Quyền sở hữu tài sản là gì? Thời điểm xác lập quyền sở hữu tài sản?

Quyền sở hữu bao gồm những quyền gì ? Quyền khác đối với tài sản được hiểu như thế nào? Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là khi nào ? Bài viết phân tích cụ thể:

 

1. Quyền sở hữu tài sản là gì ?

Quyền sở hữu là một phạm trù pháp lí phản ánh các quan hệ sở hữu trong một chế độ sở hữu nhất định, bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật nhằm điều chỉnh những quan hệ về sở hữu trong xã hội. Các quy phạm pháp luật về sở hữu xác nhận, quy định và bảo vệ các quyền lợi của các chủ sở hữu trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản.

Với tư cách là một chế định pháp luật, quyền sở hữu chỉ ra đời khi xã hội có sự phân chia giai cấp và có nhà nước. Pháp luật về sở hữu và nhà nước có cùng một nguồn gốc và không thể tồn tại tách rời nhau, do đó nó sẽ mất đi khi không còn nhà nước.

Quyền sở hữu là quyền của duy nhất của chủ sở hữu đối với tài sản; quyền sở hữu là quyền tổng hợp của các quyền năng cụ thế đối với tài sản, đó là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt.

Theo Điều 158 Bộ luật dân sự năm 2015:

Điều 158. Quyền sở hữu

Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật.

Như vậy, những chủ thể nào chỉ có được một hoặc hai quyền trên thì sẽ không được công nhận là chủ sở hữu đối với tài sản mà chỉ là chủ thể có quyền khác đối với tài sản theo như quy định của Điều 159 của Bộ luật dân sự 2015 (Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác. Quyền khác đối với tài sản bao gồm: Quyền đối với bất động sản liền kề; Quyền hưởng dụng; Quyền bề mặt)

Các quyền năng thuộc nội hàm của quyền sở hữu có thể chuyển giao đồng thời cho người khác hoặc chủ sở hữu có thế tách từng quyền năng trên để chuyển giao cho chủ thể khác nhưng chỉ là chuyển giao có thời hạn. Như vậy những người có quyền khác đối với tài sản có phạm vi quyền và thời hạn quyền chỉ có tính tương đối.

Theo pháp luật của các quốc gia khác thì quyền sở hữu chỉ bao gồm hai quyền năng cụ thể là quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản chứ không bao gồm quyền chiếm hữu. Vì việc chiếm hữu tài sản được pháp luật của các nước này quy định như một tình trạng thực tế đối với tài sản.

 

2. Thế nào là quyền khác đối với tài sản ?

Bên cạnh quyền sở hữu thì Bộ luật dân sự còn đưa ra khái niệm quyền khác đối với tài sản.

Tại Điều 159 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Điều 159. Quyền khác đối với tài sản

1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.

2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:

a) Quyền đối với bất động sản liền kề;

b) Quyền hưởng dụng;

c) Quyền bề mặt.

Theo đó, quyền khác đối với tài sản là quyền của người không phải chủ sở hữu đối với tài sản hay là quyền đối với tài sản của người khác. Quyền này cũng có nội hàm là ba quyền: Quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.

Nếu các quyền cụ thể thuộc quyền sở hữu chỉ đồng thời thuộc về một chủ thể là chủ sở hữu hoặc chủ thể khác thuộc trường hợp pháp luật có quy định thì các quyền cụ thể của quyền khác đối với tài sản lại không thể đồng thời thuộc về một người được. Bởi các quyền này được xác lập do pháp luật quy định cho từng chủ thể nếu đủ điều kiện luật định hoặc do chủ sở hữu chuyển giao với những điều kiện nhất định. Những quyền này được thực hiện trên những tài sản ở những trạng thái vật chất khác nhau.

 

3. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản ?

Điều 160 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản:

Điều 160. Nguyên tắc xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

1. Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản được xác lập, thực hiện trong trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

3. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.

Khoản 1 điều luật trên quy định nguyên tắc luật điều chỉnh khi chủ thể xác lập, thực hiện quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản là theo Bộ luật này và các luật khác cỏ liên quan. Có thể nói quy định này đã khẳng định nguyên tắc áp dụng luật được quy định tại Điều 4 của Bộ luật dân sự và cũng là nguyên tắc chung khi các chủ thể thực hiện quyền của mình.

Khoản 1 trên cũng quy định về hiệu lực của quyền khác đối với tài sản trong trường hợp quyền sở hữu được chuyển giao bằng quy định:

“Quyền khác đối với tài sản vẫn có hiệu lực trong trường hợp quyền sở hữu được chuyến giao, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Quy định của khoản 2 và khoản 3 Điều 160 trên đề cập đến ranh giới hay giới hạn cho các chủ thể khi thực hiện quyền sở hữu hay thực hiện các quyền khác đối với tài sản.

– Chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

– Chủ thể có quyền khác đối với tài sản được thực hiện mọi hành vi trong phạm vi quyền được quy định tại Bộ luật này, luật khác có liên quan nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản hoặc của người khác.

 

4. Quyền sở hữu được xác lập từ thời điểm nào ?

Thời điểm xác lập quyền sở hữu được quy định tại Điều 161, Bộ luật dân sự 2015:

Điều 161. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản

1. Thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thực hiện theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan; trường hợp luật không có quy định thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên; trường hợp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì thời điểm xác lập quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Thời điểm tài sản được chuyển giao là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản.

2. Trường hợp tài sản chưa được chuyển giao mà phát sinh hoa lợi, lợi tức thì hoa lợi, lợi tức thuộc về bên có tài sản chuyển giao, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, Thời điểm xác lập quyền sở hữu sẽ theo các thứ tự xác định sau:

– Theo quy định luật đối với các trường cụ thể;

– Nếu không có quy định cụ thể của luật về thời điểm xác lập quyền thì thời điểm này do các chủ thể thỏa thuận;

– Nếu các chủ thể không thỏa thuận thì đó là thời điểm tài sản được chuyển giao.

Và thời điểm chuyển giao được giải thích là thời điểm chủ thể có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ chiếm hữu tài sản. Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì có 2 thời điểm thường được lựa chọn để xác định thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm chuyển giao về mặt pháp lý (là thời điểm sang tên chủ sở hữu) hoặc thời điểm chuyển giao về mặt thực tế (là thời điểm trực tiếp nắm giữ tài sản).

Khoản 2 Điều 161 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hoa lợi, lợi tức được xác lập cho ai khi tài sản chưa được chuyển giao, đó là xác lập cho bên có tài sản chuyển giao.

 

5. Nếu có rủi ro về tài sản thì ai là người chịu ?

Điều 162 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 162. Chịu rủi ro về tài sản

1. Chủ sở hữu phải chịu rủi ro về tài sản thuộc sở hữu của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải chịu rủi ro về tài sản trong phạm vi quyền của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với chủ sở hữu tài sản hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Điều luật trên đưa ra nguyên tắc chung là chủ thể có quyền (quyền sở hữu hay quyền khác đối với tài sản) phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc Bộ luật này, luật khác có liên quan có quy định khác. Các trường hợp này có thể là:

– Chịu rủi ro trong quan hệ mua sau khi dùng thử: Khoản 2 Điều 452 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“2. Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đổi với vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cam co tài sản khi bên mua chưa trả lời”’,

– Chịu rủi ro trong quan hệ mua trả chậm, trả dần: Khoản 2 Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

– Chịu rủi ro trong quan hệ chuộc lại tài sản đã bán: Khoản 2 Điều 454 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

“2. Trong thời hạn chuộc lại, bên mua không được xác lập giao dịch chuyển quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác và phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Trân trọng./.