Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Bà Liên trình bày vụ việc.

Viên chức có nguyện vọng xin nghỉ việc đã gửi đơn thông báo cho đơn vị sử dụng lao động biết trước 45 ngày. Hết khoảng thời gian này, viên chức tự ý nghỉ việc đã không nhận được quyết định cho thôi việc từ phía cơ quan có thẩm quyền, gây khó khăn trong việc hưởng quyền lợi liên quan. Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị Kiều Liên (SN 1988, ngụ ấp Hoà Bình, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên).

Viên chức nghỉ việc có báo trước

Bà Liên nguyên là giáo viên của Trường mầm non Hoạ Mi (xã Hoà Hiệp). Bà Liên bắt đầu làm việc tại trường này từ năm 2013, hợp đồng lao động đã ký lần gần đây nhất là “không xác định thời hạn”. Thời gian qua, gia đình bà Liên gặp khó khăn do không có người chăm lo con nhỏ (một bé 11 tháng tuổi, một bé đang học lớp 1), khi dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp. Với hoàn cảnh như vậy, bà Liên không còn an tâm công tác vì phải dành nhiều thời gian để chăm lo các con, cha và mẹ già.

Ngày 20.8.2021, bà Liên gửi đơn xin nghỉ việc lên Ban giám hiệu Trường mầm non Hoạ Mi, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Biên (Phòng GD&ĐT). Mặc dù đã gửi đơn nhằm thông báo rõ nguyện vọng xin nghỉ việc của mình để nhà trường và Phòng GD&ĐT biết trước, nhưng bà Liên vẫn tiếp tục công tác đến hết 45 ngày sau đó theo đúng quy định của pháp luật. Tức bà Liên bắt đầu tự nghỉ việc từ sau ngày 5.10.2021.

Bà Liên cho hay, bà tự nghỉ việc sau khoảng thời gian như trên vì không biết đến bao giờ mới được cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Vào ngày 4.10.2021, bà có nhận được Công văn số 1230 ngày 15.9.2021 của UBND huyện Tân Biên với nội dung: “UBND huyện thống nhất chưa giải quyết nghỉ việc đối với bà Nguyễn Thị Kiều Liên. Lý do, hiện chưa bố trí được giáo viên thay thế vị trí của bà Nguyễn Thị Kiều Liên”.

Theo đơn của bà Liên gửi đến Báo Tây Ninh, việc UBND huyện Tân Biên ban hành công văn như trên là trái với quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019. Ngoài ra, còn trái với quy định tại khoản 4, Điều 29; điểm d, khoản 5 và khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2012).

Cũng theo đơn trình bày của bà Liên, Công văn số 1230 của UBND huyện Tân Biên căn cứ vào Tờ trình của Phòng GD&ĐT và điểm d, khoản 2 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ (quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức) để chưa giải quyết cho thôi việc “do yêu cầu công tác và chưa bố trí được người thay thế”.

Nội dung quy định này không định lượng về mặt thời gian, chưa giải quyết cho thôi việc có thể kéo dài bao lâu, khi vận dụng pháp luật phải hiểu là có thể chưa giải quyết cho thôi việc trong khung luật định. Trong trường hợp này là 45 ngày nhưng không đồng nghĩa có quyền kéo dài vô thời hạn.

Ngày 18.11.2021, bà Liên nhận được Thông báo số 594 ngày 17.11.2021 của UBND huyện Tân Biên về việc “đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc của viên chức”, mà không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Liên. Do vậy, bà Liên không được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm liên quan. Cụ thể, bà Liên cho biết, BHXH huyện yêu cầu bà phải cung cấp quyết định cho thôi việc theo đúng quy định từ cấp có thẩm quyền. Nguyện vọng của bà Liên là được UBND huyện Tân Biên ra quyết định cho thôi việc, để phía công ty bảo hiểm giải quyết quyền lợi cho bà.

