Quy trình kỹ thuật trồng hoa lily

I. ĐẶC ĐIỂM THỰC VẬT HỌC VÀ YÊU CẦU VỀ ĐIỀU KIỆN NGOẠI CẢNH.

1. Đặc điểm thực vật học

 

– Thân vảy: Thân vảy là phần phình to của thân, trên đãi thân vảy có vài chục vảy hợp lại là nơi dự trữ nước và dinh dưỡng, màu sắc và kích thước thân vảy phụ thuộc vào loài, giống. Độ lớn thân vảy liên quan chặt chẽ tới số lượng nụ hoa, như lily thơm chu vi thân vảy 9-11cm có 1-2 nụ, chu vi 12-14cm có 2-4 nụ và chu vi 14-16cm có trên 4 nụ. Số lượng vảy cũng tỷ lệ thuận với số lá và số hoa. Củ giống để trồng hoa thương phẩm nhất thiết phải là thân vảy đã được bồi dục, thường năm đầu chưa ra hoa, sang năm thứ hai có chu vi từ 9cm trở lên mới ra hoa.

 

– Rễ: Gồm 2 phần rễ thân và rễ gốc, rễ thân còn gọi là rễ trên do phần thân mọc dưới đất sinh ra có nhiệm vụ nâng đỡ thân, hút nước và dinh dưỡng, có tuổi thọ một năm. Rễ gốc, còn gọi là rễ dưới sinh ra từ gốc thân vảy, có nhiều nhánh, sinh trưởng mạnh, là cơ quan chủ yếu hút nước và dinh dưỡng có tuổi thọ tới 2 năm.

– Lá: Lá mọc rải rác thành vòng thưa, hình kim hoặc hình thuôn, đầu lá hơi nhọn không có cuống hoặc cuống ngắn. Lá mềm có màu xanh bóng, lá to hay nhỏ còn phụ thuộc vào giống cà điều kiện trồng trọt.

– Củ con và mầm hạt: Lily có nhiều củ con ở thân rễ, chu vi từ 0,5-3cm, số lượng củ tùy thuộc vào giống và điều kiện trồng trọt. Một số giống ở nách lá có mầm hạt hình cầu hoặc hình trứng khi chín có màu tím tối, chu vi từ 0,5-1,5cm.

– Hoa: Hoa lily có nhiều màu sắc khác nhau: trứng, hồng, đỏ, vàng,…mọc đơn lẻ hay xếp đặt trên trục hoa. Hoa chúc xuống, vươn ngang hoặc hướng lên, gồm 6 cánh hoa hình elip, gốc cánh có chấm màu tím, hồng…có 6 nhị, phấn hoa màu vàng hoặc đỏ cam, đỏ nâu và một nhụy nhỏ dài, đầu trục phình to.

– Quả: Quả chín sau khi hoa nở được 2 tháng. Khi chín quả có màu vàng sẽ nứt ra, hạt có cánh, vì vậy ở điều kiện tự nhiên có thể truyền đi theo gió. Sau khi thu quả, thân lá, khô héo, lúc này có thể thu hoạch củ để làm giống

II. YÊU CẦU NGOẠI CẢNH

1. Nhiệt độ

Lily là cây chịu rét khá, chịu nóng kém, ưa khí hậu mát ẩm, nhiệt độ thích hợp ban ngày là 20-250C, ban đêm là 120C-150C. Các giống lai phương Đông thời kỳ đầu thích hợp với nhiệt độ ban ngày 25-280C, ban đêm 18-200C. Dưới 120C cây sinh trưởng kém, hoa dễ bị mù.

Từ khi xuất hiện nụ đến khi ra hoa nhiệt độ chênh lệch ngày/đêm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng của thân. Nếu chênh lệch từ 00C đến 160C thì độ cao của cây dao động từ 14,2 – 27cm.

