Rào cản lớn nhất là nhận thức – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

Rào cản lớn nhất là nhận thức

Thanh Phương thực hiện

Chị Hoàng Yến (áo trắng, bên trái) và đội ngũ nhân sự khiếm thính của hội quán “Đời rất đẹp”.

(TBKTSG) – Ngày càng có nhiều hoạt động của các tổ chức, đoàn thể kêu gọi xã hội có cái nhìn bình đẳng đối với cộng đồng người khuyết tật (NKT), cũng như khuyến khích NKT tự tin hòa nhập xã hội. Tuy vậy, hoàn cảnh thực tế chưa thực sự dễ dàng cho các hoạt động này phát triển.

Chị Võ Thị Hoàng Yến, thạc sĩ chuyên ngành phát triển con người (Đại học Kansas, Mỹ), người sáng lập và điều hành Chương trình Khuyết tật và Phát triển (Disability Resource and Development – DRD), cho rằng rào cản lớn nhất vẫn là do nhận thức chung của xã hội về các vấn đề khuyết tật còn… lạc hậu!

TBKTSG: Chị từng phát biểu tại một số cuộc hội thảo về NKT rằng nhìn chung, tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử đối với NKT vẫn tồn tại trong xã hội, không dễ thay đổi. DRD có thông điệp nào cho việc thay đổi nhận thức?

Chị Võ Thị Hoàng Yến: Nhiều người vẫn nghĩ việc hỗ trợ NKT là những hoạt động từ thiện đối với NKT. Ở những xã hội văn minh, vấn đề này được giáo dục rất sớm cho trẻ em, trước hết là quyền bình đẳng về con người mà NKT cũng là con người!

Chưa kể sự khuyết tật do các vấn đề xã hội gây ra còn nhiều hơn cả nguyên do bẩm sinh hay di truyền. Cộng đồng NKT không ngừng tăng về số lượng do hệ quả của xung đột xã hội, tai nạn giao thông, nạn bạo hành, sự gia tăng số bệnh nhân của các căn bệnh hiểm nghèo như tai biến, ung thư, HIV/AIDS, tâm thần phân liệt…

Chúng ta chưa có con số cụ thể trung bình mỗi ngày các bệnh viện trong cả nước trả về cộng đồng bao nhiêu người vừa-mới-trở-thành-khuyết-tật, nhưng chắc chắn là con số không nhỏ khi mà những vấn nạn như tai nạn giao thông, tai nạn ở công trường hay nạn bạo hành từng được báo động như là đại dịch.

Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính có khoảng 10% dân số là NKT. Như vậy, một cách tương đối theo tỷ lệ này thì nước ta có gần chín triệu NKT, tương đương dân số của TPHCM!

TBKTSG: Thực tế, nhiều NKT đã khẳng định được những khả năng phi thường mà nhiều khi người bình thường còn không vươn tới được. Chị có cho rằng những hoạt động xã hội hướng về NKT thời gian gần đây đã phát đi một thông điệp rằng sự khuyết tật không phải là sự kết thúc ước mơ?

– Tôi còn nhớ tại một diễn đàn, một bạn khuyết tật đã nêu quan điểm, cho rằng sự khiếm khuyết tạo nên cái riêng cho mỗi người, và những ai có nghị lực vượt qua rào cản đều có thể lóe sáng. Tuy nhiên, vẫn còn ít NKT biết chấp nhận để sống tích cực và thấy cuộc sống trở nên đầy màu sắc. Phần lớn họ đều mặc cảm, sống khép kín, cô đơn, thậm chí lệ thuộc, buông xuôi. Tâm lý này có thể hiểu được vì trên thực tế, xã hội vẫn còn nhiều người nhìn vào sự khuyết tật của họ trước khi nhìn họ như một con người bình thường!

Bản thân tôi cũng là NKT nên tôi hiểu rõ ngoài những nỗ lực tự thân, tôi sẽ không là tôi ngày hôm nay nếu như gia đình và xã hội đã vội phủ nhận những giá trị mà tôi có hoặc có tiềm năng tạo ra; nếu như gia đình và bạn bè đã không luôn ủng hộ và khuyến khích tôi thực hiện những ước mơ.

Khả năng của NKT sẽ không được phát lộ, không có cơ hội phát huy nếu hàng ngày họ vẫn gặp phải rào cản từ sự vô tình, sự kỳ thị. Do vậy, đừng phân biệt đối xử, cũng đừng thương hại và cũng không nên bảo bọc, nuông chìu NKT quá mức cần thiết, họ dễ chấp nhận lối sống dựa dẫm và sẽ trở thành “tàn tật”.

TBKTSG: Chị vừa nói NKT trở thành tàn tật là do cái nhìn của xã hội, do những tác động xung quanh?

