Rất nhiều ngày sau khi bị chó cắn mới phát bệnh dại
Vết thương nhỏ, đã liền sẹo
Nạn nhân là bé T.M.L (16 tháng tuổi, ở Phú Thọ). Trẻ được đưa vào Bệnh viện (BV) Sản nhi tỉnh Phú Thọ ngày 12.8 trong tình trạng rất nặng do suy hô hấp, tím tái toàn thân, ý thức lơ mơ; được chẩn đoán shock nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, nhiễm trùng huyết , chưa loại trừ viêm cơ tim cấp và viêm não – màng não.
Trẻ ngay lập tức được các y bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị tích cực, thở máy nâng cao, dùng các thuốc trợ tim vận mạch… để duy trì sự sống, nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn nặng lên.
Thăm khám kỹ, các bác sĩ phát hiện mi mắt dưới của trẻ có vết sẹo mờ. Lúc này, gia đình cho biết khoảng 1 tháng trước nhập viện, trong lúc ở bên ngoài, trẻ bị chó thả rông gây vết thương nhỏ (gia đình không rõ do bị cắn hay cào), khiến vùng mi mắt dưới bên trái của trẻ bị rách da. Gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện khâu vết thương và nhân viên y tế chỉ định cho trẻ tiêm vắc xin phòng dại. Tuy nhiên, “khi đó, thấy vết thương nhỏ và sợ tiêm phòng dại có thể làm suy giảm trí nhớ nên gia đình không đưa bé đi tiêm phòng”, gia đình cho biết.
“Khi đưa trẻ vào nhập viện lần này, gia đình cũng quên mất việc bé từng tiếp xúc không an toàn với chó trước đó”, bác sĩ điều trị chia sẻ.
Bệnh nhi (BN) được chọc dịch não tủy làm xét nghiệm và kết quả đã tìm thấy nhiều vi rút dại trong dịch não tủy . BN đã tử vong sau đó.
Ngày 26.8, Khoa Bệnh nhiệt đới của BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bé V.V.H (4 tuổi, ở Phú Thọ) vào viện trong tình trạng kích thích, hoảng hốt, la hét, nói không rõ trọng tâm, tay chân vận động không rõ định hướng, tăng trương lực cơ toàn thân.
Gia đình cho biết trước khi vào viện khoảng 2 tháng, BN bị chó cắn ở cằm nhưng gia đình không cho bé đi tiêm phòng dại. 2 ngày trước nhập viện, trẻ nôn khan nhiều kèm theo kích thích, quấy khóc, sợ nước, sợ gió, hoảng loạn.
Nghi ngờ trẻ bị bệnh dại, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy của BN làm xét nghiệm và phát hiện rất nhiều vi rút dại. BN cũng không qua khỏi sau đó không lâu.
Có thể ủ bệnh cả năm
Theo Th.S-BS Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, BV Sản nhi tỉnh Phú Thọ, bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn, vết cào, hoặc vệt liếm của con vật bị bệnh dại lên vùng da bị tổn thương. Biểu hiện của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Người đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100%.
“Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh có thể rất dài và phát hiện bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn. Thường sau vài tuần kể từ khi có yếu tố nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể cả năm, khi vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí khi người bệnh đã quên từng bị chó cắn”, bác sĩ Hưng cho biết.
Bác sĩ lưu ý bố mẹ, người chăm sóc trẻ cần quan sát, chú ý trông nom trẻ cẩn thận, không nên cho trẻ chơi chung với chó, mèo nhiều. Chó, mèo trong gia đình bắt buộc phải tiêm phòng đầy đủ định kỳ. Khi nghi ngờ trẻ có tiếp xúc không an toàn với chó, mèo hoặc bị chó, mèo cào, cắn, liếm lên vết thương hở, trẻ cần được tiêm phòng dại ngay.
Bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin hay huyết thanh kháng dại. Nếu tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ, có thể phòng bệnh 100%.
Ngày thế giới phòng chống bệnh dại 28.9 năm nay, Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tất cả các ngành, các cấp cần hành động để hướng tới việc chấm dứt các trường hợp tử vong ở người do bệnh dại trên toàn thế giới vào năm 2030.
Trong hơn một năm qua, toàn thế giới nhanh chóng ứng phó với đại dịch Covid-19 và đưa ra được những sáng kiến để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh bao gồm việc tiêm vắc xin. Trái lại, mặc dù cũng được xem là một căn bệnh truyền nhiễm trong hơn một ngàn năm qua và gây tử vong cho nhiều người bao gồm cả trẻ em tại Việt Nam, nhưng bệnh dại vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ để có thể kiểm soát sự lây lan và hậu quả của nó.
(Nguồn: Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam)