Quy trình kỹ thuật trồng cây cải ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP – VSCEF – Trung tâm Hỗ trợ Trang Trại Và Doanh Nghiệp Nông Nghiệp Việt Nam
1) Thời vụ
Cải ngọt có thể trồng quanh năm nhưng trồng trong vụ Đông Xuân cho năng suất cao hơn. Nếu trồng trong tháng 1 đến tháng 2 cần theo dõi chặt chẽ sâu hại để phòng trừ kịp thời. Mùa mưa cần làm giàn che để bảo vệ cây chống rách lá.
2) Giống
Sử dụng các giống cải ngọt Trang Nông: Sinh trưởng mạnh, độ đồng đều cao, ít bị thúi nhũn, dạng cây cao to, lá lớn màu xanh vàng mướt, ít cay, ăn ngon. Thời gian sinh trưởng 35 – 45 ngày. Ngoài ra còn có các giống khác như Hai Mũi Tên Đỏ, Chia Tai, Đại Địa.
3) Gieo hạt
Xử lý hạt giống trước khi gieo bằng thuốc Rovral 750WG (Iprodione) hoặc Aliette 800WG (Fosetyl – aluminium) với lượng 5 g thuốc cho 100 g hạt giống. Lượng hạt giống cần gieo trên liếp ươm là 200 – 300 g/1000 m2.
Cải ngọt cũng có thể gieo thẳng trên liếp mà không cần qua giai đoạn vườn ươm. Lượng hạt giống cần gieo thẳng từ 500 – 600 g/1.000 m2. Sau khi gieo cần phủ một lớp mỏng đất trộn, phân chuồng hoai.
4) Chuẩn bị đất
Đất được phơi ải 8 – 10 ngày trước khi lên liếp. Liếp rộng 0,8 – 1 m, cao 10 – 15 cm. Mùa mưa lên liếp cao hơn khoảng 20 cm. Xử lý đất bằng 0,1 kg Vimoca/1.000 m2 để phòng trừ sâu đất và tuyến trùng.
5) Gieo hạt
Có thể gieo thẳng hạt lên liếp đã chuẩn bị sẵn. Lượng hạt gieo thẳng: 500 – 600 g/1000 m2. Tỉa cây làm 2 đợt (đợt 1 khi cây có 2 – 3 lá thật, lần 2 khi cây có 4 – 5 lá thật), để cây với khỏang cách 10 x 10 cm.
Nếu gieo hạt trên liếp ươm thì lượng hạt giống khoảng 100 – 150 g/1000 m2. Nhổ cây con đem trồng khi cây được 12 – 15 ngày sau gieo. Khoảng cách trồng: 10 cm x 10 cm.
6) Bón phân (Tổng lượng phân bón trên 1.000 m2)
Lượng phân nguyên chất (Kg/1.000 m2): 10,8 N – 6,5 P2O5 – 3,2 K2O
Lượng phân thương phẩm tương ứng:
– Phân hữu cơ vi sinh: 100 kg
– Vôi: 50 kg
– Urê: 16 kg
– DAP: 4 kg
– Super Lân: 12 kg
– NPK (16-16-8): 17 kg
– Kali Clorua: 3kg
Cách bón:
Loại phânBón lót Bón thúc 1 (7 NSG) Bón thúc 2 ( 14 NSG) Bón thúc 3 (21 NSG) Bón thúc 4 (28 NSG)Phân hữu cơ vi sinh50%50%000Vôi100%0000Super lân6 kg0000Urê05 kg5 kg3 kg3 kgDAP02 kg2 kg00NPK003 kg7 kg7 kgKali Clorua001,5 kg1,5 kg0
6 kg Supe Lân còn lại chia thành 2 lần bón: giữa 2 lần bón thúc 1 và lần bón thúc 2; giữa lần bón thúc 2 và lần bón thúc 3; với liều lượng 3 kg/lần.
Sử dụng phân bón lá ComCat 150WP, ATONIK 1.8SL để bón bổ sung qua lá hạn chế hiện tượng vàng lá, tăng sức đề kháng cho cây. 7 ngày sau gieo tiến hành phun phân bón lá lần đầu, lần hai phun phân bón lá vào giai đoạn 14 ngày sau gieo.
7) Tưới nước
Thường xuyên giữ cho cây đủ ẩm. Sau khi trồng tưới mỗi ngày từ 1 – 2 lần tùy thuộc điều kiện thời tiết. Khi cây lớn mỗi ngày tưới 1 lần.
8) Phòng trừ cỏ dại và sâu bệnh
Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) để phòng trừ sâu bệnh hại trên cải ngọt
8.1) Cỏ dại
Các loại cỏ dại thường gặp: Cỏ lá hẹp: Cỏ chỉ, mần trầu; Cỏ lá rộng: Dền gai, màng màng, rau sam, cây ráy; Cỏ cói lác: Cỏ cú, cỏ chác
Biện pháp phòng ngừa
- Không để cỏ tạo hạt trên ruộng
- Sử dụng giống không lẫn hạt cỏ
- Vệ sinh nông cụ sạch cỏ trước khi sử dụng
- Dùng phân hữu cơ đã hoai mục
- Dùng lưới chắn hạt cỏ khi cho nước vào ruộng.
Biện pháp trừ cỏ: Làm cỏ kịp thời ở đợt 1 để tránh sự cạnh tranh dinh dưỡng với cải ngọt. Từ đợt 2, cải đã mọc dày nên có thể làm cỏ bằng tay. Mỗi lần tưới phân phải kết hợp nhổ cỏ mọc giữa liếp xung quanh liếp. Phun thuốc trừ cỏDual Gold 960EC (S – Metolachlor)1 – 2 ngày sau trồng, chỉ cần phun 1 lần cho cả vụ. Hiện nay, việc sử dụng thuốc hóa học để diệt trừ cỏ được coi là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó tiết kiệm được công lao động, có thể sử dụng nhanh chóng trên diện rộng và được sử dụng ở nhiều điểm khác nhau, không cực nhọc, vất vả như biện pháp làm cỏ khác.
8.2) Bệnh hại
Bệnh chết cây con(Pythium sp., Rhizoctonia solani)
Thời gian phát sinh, phát triển: Bệnh phát sinh phá hại từ khi cây con mới mọc
Triệu chứng: Ở cổ rễ cây con chỗ gần mặt đất bị thối nhũn, tóp lại, màu nâu, cây ngã gục trong khi lá non vẫn còn xanh, sau vài ngày cây khô héo
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh.
– Sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục với nấm Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh.
– Xới đất vun gốc kịp thời, sau đợt mưa không để mặt đất đóng váng.
– Nếu thấy bệnh xuất hiện nhiều trên vườn ươm cần phòng trừ trước khi nhổ cấy ra ruộng bằng các thuốc Validan 3DD – 5DD (Validamycin), Carban 50SC.
Bệnh thối lá, thối bẹ(Rhizoctonia solani, