dễ dàng. Việc có được vài trăm sinh viên tham gia vào nghiên cứu đã là vấn đề khó khăn, trong khi chúng tôi cần hàng nghìn người từ mọitầng lớp trong xã hội tham gia. May mắn thay, hướng giải quyết khá khả thi.

Hội chợ Khoa học Quốc tế Edinburgh tổ chức tại Scotland là một trong những lễ hội khoa học lâu đời nhất thế giới, và là lễ hội lớn nhất châu Âu. Bằng cách biến nghiên cứu thành một phần của lễ hội, chúng tôi có thể thu hút được số lượng người cần thiết để tham gia nghiên cứu. Các nhà tổ chức lễ hội đã cho phép chúng tôi tạo một trang web đơn giản để mọi người có thể nhập ngày sinh của họ và trả lời bảng câu hỏi chuẩn mà tôi đặt ra để đánh giá mức độ may mắn của họ.

Việc tiến hành những nghiên cứu công khai trên quy mô lớn luôn là một công việc khó đoán định. Không giống với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, bạn chỉ có một cơ hội để làm tốt, và bạn không bao giờ biết liệu mọi người có dành thời gian để tham gia không. Tuy nhiên, nghiên cứu của chúng tôi đã thu hút sự tò mò của công chúng và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu. Trong vòng vài giờ công bố, đã có hàng trăm người truy cập trang web. Đến cuối lễ hội chúng tôi đã thu thập được dữ liệu từ hơn 40.000 người.

Kết quả thật ấn tượng. Jayanti đã tìm được những người sinh vào mùa hè là những người thích mạo hiểm. Kết quả của chúng tôi đã cho thấy những người sinh vào mùa hè (từ tháng Ba đến tháng Tám) cũng tự đánh giá bản thân là người may mắn hơn những người sinh vào mùa đông (từ tháng Chín đến tháng Hai). Biểu đồ mức độ may mắn trải dài 12 tháng không đồng đều, cao nhất là vào tháng Năm và thấp nhất vào tháng Mười (xem biểu đồ dưới). Chỉ có tháng Sáu là không khớp với mô hình – chúng tôi đã ghi chú vào bảng thống kê.

Có rất nhiều lời giải thích hợp lý cho một hiện tượng như thế này. Nhiều lời giải thích trong số đó xoay quanh quan điểm cho rằng nhiệt độ môi trường vào mùa đông thấp hơn mùa hè. Có lẽ do những trẻ được sinh ra vào mùa đông tiếp nhận một môi trường khắc nghiệt hơn những trẻ được sinh ra vào mùa hè, nên chúng gần gũi hơn với những người đã chăm sóc chúng, do đó, cũng ít mạo hiểm hơn và kém may mắn hơn trong cuộc sống. Hoặc có thể do người mẹ sinh con vào mùa đông đã ăn nhiều loại thực phẩm hơn những người sinh vào mùa hè, và điều này đã tác động lên tính cách đứa con của họ. Dù lời giải thích là gì, thì hiện tượng này cũng khá hấp dẫn về mặt lý thuyết, và gợi mở rằng nhiệt độ môi trường trong khoảng thời gian một người được sinh ra có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển tính cách của họ.

Kết quả may mắn theo thời gian sinh: Tỷ lệ những người may mắn được sinh ra vào mỗi tháng trong năm.
Nhưng trước khi chấp nhận bất kỳ lời giải thích nào liên quan đến nhiệt độ môi trường, thì quan trọng là phải loại trừ được những cơ chế có khả năng khác. Có thể hiện tượng này không liên quan đến nhiệt độ, nhưng thay vào đó nó liên quan đến một vài yếu tố khác thay đổi qua các năm. Những người tin vào chiêm tinh học có thể lập luận rằng hoạt động siêu linh ảnh hưởng đến tính cách của mọi người, và sự thẳng hàng của những hành tinh và ngôi sao trong những tháng mùa hè bằng cách nào đó mang lại cuộc sống may mắn hơn.

Cách duy nhất đánh giá được những lời giải thích gây tranh cãi này là lặp lại nghiên cứu ở nơi có mối liên hệ khác biệt giữa nhiệt độ và tháng sinh trong năm. Nếu những lời giải thích liên quan đến nhiệt độ là đúng, thì những tháng ấm hơn sẽ vẫn gắn liền với những người may mắn. Nếu những lời giải thích của chiêm tinh học là đúng, thì tháng Năm, Sáu và Bảy… sẽ vẫn nổi lên là những tháng may mắn.

Những người sống ở Bắc bán cầu và Nam bán cầu trải nghiệm gần như chính xác mối quan hệ đối lập giữa nhiệt độ và tháng trong năm. Ở Bắc bán cầu, nhiệt độ cao vào tháng Sáu và lạnh vào tháng Mười hai. Ở Nam bán cầu thì ngược lại, tháng Sáu là tháng mùa đông trong khi tháng Mười hai lại là mùa hè chói chang. Vì thế, tôi quyết định so sánh những lời giải thích liên quan đến nhiệt độ và chiêm tinh của hiện tượng “sinh ra may mắn” bằng cách tiến hành lại nghiên cứu ở vùng khác của Trái Đất.

Thành phố Dunedin nằm ở đông nam bờ biển của hòn đảo phía Nam New Zealand, và là cái nôi của hội chợ khoa học diễn ra hai năm một lần. Năm 2006, tôi nhận được một bức thư điện tử từ những nhà tổ chức lễ hội ở New Zealand này. Họ nghe nói đến nhu cầu tiến hành lại thí nghiệm “sinh ra may mắn” ở Nam bán cầu và băn khoăn liệu tôi có muốn tiến hành lần nữa ở lễ hội họ tổ chức không. Tôi đã sớm hướng sang New Zealand.

Truyền thông quốc gia của New Zealand và Australia đã đưa tin thí nghiệm “Sinh ra may mắn lần hai”, và giúp thu hút mọi người đến một trang web được thiết kế đặc biệt khác. Trong vòng vài ngày, hơn 2.000 người đã cung cấp tháng sinh của mình và đánh giá mức độ may mắn của họ trong cuộc sống. Những kết quả này thiên về lời giải thích liên quan đến nhiệt độ. Những người sinh ra vào các tháng mùa hè ở Nam bán cầu (tháng Chín đến tháng Hai) cho rằng bản thân họ đặc biệt may mắn hơn những người sinh vào mùa đông (tháng Ba đến tháng Tám). Một lần nữa, mô hình không đều thể hiện qua 12 tháng, nhưng lần này nó ở mức cao nhất vào tháng Mười hai và thấp nhất vào tháng Tư.

Các nghiên cứu như nghiên cứu Sinh ra may mắn gợi ý rằng tháng sinh có ảnh hưởng tuy nhỏ nhưng rõ ràng lên cách mọi người cư xử. Nhưng nghiên cứu khác lại điều tra chính xác về tác động ngược lại, cụ thể là cách mọi người cư xử ảnh hưởng đến ngày sinh của chính họ và người khác như thế nào.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

15 cuốn sách hay về tâm lý học giúp thay đổi cuộc sống

Tâm lý học là một lĩnh vực nghiên cứu về quy luật chung nhất của sự vận động thế giới đời sống con người dưới sự tác động qua lại tích cực của cá nhân với thực tại khách quan. Ở phạm vi bài viết này Vnwriter giới thiệu những quyển sách tâm lý học… Đọc thêm

Nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 99k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 149k tại các tỉnh thành khác. Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 150k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

TỚI NƠI BÁN