Quyết liệt bài trừ vấn nạn đòi nợ thuê
(CATP) Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, trong đó có quy định về việc nghiêm cấm ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, thường được người dân gọi là đòi nợ thuê. Dù có nhiều ý kiến cho rằng quy định mới là rất tích cực, hợp lý và kịp thời, góp phần ngăn chặn các hoạt động đòi nợ thuê mang tính bạo lực, “khủng bố” tinh thần con nợ… Nhưng vẫn còn đó không ít người tỏ vẻ lo ngại khi mà những biến tướng của hoạt động kinh doanh này từ trước đến nay vẫn rất khó lường và gây nhiều bất ổn cho xã hội.
MANH ĐỘNG DỊP CUỐI NĂM
Thời điểm cuối năm, các dịch vụ cho vay tiền nóng được dịp nở rộ và hoạt động vô cùng mạnh mẽ. Cùng với đó, nhiều cá nhân và doanh nghiệp cũng có nhu cầu thu hồi những khoản nợ xấu để quyết toán doanh thu, chuẩn bị cho năm mới. Điều này dẫn đến việc các công ty đòi nợ thuê cũng tăng cường hoạt động, dù đến ngày 1-1-2021, dịch vụ này chính thức bị cấm do Luật Đầu tư (sửa đổi) bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Nhiều công ty sẵn sàng bỏ tiền triệu để chạy quảng cáo cho dịch vụ đòi nợ của mình, để khi khách hàng có nhu cầu và tìm kiếm trên internet thì trang web của họ luôn được ưu tiên đưa lên hàng đầu. Cũng vì có quá nhiều công ty đòi nợ thuê đang hoạt động, dịch vụ này hiện vẫn là điểm nóng của những biến tướng theo hình thức đòi nợ kiểu giang hồ, xã hội đen, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Ngày 27-12, chị T. (42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) trình báo Công an P8 (Q.Tân Bình) về việc gia đình vừa bị một nhóm hơn 10 người xông thẳng vào nhà lớn tiếng chửi bới để đòi nợ. Trước đó, khoảng 10 giờ ngày 26-12, trong lúc chị T. cùng gia đình đang sinh hoạt ở ngôi nhà thuê trong hẻm trên đường Lạc Long Quân thì một nhóm đối tượng xăm trổ, mặt mày bặm trợn mặc đồng phục màu đen, trên áo có chữ “đòi nợ”, xưng là người của công ty đòi nợ Đ.B, đến yêu cầu T. trả tiền đã vay.
Chủ căn nhà cũng đến hiện trường, yêu cầu nhóm người này ra ngoài nhưng họ vẫn cắt cử người chặn cửa không cho ai ra vào. Theo hình ảnh từ video mà chị T. cung cấp, 10 người đàn ông đội nón kết, đeo khẩu trang đứng bao vây toàn bộ ngôi nhà. Mặc cho chủ nhà la hét đòi đóng cửa, nhóm đòi nợ vẫn lớn tiếng chửi bới, đe dọa sẽ đánh nếu chị T. không trả tiền.
Nhận tin báo, Công an P8 đã có mặt yêu cầu những người này cung cấp các giấy tờ, bằng chứng liên quan. Vụ việc gây náo động cả khu vực và thu hút nhiều người dân hiếu kỳ theo dõi. Nhóm đòi nợ chỉ chịu bỏ đi vào buổi chiều cùng ngày, nhưng không quên hẹn sẽ sớm quay trở lại. Quá trình làm việc, chị T. cho biết không hề nợ nần, nhóm đòi nợ cũng không đưa ra giấy tờ gì chứng tỏ chị đang nợ tiền.
Trước đó, đầu tháng 9-2020, gia đình bà T. (ngụ P3, Q.Gò Vấp) nhận được thông báo từ chuyên viên phòng pháp lý ngân hàng V. với nội dung: “Yêu cầu ông Đ.T (con bà T.) liên hệ với ngân hàng để làm việc về khoản vay quá hạn. Nếu đến ngày 10-9 mà anh T. không phản hồi thì ngân hàng sẽ khởi kiện hoặc sử dụng các biện pháp khác để thu hồi nợ. Nếu phía ngân hàng có gây thiệt hại uy tín, danh dự của Đ.T tại nơi kinh doanh, nơi cư trú thì ông phải tự gánh chịu”.
