Ra mắt Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công

Ra mắt Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công

Ngày 1/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 thành lập Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công.

Tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh công bố Nghị quyết thành lập Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công.

Theo đó, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công gồm 27 người do đại biểu Quốc hội khóa XIV Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là Trưởng Ban soạn thảo.

 

 Ra mắt Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công. (Ảnh: TH).

Ban soạn thảo, Trưởng Ban soạn thảo, Thành viên Ban soạn thảo thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 54 của Luật ban hành VBQPPL. Trưởng Ban soạn thảo thành lập Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo với 24 thành viên và chỉ đạo Tổ biên tập biên soạn và chỉnh lý dự thảo văn bản.

 

Ban soạn thảo có trách nhiệm tổ chức việc soạn thảo và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ soạn thảo dự án Luật hành chính công để trình UBTVQH, Quốc hội phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Theo dự kiến chương trình kế hoach, Ban soạn thảo sẽ họp 5 phiên (đến tháng 12/2017) để thảo luận, cho ý kiến; bổ sung, sửa đổi hoàn thiện dự thảo Luật hành chính công; chuẩn bị kế hoạch xây dựng dự án Luật năm 2018.

Phát biểu tại Hội nghị, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – người có sáng kiến xây dựng Dự án Luật hành chính công trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII bày tỏ vui mừng, vinh dự trước sự ra đời của Ban soạn thảo Dự án.

Nhấn mạnh trong bối cảnh xây dựng Chính phủ  kiến tạo, hành động, phục vụ người dân, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng việc triển khai Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14  của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Tại phiên họp thứ nhất, các thành viên Ban soạn thảo đã thảo luận, góp ý vào dự thảo các văn bản: Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo; Kế hoạch xây dựng dự án Luật…

Theo nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật  của Quốc hội Phan Trung Lý, thành viên Ban soạn thảo, việc xây dựng Dự án Luật  này sẽ “tấn công” mạnh vào quản lý hành chính Nhà nước, trong bối cảnh kỷ luật, kỷ cương hành chính nhà nước, cán bộ, công chức được quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, ông Phan Trung Lý cũng lưu ý, việc xây dựng Dự thảo Luật trước tiên phải xác định phạm vi điều chỉnh, chính sách pháp luật, bảo đảm quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tránh trùng lặp với các Luật khác và phải có đặc thù riêng. 

Đồng quan điểm, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho rằng việc xây dựng Dự thảo Luật cần quan tâm đến phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ với các Luật khác, giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc trong hành chính công hiện nay.

Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên một nữ đại biểu Quốc hội có sáng kiến lập pháp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng nếu Dự án Luật  thành công sẽ mở đường cho cách thức  xây dựng mô hình pháp luật mới, vì vậy nên có ưu tiên cho Dự án Luật này…/.