REVIEW PHIM | Mùi cỏ cháy – Gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai

Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm

(Lời gọi bên sông – Lê Bá Dương)

Mỗi lần bài thơ về những con người tuổi hai mươi ấy vang lên thì một chiến trường khốc liệt những ngày hè đỏ lửa 1972 của năm tháng đầy đau thương mà bi hùng của dân tộc lại hiện ra, như nhắc nhở người đang sống nhớ và trân trọng những con người đã mang cả phần máu thịt của mình cho đất nước yên bình. Nhưng có lẽ dù biết bao bài thơ, biết bao hồi ký, tác phẩm văn học hay phim ảnh, tài liệu có lẽ cũng chưa đủ để phản ánh đủ đầy của sự khốc liệt, của máu thịt những con người đã ngã mình nơi đó. Và Mùi cỏ cháy là một bức tranh để mãi muôn đời ta nhớ về họ, dù chưa thật hoàn hảo nhưng với tôi đó là một bộ phim hay và chân thực. Bộ phim Mùi cỏ cháy đã tránh được rất nhiều tính tuyên truyền của một bộ phim về chiến tranh mà mỗi câu chuyện trong đó được phản ánh rất đời, không né tránh những điều bi thương và khốc liệt đến cùng cực của chiến tranh. Mong Việt Nam có nhiều bộ phim về chiến tranh được xây dựng hay như vậy.

Nội dung:

Bộ phim kể về câu chuyện của bốn người bạn Hoàng – Thành – Thăng – Long, những chàng trai trẻ tuổi mười tám đôi mươi rời ghế giảng đường đại học để đi theo tiếng gọi tổ quốc lên đường ra trận. Họ lần lượt đi qua những bỡ ngỡ ban đầu, những ngây ngô, mơ mộng của những chàng trai trẻ để bước dần đến cái hiện thực tàn nhẫn của chiến tranh. Họ bước vào một trong những trận đánh khốc liệt nhất trong chiến tranh Việt Nam: cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa 1972. Nơi chiến trường được xem là cối xay thịt người, những đôi tay cầm bút, ôm đàn ngày nào giờ đây ngày ngày cầm súng chiến đấu, đôi tay chôn xác những người bạn mới đây còn cười nói bên mình. Để rồi cuộc chiến đi qua bốn người bạn tuổi trẻ đó giờ đây ba người đã nằm lại nơi mảnh đất miền Trung đau thương và khốc liệt. Chỉ còn lại Hoàng đã cùng với những người chiến sỹ khác tiếp tục chiến đấu đến ngày thống nhất.

Biên kịch của bộ phim là nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – một con người đã đi qua thời mưa bom bão đạn và hơn hết ông trân trọng sự chân thực của chiến tranh và đời lính. Mỗi một chi tiết, một cảnh trong tác phẩm đều vô cùng ý nghĩa và rất thật. Theo tôi, điều làm nên cái hay nhất của bộ phim chính là tính thực tế.
Bộ phim có thể được chia làm hai phần:

Phần đầu là những ngày tháng huấn luyện tân binh.

Ở phần này ta có thể cười thả ga với tất cả những ngây ngô, mơ mộng và khát vọng của những anh lính tân binh còn thơm mùi tuổi trẻ, của giảng đường, của những đứa con vừa xa bố, xa mẹ. Có thể hơi chủ quan nhưng tôi chưa gặp được một bộ phim nào có thể xây dựng được những câu chuyện, những tình tiết đáng yêu, dễ thương không kịch hóa mà vừa xem vừa cười vui vẻ về những con người trẻ như trong Mùi cỏ cháy. Những trò tinh ranh của cái tuổi “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” dù ở trong môi trường nghiêm khắc như quân đội vẫn không bị mất đi. Ngay cảnh đầu tiên của các chàng lính mới tò te chụp ảnh với bức tượng cô gái trước lúc lên đường:

Từng cảnh từng cảnh của bộ phim là từng lát cắt của những tân binh hồn nhiên tinh nghịch mà tôi nghĩ người nào từng đi lính có lẽ sẽ thấy một thoáng của mình hay đồng đội ở trong đó.

