Rà soát, sửa đổi các Thông tư liên quan tới bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông

Tại Hội thảo, TS. Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD cho biết, Chương trình GDPT mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp người học tích lũy được kiến thức phổ thông vững chắc; biết vận dụng hiệu quả kiến thức vào đời sống và tự học suốt đời…

Từ định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh như vậy đòi hỏi phải đổi mới cách dạy, cách học. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (GV và CBQLCSGD) phổ thông phải nâng cao năng lực, phẩm chất để đáp ứng các yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là đáp ứng những đổi mới của chương trình SGK GDPT. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh về phương pháp học nhiều hơn. Học sinh phải tự học nhiều hơn, phải biết huy động tổng thể kiến thức, kỹ năng, tiềm lực của mình để thực hiện mục tiêu giáo dục.

Để thực hiện tốt chương trình GDPT mới, một trong những điều kiện tiên quyết là phải bồi dưỡng đội ngũ GV và CBQLCSGD về phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá, xây dựng kế hoạch bài dạy theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây chính là định hướng căn bản, chủ đạo Của Bộ BGDĐT trong công tác bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) GV và CBQLCSGD hiện nay và trong thời gian tới.

Rà soát, sửa đổi các Thông tư liên quan tới bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - Ảnh 1.

TS. Phạm Tuấn Anh Phó Cục trưởng Cục NG&CBQLGD

Chính vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bồi dưỡng thường xuyên, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh. Cụ thể, trong năm 2022, Bộ tiến hành sửa đổi Thông tư số 19 về quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm GDTX; Trong đó quy định bỏ chứng chỉ bồi dưỡng thường xuyên và giao thẩm quyền cho địa phương công nhận kết quả bồi dưỡng hằng năm của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Trong năm nay, Bộ cũng rà soát, điều chỉnh các Thông tư về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo các hạng chức danh nghề nghiệp (Thông tư 01 đến 04). Theo đó, mỗi cấp học có 01 chương trình bồi dưỡng, mỗi giáo viên chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng tương ứng với cấp học đang giảng dạy. Trên cơ sở các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh đã được sửa đổi, bổ sung, Bộ sẽ tiến hành rà soát sửa đổi các Thông tư ban hành các chương trình bồi dưỡng thường xuyên các cấp học; rà soát các mô đun BDTX đã được ban hành kèm theo các Thông tư ban hành chương trình BDTXGV và CBQLCSGD để tránh chồng chéo, cập nhật, bổ sung những vấn đề mới, phù hợp với đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình GDPT trong giai đoạn tới (việc này thực hiện từ năm 2023).

Đồng thời, Bộ cũng rà soát, hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh các Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông, Chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông theo định hướng nhận diện được thực trạng năng lực của đội ngũ, phát hiện những năng lực còn yếu, còn thiếu của đội ngũ làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ.

Cũng tại Hội thảo, TS. Phạm Tuấn Anh cho biết một số định hướng đổi mới về chương trình, nội dung, tài liệu BDTX, hình thức, phương pháp bồi dưỡng thường xuyên.

Xây dựng các mô đun bồi dưỡng GV và CBQLCSGD từ kết quả đánh giá, phân loại đội ngũ theo chuẩn nghề nghiệp. Đặc biệt chú trọng bồi dưỡng đội ngũ CBQLCSGD giúp họ có đủ kiến thức và năng lực để có thể quản lý, chỉ đạo GV trong việc thực hiện, triển khai chương trình, SGK mới. Với các nội dung bồi dưỡng tự chọn đã được ban hành kèm theo các chương trình BDTX, các địa phương, cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo nhu cầu của GV và CBQLCSGD; tránh tình trạng áp đặt mô đun bồi dưỡng.

Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của các địa phương cần xuất phát từ nhu cầu bồi dưỡng của giáo GV và CBQLCSGD. Trên cơ sở nhu cầu bồi dưỡng của người học để thiết kế, xây dựng các khóa bồi dưỡng; tránh tình trạng để thuận lợi cho công tác quản lý mà bỏ qua nhu cầu bồi dưỡng của người học.