Vẫn không được quyết định cho thôi việc

Ông Bùi Minh Chánh- Cán bộ tổ chức Phòng GD&ĐT cho biết, việc UBND huyện Tân Biên ban hành Thông báo số 594 là thực hiện theo nguyện vọng của bà Liên. Bà Liên đã nhận được Công văn số 1230 của UBND huyện trước đó về việc chưa giải quyết thôi việc đối với bà do chưa bố trí được giáo viên thay thế, nhưng bà vẫn tự ý nghỉ việc và cam kết không nhận lương kể từ ngày 5.10.2021.

Nên UBND huyện ban hành Thông báo trên với nội dung: “UBND huyện Tân Biên thông báo viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc. Bà Nguyễn Thị Kiều Liên… đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc tại Trường mầm non Hoạ Mi kể từ ngày 6.10.2021”.

Ông Chánh còn cho biết thêm, trường hợp trong khoảng thời gian 45 ngày sau khi viên chức có đơn xin nghỉ việc mà UBND huyện không ban hành bất cứ văn bản nào trả lời, thì khi hết thời hạn này, huyện phải ra quyết định cho thôi việc đối với bà Liên.

Đằng này, UBND huyện đã có Công văn số 1230 trả lời cho bà Liên biết rõ là chưa giải quyết nghỉ việc đối với bà nhưng bà vẫn tự ý nghỉ việc. Do vậy, UBND huyện Tân Biên chỉ ban hành thông báo về việc viên chức Nguyễn Thị Kiều Liên đã đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc tại Trường mầm non Hoạ Mi.

Bà Nguyễn Thị Thu Yên- Trưởng Phòng GD&ĐT chia sẻ, huyện Tân Biên đang thiếu giáo viên mầm non, toàn huyện có 174 giáo viên mầm non/126 lớp. Riêng tại Trường mầm non Hoạ Mi có 8 giáo viên/8 lớp (tính luôn cả giáo viên Nguyễn Thị Kiều Liên).

Công tác tuyển dụng giáo viên mầm non trong nhiều năm qua có khó khăn. Nhà trường và Phòng GD&ĐT đang theo dõi sĩ số các em theo học tại trường trong thời gian tới, nhằm có hướng cân đối giáo viên đứng lớp rồi sẽ giải quyết cho cô Liên nghỉ việc theo nguyện vọng. Thực tế, nhà trường và Phòng GD&ĐT đã nhiều lần vận động, thuyết phục cô Liên tiếp tục công tác nhưng cô kiên quyết nghỉ việc.

Theo ý kiến của ông Nguyễn Văn Nho- Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật – Quan hệ lao động, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật Công đoàn Tây Ninh thuộc cơ quan Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh: lý do thôi việc của bà Liên là có cơ sở và theo quy định của pháp luật. Bà xin thôi việc trong lúc không người trông coi con nhỏ, dịch bệnh đang diễn biến nguy hiểm.

Viên chức Liên đã xin thôi việc theo đúng quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 và quy định tại khoản 4 Điều 29; điểm d khoản 5, khoản 6 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010. Bà Liên gửi đơn xin nghỉ việc lên Ban giám hiệu Trường mầm non Hoạ Mi, Phòng GD&ĐT nêu rõ nguyện vọng xin nghỉ việc của mình, đến khi hết thời hạn báo trước 45 ngày thì bà Liên bắt đầu nghỉ việc theo quy định của pháp luật.

Đối với phần ý kiến của ông Chánh và bà Yên, ông Nho có ý kiến như sau: lý do thôi việc của bà Liên là có cơ sở và theo quy định của pháp luật. Công văn số 1230 của UBND huyện Tân Biên về việc chưa giải quyết cho bà Liên nghỉ việc là không phù hợp với nguyện vọng của viên chức, thiếu cơ sở pháp lý được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 của Chính phủ: “…

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của viên chức, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức theo quy định.

Trường hợp không đồng ý cho viên chức thôi việc thì phải trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do theo quy định”. Việc trả lời bằng văn bản, nếu viên chức không đồng ý thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện vụ án hành chính.

