Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ớt chuông ( ớt ngọt ) – PH Việt Nam
Ớt chuông hay còn gọi là ớt ngọt, là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng được yêu thích trên khắp thế giới. Hiện nay ớt chuông được canh tác rất nhiều ở Việt Nam, đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Canh tác ớt chuông mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ gia đình, ớt chuông có thể được trồng ngoài đồng hoặc trong nhà kính. Vậy quy trình kỹ thuật trồng ớt chuông và cách chăm sóc như thế nào để đạt năng suất cao, phẩm chất tốt, đạt loại 1, PH Việt Nam xin được giới thiệu đến với bạn đọc tất tần tật về cây ớt chuông trong bài viết ngay sau đây.
Nhờ những thành phần chứa trong quả mà ớt chuông có khá nhiều công dụng trong y học. Chúng có thể tiết dịch tiêu hóa nên giúp ngăn ngừa tình trạng rối loạn tiêu hóa. Không những thế, người ta tin rằng ớt chuông có khả năng phòng ngừa một số loại ung thư, nhất là ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới.
Nếu bạn ăn ớt chuông thường xuyên, làn da của bạn sẽ được cải thiện, trở nên mịn màng và căng bóng hơn. Điều đặc biệt là tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng ớt chuông lại chứa rất ít năng lượng, nên chúng có tác dụng giúp giảm cân vô cùng hiệu quả.
Đây là loại quả chứa khá nhiều thành phần dinh dưỡng, nên luôn được những người nội trợ chọn để nấu ăn. Theo nhiều nghiên cứu, ớt chuông rất giàu vitamin A, C, E, B6 và các loại dưỡng chất thiết yếu khác.
Ớt chuông được ưa chuộng không chỉ bởi hương vị ngon thơm hay vẻ ngoài lạ mắt, mà chúng còn có nhiều công dụng khác.
Giống Indra ớt chuông xanh có trọng lượng trung bình quả từ 170 gram, quả bắt đầu phát triển sau 50 – 55 ngày sau trồng, quả có màu xanh đậm, tán lá rậm rạp. Loại giống này thích hợp cho vận chuyển đường dài vì thời gian sử dụng được lâu.
Giống ớt chuông màu vàng là giống kháng bệnh tốt, có thể trồng trong nhà kính hoặc ngoài đồng, quả có màu vàng khi chín.
Đây là giống chín sớm, cây cao khỏe và đẻ nhánh tốt. Để cây sinh trưởng tốt phải trồng trên đất thích hợp, trọng lượng quả từ 130 – 150 gram/quả. Giống Bomby phù hợp cho việc vận chuyển đường dài vì thời hạn sử dụng lâu.
Ớt chuông được trồng chủ yếu ở vùng nhiệt đới, ôn đới lạnh với điều kiện nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Tại Việt Nam, ớt chuông được trồng nhiều ở Đà Lạt nên người dân còn hay gọi là ớt chuông Đà Lạt.
Phổ biến nhất là ớt chuông có màu xanh, đỏ, vàng và cam. Hiếm gặp hơn thì có thể là màu tím sẫm, vàng xám, nâu, trắng,… tùy từng giống. Ớt chuông xanh ít ngọt, hơi đắng và ít giá trị dinh dưỡng hơn loại vàng, cam. Ớt chuông đỏ là loại có vị ngọt nhất. Tuy nhiên, vị của ớt chuông còn tùy thuộc vào điều kiện trồng và bảo quản sau thu hoạch.
Cây ớt chuông thường mọc thành bụi, có khả năng sinh trưởng tốt quanh năm. Quả có kích thước khá to, khi đến độ thu hoạch quả có đường kính khoảng 5 – 8 cm. Hình dáng lạ mắt, nhìn giống như chiếc chuông.
Ớt chuông không cay như những giống ớt khác, mà lại có vị ngọt thơm nên chúng còn có tên gọi khác là ớt ngọt.
Ớt chuông có nguồn gốc từ các nước Mexico, phía Bắc Nam Mỹ và Trung Mỹ. Nhưng với vị thơm ngon cùng vẻ đẹp lạ mắt, ớt chuông đã dần được trồng khắp thế giới.
Thời vụ trồng ớt ngọt được chia làm hai vụ trong năm, vụ Đông – Xuân và vụ Xuân – Hè. Vụ chính là vụ Đông – Xuân gieo hạt từ tháng 8 – 9, trồng vào tháng 10 – 11 và thu hoạch vào tháng 1 – 2, năng suất thu được ở vụ chính cao. Vụ Xuân – Hè mặc dù cho năng suất thấp hơn vì cây dễ bị thối trái nhưng giá thành cao vì trồng trái vụ.
