Quyền con người trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Nội dung cơ bản của quyền con người là các nhu cầu về vật chất (như ăn, ở, đi lại, môi trường…) và tinh thần (tự do internet, tham gia mạng xã hội, tự do ngôn luận, báo chí, tự do tiếp cận thông tin…) của mọi người. Tuy nhiên cho đến nay phần lớn người chỉ hiểu quyền con người về mặt “quyền” mà chưa hiểu hoặc quên đi quyền con người về mặt “trách nhiệm”, “nghĩa vụ” của mỗi người đối với người khác và xã hội. Cũng còn không ít người hiểu “quyền con người là người ta muốn làm gì thì làm”… Theo nguyên nghĩa – quyền con người không chỉ có “quyền” mà còn bao hàm cả “nghĩa vụ – trách nhiệm” của mỗi người đối với người khác và cộng đồng.

Quyền con người trong nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam Ảnh minh họa

Theo một tài liệu của Liên hợp quốc, quyền con người có đến gần 50 định nghĩa. Sự khác biệt giữa các định nghĩa không chỉ do cách nhìn nhận của các chủ thể mà con do chính sự vận động phát triển của con người. Chẳng hạn như ở thế kỷ XIX, người ta không thể đề cập đến quyền tự do tiếp cận internet, mạng xã hội. Cho đến nay nhiều quốc gia ghi nhận khái niệm quyền con người của Cao ủy Liên hợp quốc. Theo định nghĩa này, quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu bảo vệ các cá nhân và các nhóm xã hội chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những quyền được quy định và tự do cơ bản của con người. Trong khái niệm này, quyền con người là những quyền được pháp luật quy định.

Về mặt lịch sử, quyền con người ở nước ta chỉ ra đời từ khi dân tộc ta thoát khỏi chế độ thực dân – phong kiến xây dựng chế độ xã hội mới – chế độ xã hội do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo, cầm quyền đến nay (1945-2022). Tuy nhiên trong mỗi thời kỳ lịch sử, quyền con người được hiểu, chỉnh sửa, phát triển cùng với sự phát triển của đất nước.

Vào thời điểm Hiến pháp 1946 ra đời, Công ước quốc tế về quyền con người của cộng đồng quốc tế (1948 ) chưa ra đời thì ở nước ta, ngay từ 1945 khái niệm này không chỉ ra đời mà còn là một giá trị về chính trị và pháp lý của dân tộc ta được công bố trước toàn thế giới. Đó là quyền con người trong bản Tuyên ngôn độc lập, 1945, do Chủ tịch Hồ Chí Minh biên soạn. Tuyên ngôn độc lập, Người viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. “Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 cũng nói: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Tư tưởng đặc sắc của bản Tuyên ngôn độc lập Việt Nam là ở chỗ: Từ quyền con người của cá nhân được mở rộng, gắn liền với quyền của dân tộc – Đó là quyền độc lập dân tộc, tự do của nhân dân.

Hiến pháp 1946, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo biên soạn đã thể hiện khá đầy đủ quyền con người gắn liền với quyền công dân. Chẳng hạn, Điều 6 quy định:

“Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Về các quyền Dân sự chính trị “nhạy cảm” cũng đã được quy định: Công dân có quyền “Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng…”; “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”.

Điều 15, đã có quy định tiến bộ đặc biệt: “Nền sơ học cưỡng bách và không học phí. Ở các trường sơ học địa phương, quốc dân thiểu số có quyền học bằng tiếng của mình; học trò nghèo được Chính phủ giúp; trường tư được mở tự do và phải dạy theo chương trình Nhà nước”.

Điều thứ 16 đối với người nước ngoài ở Việt Nam, Hiến pháp quy định:

“Những người ngoại quốc tranh đấu cho dân chủ và tự do mà phải trốn tránh thì được trú ngụ trên đất Việt Nam”.

Các bản Hiến pháp tiếp theo: Hiến pháp 1958, 1992 đều có các quy định về quyền công dân, trong đó bao gồm cả quyền con người. Hiến pháp 2013 lần đầu tiên khái niệm quyền con người được đưa vào văn kiện quan trọng này.

Quyền con người trong Hiến pháp 2013 được quy định trong một chương riêng (Chương II): “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.

Chương này có 12 Điều: Từ Điều 14 đến Điều 26.

Nội dung các quy định về quyền con người bao gồm: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, … (Điều 14)

“Mọi người có quyền sống.Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”; “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm;

“Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”… (Điều 21).

Không phủ nhận rằng, quyền con người trên lĩnh vực kinh tế, thời kỳ 1976-1985, khi Việt Nam xây dựng nền kinh tế “kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp” đã có một số hạn chế. Chẳng hạn như xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân (tiểu chủ, tư sản…), chỉ xây dựng, thừa nhận thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể (Hợp tác xã). Nhiều mặt tiêu cực của nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp đã bộc lộ. Đó là sự xuất hiện tình trạng, trì trệ, bóc lột trong xã hội… Ca dao thời kỳ này có câu:

“Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho cán bộ mua đài, mua xe
Mỗi người làm việc bằng ba
Để cho chủ nhiệm xây nhà, lát sân”.

