Ra mắt Viện Nghiên cứu và Phát triển quản lí giáo dục và Hội thảo “Triết lí giáo dục xanh”
Ngày 23/2/2022, Hội khoa học Tâm lí Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và phát triển quản lí giáo dục và Hội thảo “Triết lí giáo dục xanh” tại Trường mầm non và tiểu học Genesis, quận Tây Hồ (Hà Nội).
Viện Nghiên cứu và Phát triển quản lí giáo dục chính thức được thành lập ngày 24/01/2022 theo Quyết định số 14/QĐ-HKHTLGDVN của Hội Khoa học Tâm lí Giáo dục Việt Nam. Viện có chức năng nghiên cứu về khoa học quản lí giáo dục và các mô hình giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước nhằm áp dụng để: Phát triển năng lực nghề nghiệp; Nâng cao trình độ lãnh đạo và quản lí cho các nhà giáo; Phát triển chương trình giáo dục địa phương; Chương trình giáo dục nhà trường hiện đại, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Công bố thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý Giáo dục (đơn vị thuộc Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam).
Bà Phan Thị Hồng Dung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lí Giáo dục nói rằng, đơn vị sẽ đáp ứng nhu cầu rất cấp thiết của việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng thực tiễn về khoa học quản lí giáo dục, góp phần quan trọng vào sự phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả của giáo dục Việt Nam và quốc tế.
Công bố thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển Quản lý Giáo dục (đơn vị thuộc Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam).
Hội thảo “Triết lí giáo dục xanh”
Tại phiên hội thảo ngay sau Lễ ra mắt Viện Nghiên cứu và Phát triển quản lí giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng trao đổi về các nội dung: Triết lí xanh trong giáo dục; Mô hình trường Xanh tại Trường mầm non và tiểu học Genesis; Mạng xã hội tái tuần hoàn rác thải thông minh – Mô hình khởi nghiệp cho mọi cấp học. Hội thảo đã thu hút được sự tham gia của nhiều đại biểu gồm các nhà khoa học, nhà quản lí giáo dục, môi trường.
Ông Phan Anh, Giám đốc Hệ thống Giáo dục Genesis giới thiệu 3 trụ cột của một trường học xanh bao gồm: giảm chi phí và tác động môi trường, tăng cường sức khỏe và hạnh phúc, tăng cường hiểu biết về môi trường và tính bền vững. “Từ những hành động cụ thể như văn phòng không giấy, tái chế 100% chất thải hữu cơ, đảm bảo chuẩn môi trường không khí, nước, ánh sáng, tiếng ồn, cùng với việc nâng cấp phát triển chương trình ưu tiên giáo dục vì sự phát triển bền vững. Từ khi một học sinh đến giáo viên vào trường đều được xác định phải thấm nhuần điều đó”, ông Phan Anh nói. Trên thực tế, trường này dành nhiều không gian để trồng hàng nghìn cây xanh bao gồm đủ loại cây ăn quả, cây cảnh, vườn trồng rau hữu cơ, trồng rau thủy canh làm nơi học tập, thực hành cho học sinh…
Quả cầu trao các ý tưởng xanh bền vững và thùng rác thông minh, nơi thu gom phân loại rác thải giấy – một dự án khởi nghiệp cho các trường học.
Dự án tái tuần hoàn rác thải giấy tại các trường học.
Cũng tại Hội thảo, Tiến sĩ Bùi Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục – ĐHQGHN đã giới thiệu mô hình sáng tạo khởi nghiệp vì cộng đồng cho các cấp học ở phổ thông. Tiến sĩ Thanh Hương chia sẻ một số giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ giáo dục phân loại rác thải tại nguồn bằng 3 mô hình giáo dục khởi nghiệp: tái tuần hoàn rác thải hữu cơ; tái tuần hoàn rác thải giấy và tái tuần hoàn rác thải nhựa.
Về giải pháp giảm thiểu những ảnh hưởng có hại từ thực trạng ô nhiễm môi trường đến sức khỏe và hoạt động của giáo viên và học sinh trong trường học, tiến sĩ Ngô Thị Thúy Hường, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Hóa học và Kĩ thuật môi trường, Trường ĐH Phenikaa khuyến nghị, giáo dục môi trường, giáo dục bảo vệ màu xanh cho sức khỏe, cho tương lai bắt nguồn từ thấu hiểu con người là một phần của thiên nhiên, thiên nhiên khỏe, thì con người mới hạnh phúc.