3 Yêu cầu sinh thái của cây ớt chuông
Cây ớt chuông ưa khí hậu mát lạnh, ôn đới nên thường chỉ trồng ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Lâm Đồng, Đà Lạt. Nhiệt độ thích hợp cho cây ớt chuông sinh trưởng và phát triển tốt nằm trong khoảng 18 – 28 độ C, nhiệt độ ban ngày dao động 25 – 28 độ C và ban đêm là 18 – 20 độ C. Lượng ánh sáng trung bình cần cho cây ớt chuông từ 4 – 6 giờ/ngày, nếu thiếu ánh sáng nhất là giai đoạn ra hoa, hoa rất dễ bị rụng, giảm tỷ lệ đậu quả và giảm năng suất. Cây phát triển tốt trên đất có nhiều mùn, thoát nước tốt và độ pH nằm trong khoảng 6,0 – 6,5.
4 Kỹ thuật trồng cây ớt chuông
4.1 Tiêu chuẩn chọn giống
Tiêu chuẩn chọn giống cây phải khỏe mạnh, cứng cáp, cây đạt 4 – 6 lá thật, không bị sâu bệnh. Bộ rễ cây phải chớm đáy bầu, cây con phát triển cân đối được 40 – 45 ngày tuổi, chiều cao từ 12 – 15 cm.
Nếu mua hạt giống về tự gieo bạn nên mua giống tại những cửa hàng giống có uy tín, hạt giống còn hạn sử dụng, tỷ lệ nảy mầm cao. Có nhiều loại giống ớt ngọt khác nhau như ớt xanh, ớt đỏ, ớt vàng,…
4.2 Ngâm ủ, ươm hạt
Hạt giống chuẩn bị xong thì đem ngâm trong nước ấm khoảng 50 độ C để hạt nứt nanh. Sau khoảng 12 giờ, tiếp tục đem gieo hạt giống vào bầu đất đã chuẩn bị. Lưu ý gieo hạt sâu khoảng 5 mm.
Đặt bầu ủ hạt ở vị trí ấm áp, nhiệt độ trên 15 độ C. Tưới ẩm hàng ngày cho đến khi hạt nảy mầm. Nếu duy trì được độ ấm và độ ẩm nhất định, hạt sẽ nảy mầm sau khi gieo khoảng 1 – 3 tuần.
4.3 Kỹ thuật làm đất trồng ớt chuông
Ớt ngọt rất mẫn cảm với sâu bệnh hại, vì thế cần phải làm đất thật kỹ, loại bỏ tàn dư cây trồng, cỏ dại ra khỏi đồng ruộng. Cày xới đất, phơi ải tiêu diệt bớt mầm bệnh trong đất, điều chỉnh độ pH từ 5,5 – 7,0. Lên luống rộng 1,3 – 1,4 m, cao 20 – 30 cm tùy theo điều kiện của từng vùng.
4.3 Mật độ, khoảng cách trồng cây ớt chuông
Đối với cây ớt ngọt nên trồng 2 hàng/luống, khoảng cánh cây cách cây 30 – 35 cm, hàng cách nhau trên luống 60 cm, hai luống cách nhau 1,2 – 1,4 m. Mật độ cây trồng trên 1 ha khoảng 30.000 – 40.000 cây.
4.4 Trồng cây ớt chuông
Cây ớt chuông sau khi có 4 – 5 lá thật thì tiến hành chuyển ra ruộng sản xuất. Dùng bay chọc một lỗ nhỏ vừa đủ bầu cây, sau đó đặt cây vào hốc sao cho phần cổ rễ ngang với mặt đất, ấn nhẹ đất xung quanh để cố định thân cây. Chú ý không được lấp đất quá sâu hay quá nông, cây dễ bị nhiễm bệnh. Tưới nước giữ ẩm ngay sau khi trồng.
5 Chăm sóc cây ớt chuông
5.1 Nhiệt độ, độ ẩm
Thời gian đầu cây con còn yếu nên cần phải chú ý độ ẩm cũng như nhiệt độ vườn trồng. Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều có tác động tiêu cực đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, nhiệt độ tối ưu cho cây ớt chuông là 18 – 28 độ C. Ẩm độ đất tối ưu từ 70 – 80%, ẩm quá dễ gây nhiễm bệnh, khô quá cây dễ bị héo úa và không phát triển. Độ ẩm không khí không được quá 90 – 92%, nếu không sẽ bị biến dạng quả.
5.2 Lượng nước tưới
Ớt chuông là một trong những loại cây trồng đòi hỏi lượng nước tưới nhiều, nhưng không chịu ngập úng, do đó phải chia nhỏ số lần tưới nước trong ngày, đảm bảo cây hấp thụ nước tốt và không gây ngập úng. Lượng nước tưới sẽ được điều chỉnh phụ thuộc vào tuổi cây, trung bình lượng nước cần cho cây ớt ngọt trong khoảng 2 – 4 lít/gốc/ngày.
