Quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non được quy định như thế nào?

Trẻ em là tương lai của đất nước. Chính vì vậy, trẻ em cần được quan tâm, giáo dục để phát triển một cách toàn diện. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non.

Cơ sở giáo dục mầm non

Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi. Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

Cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:

+ Nhà trẻ, nhóm trẻ độc lập nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 03 tuổi;

+ Trường mẫu giáo, lớp mẫu giáo độc lập nhận trẻ em từ 03 tuổi đến 06 tuổi;

+ Trường mầm non, lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

Quyền của trẻ em

Căn cứ theo khoản 1 Điều 81 Luật Giáo dục 2019 quy định trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non có các quyền sau đây:

Thứ nhất: Được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành; được chăm sóc sức khỏe và bảo vệ theo quy định của Luật Trẻ em và quy định khác của pháp luật có liên quan;

Theo đó, trong vấn đề giáo dục đối với trẻ em tại cơ sở mầm non, trẻ em được nhà nước đảm bảo quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chương trình giáo dục mầm non có thể hiểu là sự trình bày có hệ thống một kế hoạch tổng thể các hoạt động giáo dục trong một thời gian xác định, trong đó nêu lên các mục tiêu cần đạt được, đồng thời xác định rõ phạm vi, mức độ nội dung học tập, các phương tiện, phương pháp, cách thức tổ chức học tập, cách đánh giá kết quả học tập v.v nhằm đạt được các mục tiêu giáo dục mầm non đề ra.

Bên cạnh đó, trẻ em có quyền được chăm sóc sức khỏe, được bảo vệ về thể chất, tinh thần khỏi những tác động xấu dẫn đến xâm hại trẻ em. Quyền này có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo môi trường sống, học tập và giáo dục đối với trẻ, được pháp luật cụ thể hóa thành nhiều văn bản pháp luật để bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng cho trẻ em.

Thứ hai: Được miễn, giảm giá vé đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng.

Đây là quyền nhằm đảm bảo cho trẻ em có điều kiện phát triển không chỉ về kiến thức văn hóa qua sách vở mà còn nâng cao các khả năng, năng khiếu, sự sáng tạo của trẻ. Có thể thấy rằng việc miễn, giảm giá vé đối với trẻ em tham gia dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng góp phần thúc đẩy việc giáo dục trẻ không chỉ trong cơ sở giáo dục mà còn ở mọi lúc mọi nơi.

Chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non

Khoản 2 Điều 81 Luật Giáo dục 2019 quy định như sau:

2. Chính phủ quy định chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non

Chính sách phát triển giáo dục mầm non được hướng dẫn bởi Nghị định 105/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2020 quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục

Luật Hoàng Anh