Quy trình thi công khoan cọc nhồi mini

Quy trình thi công khoan cọc nhồi mini

19/07/2022

I.  KHÁI NIỆM

–     Cọc khoan nhồi: là loại cọc tiết diện tròn được thi công bằng cách khoan tạo lỗ trong đất, lấy đất lên khỏi lỗ sau đó lấp đầy bằng bê tông cốt thép.

–   Cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính nhỏ có tiết diện cọc thường từ 300-600 mm, chịu tải trọng lớn thường từ 30 – 140 tấn trên một đầu cọc. Về ưu điểm thì Cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính nhỏ ổn định hơn ép cọc bê tông cốt thép. Giá thành thì lại chỉ ngang bằng hoặc rẻ hơn ép cọc bê tông cốt thép. Chính giá thành và chất lượng của Cọc khoan nhồi bê tông cốt thép đường kính nhỏ đã đem lại sự lựa chọn đúng đắn cho người sử dụng.

–    Để đảm bảo chất lượng cọc khoan nhồi, trong quá trình thi công phải đảm bảo thực hiện đầy  đủ và đúng kỹ thuật những bước sau :

+   Định vị tim cọc và bố trí vị trí khoan.

+   Khoan tạo lỗ, kiểm tra địa tầng, kiểm tra độ sâu.

+   Lấy phôi khoan.

+   Gia công lồng thép, thả lồng thép và thả ống đổ.

+    Vệ sinh hố khoan.

+    Đổ bê tông.

II.  CÔNG TÁC CHUẨN BỊ

–    Chuẩn bị mặt bằng : mặt bằng trước khi tiến hành thi công phải được san phẳng, đảm bảo cứng không bị lún máy móc khi di chuyển và thi công.

–    Tập kết thiết bị – vật tư : Sau khi công tác chuẩn bị mặt bằng hoàn chỉnh tiến hành tập kết thiết bị, vật tư. Thiết bị được tập kết gọn gàng, bố trí vị trí đặt ống đổ bê tông, cần khoan và các thiết bị phục vụ công tác thi công…

–    Bố trí vị trí đặt hố dung dịch : hố dung dịch phải được đặt ở vị trí thuận tiện để đảm bảo cho các máy khoan ở các vị trí khác nhau có thể hút dung dịch và thu hồi nước về tránh tình trạng nước chảy tràn lan. Các đường dẫn nước được đắp nổi đảm bảo dẫn nước tốt và dễ chuyển hướng.

III. CÁC BƯỚC THI CÔNG

 1. Định vị tim cọc và bố trí vị trí khoan.

–    Định vị tim mốc : Bố trí các tim cột, các mốc phụ trên tường vách để khi mất dấu có thể dùng phương pháp căng dây để phục hồi lại những tim bị mất,  hoặc dùng cọc tre để đánh dấu.

–    Máy khoan được bố trí ở một khu vực nhất định để tránh vướng víu trong công tác thi công.

–    Bố trí khoan trình tự từ trong ra ngoài tránh tình trạng xe khoan chạy trên đầu cọc mới đổ bê tông xong.

–    Tim sau chỉ khoan cạnh tim trước khi bê tông của tim trước đạt lớn hơn 12 tiếng.

2.  Khoan tạo lỗ, kiểm tra địa tầng, kiểm tra độ sâu.

–    Khi đưa máy vào vị trí, căn chỉnh đúng tim mốc đã định vị trước đó. Kê kích máy đảm bảo chắc chắn đảm bảo không bị lún nghiêng khi máy hoạt động.

–    Kiểm tra độ thẳng đứng của tháp bằng 2 bọt thuỷ chuẩn được gắn ở hai bên thân tháp khoan (trong quá trình khoan cũng vẫn liên tục phải theo dõi hai bọt thuỷ này).

–    Sau khi cân chỉnh máy xong dùng mũi khoan phá khoan một đoạn sâu khoản 2m và hạ ống sinh, hoặc dùng máy múc để múc hố và hạ ống vách (ống vách có chiều dài ít nhất là 2m) để chống sạt lở và mất nước trong khi khoan.

Ống casing (ống vách) : là thiết bị cần dùng dùng bảo vệ thành lỗ khoan ở phần đầu cọc, tránh lở đất bề mặt đồng thời là ống dẫn hướng cho suốt quá trình khoan tạo lỗ.

–    Tiến hành khoan bằng mũi khoan phá tới cao độ thiết kế của cọc.

–    Trong quá trình khoan tạo lỗ, dung dịch khoan sẽ đi tuần hoàn từ đáy giếng khoan rồi trồi lên hố lắng và mang theo một phần mùn khoan nhỏ lên cùng. Nếu trong quá trình khoan gặp địa tầng thấm lớn, dung dịch khoan sẽ bị thấm nhanh, phải nhanh chóng điều chỉnh tỉ trọng của dung dịch bằng cách hòa thêm vào một lượng bột sét hoặc bentonite tương thích. Dung dịch khoan có khả năng tạo màng cách nước giữa thành hố khoan và đất xung quanh, đồng thời giữ ổn định thành hố khoan.

–    Công tác kiểm tra độ sâu của hố khoan.

