Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh

TPO – Nhiều chùa ở Quảng Ninh xem việc đốt vàng mã vừa gây ô nhiễm vừa lãng phí. Ngày rằm tháng Giêng âm lịch, nhiều ngôi chùa ở xứ mỏ nói không với tục đốt vàng mã.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy, tập tục đốt vàng mã đã gắn với đời sống tín ngưỡng, tâm linh người dân Việt Nam nhiều đời nay. Tuy nhiên, việc hạn chế đốt vàng mã theo bà cũng là cần thiết và đã được chính Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần ý kiến.

Để tìm hiểu sâu hơn về việc này, phóng viên Tiền Phong đã tận mắt không khí lễ chùa của hàng chục nghìn phật tử và du khách tại những ngôi chùa nổi tiếng tại Quảng Ninh trong ngày rằm tháng Giêng âm lịch hôm nay (2/3).

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 1

Hàng nghìn người dân đi lễ chùa vài ngày rằm tháng Giêng tại Yên Tử.

Điều đầu tiên khiến PV không khỏi ngạc nhiên, đấy là hình ảnh hàng chục nghìn người ùn ùn kéo nhau đi lễ chùa, bái phật nhưng tuyệt nhiên không mấy ai mang theo lễ vật có kèm theo vàng mã.

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 2

Đồ lễ dâng lên ban thờ chỉ có hoa quả, tuyệt nhiên không hề có vàng mã.

Từ sáng sớm, PV đã có mặt tại chùa Hoa Yên, một trong 10 ngồi chùa nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Yên Tử. Tại đây, dòng người vẫn đổ về khá đông sau ngày khai hội (10/1, âm lịch). Người vãn cảnh, người lễ chùa cầu may mắn, an lành và ngạc nhiên hơn là hình ảnh lạnh lẽo của lò đốt vàng mã nằm ngay cạnh sân chùa.

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 3

Lò đốt vàng mã vắng lạnh tạnh sân chùa Hoa Yên (Yên Tử).

Không có cảnh chen lấn chờ đến lượt để hóa vàng, không có cảnh khói bốc nghi ngút, bụi tàn bay khắp nơi. Thay vào đó là hình ảnh khoang hóa vàng trống không, lạnh lẽo.

Rời chùa Hoa Yên, PV tiếp tục di chuyển xuống vườn Tháp Tổ, nơi được cho là địa điểm tọa thiền của Đức phật hoàng Trần Nhân Tông. Nổi tiếng linh thiêng và mang nhiều ý nghĩa, khu vực Tháp Tổ cũng không khác gì Hoa Yên, không một ai mang theo vàng mã, tìm mãi bên sau góc vườn mới có một chiếc hòm bé xíu để người ta hóa vàng. Nhưng bên trong hòm cũng chỉ còn lại ít tàn tro và nguội ngắt.

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 4

Hòm đốt vàng mã sau góc vườn Tháp tổ vẫn nguội ngắt.

Trao đổi với một chị bán hàng nước uống gần đấy thì được biết, riêng Yên Tử, nhiều năm nay tục đốt vàng mã gần như rất hạn chế. Họa chăng chỉ có những du khách từ xa đến họ mới hóa vàng nên Ban quản lý vẫn phải đặt 1 chiếc hòm để giữ gìn vệ sinh.

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 5

Vàng mã vẫn được bày bán nhưng ế ẩm không ai mua.

Rời Yên Tử, PV di chuyển về chùa Ba Vàng, ngôi chùa nổi tiếng về vẻ đẹp và linh thiêng ở TP. Uông Bí. Ngay khi bước vào chùa, PV gạn hỏi nhiều phật tử đường đến khu vực hóa vàng để ghi nhận hình ảnh, ai ai cũng nhìn với một ánh mắt ngạc nhiên và có cùng một câu trả lời: ở đây không đốt vàng mã!

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 6

Chùa Ba Vàng, ngôi chùa đã bỏ tục đốt vàng mã hàng chục năm nay.

Tìm hiểu kỹ hơn, PV mới biết một điều rất đặc biệt, riêng chùa Ba Vàng đã hàng chục năm nay không hề có tục đốt vàng mã. Nhiều tăng ni phật tử tại chùa còn thốt lên: sao phải đốt vàng mã?

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 7

Theo bà Tâm, tục đốt vàng mã vừa gây ảnh hưởng môi trường và lãng phí…

Trò chuyện với cụ bà Nguyễn Thị Tâm, 62 tuổi, trú tại phường Phương Đông, TP. Uông Bí đang liền tay sắp lễ lên ban thờ – “Lễ Phật là tại tâm, tâm tịnh thì lòng thành kính dâng lên Phật càng cao. Tục đốt vàng mã ở chùa này đã bị bãi bỏ từ lâu, vì nó vừa gây ô nhiễm, lãng phí và chưa nói đến trong kinh phật không ai dạy phải đốt vàng mã mới tỏ lòng thành kính”.

Rằm tháng Giêng, lò đốt vàng mã nguội lạnh tại nhiều chùa Quảng Ninh ảnh 8

Tuyệt nhiên, đồ lễ trên chính điện của chùa Ba Vàng không hề có vàng mã.

Hoàng Dương