2. Ánh sáng

Lily là cây ưa cường độ ánh sáng ở mức trung bình, cường độ ánh sáng thích hợp từ 12-15 nghìn lux. Vào mùa hè với nhóm lily châu Á và lily thơm cần che bớt 50% ánh sáng, nhóm phương Đông nên che bớt 70% ánh sáng. Ngược lại trồng trong nhà lưới vào mùa Đông, ánh sáng không đủ, nhị đực sẽ sản sinh Etylen, dẫn đến nụ bị rụng. Đặc biệt là nhóm lai châu Á rất mẫn cảm với thiếu ánh sáng, do vậy cần bỏ bớt lưới che phủ để tăng cường ánh sáng tự nhiên cho cây.

3. Nước

Thời kỳ đầu cây cần nhiều nước, thời kỳ ra hoa nhu cầu nước giảm bớt vì nước nhiều củ dễ bị thối, rụng nụ. Lily thích không khí ẩm ướt, độ ẩm thích hợp nhất là 80-85%.

4. Không khí

Lily là cây khá mẫn cảm với khí etylen, tuy nhiên độ mẫn cảm của các giống rất khác nhau: Giống châu Á mẫn cảm hơn đối với khí etylen so với các dòng giống khác.

5. Đất

Lily có thể trồng trên nhiều loại đất, nhưng đất nhiều mùn, đất thịt nhẹ là tốt nhất. Lily là loại cây có rễ ăn nông vì vậy đất thoát nước, tơi xốp rất quan trọng.

Các giống lai châu Á và lily thơm yêu cầu độ pH thích hợp từ 6-7, giống thuộc nhóm Phương Đông yêu cầu pH từ 5,5-6,5.

6. Dinh dưỡng

Lily yêu cầu mức độ phân bón cao nhất trong 3 tuần đầu kể từ sau khi trồng. Tuy nhiên, lúc này rễ non dễ bị ngộ độc muối. Muối trong đất chủ yếu do phân bón, nước tưới và hàm lượng dinh dưỡng của cây trồng vụ trước tạo nên. Vì vậy để tránh tác hại của muối trong đất, trước khi trồng 6 tuần cần phân tích đất để biết hàm lượng muối. Lily cũng mẫn cảm với hợp chất chứa Clo, yêu cầu lượng Clo trong đất không vượt quá 15mol/lít, nếu không sẽ gây hại rễ. Đất thiếu canxi, lily dễ bị vàng lá, lá phát triển không gọn.

III. KỸ THUẬT CANH TÁC VÀ CHĂM SÓC

Trồng cây cắt cành trong nhà lưới là một phương thức trồng chủ yếu hiện nay, nó có đặc điểm là dễ điều khiển điều kiện môi trường, chất lượng hoa tốt, hiệu quả kinh tế cao.

1. Chuẩn bị đất, lên luống

Đất cày bừa mịn, bằng phẳng, sạch cỏ, bón phân hữu cơ, vi sinh trộn thêm giá thể rơm rạ, trấu, phân chuồng hoai mục để làm cho đất tơi xốp tạo điều kiện thuận lợi cho cây sinh trưởng phát triển.

Xử lý đất: Tham khảo một số thuốc như Regent, Carbenzim, Topsin, Aliette để xử lý hoặc có thể dùng chế phẩm nấm Trichoderma spp có bán trên thị trường để xử lý nhưng lưu ý phải giữ ẩm cho đất và không dùng chung với thuốc có tác dụng diệt trừ nấm khác.

Lên luống rộng 1,3m cả rò rãnh, luống cao 15-20m.

2. Xác định thời vụ trồng

Tại Đà Lạt, trồng trong nhà kính thì có thể trồng quanh năm. Cần tính toán thời gian sinh trưởng của từng giống và dự báo thời tiết để trồng có hoa nở đúng dịp như mong muốn.

Thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch của một số giống tại Đà Lạt

STT

Giống

Vụ Đông xuân (ngày)

Hè thu (ngày)

1

Sorbone

90-95

80-85

2

Tiber

87-92

75-80

3

Manisa

85-90

70-75

4

Riato

90-95

80-85

5

Yellowen

70-75

65-70

6

Benlladona

Ít trồng

75-80

3. Cách trồng

– Mặt luống rộng 1m thì trồng 5 củ trên hàng; mặt luống rộng 1,2m thì trồng 6 củ trên hàng, độ sâu tùy kích thước củ giống, thường 10 – 12cm. Đặt củ vào rãnh sau đó lấp 1 lớp đất dày 8-10cm, nén chặt đất xung quanh củ.