Nhưng ở đó ta cũng thấy cả tình cảm của những người dân dành cho những người lính và những nỗi vất vả của những người phụ nữ ở nơi hậu phương. Cảnh người phụ nữ trong gia đình không còn bóng dáng người đàn ông, người trụ cột, người mà nay đang chiến đấu biền biệt ở nơi xa. Người phụ nữ giờ đây phải gánh gồng những công việc cày bừa mà trước nay đàn ông thường làm. Vậy mà họ vẫn tảo tần sớm hôm không lời ca thán, chỉ có nổi lòng khắc khoải ngóng tin người thương yêu ở phương xa. Hay có người phụ nữ lặn lội đến tận nơi chồng đóng quân mong được một đêm cùng chồng để làm tròn trách nhiệm có một thằng cu. Vậy mà lại phải lặng lẽ ra về một mình trong đêm dài vì chồng được lệnh lên đường. Hay cô gái trẻ với tình yêu vừa chớm nở với anh chàng lính nơi giếng nước đầu làng, chỉ kịp trao khăn tay, chiếc cặp ba lá làm tín vật tình yêu và lời hứa “ Anh sẽ về”. Cô gái bé nhỏ có biết nơi chiến trường xa kia anh đã hòa vào cùng đất mẹ. Lời hứa kia xin thất hẹn cùng em. Người ra đi nơi chiến trường lửa khói, sống chết cách nhau có gang tấc, người ở lại niềm vất vả, cô đơn và chờ đợi từng ngày từng đêm, lo lắng một ngày trả lại họ chỉ là tờ giấy lạnh lẽo báo tin người đó không về.

Những cánh thư viết vội, không cần có tem thư vứt ra khỏi cánh cửa xe rơi như những cánh hoa trên khắp cánh đồng đã được những người nông dân xa lạ không quen biết gom nhặt và đem gửi về đúng địa chỉ của những người lính. Thủa đó, cái thủa mà nghèo nàn đói khổ nhưng cũng là cái thủa tình người đầy ăm ắp, bởi có lẽ đó là cái thủa tất cả cho tiền tuyến “ thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Những người lính trẻ bước đi vào chiến trường từ những yêu thương của hậu phương như thế. Họ cũng nghĩ về cái chết, nhưng đó cũng mới chỉ là những cái chết trong trí tưởng tưởng của họ mà thôi : khi chết mong được chôn dưới một gốc bạch đàn. Họ còn mang trên mình những chú dế, chú ve của trò chơi lúc trước. Họ cũng nghĩ về ngày trở về, trở về chỉ để được mẹ cầm roi đánh mông, được đi học, được tiếp tục nuôi giấc mơ xưa.

Nhưng “ chiến tranh đâu phải trò đùa”…

Phần hai: Trên chiến trường khói lửa Thành cổ Quảng Trị

Dòng sông Thạch Hãn yên ả bây giờ đã ôm trong mình biết bao con người trai trẻ măng tơ như vậy đó. Những tiếng gọi mẹ ơi vang lên bi thảm, là lời cuối cùng của những đứa con mới vừa dứt ra khỏi vòng tay mẹ. Thạch Hãn ơi, hãy là người mẹ đất nước ôm ấp những hình hài mơn mởn tuổi xanh ấy, xoa dịu họ khỏi những đớn đau của vết đạn, vết bom chiến tranh; xin hãy ôm lấy họ để họ khỏi tủi hờn khi nằm lại mảnh đất xa lạ này. Nhưng đâu chỉ có đạn bom mà chính cả con sông Thạch Hãn ấy, mùa mưa lụt năm ấy cũng đã cuốn trôi đi biết bao ước mơ, hoài bão. Cũng có những chàng trai, khi ngã xuống nào có kịp gọi lên hai tiếng “mẹ ơi”, đạn xuyên qua thân xác họ, dòng sông cuốn đi họ, chẳng kịp để lại một tiếng cuối cùng.

Một đoàn quân 107 người bơi qua bên kia bờ sông Thạch Hãn chỉ còn 49 người. Vậy mà đã có biết bao nhiêu bao nhiêu đoàn quân như thế trong 81 ngày đêm khốc liệt đó lặng lẽ trong đêm trường sang chiến trường Thành cổ. Chỉ có dòng sông Thạch Hãn biết hết, chỉ có dòng sông rõ mặt từng con người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, ra đi khi chưa kịp bắn một phát súng nào.