+   Dùng thước dây có treo quả dọi thả xuống hố khoan hoặc đo theo chiều dài của cần khoan hay ống đổ bê tông.

+    Trong khi khoan một số mùn khoan còn nằm lại trong hố khoan nên ta không thể thả dọi để kiểm tra được do đó lúc này ta kiểm tra cao độ hố khoan dựa vào chiều dài và số lượng cần khoan để tính.

3.    Lấy phôi khoan.

–    Sau khi khoan xong lần 1 tiến hành hạ mũi khoan nắp B xuống để kéo hết sình đất còn lại lên.

–    Khi hạ mũi khoan nắp B vẫn thao tác như khi khoan mũi phá nhưng khi kéo lên thì không được xoay mũi khoan để tránh sình đất lọt xuống lại hố khoan.

Sau khi dùng mũi khoan nắp B kéo hết mùn khoan lên ta thả dọi để kiểm tra hố khoan sau đó mới thả lồng thép và ống đổ bê tông.

4.    Gia công lồng thép, thả lồng thép và thả ống đổ.

–    Công tác gia công cốt thép được thực hiện ở nơi khô ráo và được kiểm tra, nghiệm thu trước khi hạ xuống hố khoan.

–    Lồng thép được gia công thành từng lồng dài 5,8m hay 11,7m tuỳ thuộc vào thiết kế và được buộc đầy đủ các con kê bằng bê tông đảm bảo lớp bê tông bảo vệ bằng bánh xe trượt.

+   Đường kính cốt thép dọc (thép chủ) không nên nhỏ hơn 10mm.

+   Đường kính cốt đai có thể từ 6 ~ 10mm, khoảng cách có thể 150 ~ 300mm, nên dùng loại cốt đai là vòng tròn.

–     Khi hạ lồng thép phải giữ cho lồng thẳng đứng, đoạn nọ nối với đoạn kia phải đảm bảo đúng tâm lồng thép.

–    Mối nối cốt thép sử dụng mối nối bằng kẽm, chiều dài đoạn nối chồng cốt thép là 30D. Khi thả lồng thép phải chú ý không để đầu lồng thép chọc vào thành vách.

–    Lồng thép khi thả không được để chạm đáy và phải cách đáy hố khoan khoảng 100 mm như trong bản vẽ thiết kế. Kiểm tra con kê bảo vệ và neo lồng sắt vào miệng hố khoan.

5.    Vệ sinh hố khoan

–    Sau khi thả lồng thép và ống đổ bê tông xong, ta lắp đầu thổi ngược vào ống đổ bê tông, dùng áp lực máy bơm nước trong hố thu để đẩy phôi khoan và cát lắng còn sót lại trong hố khoan.

–    Để đảm bảo hố khoan sạch ta nên thổi ép ngược từ 15 đến 20 phút xong mới tiến hành đổ bê tông.

6.    Công tác đổ bê tông cọc

Về nguyên tắc, công trình bê tông làm cọc khoan nhồi phải tuân theo các qui định về đổ bê tông dưới nước, nghĩa là đổ bê tông liên tục từ dưới đáy lỗ lên, không cho bê tông mới đổ tiếp xúc trực tiếp với dung dịch giữ thành. Bê tông được đưa xuống đáy hố khoan thông qua ống đổ, bê tông dâng cao dần lên và đẩy nước dung dịch trào lên trên miệng hố khoan.

–    Ống đổ bê tông là một ống thép đường kính từ  114mm đến 138 mm tuỳ vào đường kính cọc được nối bởi nhiều đoạn mỗi đoạn dài 1.5 m, miệng ống đổ được lắp một phiễu để rót bê tông.

–    Trước khi đổ bêtông phải kiểm tra các công cụ đo lường cấp phối để quy ngược lại lượng bêtông tương ứng cần thiết. Tổng lượng bê tông đổ vào cọc thực tế không được vượt quá 20% lượng bê tông tính theo đường kính danh định của cọc.

– Trước khi đổ bêtông phải kiểm tra các công cụ đo lường cấp phối để quy ngược lại lượng bêtông tương ứng cần thiết. Tổng lượng bê tông đổ vào cọc thực tế không được vượt quá 20% lượng bê tông tính theo đường kính danh định của cọc.

–    Công tác đầm bê tông được thực hiện bằng chính ống đổ bê tông thông qua động tác nhắp ống.

–    Sau khi bê tông lên tới miệng ống sinh cách mặt đất 20 cm ta kéo cao ống sinh lên cách mặt đất là 0.5m và tiếp tục đổ bê tông.

–    Khi bê tông dâng lên miệng ống sinh, dù công tác vệ sinh đã được làm kỹ lưỡng nhưng lớp bê tông trên cùng cũng thường nhiễm bùn trong quá trình dâng lên. Nên cho lớp bêtông này trào ra khỏi miệng hố khoan bỏ đi cho tới khi bằng mắt thường xác định được lớp bê tông kế tiếp đạt yêu cầu thì ngưng đổ.

–    Sau khi đổ bê tông xong tiến hành rút ống sinh lên hoàn tất công việc đổ bê tông.

–    Những cọc gần nhau thì khi thi công cọc sau phải chờ cho bê tông cọc trước đạt tối thiểu là 12 giờ mới tiến hành khoan.