ROS lao dốc giảm 5% và giải trình việc cổ phiếu bị huỷ niêm yết
TPO – Hồi phục hơn 100 điểm từ vùng đáy tháng 6, đến nay, đà tăng của VN-Index đã bắt đầu chậm lại. Tâm lý nhà đầu tư giằng co, lực bán hiện hữu nhưng thị trường hấp thụ khá tốt, thanh khoản tiếp tục tăng. Hôm nay, cổ phiếu nhận án huỷ niêm yết là ROS tiếp tục giảm mạnh. Doanh nghiệp đã có giải trình về các vấn đề liên quan.
Dù phiên sáng nhập cuộc khá tốt, nhưng trong thời gian còn lại của phiên giao dịch dịch, đà tăng của VN-Index thu hẹp đáng kể. Trước khi vào phiên ATC, có thời điểm VN-Index đã lùi về dưới tham chiếu, nhưng kịch bản “kéo tăng” quen thuộc cuối phiên lại xuất hiện.
NVL, HPG, VIC, GAS, DGC… là những mã đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Dù vậy, với mức tăng không lớn, chỉ trên dưới 1%, lực kéo này chưa đủ “làm nên chuyện”. Ở chiều ngược lại, riêng VCB lấy đi của VN-Index gần 1,5 điểm, VHM, CTG, BID, … gây thêm áp lực lên thị trường.
Không chỉ nhóm vốn hoá lớn, trên toàn thị trường, sự phân hoá diễn ra khá rõ. Các nhóm ngành luân phiên “chạy”. Phiên hôm nay, nhóm xây dựng, bất động sản… giao dịch tích cực. Bất động sản có BII, TDC, LDG, TIG, SCR… tăng tốt. Các mã tăng mạnh nhất nhóm bất động sản chủ yếu là nhóm nhỏ, vừa. Trong khi đó, VHM, VRE, KDH giảm giá. BCM, KBC, PDR giữ tham chiếu.
Ở nhóm xây dựng, nhà thầu, HBC, EVG, CTG, HTN, HHV tăng giá, dù biên độ không lớn. Với nhóm khu công nghiệp, SZB, IDV, SIP, TIP, ITA, SZC, LHG, IDC cùng tăng giá.
Tại phiên họp ngày 1/8/2022, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước 31/12. Đây là thông tin được kỳ vọng ảnh hưởng tích cực đến các doanh nghiệp được hưởng lợi từ đầu tư công.
ROS lao dốc và giải trình
Sau khi nhận án huỷ niêm yết, cổ phiếu ROS của họ FLC tiếp tục giảm mạnh. Dù đã thoát giá sàn, nhưng đóng cửa ROS vẫn giảm gần 5%. Hôm nay, ROS đã có giải trình về quyết định huỷ niêm cổ phiếu của HoSE.
ROS cho biết sẽ công bố báo cáo tài chính quý 2 ngay khi có người đại diện pháp luật để cổ phiếu không bị đình chỉ giao dịch.
Theo Luật Kế toán, báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ROS, sau khi bà Hương Trần Kiều Dung, người đại diện pháp luật của FLC Faros bị bắt hồi cuối tháng 3, công ty đã thay đổi vị trí này sang bà Nguyễn Bình Phương, Chủ tịch HĐQT hôm 21/4.
ROS cho biết, đã nộp hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện pháp luật, nhưng đến nay chưa được Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) chấp thuận. “Nguyên nhân bất khả kháng này dẫn đến việc FLC Faros đã hoàn thiện báo cáo tài chính quý II nhưng vẫn chưa thể phát hành tài liệu theo đúng thời hạn”, công ty giải thích.
Công ty mong Uỷ ban Chứng khoán, HoSE xem xét ghi nhận nội dung giải trình và tạo điều kiện để khắc phục trong thời gian tới.
Ngày 5/8, FLC Faros cũng đã xin ý kiến các cơ quan quản lý, trong đó có UBND TP Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội… để được hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp xúc tiến việc hoàn thành hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho công ty vận hành ổn định, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của hàng nghìn cổ đông, người lao động, đối tác và khách hàng.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,1 điểm (0,17%) lên 1.258,85 điểm. HNX-Index tăng 0,08 điểm (0,03%) lên 301,41 điểm. UPCoM-Index tăng 0,54 điểm (0,58%) lên 92,86 điểm.
Giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE tăng 1,3% lên mức 14.260 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng khoảng 70 tỷ đồng ở sàn HoSE, tập trung vào HPG, VNM, VHM, DXG, LHG.