Sau khi trồng phủ lớp rơm rạ, cỏ khô để làm mát đất, giúp củ mọc tốt.

– Chọn củ giống không bị sâu bệnh, củ mập vảy củ không bị xây xát, củ có mầm dài khoảng 1cm để trồng.

– Xử lý củ giống:

+ Trước khi xử lý cắt bỏ rễ chỉ để lại khoảng 5cm.

+ Nhúng củ vào dung dịch Daconil hoặc Carbendazim nồng độ theo đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, trong thời gian khoảng 5-10 phút để phòng trừ nấm bệnh.

4. Mật độ trồng

Mật độ trồng phải căn cứ vào chủng loại củ giống, độ lớn của củ và thời tiết. Với các giống cây to, cao thì nên trồng thưa, giống cây nhỏ thấp thì trồng dày; vụ Xuân và vụ Thu ánh sáng đầy đủ có thể trồng dày, vụ Đông ánh sáng yếu thì trồng thưa. Thường trồng với khoảng cách cây cách cây 15-20cm và mật độ 20-40 củ/m2. Có thể tham khảo mật độ ở bảng sau:

Mật độ trồng với quy cách củ giống và kích cỡ:

Chu vi củ giống  
(cm)

Loại hình

10-12

12-14

14-16

16-18

18-20

Lai Châu Á

30-45

25-30

22-25

17-22

Lai Phương Đông

30-40

25-30

20-25

18-20

16-18

Lily thơm

35-40

25-30

21-25

18-21

16-18

5. Chăm sóc sau khi trồng

5.1 Quản lý nhiệt độ

Sau khi trồng 3-4 tuần lily sống nhờ vào sự hút dinh dưỡng và nước từ rễ củ. Vì vậy, việc tăng cường nhiệt độ kích thích cho rễ sinh trưởng phát triển khỏe rất quan trọng.  Khi bắt đầu ra rễ, nhiệt độ đất phải ở khoảng 12-130C. Vượt quá 150C cây ra rễ kém, vì vậy sau khi trồng phải che nắng, thông gió. Nếu trồng vào vụ hè thì phải tưới nước lạnh hoặc dùng rơm rạ phủ mặt luống để giảm nhiệt độ đất.

Nhiệt độ cao làm cây lùn đi và số nụ giảm. Vì vậy, nếu trồng lily vào vụ hè Thu cần chọn giống chịu nóng, phải có biện pháp hạ nhiệt và tăng cường các biện pháp che nắng, phun nước, quạt gió…

5.2 Bón phân, tưới nước

Khoảng 2-3 tuần đầu sau trồng không cần bón phân, nếu đất khô quá thì phun nước duy trì độ ẩm đất. Có thể kiểm tra bằng cách lấy tay bóp đất, nếu không ra nước sau đó gõ nhẹ mà đất vỡ ra là được.

Lượng phân bón tính cho 1ha:

+ Phân chuồng hoai mục 60-80 m3; Vôi: 1000- 1500 kg

+ Lượng phân vô cơ nguyên chất: N: 120-150 kg; P205: 120-150 kg; K20: 150-180 kg

Có thể sử dụng phân đơn chất quy đổi theo lượng nguyên chất như trên hoặc sử dụng các loại phân phức hợp để bón như sau:

+ Bón lót: Toàn bộ vôi trước khi trồng 10-15 ngày, khi làm đất lần cuối bón phân chuồng + 25 kg DAP + 10 kg Canxi Nitrate.

+ Bón thúc lần 1: 20 ngày sau trồng (khi cây mọc cao 12-15cm): Bón 15 kg NPK 15-9-20.

+ Bón thúc lần 2: 35 ngày sau trồng: 15 kg Complex 12-11-17 + TE kết hợp tiến hành xới xáo, làm cỏ.

