Ra mắt Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục

GD&TĐ – Việc cho ra đời Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục là một bước đi phù hợp về nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng thực tiễn về khoa học quản lý giáo dục.

Sáng 23/2, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố thành lập Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam. Do tình hình dịch bệnh nên sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Hệ thống giáo dục Genesis và kết nối trực tuyến tới các điểm cầu cùng nhiều chuyên gia giáo dục, khách mời khác. 

Chia sẻ tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến – Chánh Văn phòng Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam cho hay, Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục (sau đây gọi tắt là Viện) chính thức được thành lập ngày 24/1/2022 theo Quyết định số 14/QĐ-HKHTLGDVN của Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam; Viện trưởng là bà Phan Thị Hồng Dung. Trụ sở chính đặt tại TL04 –70, Khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside 2, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội).

Ra mắt Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục ảnh 1

Bà Phan Thị Hồng Dung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ.

Tiền thân của Viện là Câu lạc bộ Mạng lưới Quản lý Giáo dục trực thuộc Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam (sau đây gọi tắt là mạng lưới) được sáng lập bởi bà Phan Thị Hồng Dung – Chủ tịch mạng lưới, nguyên Tổng giám đốc FCE Việt Nam; bà Chu Cẩm Thơ – Nhà sáng lập PoMath, Giám đốc Trung tâm đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; ông Phan Anh – Giám đốc hệ thống giáo dục Genesis.

Sau một năm hoạt động tích cực, mạng lưới có hơn 400 thành viên là các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục Việt Nam và quốc tế. Mạng lưới đã tổ chức nhiều Hội thảo chuyên sâu về quản lý giáo dục, quản trị trường học theo các mô hình tiên tiến trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, mạng lưới đã xây dựng và điều phối các dự án lớn như: Tam Giác Hướng Nghiệp hiệu quả, Mô hình trải nghiệm Giáo dục thuận tự nhiên.

Mạng lưới đã thể hiện được những đặc trưng của một đơn vị khoa học với các chức năng nghiên cứu, dịch vụ khoa học, phổ biến và hợp tác thông qua các chương trình hội thảo, những dự án có tầm vóc. Để đáp ứng yêu cầu mở rộng các hoạt động, mạng lưới đã đăng ký thành lập Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý giáo dục và đã được Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục Việt Nam phê duyệt. 

Ra mắt Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục ảnh 2

Một số đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi lễ ra mắt.

Phát biểu sau khi nhận nhiệm vụ mới, bà Phan Thị Hồng Dung nhấn mạnh: “Viện sẽ tập trung nghiên cứu về khoa học quản lý giáo dục và các mô hình giáo dục tiến tiến có tính ứng dụng cao nhằm góp phần kiến tạo nên những ngôi trường hiệu quả và hạnh phúc. Sự ra đời của Viện là bước tiến quan trọng để quy tụ thêm nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản trị tài ba và tâm huyết cùng đóng góp nhiều hơn cho đổi mới giáo dục nước nhà.

Viện có những dịch vụ khoa học công nghệ để cung cấp các  chương trình tập huấn về chuyên môn; phát triển năng lực nghề nghiệp; nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý cho các nhà giáo. Phát triển chương trình giáo dục địa phương; Chương trình giáo dục nhà trường hiện đại, chất lượng cao phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đồng thời, liên kết hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nhiệm vụ của Viện. Viện đã và sẽ tập trung vào phát triển nguồn nhân lực có trình độ, đa dạng về chuyên môn và đam mê hướng tới sự phát triển bền vững. Hệ thống đề tài được chọn lựa kỹ càng, có đầu tư nghiên cứu cũng là một vấn đề xương sống của Viện”.

Cũng theo tân Viện trưởng, Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục ra đời cũng đáp ứng nhu cầu rất cấp thiết của việc nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng thực tiễn về khoa học quản lý giáo dục. Từ đó, góp phần quan trọng vào sự phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả của giáo dục Việt Nam và quốc tế. 

“Bên cạnh đó, Viện có một số dịch vụ Khoa học Công nghệ như bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về phát triển năng lực nghề nghiệp và lãnh đạo, quản lý cho nhà giáo; tư vấn, hợp tác khoa học, phổ biến khoa học thông qua các hội thảo, các ấn phẩm dựa trên trên công nghệ đa phương tiện bên cạnh hình thức ấn phẩm truyền thống. Chúng tôi hi vọng sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các thầy cô, những nhà giáo, nhà quản lý giáo dục và các sở, ban ngành trên toàn quốc. Đó chính là động lực, nền tảng để Viện có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình, đưa tinh hoa của giáo dục Việt Nam hội nhập với quốc tế” – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Phát triển Quản lý Giáo dục Phan Thị Hồng Dung bày tỏ.