Thế nhưng sang sông rồi, thì lưỡi hái chiến tranh vẫn dễ dàng đoạt đi một anh lính trẻ ngay trên mép sông với mảnh bom. Long là chàng trai đầu tiên ra đi trong nhóm bốn người. Vậy nhưng dù được đồng đội chôn sâu vào lòng đất nhưng thân xác người chết một lần nữa lại bị bom đạn xới tung lên nát vụn, không còn hình hài.

Mỗi hình ảnh trong phần này đều nói lên cái tàn nhẫn của chiến tranh, và cái chết của người lính sao mà giản đơn đến vậy. Họ chết rồi nhưng thân xác nào được vẹn nguyên để sau này có thể tìm kiếm. Dưới mưa bom đó rất nhiều thân xác hòa tan vào lòng đất, thành một phần của đất nước Việt Nam.

Chiến trường Thành cổ Quảng Trị tả tơi bởi bom đạn và xác người, dù trong phim ta nhìn thấy đã khốc liệt rồi nhưng có lẽ so với tàn nhẫn của thực tế của năm tháng đó thì chắc còn kém rất xa. Xác người thổi bay cùng đạn pháo, những người lính lội bì bõm, tát nước, đào hầm sập trong cái mưa sầm sập, trong những đoạn giao thông hào ngập nước của mùa mưa lũ, người lính bị thương mong được cứu sống nhưng anh hiểu rất khó để có thể đưa anh sang sông vì ngay ở dinh tỉnh trưởng – nơi sở chỉ huy của ban chỉ huy thành cổ còn đầy thương binh chưa được sang sông… Rất nhiều, rất nhiều chi tiết làm nên bản hùng ca Thành cổ, của những cái chết của Thành, của Thăng, của rất nhiều rất nhiều người lính chiến.

Hình ảnh của Thăng và Thành chôn xác người lính VNCH rồi cùng ngồi nhìn ảnh mẹ của người đó với tôi có lẽ là hình ảnh đẹp đầy nhân bản của bộ phim. Dù ở chiến tuyến nào họ cũng đều có những người mẹ, những người thương yêu chờ đón để trở về.

Xuyên suốt bộ phim dù mang tính chân thực rất cao nhưng nó vẫn vô cùng lãng mạn đậm chất thơ. Chất lãng mạn có từ hình ảnh người con gái áo trắng hiện lên trong giấc mơ tuổi trẻ của các chàng trai, người con gái đó đã khóc những dòng máu khi những người lính ra đi. Cô là trái tim, là tuổi trẻ, là đất nước Việt Nam đớn đau khi một người con phải ngã xuống. Chất thơ có từ những bài thơ được Hoàng đọc xuyên suốt những chặng đường từ giảng đường ra chiến trường. Những bài thơ về một thời tuổi trẻ sống hết mình vì lý tưởng.

Nhược điểm:

Theo tôi nhược điểm của phim này chẳng phải xa lạ gì, đó vốn là những điểm yếu lâu nay của phim Việt Nam.

Tình tiết hay nhưng kết nối khá rời rạc. Một bộ phim về đề tài chiến tranh gói gọn trong vòng 97 phút đã khó, nay biên kịch cũng như đạo diễn hơi ôm đồm muốn nhồi nhét vào đó quá nhiều điều. Dẫn đến là bộ phim nhiều lúc như những lát cắt câu chuyện gắn với nhau trong cùng một không gian. Phần một khá ổn khi lấy được nhiều nụ cười cùng hình ảnh đáng yêu của người lính. Nhưng phần hai ở chiến trường Thành cổ thì vẫn chưa đủ độ khốc liệt. Nhiều cảnh đưa ra khá nửa vời chỉ với mục đích đưa ý muốn của biên kịch vào chứ không gắn liền lắm với mạch phim. Ví dụ như chi tiết đoàn người sang sông trước lúc nhóm quân của các nhân vật chính đến Thạch Hãn. Khi đó nhóm của Hoàng – Thành – Thăng – Long vẫn đang đóng quân ở một nơi nào đó ở ngoài rừng thì chắc chắn nhóm vượt sông này không có các nhân vật chính. Mục đích của cảnh vượt sông của đoàn người này chắc là để nói lên những cái chết của người lính trên dòng sông Thạch Hãn, những tiếng kêu mẹ ơi đầy đau đớn, những xác người tung lên bởi bom, và cả nhân vật tên Sửu có lẽ là người chồng của chị hậu phương đã nhắc tới trước đó. Cảnh: ý nghĩa, mục đích: ý nghĩa nhưng gắn kết khá lỏng lẻo với toàn bộ mạch phim. Hay cảnh những người chiến sỹ lội bì bõm trong những giao thông hào ngập nước trong những ngày mưa lụt tháng 8 ở Quảng Trị được khắc họa khá thoáng qua, vẫn chưa đủ để người xem cảm và hiểu hết.

