Quy trình trồng và chăm sóc cây bơ – TraceVerified

Bơ là loại trái cây cận nhiệt đới có nguồn gốc từ Mexico và Trung Mỹ. Bơ chủ yếu dùng để ăn tươi, quả bơ không ngọt, không chua, chỉ có vị thơm và vị béo. Tại Việt Nam, bơ có giá trị kinh tế cao, chủ yếu được trồng ở các tỉnh Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum,… và đang được người dân tiếp tục mở rộng vùng trồng.

Về đặc điểm, cây bơ cao khoảng 20 mét, lá chen kẽ, hoa không hiện rõ. Quả bơ hình bầu nước, vỏ mỏng hơi cứng, có màu xanh lục đậm. Thịt bơ khi chín mềm, màu vàng nhạt. Một cây bơ trung bình ra 120 trái/năm. Vườn bơ có khả năng sản xuất 7 tấn trái bơ/ha mỗi năm, có vườn đạt đến 20 tấn. 

Để trồng bơ phải đáp ứng các điều kiện ngoại cảnh như: độ cao; nhiệt độ thích hợp từ 12-28°C; bơ phát triển tốt ở nơi có lượng mưa đầy đủ đặc biệt vào lúc trổ hoa và tượng trái, độ ẩm 80-85%; bơ có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau như đất sét pha cát, đất pha sét, đất thịt nặng,… và phát triển tốt ở đất trung tính hay kiềm; ngoài ra đất phải thông thoáng, dễ thoát nước, giàu chất hữu cơ.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bơ:

  • Giống bơ: 

Cây bơ ghép lấy chồi của những cây bơ có năng suất cao, chất lượng tốt, hình dạng quả đẹp, ghép lên cây bơ được ươm từ hạt, chồi ghép được lấy từ các cây bơ đầu dòng đã được công nhận. 

  • Kỹ thuật trồng:

Khi trồng bơ cần chọn đất thoát nước tốt, làm đất và đào hố trước khi trồng 3-4 tháng để đất kịp ải. Đào hố trồng theo quy cách 60x60x60 cm; dùng dao cắt quanh bầu cây, bóc bịch nhẹ nhàng, đặt cây giữa hố lấp ngang mặt bầu và nhấn chặt đất xung quanh, tránh làm vỡ bầu. 

Thời vụ trồng tốt nhất là vào đầu mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 8 dương lịch. Những năm đầu mới trồng khi cây bơ chưa tỏa tán rộng, có thể trồng xen các cây họ đậu, trồng xen trong các vườn cây công nghiệp nhằm làm cây che bóng kết hợp tăng thu nhập. Tuy nhiên không nên trồng xen cà chua, khoai tây vì nấm Verticillium có thể lây cho cây bơ.

  • Kỹ thuật chăm sóc:

Sau khi trồng một tháng, cần kiểm tra cây chết, cây yếu để trồng dặm, tưới đủ ẩm cho cây, làm sạch cỏ gốc, tủ cỏ khô quanh gốc để giữ ẩm. Giai đoạn khi cây còn nhỏ, bộ rễ bơ ăn cạn nên vấn đề tưới nước giữ ẩm và phủ gốc là cần thiết để hạn chế cây bơ bị chết do nóng khô vào mùa nắng. Tốt nhất nên tưới phun và không tưới quá đẫm vào bồn gốc. Vào mùa cần tưới đủ nước để cây sinh trưởng và phát triển khỏe, nhất là tháng 11-12 cần tưới để cây tăng khả năng ra hoa và kết quả.

  • Bón phân:

Bón phân lót: Dùng phân chuồng hoai đã xử lý, bón lót 15-30 kg/hố, kết hợp với 0,5-1 kg phân FOSFATO hoặc GAP ORGAN và 0,5 kg vôi đảo đều trước trồng 10-15 ngày. Mật độ và khoảng cách trồng thuần: Khoảng cách 7 x 8m, mật độ 178 cây/ ha (trồng xen trong vườn cây công nghiệp mật độ khoảng 80-100 cây/ha).

