Quy trình thu hoạch cà phê – CÀ PHÊ KHANG VIỆT

Ở Việt Nam, vào độ tháng 9, tháng 10, các nông trại cà phê lại tấp nập chuẩn bị cho mùa thu hoạch mới. Đây là thành quả của một năm chăm sóc vất vả và cũng là công đoạn đầu để mang đến cho chúng ta những ly cà phê chất lượng. Vì vậy, quy trình thu hoạch cà phê cần diễn ra một cách khoa học nhằm đảm bảo một sản phẩm hoàn hảo sau này.

1. Thu hoạch từ trên cây

  • Thu hoạch theo dãy

Đây là hình thức thu hoạch cà phê thường được dùng tại những nông trại lớn, được áp dụng theo 2 cách đó là thu hoạch bằng máy hoặc thu hoạch bằng tay.

–   Thu hoạch bằng máy: Phát huy lợi thế năng suất bằng cách sử dụng máy chạy dọc theo dãy, tuy nhiên chỉ áp dụng được với những nông trại có địa hình bằng phẳng. Hơn nữa, thu hoạch bằng máy là hái sạch, hái không bỏ sót khiến trái không đạt chất lượng có thể lọt qua quá trình phân loại, làm giảm tiêu chuẩn của sản phẩm.

–   Thu hoạch bằng tay: Đây là phương pháp thu hoạch thường được dùng tại các nhà vườn ở Việt Nam. Khi quan sát thấy lượng cà phê trong vườn chín đều từ 90-95% thì nông dân bắt đầu thu hoạch. Dùng một tấm bạt lớn trải quanh gốc rồi bắt đầu hái tuốt. Thu hoạch cà phê bằng cách này khá nhanh, tuy nhiên cũng không thể chính xác, trái chín lẫn lộn trái xanh khiến chúng ta tốn thời gian cho công đoạn phân loại.

  • Thu hoạch có chọn lọc

Đây là phương pháp thủ công, lựa chọn được những quả cà phê đạt chất lượng tốt nhất, tuy nhiên cách làm này tốn nhiều công sức, thời gian. Cách thu hoạch này thường áp dụng cho những loại cà phê cao cấp. Vì vậy khi hái, nông dân không tuốt cành mà chỉ ngắt từng quả nhằm bảo vệ cây để cho năng suất mùa sau.

2. Gom quả rụng

Tuy những quả rụng và quả khô dưới đất không đạt chất lượng như quả hái trên cây, tuy nhiên đây cũng là công đoạn cần thiết trong quy trình thu hoạch cà phê. Nó không chỉ giúp nông dân có thêm chút ít doanh thu mà còn hạn chế sâu đục thân và những loại côn trùng khác cho cây, vì quả rụng có xu hướng thu hút những loài vật này. Quả rụng, quả khô cần được chia thành nhóm riêng, có phương pháp sơ chế khác với quả tươi, quả đạt tiêu chuẩn. Chất lượng của mẻ cà phê này thường không đồng nhất và chất lượng mang lại khá thấp.

3. Phân loại quả

Quy trình thu hoạch cà phê chất lượng cần làm tốt công đoạn phân loại. Tại đây, những quả xanh, quả kém chất lượng, tạp chất cần được loại bỏ. Vì lý do chi phí máy móc đắt đỏ, công đoạn phân loại thường được xử lý tại các công ty cà phê hay những đơn vị thu mua lớn. Mỗi loại có một hướng sơ chế, sản xuất khác nhau, vì vậy công đoạn phân loại cần được thực hiện một cách chính xác.

4. Phơi sấy, bảo quản

Việc cuối cùng trước khi đến với sản xuất đó là công đoạn phơi, sấy cà phê tươi. Với một quy trình thu hoạch cà phê đúng chuẩn, quả sau khi hái cần phải phơi hoặc chế biến càng sớm càng tốt. Cà phê sau khi hái cần được đảm bảo thông thoáng, khi phơi nên trải quả với độ dày vừa phải, đảo đều thường xuyên nhằm tránh hạt bị lên men, nấm mốc. Khi cà phê đã khô hoàn toàn thì thu gom, đưa đi xay xát, loại bỏ vỏ và bảo quản.

Công đoạn bảo quản cần thực hiện hợp vệ sinh, đảm bảo chất lượng nguyên vẹn cho cà phê. Thường thì cà phê khô được bảo quản trong bao tải sạch, thùng gỗ và được lưu kho. Lưu ý, kho phải thông thoáng, không nấm mốc, không ẩm ướt.

Những nguyên tắc cần đảm bảo trong quy trình thu hoạch cà phê

–   Cà phê chất lượng là cà phê đủ chín, phơi đủ nắng.

–   Thu hoạch cà phê cần đảm bảo không làm hại đến cành, lá, thân, rễ để đảm bảo chất lượng mùa sau.

–   Hạn chế làm lẫn đất vào quả cà phê.

–   Bao bì bảo quản phải sạch, không lẫn đất, phân bón.