5.3 Phân bón và cách bón phân
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây cần bón phân bổ sung nhằm giúp cây phát triển tốt và đạt năng suất. Căn cứ vào điều kiện của từng loại đất và giai đoạn sinh trưởng cụ thể để bón phân với liều lượng phù hợp. Các loại phân bón dùng cho cây ớt chuông gồm phân NPK, phân chuồng hoai mục, và một số phân bón chuyên dùng cho cây ớt khác.
Có thể chia số lần bón phân cho cây ớt như sau:
Bón lót: bón lót toàn bộ phân chuồng hoai mục, phân lân và kali.
Bón thúc lần 1: Giai đoạn cây được 10 – 12 ngày tuổi.
Bón thúc lần 2: Bón sau lần 1 khoảng 12 – 15 ngày.
Bón thúc lần 3: Bón sau lần bón thúc thứ 2 khoảng 20 ngày.
Ngoài ra, cần cung cấp thêm dinh dưỡng trung – vi lượng cho cây bằng cách phun qua lá. Lưu ý giai đoạn thu hoạch không được bón nhiều đạm sẽ gây tích lũy NO3 trong quả.
5.4 Cắm chói cho cây ớt chuông
Sau trồng khoảng 2 tuần khi cây đã bén rễ hồi xanh thì tiến hành cắm chói, mỗi cây cắm một chói để cố định cây không bị đổ ngã, lưu ý không làm long gốc ảnh hưởng đến cây trồng. Giai đoạn cây được 35cm thì tiến hành cắm chói cao kết hợp đan dây nilong để giúp cho cây không bị ngã đổ trong quá trình mang trái.
5.5 Tỉa nhánh
Tỉa nhánh là công việc cần thực hiện trên cây ớt chuông, cây phát triển rất nhiều cành nhánh từ gốc lên ngọn. Tiến hành tỉa bỏ những nhánh ở phần gốc cây, tránh hiện tượng tiêu hao dinh dưỡng và nhiễm sâu bệnh.
Cần phải cắt tỉa cành, chỉ để lại 3 – 4 nhánh mỗi cây, để cây ớt chuông tập trung phát triển những cành chính. Trong thời kỳ đầu, cây cao khoảng 15 – 20 cm, nên cắt tỉa ngọn để chúng phân nhánh nhiều hơn. Sau khi cấy cây khoảng 20 ngày, có thể thực hiện tỉa cành, mỗi lần tỉa cách nhau hàng tuần.
Với những lá già, lá héo úa cũng phải cắt tỉa bớt, chỉ để lại những lá xanh tươi. Nếu cành, lá quá nhiều hay bị nhiễm bệnh thì cũng phải cắt tỉa và loại bỏ. Nếu xuất hiện hoa sớm thì phải cắt đi để không ảnh hưởng đến năng suất sau này.
Ngoài ra, nếu cây có quá nhiều quả hay quả có dấu hiệu sâu bệnh thì cũng cần loại bỏ bớt để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Việc tỉa quả ớt chuông chỉ nên thực hiện vào thời gian quả có kích thước bằng hạt đậu. Tiến hành kiểm tra và thường xuyên tỉa quả giúp tăng kích thước và chất lượng quả ớt chuông khi thu hoạch.
6 Kiểm soát sâu bệnh hại cây ớt chuông
6.1 Một số sâu bệnh và biện pháp xử lý
Bệnh héo rũ cây con: Bệnh héo rũ cây con do nấm Rhzoctonia sloani gây nên và tấn công vào giai đoạn cây con. Bệnh làm cây con chết rạp và thối ngay phần gốc tiếp giáp với mặt đất. Không nên tưới nước quá ẩm đề phòng nấm bệnh tấn công, phun phòng bằng thuốc Kasumin, Aliette…
Bệnh héo xanh vi khuẩn: Nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanaceaerum làm cây héo rũ vào ban ngày và tươi tốt lại vào ban đêm, cứ như vậy liên tục trong vài ngày rồi cây héo khô và chết, mạch dẫn trong thân bị thâm đen, không còn khả năng vận chuyển nước và muối khoáng lên nuôi cây, khi cắt ngang thân và cắm vào nước sạch thấy có dịch đục màu trắng tiết ra đó là vi khuẩn. Vi khuẩn tồn tại lâu trong đất, nông cụ lao động hoặc trong hạt giống, gặp điều kiện thuận lợi nhiệt độ cao 30 – 35 độ C chúng sẽ tấn công vào cây trồng.
