Ráy tai có máu cảnh báo nhiễm trùng, chấn thương – VnExpress
Chấn thương ống tai, nhiễm trùng tai nặng, khối u khiến chảy máu tai và có thể gây ra biến chứng nếu không điều trị.
Theo Healthline, ráy tai tự nhiên thường có màu hơi vàng, nâu hoặc đen. Tuy nhiên, ráy tai màu đỏ cho thấy có máu trộn lẫn, do nhiều nguyên nhân và không nhất thiết đến bác sĩ. Một số trường hợp như chấn thương nặng, đau tai hoặc vấn đề nghiêm trọng khác cần khám ngay.
Nguyên nhân
Chấn thương ống tai: một nguyên nhân phổ biến gây ráy tai có máu là vô tình làm tổn thương ống tai. Làm sạch tai bằng ngón tay hoặc tăm bông khiến tai bị xước. Thương tích cũng có thể xảy ra khi trẻ nhỏ bị kẹt đồ chơi nhỏ, que hoặc các vật dụng khác trong tai. Mặc dù vết thương ở ống tai nhẹ nhưng bạn nên đề phòng nhiễm trùng với biểu hiện đau đớn, sưng tấy, giải phóng khí… Hầu hết chảy máu do chấn thương nhẹ sẽ tự hết. Nhưng nếu kéo dài thì bạn nên gặp bác sĩ.
Nhiễm trùng tai nặng: nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) khiến màng nhĩ bị viêm đỏ, đau và tiết dịch. Khi tình trạng nặng gây tích tụ chất lỏng phía sau màng nhĩ, khiến màng nhĩ bị vỡ và chảy máu. Nếu ráy tai có nhiều máu hoặc máu chảy ra từ tai, bạn bị nhiễm trùng nặng nên khám ngay.
Chấn thương màng nhĩ: khiến màng nhĩ tổn thương và chảy máu ra tai. Chấn thương màng nhĩ xảy ra khi chơi thể thao, tai nạn… bị ngã và va đập ở đầu hay vùng tai. Trong trường hợp này, bạn cần cấp cứu.
Thủng màng nhĩ: là một chấn thương khá nghiêm trọng, chảy máu và khiến cho ráy tai có máu. Thủng màng nhĩ thường do nhiễm trùng tai, lấy ráy tai sai cách, vật sắc nhọn mắc kẹt sâu trong ống tai, tiếng ồn rất lớn.
Cholesteatoma: là khối u lành tính tích tụ ở phần giữa của tai, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai, gây chảy nước và giảm thính lực. Cholesteatoma không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng tai, khiến chảy máu và phải phẫu thuật cắt bỏ.
Ung thư tai: là một nguyên nhân hiếm gặp nhưng nếu nghiêm trọng làm cho ráy tai có máu. Ung thư tai thường do các loại ung thư da khác nhau gây ra, ảnh hưởng đến tai ngoài và ống tai. Ngoài các vết loét chảy máu và các tổn thương khác do ung thư, người bệnh có thể bị tê và mất thính giác.
Lối sống: một số thói quen như bơi lội, chơi thể thao và vệ sinh tai quá mức đều góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chấn thương, gây ra ráy tai có máu. Thay đổi áp suất đột ngột do chấn thương sọ não, đi bộ đường dài, lặn, trên máy bay cũng có thể bị vỡ màng nhĩ.
Lấy ráy tai bằng tăm bông có thể làm xước, chảy máu gây ráy tai có máu, dễ nhiễm trùng. Ảnh: Freepik.
Điều trị
Thông thường, khi điều trị ráy tai có máu bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng này mà có những phương pháp khác nhau:
Xem xét và chờ tự khỏi: nếu các vết thương nhỏ hoặc trầy xước nhẹ ống tai, nhiễm trùng tai giữa nhẹ. Trường hợp màng nhĩ bị rách nhỏ cũng có thể tự lành trong vài tháng.
Thuốc kháng sinh: nếu tình trạng nhiễm trùng nhỏ không cải thiện sau vài ngày, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc kháng sinh ở dạng uống hoặc nhỏ tai.
Thuốc ống tai: loại thuốc này được dùng cho trường hợp nhiễm trùng tai mạn tính để giúp ngăn tiết dịch trong tai, máu chảy ra tai.
Lấy dị vật: dị vật bị kẹt làm tai bị thương, bạn cần đến bác sĩ để lấy ra, không nên tự lấy tại nhà để an toàn mà không gây thêm thương tích cho tai.
Phẫu thuật: phương pháp này được áp dụng để loại bỏ cholesteatoma, u lành hoặc tế bào ung thư ra khỏi tai.
Tạo hình tai: là một loại phẫu thuật được áp dụng khi màng nhĩ bị chấn thương, bị thủng không thể tự lành.
Bạn có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau không kê đơn khi đau, khó chịu liên quan đến chấn thương nhỏ và nhiễm trùng tai nhẹ. Bạn có thể làm mềm ráy tai bằng cách thoa tinh dầu ấm để lấy ra dễ dàng hơn nhưng cần cẩn thận. Ráy tai có máu có thể kèm các triệu chứng tạm thời như chảy mủ, đau, sưng và sốt. Khi máu chảy nhiều, các triệu chứng đi kèm kéo dài, bạn nên đi khám ngay. Nếu không được điều trị, các biến chứng có thể xảy ra như mất thính lực, ù tai, đau đớn kéo dài, viêm màng não, chậm nói ở trẻ em.
Mai Cát
(Theo Healthline)