Ít ngày sau, nhiều thanh niên đầu trọc, xăm trổ đầy mình tìm đến nhà bà T. để đòi nợ. Nhóm người này cũng lớn tiếng chửi bới, đe doạ ép buộc bà T. phải trả nợ thay con và đưa ra một tờ thông báo bán nợ. Thông tin ghi rõ phía ngân hàng V. đã bán khoản nợ gần 80 triệu đồng của anh Đ.T cho công ty chuyên kinh doanh dịch vụ đòi nợ có trụ sở tại Hải Phòng.
Ngày 19-6, một nhóm khoảng 10 thanh niên xông vào nhà ông T. (ngụ Q.Gò Vấp) để đòi nợ. Thấy cả nhóm hung hăng chửi bới, vợ ông T. phải đóng cửa cùng 2 con trốn trong nhà. Khi ông T. đi làm về được vợ mở cửa, nhóm đòi nợ cũng ùa vào theo. Cả nhóm tiếp tục uy hiếp, hành hung, buộc ông T. phải trả món nợ 40 triệu đồng đã vay của công ty tài chính. Do không có tiền trả, vợ chồng ông T. bị các đối tượng ép đến trụ sở công ty ký giấy nhận nợ 105 triệu đồng và phải trả trong 2 ngày. Quá bức bách, ông T. đã nhảy sông Sài Gòn tự tử.
Không chỉ ở TPHCM, đòi nợ thuê hoạt động táo tợn khắp các tỉnh thành trên cả nước. Ngày 19-12, Công an H. Đồng Phú (Bình Phước) tạm giữ hình sự 3 đối tượng để điều tra về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật”, gồm: Hà Văn Minh, Trần Văn Hiếu và Nguyễn Ngọc Hải (cùng 28 tuổi) khi dùng hung khí đe dọa, bắt trói một con nợ theo hợp đồng ủy quyền đòi số nợ gần 6 tỷ đồng.
Ngày 23-10, Công an Q.Hoàng Mai (Hà Nội) cũng đã tạm giữ Đoàn Văn Hưng (29 tuổi), Lê Văn Cường (30 tuổi), Trương Công Ba (24 tuổi) và Cao Văn Tiến (21 tuổi, cùng ngụ Hà Nội) về hành vi “cướp tài sản”. Các đối tượng này khai có hợp đồng với một người phụ nữ để hành hung, khống chế và bắt con nợ viết giấy bán ôtô với giá 100 triệu đồng.
ĐÒI NỢ CÔNG KHAI CÓ THÀNH ĐÒI NỢ “CHUI”?
Ngày 21-12, trong buổi gặp mặt báo chí dịp cuối năm tại trụ sở Công an TPHCM, đại tá Lê Công Vân – Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, chỉ tính riêng địa bàn thành phố hiện đã có 53 công ty có chức năng đòi nợ thuê. Thực hiện nghị quyết của quốc hội, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ phải chấm dứt hoạt động kể từ ngày 1-1-2021 và lực lượng công an sẽ theo dõi chặt chẽ vấn đề này. Trên cơ sở Luật Đầu tư (sửa đổi), Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH sẽ báo cáo Ban Giám đốc Công an TPHCM có kế hoạch tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý để các công ty này không hoạt động trá hình dưới các hình thức biến tướng khác.
Chị Trần Thị Mai (nạn nhân của các đối tượng cho vay nặng lãi): Trong năm 2020, tôi phát hiện mình bị ung thư, thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên gia đình lâm cảnh túng thiếu, phải vay “nóng” của họ. Tôi không thể ngờ dù đã trả nhiều đợt, đủ cả gốc lẫn lãi, nhưng các đối tượng này vẫn không buông tha. Họ nhiều lần tạt sơn, chất bẩn vào nhà tôi và người thân đồng thời nhắn tin đe dọa, khủng bố tinh thần tôi để đòi thêm tiền. Có lúc tôi đã nghĩ mình phải bỏ nhà đi biệt xứ hoặc tự tử mới mong thoát ra được.
