Quyền sở hữu công nghiệp trong tư pháp quốc tế ghi nhận thế nào?

Quyền sở hữu công nghiệp là một trong các nội dung cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ. Trong khoa học tư pháp quốc tế, quyền sở hữu công nghiệp được nhìn nhận như thế nào? Có hay không việc xảy ra các vấn đề xung đột pháp luật và phương pháp bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nào sẽ được sử dụng ?

 

1. Quyền sở hữu công nghiệp là gì ?

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh lành mạnh (Điều 4  Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009). Quyền sở hữu công nghiệp chỉ phát sinh khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văng bằng bảo hộ.  

Từ quy định trên, ta thấy, khác với quyền tác giả, đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp liên quan trực tiếp đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và các đối tượng này có thể chia thành hai nhóm cơ bản:

– Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp mang tính sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp như sáng chế, kiểu dáng, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn…

– Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là các dấu hiệu mang tính phân biệt trong thương mại, như nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh.

 

2. Đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp

Căn cứ phát sinh quyền sở hữu công nghiệp: Đối với hầu hết các trường hợp, quyền sở hữu công nghiệp phát sinh khi được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ (trừ một số trường hợp ngoại lệ). Đây là sự khác biệt cơ bản giữa quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp. Đối với quyền tác giả, pháp luật bảo hộ hình thức thể hiện của ý tưởng, còn đối với quyền sở hữu công nghiệp, pháp luật bảo hộ nội dung của ý tưởng. Do vậy, về nguyên tắc, các đối tượng sở hữu công nghiệp muốn được cấp văn bằng bảo hộ phải đáp ứng các điều kiện nhất định do pháp luật quy định (ví dụ, sáng chế là phải mới, sáng tạo và có khả năng áp dụng trong công nghiệp). Như vậy, quyền sở hữu công nghiệp được xác lập không chỉ thông qua việc các chủ thể tạo ra đối tượng quyền sở hữu công nghiệp mà phải được ghi nhận hoặc công nhận từ phía cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới dạng “văn bằng bảo hộ” hoặc “chấp nhận bảo hộ”.

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền đối với tài sản vô hình: Bản chất của quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu đối với các thông tin, các tri thức về khoa học, kĩ thuật, về công nghệ… do con người sáng tạo ra. Phần lớn các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là các tài sản vô hình nên khả năng bị các đối tượng khác ăn cắp, xâm phạm là rất cao.

Quyền sở hữu công nghiệp mang tính chất lãnh thổ: Nguyên nhân của vấn đề này là do quyền sở hữu trí tuệ là “quyền có tính lãnh thổ”, điều này có nghĩa là chúng thường chỉ được bảo hộ trong lãnh thổ một quốc gia hoặc trong lãnh thổ một khu vực – nơi đăng ký/gửi yêu cầu bảo hộ và nhận được sự bảo hộ. Ví dụ, Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau: 

Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam

Vì vậy, khi doanh nghiệp nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế, nhãn hiệu hay kiểu dáng công nghiệp hợp pháp ở thị trường Việt Nam và đã được cấp các văn bằng bảo hộ thì quyền sở hữu trí tuệ đó chỉ được bảo hộ tại Việt Nâm. Khi doanh nghiệp đưa tài sản trí tuệ của mình ra thị trường khác thì phải tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường đó hoặc đăng ký tại Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).

Ngoại lệ:

Trường hợp nhãn hiệu đã được sử dụng ở một số nước (chủ yếu là những nước có hệ thống pháp luật dựa trên “thông luật” như Ôxtrâylia, Ấn Độ,Vương quốc Anh và Hoa Kỳ) thì không cần phải đăng ký khi sử dụng ở những nước có liên quan. Khi đó, nhãn hiệu sẽ nhận được sự bảo hộ ở một mức độ nhất định ngay cả khi chưa đăng ký tại thị trường mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn nên tiến hành đăng ký bảo hộ ở các quốc gia khác không có cùng hệ thống pháp luật để việc bảo hộ được thực hiện tốt hơn.

 

3. Khái niệm quyền sở hữu công nghiệp trong tư pháp quốc tế

Quyền sở hữu công nghiệp trong tư pháp quốc tế cũng có khái niệm tương tự với khái niệm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ tức là đây cũng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh lành mạnh nhưng có yếu tố nước ngoài.

Yếu tố nước có thể được thể hiện qua ba trường hợp sau:

– Chủ thể: phải có ít nhất một bên là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài (chủ thể yêu cầu được bảo hộ).

– Khách thể tồn tại ở nước ngoài. 

– Sự kiện pháp lý xảy ra ở nước ngoài. Ví dụ: Chủ sở hữu nhãn hiệu tại Việt Nam muốn nộp đơn yêu cầu được bảo hộ ở các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Trung Quốc,…

 

4. Có hay không việc xung đột pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp trong Tư pháp quốc tế ?

Xung đột pháp luật trong tư pháp quốc tế là hiện tượng hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau cùng có thể được áp dụng để điều chỉnh quan phát sinh liên quan đễn quyền tác giả khi đó, phụ thuộc vào việc áp dụng pháp luật nước nào có thể sẽ xảy ra các kết quả không giống nhau.

Ví dụ: Pháp luật Việt Nam quy định về việc tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân có thể là tài sản riêng của vợ chồng nếu chứng minh được nó hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng và khi ly hôn không phải chia đôi. Nhưng pháp luật một số nước trên thế giới quy định cứ tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, khi ly hôn sẽ chia đôi.

Vậy có hay không vấn đề xung đột pháp luật về quyền tác giả trong tư pháp quốc tế tại Việt Nam?

Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

Điều 679. Quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ được xác định theo pháp luật của nước nơi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được yêu cầu bảo hộ.

Điều 679 này là một quy phạm xung đột điều chỉnh vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ trong đó có quyền tác giả. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, đặc điểm của quyền sở hữu trí tuệ nói chung trong đó có cả quyền sở hữu công nghiệp là mang tính lãnh thổ. Sự tồn tại của quy phạm xung đột không phải là bằng chứng cho việc có xung đột pháp luật trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và Điều 679 Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ là sự ghi nhận một cách nhất quán về việc sẽ áp dụng pháp luật của nước nơi có yêu cầu bảo hộ được tiến hành. Còn việc bảo hộ tại ra sao, với thời hạn thế nào thì tuân thủ theo quy định pháp luật tại quốc gia nhận được yêu cầu bảo hộ.

Như vậy, về cơ bản có thể hiểu rằng trong lĩnh vực bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì luôn chỉ có duy nhất một hệ thống pháp luật được áp dụng mà không thể có hai hệ thống pháp luật cùng điểu chỉnh vấn đề này, nên không tồn tại xung đột pháp luật.

 

5. Các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong tư pháp quốc tế

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dựa trên việc ký kết, tham gia các điều ước quốc tế đa phương, song phương. Một số các Điều ước quốc tế điển hình được kể đến là:

– Công ước Paris năm 1883 về quyền sở hữu công nghiệp. Đây là một trong những công ước quốc tế đa phương quan trọng về sở hữu công nghiệp. Công ước này được kí kết vào ngày 20/3/1883 với sự tham gia của 11 nước, đến ngày 15/9/2005 số lượng thành viên 169, Việt Nam tham gia công ước vào năm 1981.

Mục đích của công ước là Nhằm xây dựng các điều kiện có lợi cho việc cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu công nghiệp là công dân, pháp nhân của nước này ở nước khác thuộc thành viên công ước trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng luật sở hữu trí tuệ của nước thành viên.

– Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid. Thỏa ước Madrid về đăng kí quốc tế với nhãn hiệu hàng hóa có hiệu lực từ năm 1981. Còn nghị định thư có liên quan đến thỏa ước Madrid được thông qua năm 1989 có hiệu lực năm 1995 và quy chế thi hành Nghị định thư có hiệu lực từ năm 1996.

Hai văn bản có sự khác nhau cơ bản dựa trên cơ sở đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sau: Nghị định thư cho phép việc đăng kí bảo hộ tại các nước thành viên chỉ cần dựa trên cơ sở đã nộp đơn tại nước xuất xứ mà không cần phải đợi đến lúc được cấp văn bằng; còn nếu đăng ký bảo hộ theo thoả ước thì bắt buộc phải có giấy chứng nhận bảo hộ đã được nước xuất xứ cấp. 

