Quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nấm sò

​​​​​​​Trồng nấm sò là một trong những mô hình mới, hiệu quả đang được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh học hỏi trồng và nhân rộng. Để giúp bà con có được những thông tin về nuôi trồng loại nấm này, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng KH-CN xin giới thiệu quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái nấm sò.

1. Chuẩn bị nhà trồng nấm:

Nhà trồng nấm không cần cao (vì khó giữ ẩm). Thường 2,2-2,8m. Không nên che rợp nhiều (thiếu ánh sáng nấm dễ bị bệnh). Diện tích vừa đủ để treo một đợt bịch để đảm bảo độ ẩm. Xung quanh nhà trồng nấm có thể bao lưới vừa giữ được độ ẩm, hạn chế côn trùng phá hoại.

Nhà ươm trồng nấm sò
Nhà ươm trồng nấm sò.

 

2. Vệ sinh nhà trồng nấm:

Trước khi đưa nấm vào nuôi trồng ta cần khử trùng nhà trồng nấm bằng vôi bột, cứ 100g vôi bột/1m2 sàn nhà rải đều khu vực nhà trồng nấm. Sau khi nhà trồng nấm đã chuẩn bị xong ta tiến hành đưa bịch phôi nấm vào chăm sóc.

3. Thiết kế giàn treo nấm:

 Làm giàn để treo bịch phôi nấm dưới các thanh ngang, mỗi thanh ngang cách nhau 30 cm. Trên giàn có thiết kế hệ thống phun nước, cách 1m có một van hệ thống phun nước được gắn công tấc khi nào tưới nước chỉ cần bật công tấc nước tự động phun lên khi lượng nước tưới đã phù hợp ta chỉ cần tắt công tấc là xong.

4. Cách treo bịch phôi nấm:

Sau khi thể sợi nấm đã ăn kín đáy và có một màu trắng đồng nhất, để loại bỏ bụi bẩn bám bên ngoài bịch phôi ta cần nhúng bịch phôi vào xô nước lạnh đến cổ nút rửa sạch bụi và rút cổ nút bông vặn miệng túi lại, để úp xuống rồi treo lên dây vừa làm sạch bịch phôi và cũng tạo sốc nhiệt trước khi treo trong nhà trồng nấm. Mỗi dây treo từ 6 -> 8 bịch phôi, mỗi dây cách nhau từ 25-30 cm cứ 4 hàng ta chừa một lối đi để thuận tiện cho việc chăm sóc và thu hái.

Cách treo bịch phôi
Cách treo bịch phôi nấm.

5. Điều kiện môi trường nhà nuôi nấm

Nấm sò có thể trồng được quanh năm, nhưng thuận lợi nhất là từ tháng 8 đến tháng 4 dương lịch năm sau.

– Nhiệt độ thích hợp: Nấm sò chịu lạnh từ 140C – 200C, chịu nhiệt độ cao hơn từ 240c – 280c.

– Độ ẩm cơ chất: 65-70%.

– Độ pH= 7 trung tính.

– Độ ẩm không khí: 80-90%

– Ánh sáng: Không cần thiết trong giai đoạn nuôi sợi, khi nấm hình thành quả thể cần ánh sáng khuyếch tán (ánh sáng phòng, có thể đọc sách được).

6. Phương pháp rạch bịch:

Dùng dao sắc nhọn, rạch 4 – 6 đường xung quanh bịch phôi, không rạch sâu vào cơ chất, khoảng cách giữa các vết rạch đều và so le nhau, vết rạch có chiều dài từ 2-3cm, sâu 2cm.

7. Phương pháp tưới nước:

Sau rạch bịch từ 5-7 ngày, tuyệt đối không được dùng nước tưới trực tiếp vào bịch phôi nấm mà chỉ tạo ẩm xung quanh khu vực nuôi trồng. Khi phát hiện nấm mọc ra ở các đường rạch, ta tiến hành tưới nước trực tiếp lên bịch phôi nấm. Tuỳ theo lượng nấm ra nhiều hay ít, to hay nhỏ, độ ẩm không khí cao hay thấp để điều chỉnh lượng nước tưới và số lần tưới cho phù hợp. Tưới dưới dạng phun sương, tưới ngửa vòi sao cho nhìn bề mặt mủ nấm lúc nào cũng có lớp nước đọng trên mủ nấm.Trung bình một ngày tưới từ 3-4 lần.Trong giai đoạn này nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước nấm ra quả thể nhỏ, nhẹ cân và ăn rất dai, ngược lại nếu tưới quá nhiều, nấm có màu vàng, dễ thối rữa. Sau khi thu hái hết một đợt, ngừng tưới nước, khoảng 5-7 ngày sau nấm lại ra các đợt tiếp theo.

8. Chăm sóc và thu hái nấm:

– Thời kỳ nấm ra quả thể sử dụng nhiều ôxy tự nhiên, nồng độ ôxy trong phòng nuôi trồng tăng lên cao. Tăng cường mở cửa nhiều lần trong ngày để điều hoà không khí.

– Trời nóng nên làm vách hở chân để thông thoáng, trời lạnh cần che kín chân nhất là ban đêm để giữ ấm cho nấm. Nhà trồng nấm có khả năng giữ ẩm, không bị gió lùa nhưng không bí quá làm ngộp nấm.

– Nấm Sò mọc tập trung thành cụm, nên khi nấm đủ lớn cần hái sạch cả cụm, không để sót phần gốc, hái nấm đúng độ tuổi sẽ đạt năng suất, chất lượng cao. Tiêu chuẩn là rìa mủ nấm vẫn co vào trong, thịt nấm dày, chắc mập và non. (Nên hái trước khi nấm phát tán bào tử), hái nấm quá già ăn không ngon. Nếu nhìn thấy “làn khói trắng” bay ra từ cụm nấm, đó là các bào tử phát tán (biểu hiện nấm già).Thời gian thu hái nấm từ 40 – 50 ngày kể từ ngày hái đầu tiên. Chăm sóc tốt sau 2 – 3 lứa đầu, ta nén nhẹ bịch nấm cho căng chặt, buộc miệng lại như cũ treo lên và chăm sóc để thu hái lần tiếp theo. Nên thu hái nấm vào buổi sáng, nấm sò nên tiêu thụ trong ngày. Nếu bảo quản lạnh 100c – 150c trong thùng nước đá có thể duy trì được 3 ngày. Ngoài ra có thể chế biến sản phẩm, phơi khô nấm thời gian bảo quản được vài tháng.

Nấm sò trong thời kỳ thu hái
Nấm sò trong thời kỳ thu hái.

9. Kết thúc thu hái – dọn vệ sinh:

– Khi bịch phôi nấm đã hết dinh dưỡng trở thành một màu đen, ta tiến hành thu gom chúng lại đập bịch dùng vôi bột rắc từng lớp và ủ đống lại để làm phân bón.

– Sau mỗi đợt nuôi trồng, phải dùng vôi bột hoặc nước vôi rắc, quét kỹ xung quanh, dùng lửa đốt, tạo khói trong nhiều giờ, dùng thuốc phocmon loại HC, Ho pha tỷ lệ 5% phun toàn bộ các khu vực nuôi trồng, để sau từ 3 -5 ngày nhà xưởng khô ráo, tiếp tục nuôi trồng đợt tiếp theo.