Quy trình xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường
Bước 1. Xác định căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường
Để xác định căn cứ xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, nhà trường nghiên cứu kỹ và quán triệt sâu sắc các văn bản liên quan như Luật Giáo dục 2019, Nghị định số 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 của Chính phủ về Quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT ngày04/9/2020 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành điều lệ trường tiểu học; Công văn số 2345/BGDĐT-GDTH ngày 07/6/2021 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường cấp tiểu học; Chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học; hướng dẫn nhiệm vụ năm học cấp tiểu học; Kế hoạch thời gian năm học do UBND Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định và ban hành và các văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trong năm học,…). Việc nghiên cứu các văn bản chỉ đạo hướng dẫn giúp cho quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường đảm bảo cơ sở pháp lý; đồng thời phù hợp với chỉ đạo của ngành và địa phương.
Bước 2. Đánh giá tình hình và các điều kiện thực hiện chương trình trong năm học
Giáo dục trong một nhà trường tiểu học là một hoạt động liên quan đến nhiều chủ thể và đối tượng, có tính nhạy cảm xã hội cao, diễn ra hàng ngày, trong từng gia đình và được cả xã hội quan tâm, từ việc cùng tham gia quá trình giáo dục đến việc đánh giá các hoạt động và hưởng thụ kết quả của quá trình giáo dục. Để đánh giá đúng thực trạng giáo dục, cần có một cách nhìn khách quan và toàn diện trong mối quan hệ với cả hệ thống xã hội.
a. Đánh giá đặc điểm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương
Tập trung phân tích, đánh giá đặc điểm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương tác động đến các hoạt động giáo dục của nhà trường trong năm học; đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố tác động từ đặc điểm địa phương đến việc tổ chức thực hiện chương trình cấp tiểu học
Việc đánh giá tình hình địa phương nhấn mạnh vào quá trình thu thập và phân tích các thông tin cần thiết để hình thành một báo cao đánh giá rõ ràng về môi trường kinh tế, văn hoá và xã hội có tác động đến hoạt động giáo dục của nhà trường. Trong đó tập trung trả lời các câu hỏi:
– Đâu là cơ hội thuận lợi từ bên ngoài nhà trường trong năm học?
– Các khó khăn, thách thức từ bên ngoài tác động đến các hoạt động của nhà trường là gì?
– Những cơ hội, thách thức đó có ảnh hưởng như thế nào tới hoạt động của nhà trường?
b. Đánh giá đặc điểm tình hình của nhà trường trong năm học
(i) Đặc điểm học sinh của trường
Thống kê và phân tích khái quát về tình hình học sinh của nhà trường, trong đó có số liệu đối với mỗi khối lớp như: số lớp; tổng số học sinh; số lượng về học sinh nữ; học sinh dân tộc; học sinh được học 2 buổi/ngày; học sinh khuyết tật; học sinh có hoàn cảnh khó khăn; học sinh bán trú; tỉ lệ học sinh/lớp; …
(ii) Tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý
Thống kê và phân tích khái quát về tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý, trong đó có số liệu về tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên; tỉ lệ nữ; tỉ lệ giáo viên/lớp; số lượng theo trình độ đào tạo (tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, dưới cao đẳng).
(iii) Tình hình cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; điểm trường, lớp ghép; cơ sở vật chất thực hiện bán trú, nội trú
Thống kê và phân tích khái quát về tình hình cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, điểm trường, lớp ghép, trong đó có số liệu về số phòng học; số phòng chức năng; tên điểm trường, số lớp ghép, trình độ lớp ghép, số học sinh (nếu trường có điểm trường); cơ sở vật chất thực hiện bán trú, nội trú (nếu thực hiện).
