Quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non – Giải đáp pháp luật – Trang thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Vợ chồng tôi có con năm nay tròn 3 tuổi. Chúng tôi dự định cho cháu đi học mẫu giáo ở một trường gần nhà.

Vợ chồng tôi có con năm nay tròn 3 tuổi. Chúng tôi dự định cho cháu đi học mẫu giáo ở một trường gần nhà.

Đề nghị các anh, chị cho biết chính sách của Nhà nước đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non như thế nào?

Trả lời

Phát triển toàn diện của trẻ em, theo khoản 2 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016, “là sự phát triển đồng thời cả về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội của trẻ em”.

Điều 5 của Luật này quy định nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em như sau:

“1. Bảo đảm để trẻ em thực hiện được đầy đủ quyền và bổn phận của mình.

2. Không phân biệt đối xử với trẻ em.

3. Bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em trong các quyết định liên quan đến trẻ em.

4. Tôn trọng, lắng nghe, xem xét, phản hồi ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

5. Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các Mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội quốc gia, ngành và địa phương”.

Quyền của trẻ em theo quy định tại Luật này bao gồm quyền sống, quyền được khai sinh và có quốc tịch, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu, quyền vui chơi, giải trí, quyền giữ gìn, phát huy bản sắc, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền về tài sản, quyền bí mật đời sống riêng tư, quyền được sống chung với cha, mẹ, quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ, được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi, quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục, quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy, quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính, quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang, quyền được bảo đảm an sinh xã hội, quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp…

Bên cạnh quy định về các quyền của trẻ em nêu trên, pháp luật đã xác định rõ ràng trách nhiệm của toàn xã hội, của tổ chức, cá nhân, của gia đình và nhà trường về việc tôn trọng, bảo đảm quyền của trẻ em. Trong đó, quyền được chăm sóc, giáo dục, học tập để phát triển đầy đủ thể chất, tâm hồn là các quyền quan trọng của trẻ em.

Tại cơ sở giáo dục mầm non, theo Điều 84 của Luật Giáo dục năm 2005, quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em được quy định như sau:

“1. Trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non có những quyền sau đây:

a) Được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Được chăm sóc sức khoẻ ban đầu; được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập;

c) Được giảm phí đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí công cộng.

2. Chính phủ quy định các chính sách đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non”.

Hướng dẫn chi tiết thực hiện nội dung này, Điều 34 Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định:

“Trẻ em ở cơ sở giáo dục mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ theo quy định của Luật Giáo dục, Luật Bảo vệ, chăm sóc và Giáo dục trẻ em và các quy định khác của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mục tiêu, kế hoạch và chương trình giáo dục mầm non phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em. Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo phát triển giáo dục mầm non trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu phát triển giáo dục mầm non của địa phương; mở rộng hệ thống nhà trẻ và trường lớp mẫu giáo trên mọi địa bàn dân cư; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục mầm non ở những xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và vùng dân tộc thiểu số.

Các cấp quản lý giáo dục có trách nhiệm quản lý, theo dõi việc thực hiện các quyền của trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại khoản 1 Điều 84 của Luật Giáo dục; phối hợp với các cơ quan y tế, các cấp hội phụ nữ, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, ban đại diện cha mẹ học sinh hướng dẫn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, tăng cường phổ biến kiến thức nuôi dạy trẻ, thực hiện phòng bệnh, khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm cho trẻ em được phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn”.

Như vậy, khi đi học tại cơ sở giáo dục mầm non, con của bạn được thủ hưởng chính sách, đồng thời có đầy đủ các quyền nêu trên.

Ví dụ, cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục theo mục tiêu, kế hoạch giáo dục mầm non. Mục tiêu này đảm bảo giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời. Phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, hài hoà giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục; giúp trẻ em phát triển cơ thể cân đối, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn; cung cấp kỹ năng sống phù hợp với lứa tuổi; giúp trẻ em biết kính trọng, yêu mến, lễ phép với ông bà, cha mẹ, thầy giáo, cô giáo; yêu quý anh, chị, em, bạn bè; thật thà, mạnh dạn, tự tin và hồn nhiên, yêu thích cái đẹp; ham hiểu biết, thích đi học

Bên cạnh đó, cháu còn được chăm sóc sức khoẻ ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập… 

Hùng Phi