Diễn xuất của dàn diễn viên chưa đồng đều. 4 diễn viên chính diễn chỉ ở mức khá tròn vai chứ chưa nổi bật. Khiến tôi phải nói là gần hết phim vẫn chưa phân biệt được ra ai là Hoàng, ai là Thành, ai là Thăng, ai là Long. Tốt nhất là đại đội trưởng Phong (do Lê Chí Kiên đóng), tôi nhớ ánh mắt lúc người lính từng trải quay lại nhìn người vợ của mình lặng lẽ đi trong bóng tối, ánh mắt của anh chất chứa bao niềm yêu thương, xót xa, xin lỗi. Hay cảnh quay cuối lúc anh ôm chặt lấy người chiến sỹ cũ Hoàng đang òa khóc khi nhớ đến những người bạn cũ, anh nói: “Các cậu đừng oán mình nhé” sao mà đau đớn, bất lực đến vậy. Còn các diễn viên quần chúng khác đóng khá cứng, nhất là các diễn viên đóng vai mấy anh lính bên VNCH.
Cảnh chiến trường xây dựng vẫn chưa tới, chưa đủ sự khốc liệt. Có lẽ một phần kinh phí hạn hẹp nhưng một phần nằm ở sự rời rạc của kịch bản. Cảnh đánh nhau cảm giác được xây dựng quá hời hợt. Mấy bác VNCH đi đánh nhau mà như đi du lịch. Bình thường xe tăng đi trước còn bộ binh thì đi sau để còn tránh đạn pháo thì lên phim các bác linh cứ lấy thân mình bảo vệ xe tăng như thế thì thật là không biết nói gì hơn.

Kịch bản quá nhiều tình tiết mà biên kịch muốn đưa hết vào, nhưng có nhiều tình tiết vẫn chưa tới. Chưa tới ở đây chính là nó không khiến độc giả hiểu một cách hoàn toàn ý muốn của đạo diễn và biên kịch.

Đặt trong hoàn cảnh một người trẻ chưa đi qua chiến tranh, chưa tìm hiểu về chiến tranh, hình ảnh những lá thư được nén ra cánh đồng, mà nếu cẩn thận hơn thì vì không quay rõ ràng có thể có người còn không hiểu người lính nén thư ra, mà có lẽ lại tưởng họ nén giấy hay gì đó ra ngoài đồng. Dù trước đó có chi tiết những người lính đang muốn gửi thư , nhưng đại đội trưởng chỉ nói với lái xe: lúc nào đến chỗ bưu điện thì dừng lại cho lính gửi thư, chứ không hề nói ý gì đến chuyện nhờ bà con trên đường gửi giúp. Sau khi người lính nén thư ra, cảnh quay chỉ dừng lại đến cảnh những cô, bác nhặt lại giúp họ rồi cũng không nói gì. Nếu vậy thì người trẻ xem họ đâu hiểu hết rõ ý nghĩa trong hành động đó. Họ cũng sẽ không hiểu rằng những người dân đó sẽ tận tình gửi từng lá thư không tem đó của người lính đến gia đình họ. Vì vậy, theo tôi để hiểu bộ phim này như mong muốn của biên kịch thì có lẽ bạn phải đọc qua các tác phẩm, bài viết về chiến tranh trước đó, để hiểu rõ đến tận cùng ý nghĩa của từng lát cắt trong bộ phim, mà cảm nhận, mà đau thương.