Ông Nho còn cho hay, khi nhận được đơn xin thôi việc, đơn vị sử dụng lao động không có thông báo hay quyết định tuyển dụng hoặc điều động người để thay thế vị trí của bà Liên trong phạm vi 45 ngày theo thời gian đã báo trước khi nghỉ việc.

Trong quá trình xin thôi việc của bà Liên, do ảnh hưởng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 nên thực tế là không có tập trung trẻ em mầm non để dạy. Thông báo số 594 của UBND huyện Tân Biên cũng không có nêu việc bà Liên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái quy định pháp luật hay tự ý bỏ việc. Nên việc UBND huyện Tân Biên không ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động của viên chức, để bà Liên được hưởng các chế độ là chưa phù hợp quy định của pháp luật.

Quốc Sơn

Tại điểm a, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động ngày 20.11.2019 có quy định: “Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn…”.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 (có hiệu lực thi hành từ này 1.1.2012) quy định: “Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 3 ngày”.

Tại điểm d, khoản 5 Điều 29 Luật Viên chức năm 2010 cũng có quy định: “Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”.

Về vụ thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn (Đồng Nai) xin nghỉ vì “nhiều điều phi giáo dục, vấn nạn dối trá”, dư luận đặt câu hỏi ai có quyền cho thầy giáo nghỉ và việc hiệu trưởng bút phê ngay trên lá đơn có đúng?

Ngày 11/10, lá đơn xin nghỉ việc của một thầy giáo ở Đồng Nai gây xôn xao mạng xã hội. Người viết lá đơn này là ông Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường tiểu học An Lợi, huyện Long Thành. Ông Sơn viết đơn đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết cho thôi việc từ ngày 1/11 theo chế độ thôi việc hiện hành với lý do: “Công tác trong một cơ sở giáo dục, nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.

Ở phía dưới đơn xin nghỉ việc này có phần bút phê và ký tên, đóng dấu của ông Nguyễn Thanh Tùng – Hiệu trưởng Trường tiểu học An Lợi, chấp thuận cho thầy Sơn nghỉ việc theo nguyện vọng. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường cũng yêu cầu kế toán liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ chính sách cho ông Sơn.

Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành xác nhận vụ việc. Tuy nhiên, theo ông Toàn, việc hiệu trưởng nhà trường ghi luôn nội dung giải quyết cho ông Sơn nghỉ việc ngay trên tờ đơn xin nghỉ việc là chưa đúng quy trình và đã “chỉ đạo nhà trường cho rút lại đơn xin nghỉ việc của ông Sơn”.

Vấn đề dư luận quan tâm là khi một giáo viên có đơn xin nghỉ việc thì ai sẽ có thẩm quyền giải quyết và bút phê và ký tên, đóng dấu đồng ý cho ông Sơn nghỉ việc của hiệu trưởng trên tờ đơn có đúng quy định pháp luật không?

Trao đổi với PV, Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Nội dung lá đơn thể hiện sự bức xúc của người viết đơn, có những ngôn ngữ không phù hợp. Điều bất ngờ là hiệu trưởng lại xác nhận đồng ý cho nghỉ việc và yêu cầu bộ phận chức năng giải quyết chế độ. Sự việc này là không đáng có và không phù hợp với quy định của pháp luật”.

Luật sư Cường cho hay, trường hợp giáo viên này là viên chức việc cho nghỉ việc phải căn cứ quy định của luật viên chức, đồng thời cũng phải tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Còn trường hợp giáo viên này không phải viên chức mà là người lao động, giảng dạy theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) thì nghỉ việc phải căn cứ quy định của Bộ Luật lao động.

Theo quy định tại Điều 35 Bộ Luật lao động (BLLĐ) 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021), người lao động (NLĐ) có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động.

Về nguyên tắc, cơ quan, lãnh đạo nào ký văn bản tuyển dụng thì cơ quan, lãnh đạo đó sẽ có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu giáo viên này là viên chức do Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định, chỉ có chủ tịch UBND cấp huyện mới có thẩm quyền cho nghỉ việc. Còn trường hợp nếu là hợp đồng lao động do hiệu trưởng của trường này ký, hai bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định của Bộ Luật lao động. Trong vụ việc thầy giáo viết đơn xin nghỉ, cần phải xác định xem giáo viên này là viên chức hay là người lao động theo hợp đồng, nếu là viên chức thì nghỉ việc phải giải quyết chế độ theo quy định của luật viên chức, phải đúng thẩm quyền, có căn cứ và theo trình tự thủ tục luật định.