+ Bón thúc lần 3: Khoảng 50-55 ngày sau trồng: 10 kg Complex 12-11-17 + TE + 10 kg NitraBor + 10 kg MgSO4. Sau khi bón phân tiến hành vun đất vào gốc cao 3-5cm kết hợp tưới đẫm nước.

Sau đó 15 ngày bón 1 lần loại phân NPK Complex,  NPK 7-7-14 số lượng từ 10-15 kg + 10 kg K2S04.

Cần bổ sung thêm các loại phân bón lá và vi lượng cho cây.

Trong thời kỳ sinh trưởng của lily cần duy trì độ ẩm cho đất. Đất quá khô cây sinh trưởng chậm. Ngược lại nước quá nhiều, ánh sáng không đủ thì thân lá mềm, yếu, cây vươn dài, tỷ lệ hoa mù cao.

Có thể tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt. Lượng nước tưới nhiều hay ít phụ thuộc vào đất, nhiệt độ không khí, giống, tình hình sinh trưởng của cây và hàm lượng muối trong đất. Nên tưới trước 10 giờ sáng, phun lên cây để tránh đất quá ẩm, đồng thời tăng được độ ẩm trong nhà kính. Khi cây ra hoa thì ít tưới và tránh phun lên cây dễ làm thối nụ, hoa.

5.3 Điều chỉnh ánh sáng

Ánh sáng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng phát triển và ra hoa của Lily. Thiếu ánh sáng thì cây sinh trưởng chậm, thân mềm yếu, lá vàng và hoa không bền. Khi mầm hoa của Lily phát dục vào mùa Đông cần có đủ ánh sáng, nếu ánh sáng không đủ vào giai đoạn mầm hoa nhú ra đến khi cắt hoa, hoa sẽ trắng và rụng. Vào vụ Hè cần che bớt ánh sáng, các giống lai Châu Á và lily thơm cần che bớt 50%, các giống Phương Đông cần che bớt 70%. Ở vụ Thu Đông hoặc Đông Xuân khi lily ra rễ cũng cần che bớt ánh sáng để giảm nhiệt độ đất. Sản xuất hoa vào vụ Đông cần đảm bảo nhà lưới có đủ ánh sáng. Xung quanh nhà lưới không nên có vật che chắn, đồng thời phải chọn giống ít mẫn cảm với ánh sáng để trồng. Căn cứ vào đặc tính sinh trưởng của lily, nếu trồng những giống yêu cầu thời gian chiếu sáng trong ngày dài khi củ nảy mầm được 50cm cần duy trì thời gian chiếu sáng 16 giờ trong ngày bằng cách thắp điện bổ sung ban đêm, mỗi đêm 4 giờ liên tục cho đến khi xuất hiện nụ. Cách làm là treo đèn 20W, 5m2/1 đèn, chiều cao 2m, lắp đặt thêm chụp thiếc để tăng độ phản xạ, mỗi ngày chiếu sáng bổ sung từ 17 giờ đến 21 giờ đêm.

5.4 Thông gió: Trong nhà lưới sự thông gió kém, nhất là vào mùa Đông, do đó cần phải thông gió để điều tiết không khí, đồng thời giảm nhiệt độ và độ ẩm.

– Nên mở cửa thông gió vào lúc giữa trưa từ 12-14 giờ.

– Khi thông gió phải duy trì độ ẩm trong nhà lưới. Nếu có điều kiện thì vừa thông gió, vừa phun mù để bổ sung hơi nước.

5.5 Căng lưới đỡ cây: Căng lưới ngay từ khi cây cao 20cm để luồn cây vào các mắt lưới, mỗi mắt lưới đỡ từ 1-3 cây, nâng dần lưới lên theo độ lớn của cây để cây không bị nghiêng.

IV. SÂU BỆNH HẠI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Lưu ý: Hiện nay, các thuốc BVTV đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa lily còn rất ít, một số đối tượng sâu bệnh hại không có loại thuốc nào được đăng kí phòng trừ. Chính vì vậy bà con nông dân có thể tham khảo một số loại thuốc bảo vệ phòng trừ đối tượng sâu bệnh hại tương tự trên cây trồng khác để sử dụng trên cây hoa lily. Tuy nhiên trước khi sử dụng đại trà, cần phun thử trên diện tích hẹp để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.

