Quy trình trồng và chăm sóc dưa hấu

1. Kỹ thuật trồng

a. Thời vụ

Thời gian trồng từ tháng 3 đến tháng 6. Nếu trồng muộn hơn dễ gặp điều kiện thời tiết nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của dưa, đặc biệt là giai đoạn ra hoa, đậu quả.

b. Gieo hạt, ươm cây con

Lượng hạt giống cần thiết để trồng 1 ha dưa hấu là 0,5-1,0kg.

Ủ hạt: Ngâm vào nước sạch 4 – 6 giờ, vớt hạt ra, rửa sạch nhớt rồi gói hạt trong khăn ẩm, ủ hạt 24 – 36 giờ ở nhiệt độ 28 – 300C cho nảy mầm.

Gieo thẳng: Gieo hạt sâu 2 – 3cm, lấp hạt bằng đất bột. Gieo ươm lượng hạt còn lại để dặm sau này.

Gieo ươm: Gieo hạt trong khay ươm tiện cho việc chăm sóc cây con, tiết kiệm hạt giống và có thời gian chuẩn bị đất trồng. Đặt khay ở vị trí dễ dàng quản lý cây con.

Sau gieo đảm bảo độ ẩm thích hợp cho cây sinh trưởng, phun phòng bệnh lở cổ rễ bằng các loại thuốc như mancozep, daconil, …

c. Làm đất, trồng cây

          Luống rộng 4 m, cao 25 cm, rãnh rộng 30 cm.

Khoảng cách, mật độ: Khoảng cách trồng 35 – 40 cm, mật độ 400 – 500 cây/sào.

Nên dùng máy làm đất lên luống, phủ nilon giảm cỏ dại và đảm bảo độ ẩm. Nếu dùng hệ thống tưới tự động thì sắp xếp trước khi phủ nilon.

2. Bón phân – Chăm sóc

Liều lượng phân bón chung:

Phân chuồng hoai: 10 tấn/ha

Phân bón NPK 13-13-13+TE Đầu Trâu: 300 kg/ha

Phân Super lân: 300 kg/ha

Phân Đạm Ure: 120 kg/ha

Phân Kali Clorua: 120 kg/ha

Sử dụng thêm các loại phân bón lá và chế phẩm sinh học chuyên dùng cho dưa hấu.

a. Bón phân: (Cho 01 ha)

* Bón lót hết phân chuồng hoai, phân NPK và lân. Rạch rãnh để bón.

* Bón thúc lần 1 (7 ngày sau khi trồng): Hòa phân tưới với lượng 15 kg đạm + 15 kg kali.

* Bón thúc lần 2 (Sau thúc lần 1 là 10 ngày): Hòa phân tưới với lượng 20 kg đạm + 20 kg kali.

* Bón thúc lần 3 (trước khi ra hoa): Bón vào gốc với lượng 20 kg đạm + 20 kg kali.

* Bón thúc thúc nuôi trái (Sau khi đậu quả): Bón thúc nuôi quả, chia làm 3 lần, cứ 1 tuần tưới 1 lần hoặc bón vào gốc.

Sử dụng phân bón lá, chế phẩm sinh học định kì 7 ngày 1 lần, đặc biệt giai đoạn nhạy cảm như sau trồng, trước khi ra hoa, dưỡng quả.

Kết thúc bón phân trước thu hoạch 10 ngày.

b. Làm cỏ

Tiến hành làm cỏ quanh gốc và hai bên luống để cỏ không cạnh tranh dinh dưỡng với cây.

c. Tưới nước:

Có thể tưới tràn vào rãnh, để đủ ngấm, sau đó phải tháo ngay, mùa hanh khô 1 tuần tưới 1 lần. Hoặc sử dụng hệ thống tưới tự động, tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Khi dưa có quả cần tưới đều đặn, không tưới ồ ạt tránh làm nứt quả. Trước khi thu hoạch 5 ngày ngừng tưới nước.

d. Tỉa nhánh

Khi dưa bò, phải tỉa bớt nhánh để tránh hao phí chất dinh dưỡng, dây dưa mập mạnh, dễ chăm sóc, lấy trái sau này.

e. Định hướng dây

Khi dưa bắt đầu bò, tiến hành sửa dây thường xuyên và cố định vị trí bò cho các dây nằm song song nhau trên mặt luống và thẳng góc với hàng trồng.

f. Chọn trái

Muốn cho trái thương phẩm to, tròn đều nên để mỗi cây một trái. Chọn trái ở vị trí lá 15 – 20 trên dây chính (hoa cái thứ 3, thứ 4) hay 8 – 12 trên dây nhánh (hoa cái thứ 2, 3), trái có cuống to, dài, bầu noãn to, tròn đầy, không sâu bệnh và lớn nhanh sau khi thụ phấn.

3. Phòng trừ sâu bệnh

          Các đối tượng sâu hại chính trên dưa hấu như sâu vẽ bùa, sâu khoang, sâu xám, bọ trĩ, bọ phấn, bọ dưa, sâu ăn lá. Bệnh hại như bệnh lở cổ rễ, thán thư, chảy nhựa thân, sương mai, phấn trắng, khảm virus.

          * Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ tổng hợp

          – Luân canh cây trồng;

          – Chọn giống chống chịu;

          – Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;

          – Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;

          – Thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

4. Thu hoạch

Dưa hấu được thu hoạch khi có độ chín khoảng 80 – 90% (khoảng 65-70 ngày sau khi trồng). Năng suất từ 18 – 45 tấn/ ha.

Kỹ sư Phan Thị Thúy – CNC