Mục đích: Tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại các nước thành viên.

Việt Nam là thành viên của Thoả ước Madrid từ năm 1949 còn tới tận ngày 11 tháng 4 năm 2006 Việt Nam mới nộp văn kiện gia nhập Nghị định thư. Và tính từ ngày 11 tháng 7 năm 2006, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của cả hệ thống đăng ký quốc tế về nhãn hiệu gồm cả Thoả ước Madrid và Nghị định thư liên quan đến thoả ước Madrid.

– Hiệp ước hợp tác về sáng chế (Patent Cooperation Treaty – PCT) năm 1970. Hiệp ước này được kí kết ngày 19 tháng 6 năm 1970 tại Washington, PCT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 1978 và Việt Nam tham gia PCT từ ngày 10 tháng 3 năm 1993. Mục đích của hiệp ước là đơn giản hóa thủ tục bảo hộ sáng chế và thực hiện việc bảo hộ một cách kinh tế hơn bằng cách cho phép bảo hộ bằng sáng chế cho một phát minh đồng thời ở một số lượng lớn các quốc gia bằng cách nộp đơn đăng kí bằng sáng chế quốc tế duy nhất.

– Hiệp định Trips – Hiệp định về các vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ dã được kí kết vào ngày 15 tháng 12 năm 1993 tại vòng Đàm phán Urugoay, bắt đầu hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đối với tất cả các nước là thành viên của GATT (nay là WTO). Hiệp định TRIPS có hiệu lực với Việt Nam ngay từ khi Việt Nam trở thành Thành viên của WTO (năm 2007).

Mục đích chính của Trips là quy định những tiêu chuẩn, những biện pháp và những thủ tục tối tiểu mà các nước là thành viên của hợp đồng phải có nghĩa vụ tuân thủ, thiết lâpm một khung pháp lý thống nhất, có hiệu quả trong việc bảo hộ toàn diện quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền sở hữu công nghiệp.

– Hiệp định khung về sở hữu trí tuệ của các nước ASEAN. Đây là ĐƯQT khu vực do 7 nước thành viên: Brunay, In, Malaysia, Phi, Sin, Thai và Việt Nam kí kết ngày 15 /12 /1995 tại BangKok.

Nội dung chính của hiệp ước là xác định phạm vi đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ giữa các nước thành viên, Các biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ giữa các nước thành viên trên nguyên tắc đãi ngộ quốc gia (NT) và đãi ngộ tối huệ quốc phù hợp với các chuẩn mực của Hiệp định TPIPS cũng như mục tiêu thực hiện hệ thống đăng ký sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa của khu vực ASEAN hướng tới thành lập một văn phòng bằng sáng chế và văn phòng hãn hiệu hàng hóa chung của cả khối nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký và cấp văn bằng bảo hộ tiến tới đơn giản hóa các hệ thống quản lý về sở hữu trí tuệ trong toàn khu vực ASEAN.

– Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ được ký kết ngày 13/7/2000 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/ 12/ 2001. Nội dung chính của hiệp định là: 

+ Quy định nguyên tắc xuyên suốt trong việc xác lập bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp là nguyên tắc đối xử quốc gia.

+ Quy định rõ đối tượng bảo hộ, các tiêu chuẩn bảo hộ, phạm vi, thời hạn bảo hộ đối với từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể: Đối với quyền sở hữu công nghiệp các đội tượng được bảo hộ theo Hiệp định bao gồm: nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật, kiểu dáng công nghiệp.Ngoài các đối tượng trên, Việt Nam và Hoa Kỳ còn có nghĩa vụ bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đã được quy định trong các ĐƯQT đa phương mà Hiệp định đã dẫn chiếu tới là Công ước Paris 1967 về quyền sở hữu công nghiệp.

+ Quy định các biện pháp để thực thi có hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng.

Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại pháp luật của từng quốc gia. 

Một trong các đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp là mang tính lãnh thổ. Nên pháp luật về sở hữu trí tuệ của quốc gia nào chặt chẽ, mạnh mẽ thì việc bảo hộ quyền của chủ sở hữu công nghiệp càng tốt hơn.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!