Bệnh thán thư trái: Bệnh thán thư trái thường xuyên xuất hiện trên cây ớt, đặc biệt là ớt chuông, bệnh xảy ra vào những tháng nóng, độ ẩm cao từ tháng 5, 6, 7, 8. Khi bị bệnh trên quả sẽ có những vết ướt, sau đó chuyển dần thành màu tối, vết bệnh khô dần có dạng vòng, bên trong có màu xám đen, bên ngoài có quầng màu nâu vàng. Khi gặp triệu chứng này cần ngưng phun lên lá hạn chế sự lây lan nhanh chóng trên vườn, ngoài ra nên tuân thủ luân canh cây trồng khác họ.
Các bệnh Héo rũ, héo xanh, thán thư có thể phòng trừ hiệu quả bằng phương pháp sinh học Chaetomium + Vĩnh Biệt Tuyến Trùng.
Bệnh virus: Bệnh do virus gây hại hiện nay không có thuốc phòng trị, khi gặp hiện tượng này cần phải nhổ bỏ và tiêu hủy ngay lập tức để phòng tránh lây lan. Cây bị nhiễm virus thường phát triển còi cọc, lá bị chùn lại, nhăn nheo, có màu xanh vàng loang lổ, đậu quả thấp hoặc không đậu quả. Các loài môi giới trung gian như bọ trĩ, rầy rệp,… là nguyên nhân dẫn đến bệnh virus trên cây. Do đó cần kiểm soát tốt côn trùng gây hại trên vườn.
Bọ trĩ, rầy mềm, rầy đen, nhện đỏ: Đây là những loại côn trùng thường xuyên xuất hiện trên đồng ruộng gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây, lá biến vàng, sinh trưởng kém. Cần áp dụng những biện pháp phòng trừ côn trùng hiệu quả như kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, độ thoáng, phun thuốc phòng trừ,…
=> Biện pháp xử lý là làm đất kỹ trước khi gieo trồng, sử dụng giá thể sạch bệnh để ươm giống. Sử dụng nguồn nước tưới sạch sẽ, vệ sinh dụng cụ lao động trước và sau khi sử dụng. Bón phân cân đối, bổ sung thêm phân chuồng hoai mục để tăng độ xốp, thoáng khí trong đất, tăng sức đề kháng của cây. Nâng độ pH để hạn chế môi trường phát triển của các nấm hại bằng pH Đất.
6.2 Biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp trên ớt chuông
Không riêng gì cây ớt chuông mà hầu hết các loại cây trồng đều áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp và mang lại hiệu quả. Các biện pháp phòng trừ tổng hợp bao gồm:
- Biện pháp canh tác kỹ thuật: Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ trước và trong quá trình trồng cây ớt chuông, tỉa nhánh thường xuyên giúp tạo độ thông thoáng cho vườn, bón phân cân đối, đầy đủ đa – trung – vi lượng, sử dụng giống sạch bệnh, giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Thường xuyên thăm đồng để có biện pháp chăm sóc và phòng trừ dịch hại kịp thời.
- Biện pháp sinh học: Sử dụng thiên địch có lợi đối kháng lại sâu bệnh gây hại, các loài thiên địch có lợi như ong ký sinh, nhện, bọ đuôi kìm,…
- Biện pháp vật lý: Sử dụng bẫy bả để tiêu diệt côn trùng gây hại, lưới ruồi cao để hạn chế sâu hại và côn trùng.
- Biện pháp hóa học: Đây là biện pháp cuối cùng, không khuyến khích lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Sử dụng các biện pháp hóa học khi tất cả những biện pháp khác không còn tác dụng và phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng.
7 Thu hoạch, phân loại và xử lý bảo quản sau thu hoạch
Sau khoảng thời gian 3 tháng cây ớt chuông sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Tùy vào nhu cầu khách hàng để thu hoạch trái vào giai đoạn quả xanh hay chín vàng, đỏ. Thu hoạch quả khi vỏ quả chuyển từ xanh non sang xanh thẫm, vỏ quả cứng, bấm vào nghe giòn tai là có thể thu hoạch. Đối với thu hoạch lấy quả chín đỏ hoặc vàng, khi quả chuyển từ màu xanh xang vàng, đỏ trên 50% thì tiến hành thu hoạch. Không nên cắt quả khi chúng còn non hoặc quá già, như vậy sẽ làm giảm năng suất thương phẩm, quả không được ngon. Nếu chăm sóc tốt cây có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng 5 – 6 tháng.
Quả ớt chuông sau khi thu hoạch có thể bảo quản từ 7 ngày ở nhiệt độ thường, 40 ngày nếu bảo quản lạnh ở nhiệt độ 0 độ C, độ ẩm 95 – 98%. Hàm lượng caroten có xu hướng tăng sau 3 – 4 tuần thu hoạch, và lượng đường giảm 25% sau khi thu hoạch 5 – 6 tuần.
Vậy là bạn vừa xem xong quy trình kỹ thuật trồng cây ớt chuông, hy vọng bài viết này sẽ giúp ích đối với bạn. Nếu có bất cứ thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ 0868 50 60 65 bạn nhé!