1. Bệnh hại lily

Bệnh thối gốc (Phytophthora spp.)

+ Triệu chứng: Hoa, chồi non, rễ, rễ thứ cấp xuất hiện những đốm màu xanh đậm, trong điều kiện ẩm ướt đốm lan to và biến màu đen xám, cây bị héo, lá vàng, bộ rễ bị mất màu. Cây bị nhiễm bệnh vẫn còn gốc, cuống lá dính vào thân bị thối làm cho lá bị héo. Cây bị nhiễm bệnh không cho thu hoạch nhưng vẫn có thể hồi phục vào vụ sau.

+ Phát sinh: Phát triển mạnh ở nhiệt độ 20-250C, ẩm độ 90-95%. Thường xuất hiện sau khi mưa liên tục 2-3 ngày.

+ Phòng trừ: Phòng bệnh là chính, hạn chế lượng nước quá cao trong đất, không để đất ngập úng, và không để độ ẩm không khí >90%; không trồng trên vùng đất đã nhiễm bệnh; xử lý củ giống trước khi trồng.

– Biên pháp phòng trừ: Bổ sung thêm một số biện pháp

+ Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ

+ Tiêu hủy tàn dư cây bệnh tránh lây lan

Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Matalaxyl + Mancozeb; Fosetyl –Aluminium, Metalaxyl

– Bệnh khô lá (Botrytis ulipica):

Đây là bệnh thường gặp khi trồng Lily, đặc biệt bệnh xuất hiện nhiều khi trồng lily ở ngoài trời. Bệnh này do nấm Botrytis ulipitica gây nên.

Triệu chứng: Đầu tiên là những đốm trắng trên lá, ngoài viền có màu nhạt, ở giữa vết bệnh có màu sẫm. Nếu bị nhiễm nặng trong điều kiện thời tiết nóng ẩm thì những vết đốm này có thể liên kết lại làm cho toàn bộ lá bị gãy và thối. Nguồn bệnh lây lan qua sự tiếp xúc nước, không khí, gió.

Phòng trừ bệnh

+ Thu gom toàn bộ tàn dư cây bệnh và tiêu hủy vào cuối vụ thu hoạch.

+ Những vườn bị bệnh nặng, nên loại bỏ sớm các cây nhiễm bệnh tránh lây lan.

+ Không sử dụng cây bệnh làm phân xanh, có thể dùng màng phủ nông nghiệp để hạn chế sự lây lan của nấm bệnh.

+ Trồng lily ở những vườn cao ráo, thông thoáng, thoát nước tốt, không nên trồng ở các khu vực thoát nước kém và độ che bóng quá cao.

– Bệnh mốc xám (Botrytis cinerea Pers).

Bệnh này cũng khá phổ biến ở lily. Bệnh do nấm Botrytis cinerea gây nên, chủ yếu là hại lá, cũng có khi hại cả thân và hoa.

Triệu chứng của bệnh: Là trên lá xuất hiện những đốm hình tròn hoặc hình trứng, to nhỏ khác nhau, chỗ bị hại mọc ra những sợi màu tro.

Phòng trừ bệnh: Có thể sử dụng một trong các loại thuốc Eugenol (Lilacter 0.3 SL) để phòng trừ bệnh mốc xám.

Ngoài ra có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ:

Carbendazim, Benomyl, Flusilazole, Propineb, Thiophanate-Methyl

– Bệnh thối củ:

Nguyên nhân: Do nấm Fusarium oxysporum.

Điều kiện phát sinh, phát triển: Nấm xâm nhập vào củ thông qua bộ rễ của phần củ và phần bẹ lá. Nấm có thể tồn tại trong đất và tàn dư cây trồng ít nhất 3 năm mà không cần sự có mặt của cây ký chủ. Bệnh phát sinh mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ của đất cao.

Triệu chứng: Vết bệnh có màu nâu nhạt hoặc nâu sẫm, có khả năng lan rộng lên các bẹ lá làm cho các bẹ lá bị tách rời ở phần gốc, sau đó củ bị thối. Cây bị bệnh làm cho bộ lá chuyển sang màu vàng, cây bị lùn và biến màu, phát sinh nhiều chồi nhỏ làm cho củ dần dần bị phân hủy.

Biện pháp phòng trừ: Nên ghi rõ các biện pháp phòng trừ để nông dân có thể áp dụng trong thực tế:

+ Không sử dụng củ giống có biểu hiện nhiễm bệnh, nên chọn củ sạch bệnh để làm giống. Khi phát hiện cây nhiễm bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy. Ở những vườn bị bệnh nặng cần thay lớp đất mặt khoảng 45cm. Vệ sinh và khử trùng đất trước khi trồng.

+ Không nên bón nhiều đạm vì dư đạm củ sẽ bị mềm, phát triển nhanh và dễ bị nhiễm bệnh.

+ Sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai và tránh không để phân tiếp xúc trực tiếp với bộ rễ.

+ Trồng cây ở những nơi thoát nước tốt, tránh tưới nước lên cây trong những tháng mùa khô.

+ Bệnh phát triển mạnh ở những chân đất chua vì vậy có thể bón thêm vôi để tăng độ pH cho đất.

+ Trong quá trình chăm sóc tránh làm tổn thương cây.

+ Có thể sử dụng đất sạchvà trồng lyly vào chậu.

+ Sử dụng thuốc Trichoderma spp 106 cfu/ml (1%) + K-Humate 3.5%) + Fulvate 1% +Chitosan 0.05% + Vitamin B1 0.1% (Fulhumaxin 5.65SC) để phòng trừ bệnh.

*Bệnh thối rễ

Nguyên nhân: Do nấm Rhizoctinia solani, Pythium splendens, Cylindrocarpo destructans gây ra.

Điều kiện phát sinh, phát triển: Bệnh gây hại mạnh trong điều kiện thoát nước kém, kết cấu đất quá chặt và không thông thoáng.

Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ.

+ Tiêu hủy tàn dư cây bệnh.

+ Xử lý đất trước khi trồng.

+ Đảm bảo vườn thoát nước tốt.

Có thể tham khảo sử dung các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Validamycin, Iprodione, Thiophanate -Methyl, Pencycuron.

2. Sâu hại lily

Rệp bông (Aphis gossypii Glover)

Chủ yếu gây hại thân, cành, lá. Rệp hút dịch lá làm cho cây khô héo, hoa biến dạng, đồng thời rệp bông là môi giới truyền bệnh virus hoa lá dưa (CMV) gây hại cho lily.

Phòng trừ: Làm sạch cỏ, vì cỏ là ký chủ chủ yếu của rệp, cắt bỏ lá, thân bị hại đem tiêu hủy

Có thể tham khảo sử dụng các thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Emamectin benzoate, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran…

Bọ trĩ  (Frankliniella intonsa)

Bọ trĩ là loại sâu nhỏ bò hoặc nhảy tập trung ở hoa hoặc lá. Sâu non thích núp ở trong nụ hoa gây hại. Sâu trưởng thành thích hút dịch ở bề mặt hoa tạo thành vân khác màu hoặc giảm màu sắc hoa.

+ Phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, treo bẫy dính màu xanh trên đất trồng để bắt bọ trĩ.

Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Imdacloprid, Abamectin, Cypermethrin, Dinotefuran, Emamectin benzoate…

Nhện (Rhizoglyphus robini)

Ở đất cát pha, đất bazan phát sinh nhiều nhện, nhện gây hại chủ yếu ở hoa, lá, rễ, củ Lily…  làm nụ hoa rụng, hoa nở không đều.

– Phòng trừ: Xử lý củ giống trước khi trồng bằng cách ngâm nước nóng 400C trong 2 giờ.

