Ra luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng thiếu thông tin về bên được hỗ trợ
Góp ý cho Dự thảo “Báo cáo triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các nội dung xây dựng chủ yếu vẫn từ góc nhìn của các cơ quan quản lý Nhà nước, còn góc nhìn từ đối tượng trung tâm, là các doanh nghiệp, lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ.
Theo VCCI, báo cáo đã trình bày khá bao quát, toàn diện những hoạt động do các cơ quan Nhà nước đã thực hiện để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, một vài nội dung cần được định lượng rõ hơn và cụ thể hơn để có thể đánh giá được tốt hơn tính hiệu quả của các hoạt động triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hay tính khả thi của các quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chẳng hạn, về tiếp cận tín dụng, dự thảo liệt kê về các thay đổi, chuyển biến trong hoạt động cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng, nhưng lại không đưa ra các thông tin cụ thể hơn như: bao nhiêu phần trăm tổ chức tín dụng đổi mới; thời gian thực hiện thủ tục giảm xuống bao nhiêu ngày; số lượng hồ sơ được duyệt, được hướng dẫn,…
Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng hỗ trợ từ các chương trình của Nhà nước còn khiêm tốn. Ảnh Hoàng Hà.
Về các đối tượng thụ hưởng, dự thảo mới chỉ mang tính liệt kê các hoạt động do cơ quan Nhà nước đã triển khai, chưa đánh giá hiệu quả của các hoạt động hỗ trợ đối với các đối tượng thụ hưởng.
Ví dụ, về nội dung hỗ trợ mặt bằng sản xuất, không rõ bao nhiêu doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được các mặt bằng sản xuất từ hỗ trợ của Nhà nước, trong khi đây lại là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp khi hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay nội dung về hỗ trợ công nghệ, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung, cũng không rõ số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được thụ hưởng.
Theo VCCI, nhìn chung dự thảo xây dựng nội dung chủ yếu từ góc nhìn của các cơ quan quản lý Nhà nước (theo hướng Nhà nước đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ gì, thông qua các chính sách gì, thực tế triển khai như thế nào,… ). Góc nhìn từ đối tượng trung tâm, là các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại chưa được phản ánh một cách đầy đủ. Việc bổ sung thêm các thông tin, đánh giá từ đối tượng thụ hưởng có thể giúp việc thực hiện các chính sách được toàn diện hơn.
VCCI đề nghị cung cấp các thông tin cụ thể hơn, từ đối tượng thụ hưởng, đối với kết quả thực hiện một số hoạt động triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021” do VCCI công bố ngày 27/4/2022 dựa trên phản hồi của trên 10.000 doanh nghiệp tới từ toàn bộ 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khiêm tốn, đều dưới 8%.
Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận.
Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp, nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.
Khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số các doanh nghiệp biết đến luật này, chỉ 36,8% cho biết đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.
Kết quả thất vọng, gói hỗ trợ lãi suất 2% cần ‘giải cứu’
Gói hỗ trợ lãi suất 2% từng được ví như chiếc “phao cứu sinh” giúp cho DN vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng, sau gần 3 tháng triển khai, kết quả rất thất vọng. Gói hỗ trợ này cũng cần được giải cứu.