Đối với các tỉnh phía Nam sau ngày giải phóng, Nhà nước thực hiện chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp tư nhân. Chính sách này trên thực tế là xóa bỏ nền kinh tế thị trường, xóa bỏ quyền lựa chọn thành phần kinh tế của người dân.

Thời kỳ 1986 – đến nay, nước ta thực hiện đường lối đổi mới. Trên lĩnh vực kinh tế Đại hội IX (tháng 4/2001) Đảng ta quyết định “xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” theo đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển “kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiếp đó Đại hội XII của Đảng (tháng 1/2016) tiếp tục bổ sung, phát triển khái niệm này. “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Đây có thể nói là một bước phát triển đột phá là về tư duy lý luận kinh tế của Đảng ta. Có 2 điểm cần chú ý trong nội dung trên (so với khá niệm kinh tế thị trường trước đó). Đó là “có sự quản lý của Nhà nước” và “hội nhập quốc tế”.

Còn nhớ suốt một thời gian dài, cả về mặt lý luận và thực tiễn, chúng ta đã đối lập một cách siêu hình chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản; xem những gì có trong chủ nghĩa tư bản thì chủ nghĩa xã hội phải xóa bỏ. Vào thời điểm đó chúng ta chưa nhận thức được kinh tế thị trường là thành quả phát triển chung của nhân loại.

Thời kỳ này, chúng ta cũng chưa nhận thức được đầy đủ mối quan hệ giữa kinh tế với quyền con người. Đó là mối quan hệ biện chứng – tương tác – hai chiều. Kinh tế tác động đối với toàn bộ xã hội và mỗi con người. Ngược lại quyền con người cũng tác động đến kinh tế. Kinh tế phát triển, tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa các quyền con người. Quyền con người được bảo đảm sẽ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Người dân từ đây có quyền lựa chọn thành phần kinh tế nào có lợi cho mình thì tham gia… hơn nữa một chủ thể có quyền tham gia nhiều thành phần kinh tế…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ này là thừa nhận, phát huy quyền sản xuất kinh doanh của người lao động. Còn nhớ thời kỳ này ở nông thôn, đó là khoán hộ. Ở thành thị đó là xóa bỏ chính sách “ngăn sông, cấm chợ”, thừa nhận các thành phần kinh tế, trong đó có thành phần tiểu chủ, tư sản.

Về mặt lý luận và thực tế, chế độ sở hữu có vị trí quan trọng đặc biệt đối với quyền con người. Chế độ sở hữu nhiều thành phần, trong đó có thành phần cá nhân – tiểu chủ là một động lực to lớn thúc đẩy kinh tế phát triển. Ngược lại, quyền được lựa chọn lao động, việc làm, sản xuất – kinh doanh tất yếu sẽ thúc đẩy quyền con người. Quyền con người trên lĩnh vực kinh tế được tôn trọng, bảo đảm tất yếu sẽ kéo theo sự phát triển trên lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Về mặt chính trị, đường lối hội nhập quốc tế của Việt Nam trong những năm qua đã đem lại những bước phát triển mới. Còn nhớ trong thời kỳ chiến tranh lạnh (1947-1991) Việt Nam chỉ hợp tác, trao đổi hàng hóa với các nước “anh em”, mà bỏ ngỏ thị trường quốc tế rộng lớn. Từ thời kỳ đổi mới đến nay, Việt Nam đã thay đổi tư duy chính trị, theo đó “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác”; “Bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Hai năm gần đây kinh tế – xã hội của Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp ứng phó chủ động, sáng tạo từ Trung ương tới địa phương, khiến cho đại dịch bệnh không nghiêm trọng như nhiều quốc gia khác.

Theo bảng xếp hạng của Expat Explorer, của Ngân hàng HSBC năn 2021 “Việt Nam xếp ở vị trí thứ 19 trong top những quốc gia đáng sống và làm việc nhất trên thế giới… Cũng theo báo cáo này dự kiến, triển vọng của Việt Nam có thể được nâng lên vị trí thứ 11”.

Như vậy có thể nói, sau gần 77 năm kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, đất nước, xã hội ta tuy vẫn còn tồn tại những hạn chế, nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế, xã hội to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Trên lĩnh vực kinh tế, từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, qua quá trình phấn đấu, đất nước đã chuyển đổi mô hình – hoàn thiện thể chế kinh tế, hội nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế, đến nay nền kinh tế nước ta được xếp vào hàng ngũ các nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới. Nhìn từ giác độ quyền con người, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong số ít những quốc gia “đáng sống trên thế giới”./.