Ở thời kỳ kiến thiết cơ bản bón N:P:K theo tỉ lệ 1:1:1, trong 4 năm đầu lượng phân bón chia 3 lần bón/1 năm (tháng 4, tháng 7, tháng 10) 

Ở thời kỳ kinh doanh từ năm thứ 5 trở đi bón 3 lần phân vô cơ mỗi năm, bón N:P:K theo tỷ lệ 2:1:2 và phân hữu cơ vào sau vụ thu hoạch. Tùy theo tình hình sinh trưởng và năng suất của cây mà ta bón lượng phân cho phù hợp hàng năm. 

  • Đốn tỉa tạo tán:

Tiến hành từ nhỏ đối với những giống cây cao để tạo sáng cây không cao quá 6 mét và cành tỏa đều về các phía. Việc cắt xén cành khô, cành nhỏ yếu cũng phải được thực hiện sau thu hoạch nhằm tạo sự thông thoáng, giúp cây sinh trưởng phát triển tốt và ngăn ngừa không cho sâu bệnh lây nhiễm.

Biện pháp phòng trừ sâu hại:

  • Sâu cuốn lá, sâu cắn lá: Dùng các loại thuốc Sherzol, Pyrinex 20EC, Bulldock 025EC phun ướt đều tán lá. Nếu có điều kiện trước khi phun thuốc nên dỡ bỏ các tổ lá do sâu cuốn lại để tăng hiệu lực của thuốc.

  • Rầy bông: Sử dụng các loại thuốc trong danh mục đăng ký diệt trừ rầy bông Eagle 5EC, Emaben 2EC; Emasuper 1.9EC; Golnitor 10EC; Map winner…

Biện pháp phòng trừ bệnh hại

  • Bệnh thối rễ: Khi phát hiện những vết thối trên thân, cạo sạch và quét sulfat đồng – vôi đặc. Dùng các loại Aliette + Validacin tỷ lệ 1:1 với lượng 100g/200 lít nước tưới cho dung dịch thuốc thấm đều đất (4-5lít/cây). Khi cây chết vì bệnh nên đào và hủy bỏ để bệnh không lan tràn.

  • Bệnh đốm lá: Phun dung dịch Boocđô để phòng bệnh vào đầu mùa mưa, khi phát hiện bệnh sử dụng các loại thuốc có hoạt chất như Thiophanate-Methy (Topsin), Difenoconazole (Tilt Super, Soore), Chlorothalonil (Daconil),… phun ướt đều tán lá với liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của trên bao bì.

  • Bệnh khô cành: Phun dung dịch Boocđô để phòng bệnh vào đầu mùa mưa, khi phát hiện bệnh sử dụng các loại thuốc như Propineb (Antracol), Carbendazim (Carbendazim, Appencarb super, Bavistin,…) để phòng trừ bệnh.

  • Bệnh héo rũ: Phun thuốc hoặc tưới dung dịch Boocđô để phòng bệnh vào đầu mùa mưa, dùng Aliette tưới hoặc quét lên các vùng thân, rễ bị bệnh, cắt xén kỹ khi cây vừa có triệu chứng bệnh, sau khi cây bị bệnh phục hồi cắt bỏ những nhánh nhỏ đã bị chết.

Khuyến cáo: Danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam không có thuốc đăng ký phòng trừ dịch hại trên cây bơ. Vì vật các loại thuốc khuyến cáo phòng trừ các dịch hại trên chỉ để tham khảo sử dụng, trước khi dùng trên diện rộng phải thử nghiệm trên diện tích nhỏ để tránh ảnh hưởng xấu trên diện rộng.

Thu hoạch và bảo quản

  • Thu hoạch: dựa vào sự đổi màu của vỏ quả hoặc lắc nhẹ quả nghe tiếng va đập của hạt. Người trồng bơ thường chờ đến khi có vài quả rụng thì tiến hành hái hết cây, chỉ để lại những quả bơ non còn nhỏ. Lưu ý lúc hái không làm đứt cuốn, trầy dập quả để bảo quản quả được lâu hơn.

  • Bảo quản: Trái bơ có thể bảo quản lạnh từ 7-12°C , ẩm độ từ 85-90% hoặc nhiệt độ thường. Ở nhiệt độ 20°C quả bơ chín sau 6-10 ngày, ở nhiệt độ 25 -27°C trái chín sau 5-7 ngày.