Theo khoản 1 Điều 29 Luật Viên chức sửa đổi bổ sung bởi khoản 4 Điều 2 Luật Viên chức năm 2019 sửa đổi, viên chức hay đơn vị sự nghiệp công lập đều phải đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước trước khi viên chức nghỉ việc. Cụ thể, tùy từng trường hợp mà thời gian báo trước của viên chức dao động từ 3 ngày hoặc 30 ngày hoặc 45 ngày. Trong đó, viên chức phải báo trước 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc; phải báo ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng làm việc xác định thời hạn có hoàn cảnh thật sự khó khăn không thể thực hiện theo hợp đồng…

Để được xin nghỉ việc, viên chức cần phải thực hiện theo thủ tục nêu tại khoản 3 Điều 57 Nghị định 115/2020/NĐ-CP như sau: Hồ sơ xin nghỉ việc Viên chức gửi thông báo bằng văn bản đến người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết ít nhất 3 ngày hoặc 30 ngày tùy vào từng trường hợp nêu trên. Thời gian giải quyết.

Sau khi nhận được văn bản đề nghị của viên chức, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ nêu ý kiến về việc đề nghị này:

Nếu đồng ý: Chấm dứt hợp đồng làm việc và giải quyết chế độ thôi việc cho viên chức.

Nếu không đồng ý: Trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do. Không giải quyết thôi việc trong trường hợp nào? Quy định này được nêu cụ thể tại khoản 4 Điều 57 Nghị định 112 gồm:

Viên chức được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý chuyển đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác trong hệ thống chính trị.

Viên chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc đối tượng tinh giản biên chế.

Viên chức thuộc trường hợp không được hưởng trợ cấp thôi việc.

Viên chức xin nghỉ việc được hưởng những trợ cấp nào – khi viên chức xin nghỉ việc thì theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Viên chức sửa đổi 2019, viên chức có thể được hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp thất nghiệp.

Theo luật sư Cường, trong vụ việc này nếu như thầy giáo Sơn là viên chức và muốn xin nghỉ việc thì phải có văn bản trình bày, nêu rõ lý do, có căn cứ và cơ quan chức năng sẽ xem xét theo trình tự thủ tục luật định. Việc chấm dứt quan hệ lao động, chấm dứt hoạt động của viên chức không thể tùy tiện và dễ dàng như vậy.

Ngoài ra trong lá đơn có lời lẽ có tính chất miệt thị, xúc phạm cơ sở giáo dục nhưng hiệu trưởng không hề có nội dung nào giải thích và đồng ý là chuyện khiến dư luận bất ngờ. Lãnh đạo ngành giáo dục địa phương và UBND cấp huyện cần phải xác minh sự việc, làm rõ nguyên nhân và có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

“Môi trường giáo dục đòi hỏi một sự chuẩn mực, đòi hỏi đạo đức và cách ứng xử có văn hóa. Những người vi phạm tiêu chuẩn về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, cần phải loại bỏ. Nếu phát hiện cơ sở giáo dục có vi phạm đến mức giáo viên bức xúc phải xin nghỉ việc thì cũng cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.

Link: https://danviet.vn/thay-giao-xin-nghi-vi-nhieu-dieu-phi-giao-duc-van-nan-doi-tra-ai-co-quyen-cho-thay-giao-nghi-20211012091539981.htm?fbclid=IwAR2-pTVa_m5LMkD7uSupsWmUFOHDpFjddeG4lnOAvSV_21njEPEMwu-MGw8

Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Đại học Đông Á đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng Tây Nguyên

Quy trình xin thôi việc của giáo viên

Các trường tạo điều kiện để học sinh chuyển lớp Tiếng Anh tích hợp

Theo Dân Việt