Việc đánh giá những thuận lợi, khó khăn và những yếu tố đặc điểm của địa phương tác động đến việc thực hiện chương trình giáo dục cấp tiểu học tại nhà trường; điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình của nhà trường; xác định các nội dung giáo dục, hình thức tổ chức phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục vừa để làm cơ sở xây dựng phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục và các hoạt động giáo dục tập thể và theo nhu cầu người học, vừa để liên hệ với tổ chức, đơn vị, cá nhân, gia đình học sinh cùng phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục và tạo môi trường cho học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn ;
Bước 3. Xác định mục tiêu giáo dục của nhà trường
Mục tiêu của kế hoạch giáo dục là dự kiến trước kết quả thực hiện kế hoạch giáo dục; xác định mức độ học sinh cần đạt được về phẩm chất và năng lực; số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục của nhà trường…. Các mục tiêu kế hoạch giáo dục cần phải được xác định rõ ràng, cụ thể và phù hợp; phản ánh được các mức độ cao thấp của yêu cầu cần đạt về tri thức, kĩ năng, thái độ và định hướng giá trị. Mục tiêu cụ thể chú trọng tới kết quả cuối cùng, cụ thể cần đạt, có thể đo lường được thông qua các chỉ tiêu cụ thể.
Cùng với việc xác định mục tiêu chung, kế hoạch giáo dục của nhà trường cần xác định các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể như: Chỉ tiêu về phẩm chất, năng lực học sinh sẽ đạt được sau khi kết thúc một năm học đối với từng khối lớp; Số lượng, chất lượng các môn học và hoạt động giáo dục nhà trường cam kết thực hiện trong năm học.
Bước 4. Xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục
a. Xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục)
Trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; căn cứ kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định và ban hành; căn cứ vào điều kiện thực tế thời gian trong năm học (các ngày nghỉ lễ theo quy định trùng vào các ngày học, các ngày nghỉ khác vì lý do bất khả kháng nếu có…), nhà trường tổ chức họp các thành phần liên quan thảo luận xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (Tham khảo mục IV.4 phần B về “Khung thời gian thực hiện chương trình năm học” tại Phụ lục 1.); xây dựng phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục (Tham khảo mục IV.1 phần B về “Phân phối thời lượng các môn học và hoạt động giáo dục” tại Phụ lục 1) và các hoạt động giáo dục tập thể và theo nhu cầu người học(Tham khảo mục IV.2 phần B về “Các hoạt động giáo dục tập thể và theo nhu cầu người học” tại Phụ lục 1).
b. Xây dựng kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học
Căn cứ vào kế hoạch thời gian tổ chức thực hiện các môn học và hoạt động giáo dục được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, tổ chuyên môn tổ chức xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; đảm bảo giáo viên nắm vững mạch nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, hoạt động giáo dục và nội dung bài học, chủ đề học tập được thiết kế trong sách giáo khoa; đặc điểm địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường và đặc điểm đối tượng học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên chủ động đề xuất những nội dung cần điều chỉnh hoặc bổ sung, tích hợp; điều chỉnh thời lượng thực hiện; nguồn học liệu và thiết bị dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp dạy học; hình thức tổ chức và phương pháp đánh giá; xây dựng phân phối chương trình dạy học phù hợp với tình hình thực tế
c. Tổng hợp kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục từ các tổ bộ môn (theo khối lớp); xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường
Sau khi các tổ chuyên môn hoàn thành việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục, nhà trường tổng hợp kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục từ các tổ bộ môn (theo khối lớp); xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, tổ chức lấy ý kiến các thành phần liên quan, hoàn thiện văn bản báo cáo Hội đồng trường theo quy định; ký ban hành kế hoạch giáo dục của nhà trường trước ngày 31 tháng 8 hàng năm để tổ chuyên môn, giáo viên và các tổ chức cá nhân có liên quan làm căn cứ tổ chức thực hiện.
Báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định, tổ chức tuyên truyền rộng rãi, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên thực hiện các hoạt động giáo dục theo kế hoạch; giám sát, kiểm tra, đánh giá và bổ sung điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường trong quá trình thực hiện.