Phó Cục trưởng lưu ý, mỗi nhà giáo phải tự xác định cho bản thân là không ngừng tự bồi dưỡng. Đây chính là quá trình tự cập nhật, bổ sung kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình công tác. Trong thời đại khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin phát triển, nguồn tài liệu trên internet vô cùng đa dạng và phong phú. Bằng kỹ năng tìm kiếm, lựa chọn thông tin, mỗi nhà giáo cần tự rèn luyện cho mình năng lực tự học để có thể chọn lựa cho bản thân những thông tin bổ ích, thiết thực hỗ trợ quá trình hành nghề của mình; Tăng cường tự học, tự bồi dưỡng… Kết hợp phương thức bồi dưỡng trực tiếp với bồi dưỡng trực tuyến qua mạng internet, bồi dưỡng từ xa nhằm thúc đẩy quá trình tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện giúp cho nhà giáo chủ động sắp xếp thời gian bồi dưỡng. Tiếp tục triển khai hoạt động BDTX một cách thiết thực, hiệu quả; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ; tăng cường vai trò của đội ngũ cốt cán trong công tác BDTX…

Đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp BDTX, ứng dụng CNTT, tăng cường các hoạt động thực hành, bồi dưỡng thường xuyên liên tục, tại chỗ, ngay trong công việc, trong hoạt động sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường…

TS. Phạm Tuấn Anh cho hay, sau khi Chương trình ETEP kết thúc, Bộ GDĐT tiếp tục triển khai các kết quả chương trình đã đạt được để triển khai công tác bồi dưỡng GV, CBQLCSGD. Cục NG&CBQLGD đang xây dựng Đề án số hóa hệ thống các tài liệu bồi dưỡng và đưa lên hệ thống để GV, CBQLCSGD tự học, tự bồi dưỡng theo nhu cầu.

Nhấn mạnh tới hiệu quả của công tác BDTX, Phó Cục trưởng đề nghị các địa phương cần quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của việc BDTX, xác định rõ việc BDTX cho GV, CBQLCSGD là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ, do đó phải tập trung mọi nguồn lực và đổi mới công tác quản lý để thực hiện có hiệu quả theo từng năm học. Công tác BDTX đối với GV và CBQLCSGD tiếp tục thực hiện theo các văn bản hiện hành. Cần bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu về nội dung bồi dưỡng, điều kiện tổ chức thực hiện bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và nhiệm vụ năm học.

Các địa phương xây dựng đội ngũ GV và CBQLCSGD cốt cán đảm bảo đủ số lượng và chất lượng để thực hiện các công việc: hỗ trợ đồng nghiệp trong quá trình tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ tại địa phương, thảo luận, tháo gỡ vướng mắc; liên hệ, trao đổi với các chuyên gia để giải đáp thắc mắc trong quá trình giáo viên tự bồi dưỡng. Các địa phương tổ chức bồi dưỡng có sự hướng dẫn, trao đổi của đội ngũ cốt cán, các chuyên gia giáo dục. Phát huy tối đa việc tự học, tự bồi dưỡng qua mạng đảm bảo thực hiện tốt việc bồi dưỡng theo nhu cầu của từng cá nhân. Tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra công tác tự học, tự bồi dưỡng của GV, CBQLCSGD và việc tổ chức bồi dưỡng của các nhà trường trong năm học,đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, nêu gương điển hình, chia sẻ kinh nghiệm.

Các địa phương cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc kiểm tra, đánh giá kết quả BDTX hàng năm trên tinh thần lựa chọn các hình thức đánh giá linh hoạt, phù hợp với đối tượng và hình thức tổ chức bồi dưỡng, đảm bảo tính khách quan, trung thực. Tăng cường ứng dụng CNTT trong việc quản lý, tổ chức, đánh giá kết quả bồi dưỡng. Sử dụng tốt kết quả BDTX trong đánh giá đội ngũ và việc thực hiện các chế độ chính sách khác, góp phần thiết thực trong công tác phát triển đội ngũ.

Các sở GDĐT cần chủ động tham mưu, đề xuất với Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị… đầu tư kinh phí và cơ chế, chính sách của địa phương cho công tác BDTX./.