– Một trong những nguyên nhân mà NKT trong nước còn bị phân biệt đối xử nặng nề hơn NKT ở các nước phát triển là do một số khái niệm chưa được hiểu cho rõ ràng. Nhiều người trong xã hội ta xem sự khuyết tật rất gần với sự tàn tật, thậm chí tại một hội thảo cách đây vài năm, đại diện các bộ Giáo dục và Đào tạo, Thương binh – Xã hội và Y tế vẫn sử dụng phổ biến cụm từ chung “người tàn tật khuyết tật” do chưa thống nhất được trong trường hợp nào thì dùng từ “khuyết tật”, còn trường hợp nào thì dùng “tàn tật”!

Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới xác định rất rõ “khuyết tật” là hậu quả của sự khiếm khuyết về mặt giải phẫu học hoặc liên quan đến tâm lý, sinh lý, làm giảm thiểu chức năng hoạt động của con người. Còn “tàn tật” đề cập đến tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của NKT do tác động của môi trường chung quanh lên tình trạng khuyết tật của họ. Tổ chức Quốc tế NKT cũng cho rằng NKT trở thành tàn tật là do họ thiếu cơ hội để tham gia vào các hoạt động xã hội.

Nêu ví dụ về một người khiếm khuyết vận động ở chân, anh ta chỉ là NKT nếu vẫn có điều kiện thuận lợi để học hành, không bị kỳ thị trong tuyển dụng và được bố trí việc làm phù hợp với dạng tật. Khi ấy, anh ta hoàn toàn có khả năng tự nuôi sống bản thân. Thế nhưng anh ta cũng rất dễ trở thành người tàn tật nếu không có xe lăn, cũng không thuận tiện khi muốn sử dụng xe buýt, không lên được những bậc thang hoặc tìm thấy nhà vệ sinh phù hợp ở nơi công cộng…

TBKTSG: Nhưng chị có tin rằng, để NKT không trở thành người tàn tật chỉ cần giảm bớt rào cản đối với NKT?

– Trong sứ mạng thúc đẩy bình đẳng cơ hội cho NKT, các diễn đàn của DRD luôn động viên họ cần phải vượt qua tâm lý mặc cảm và lối sống khép kín – những nguyên nhân chủ quan làm cho họ suốt một thời gian dài vừa qua lâm vào tình trạng nghèo nàn vốn xã hội. Không chỉ là vấn đề tâm lý, chúng tôi còn nhiệt tình ủng hộ nhu cầu học tập, rèn luyện kỹ năng, làm việc và giao tiếp của NKT, tạo điều kiện cho họ có được những môi trường hoạt động phù hợp để có thể phát huy những khả năng tiềm tàng, chưa được đánh thức và đóng góp vào xã hội. Đây chính là điều kiện cần để thay đổi định kiến xã hội.

Điều đáng mừng là ngày càng có nhiều NKT hiểu rằng nếu cứ “chối bỏ” sự khuyết tật thì chính là sống giả dối với chính mình. Tôi nhớ trong một diễn đàn trên trang web của DRD, một bạn khuyết tật đã dẫn lời một nhà văn, nói rằng “khuyết tật khiến cho người ta bất tiện chứ tuyệt nhiên không hề bất hạnh”. Tôi và nhiều NKT cũng tin như vậy.

TBKTSG: Sự ra đời của hội quán “Đời rất đẹp” (*) vừa được khai trương hồi tháng trước có phải nhằm giải quyết những vấn đề như thế?

– Có thể xem đó là ngôi nhà chung, nơi mà tất cả có thể sống cùng nhau, như một thử nghiệm sống mang thông điệp “một thế giới cho tất cả”. Đó là một địa điểm đáp ứng nhu cầu giao lưu, kết bạn giữa những NKT với nhau và giữa NKT với người không khuyết tật, là nơi gắn kết nhu cầu giữa người muốn chia sẻ với người cần sự chia sẻ nhằm kết nối các nguồn lực vì mục tiêu phát triển của cộng đồng NKT.

Nhưng trước hết, đó là mô hình về một không gian “đệm” cho sự hòa nhập xã hội của NKT. Ở đó, NKT cảm nhận mình không đơn độc và có thể chia sẻ khát khao về cuộc sống – làm việc – cống hiến, nếu họ có được cơ hội. Hội quán chính là “trường” tập huấn kỹ năng pha chế và phục vụ bàn cho “đội ngũ khuyết tật nòng cốt”, để từ mỗi người, tay nghề sẽ được nhân rộng cho nhiều NKT khác.

Hội quán là nơi trưng bày và bán sản phẩm của NKT – những sản phẩm mong muốn được mua vì bản thân chúng có giá trị chứ không phải để kêu gọi “mua giúp”. Đây cũng là nơi sinh hoạt và phát hiện những tài năng âm nhạc còn ẩn giấu. “Đời rất đẹp” còn tổ chức hội thảo, nói chuyện chuyên đề về công tác xã hội, nơi các chuyên gia trong và ngoài nước có thể chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm làm công tác xã hội với nguồn nhân lực đang học tập, nghiên cứu và hoạt động trên các lĩnh vực: tâm lý xã hội, giáo dục, khuyết tật, phát triển cộng đồng…

_______________________________________________________________________________

(*) Hội quán “Đời rất đẹp” khai trương ngày 12-3-2010 tại số 91/6N Hòa Hưng, quận 10, TPHCM.