Kiệt quệ và hết cách, tôi tìm đến Báo Công an TPHCM để cầu cứu. Nhờ sự hỗ trợ của Ban biên tập, vụ việc của tôi đã được phóng viên thâm nhập điều tra, nhanh chóng đưa toàn bộ chứng cứ đến Công an Q. Bình Thạnh. Cuối cùng, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Công an Q. Bình Thạnh, nhóm cho vay nặng lãi đã sa lưới pháp luật tháng 9-2020.
Nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình của Báo Công an TPHCM, có lẽ giờ này tôi vẫn còn vướng vào vòng xoáy nợ nần, không thể tìm được lối ra. Một lần nữa, tôi xin cảm ơn quý báo đã giúp tôi thoát được gọng kềm của nhóm cho vay nặng lãi, tránh được cảnh tan nhà nát cửa.
ĐỨC NAM
Dù luật đã quy định cụ thể, nhiều người dân vẫn còn lo ngại khi các dịch vụ đòi nợ thuê từ công khai có thể biến tướng, trở thành đòi nợ “chui” hoặc các hình thức khó lường khác.
Ông Võ Dũng (58 tuổi, ngụ Q11) cho rằng: “Từ trước đến nay, các dịch vụ đòi nợ vốn có nhiều bất cập khi không hoạt động theo một khuôn khổ nào, tạo điều kiện cho sự biến tướng khi nhiều công ty thuê các đối tượng giang hồ xăm trổ, thành phần xã hội đen để đe dọa, uy hiếp tinh thần người nợ tiền. Đã có nhiều vụ án cướp tài sản, bắt người trái pháp luật, hành hung người khác do các đối tượng đòi nợ thuê gây ra. Do vậy, khó có thể hi vọng các dịch vụ đòi nợ thuê này sẽ chấm dứt hoàn toàn khi Luật Đầu tư mới có hiệu lực. Có thể sẽ có những biến tướng khác nữa như đòi nợ thuê “chui”, cho thuê nhân viên để tự đi đòi nợ… nên rất cần lực lượng chức năng giám sát chặt chẽ”. Cùng ý kiến, theo ông Bình Nghĩa (52 tuổi, ngụ Q8), cần có những quy định rất cụ thể, chi tiết mới cấm hoàn toàn dịch vụ này.
Mỗi năm, TPHCM ghi nhận khoảng hơn 500 vụ tạt chất bẩn (sơn, mắm tôm…) vào nhà người dân, có nhiều vụ kéo dài dai dẳng như tiệm phở Hòa với 8 lần bị tạt nước sơn. Trong đó, ước tính con số chính xác sẽ lớn hơn rất nhiều khi các trường hợp bị tạt chất bẩn 1 – 2 lần không ra trình báo vụ việc cho cơ quan chức năng. Phần lớn trong số các vụ việc này đều liên quan đến vấn đề nợ nần tiền bạc. Thủ đoạn này được các đối tượng áp dụng rất nhiều do mức độ hiệu quả cao, khi có thể làm tinh thần con nợ trở nên rối loạn, sợ hãi. Trong khi đó, mức phạt hành chính chỉ từ 1 – 2 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 167/NĐ-CP hoàn toàn không đủ sức răn đe.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cùng nhận định, điều đáng mừng là hiện nay Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bắt đầu có hiệu với điểm sáng là việc cấm hoàn toàn kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy vậy, để vấn nạn này chấm dứt hẳn đòi hỏi phải thay đổi luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, loại bỏ hoàn toàn những kẽ hở để các đối tượng giang hồ đội lốt công ty đòi nợ không thể tiếp tục lợi dụng và trục lợi.