(Theo tôi, đạo diễn nên để cho máy quay lia về phía trong xe, lúc các chiến sĩ viết vội dòng thư hay trao đổi với nhau về tâm tình muốn gửi thư về nhà. Rồi sau đó một chiến sĩ nào đó nhìn ra ngoài thấy bóng dáng của các cô các bác thì sẽ hô to như: Các bác ơi, bọn cháu là chiến sĩ sắp ra mặt trận, nhờ các bác chuyển thư về nhà cho gia đình bọn cháu với. Thế rồi sẽ có hình ảnh những cánh thư bay ra khắp cánh đồng. Hình ảnh người nông dân nhặt thư. Mạch phim tiếp tục. Sau đó có cảnh đại diện là một bác nào đó đi bộ đến nhà một chiến sỹ nào đó, có thể một trong nhà bốn NV chính đưa thư. Mẹ NV cảm ơn, rồi hỏi thăm. Người đưa thư sẽ nói là nông dân đi làm thì nhặt được thư của bộ đội, rồi đi bộ hay đi xe đạp từ vùng nào nào xa xa để mang thư đến. Người mẹ cảm ơn rồi mời lại ăn cơm nhưng người đó bảo còn phải đi đưa thư cho các chiến sĩ khác – Thế thôi, theo tôi vừa dễ hiểu lại vừa không kéo dài mạch phim quá)

Với tôi những thiếu sót đó không làm mất đi ý nghĩa của bộ phim, mà chỉ là một sự tiếc nuối. Những chi tiết vô cùng đời vô cùng ý nghĩa của toàn bộ bộ phim nếu được khai thác triệt để, khai thác một cách mượt mà, gắn kết hơn và nước ta có đủ tiềm lực tài chính như các nước khác để bối cảnh trong phim xuất sắc hơn thì Mùi cỏ cháy đã là một tác phẩm xuất sắc.

Dù vậy Mùi cỏ cháy xứng đáng được tôn vinh, xứng đáng được thế hệ trẻ biết đến và trân trọng nó như một bản hùng ca về những hi sinh mất mát của thế hệ trước. Mỗi nắm đất của quê hương Việt Nam này đều thấm đẫm máu thịt của cha ông thủa trước.

Xin trích bài thơ Phương ấy của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm – tác phẩm có thể nói là bộ khung tư tưởng để tác giả viết lên kịch bản của bộ phim:

Đêm trong suốt áp ngực vào phương ấy

Gặp lại mùi cỏ cháy suốt thời trai

Ngôi sao rơi trên dãy kẽm gai dài

Cái vùng đất không tiếng gà cất gáy

Bao hăng nồng cỏ cháy rát hoàng hôn.

Là cái phương sao quá bồn chồn

Đón thư mẹ qua bảy vòng lửa khói

Vết thương đỏ, viên đạn thì sáng chói

Chiếc lá xanh kỳ lạ trút trong đời.

Tiếng mùa mưa hồn hậu đến bên tôi

Tiếng thương nhớ không lời trên tóc mẹ

Tiếng Tổ quốc trên môi khi đạn xé

Tiếng cuối cùng khi khẩu súng nắm trên tay.

Chỗ Hiến nằm – giờ trời trắng heo may

Chỗ Thi ngủ – bình minh rơi tím đất

Mặt trận xưa, đồng trưa đưa cỏ mật

Ơi chiến hào tha thiết tuổi hai mươi.

Cái chiến hào tha thiết ở trong tôi

Xanh thăm thẳm lưng đèo giao thừa tới

Người con gái cõng mình qua đạn xối

Tình yêu thầm, kín lại lối giao liên.

Là cái phương chưa rõ cả mặt em

Chưa khóc kịp bao bạn bè nhắm mắt

Là cái phương nấm mộ người giữ đất

Chớp bên đường như một ánh sao nâu.

Phương ấy dài ngút ngút Cà Mau

Nơi trắng sóng, lá rừng xanh ngắt ngắt

Ôi phương ấy ở đâu tôi cũng gặp

Hát vô bờ chữ Đất, lá cây ơi!

Phương ấy còn ở mãi trong tôi

Ngỡ nâng lấy tay mình, ngỡ như người biết nói

Phương ấy ơi! Suốt đời như dấu hỏi

Trên hai vai tuổi trẻ – trước chân trời.

Hoàng Nhuận Cầm

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…