– Có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất sau để phòng trừ: Diafenthiuron, Hexythiazox, Propargite, Abamectin, Fenpyroximate, Emamectin benzoate…

V. THU HOẠCH

1.Xác định thời điểm thu hoạch hoa

– Thời gian thu hoa: Cắt hoa vào buổi sáng để tránh nụ bị khô tóp lại và hạn chế việc giữ khô trong nhà lưới (không nên quá một giờ). Việc thu vào sáng sớm hay lúc trời râm mát để tránh sự thoát hơi nước của hoa. Tuyệt đối không thu hoạch vào giữa trưa vì lúc này nhiệt độ cao, ánh sáng mạnh sẽ làm cho cành hoa héo tàn nhanh

– Độ nở hoa: Lily sau trồng 50-55 ngày thì bắt đầu có nụ và sau khoảng 2-3 tuần là có thể thu hoạch. Bởi vậy ngay khi nụ thứ nhất dưới gốc phình to và có màu thì có thể thu hoa, nếu thu sớm hơn thì nụ sẽ không phát triển đầy đủ, hoặc thu muộn hơn (một vài nụ đã nở to ra), hoa dễ bị dập nát. Nếu trên 1 cành có 6 nụ thì nên cắt khi 2 nụ dưới có màu là tốt nhất.

– Dùng dao hoặc kéo sắc để cắt, không nên cắt hoa quá thấp để cho củ lớn thêm, tốt nhất là cắt cách mặt đất 10-15cm, để lại 5-6 lá/cây. Sau khi cắt ngâm ngay cành hoa vào nước sạch để cành hoa không bị mất nước.

2.Xử lý sau khi cắt hoa

– Sau khi cắt hoa loại bỏ hoa đã nở, các cành hoa già, xấu, không đủ tiêu chuẩn ra một khu riêng

– Cắt tỉa bỏ những lá già, vàng, sâu bệnh ở trên cành, bỏ bớt lá dưới gốc cách vết cắt khoảng 10cm

– Tiếp theo là cắm ngay 1/3 cành hoa vào trong thùng nước sạch, sau đó đưa vào nơi mát, thông thoáng để xử lý sơ bộ

3.Đóng gói

Trước khi tiến hành bảo quản, cần phân loại hoa theo từng loại để tiện bảo quản. Thường dựa vào độ dài cành, độ cứng của cành, số lá và số nụ để phân cấp.

+ Nhóm I: Chiều cao thân 50-70cm

+ Nhóm II: Chiều cao thân 70- 90cm

+ Nhóm III: Chiều cao thân 90-110cm

+ Nhóm IV: Chiều cao thân 110cmvà dài hơn

Sau khi phân cấp xong thì bó lại với số lượng cành từ 5-10 cành/bó tùy theo nhu cầy của khách hàng

Tiến hành bó hoa lại thành bó, sao cho các nụ hoa được xếp bằng nhau. Gói hoa lại thành chùm trong giấy kiếng.

Giai đoạn cuối cùng là gói hoa, giấy gói hoa Lily phải bảo vệ được cả búp hoa và thân cây. Quá trình gói hoa phải được thực hiện trong thời gian ngắn, tránh hoa không bị khô.

Nếu không thể phân loại và bó hoa được ngay sau khi thu hoạch thì nên mang hoa vào chứa trong kho lạnh.

Lưu kho: Sau khi bó, hoa Lily được ngâm phần gốc vào chậu nước rồi để trong phòng lạnh. Xử lý bằng hợp chất Thiosunphate có màu bạc + GA3 (6ml Chrysal A.V.B + 1 viên S.V.B trong ba lít nước).

Khi hoa Lily hút đủ nước thì có thể để trong kho lạnh. Không cần ngâm nước cũng được.

Phân Phối: Trước khi vận chuyển đi tiêu thụ, hoa Lily cần phải được bao bì thích hợp để bảo vệ hoa khỏi bị dập. Hạn chế tốc độ nở, kéo dài tuổi thọ của hoa.

Hoa phải được đóng trong thùng carton khô ráo, không để nơi có nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt. Tốt nhất, nên vận chuyển bằng xe lạnh.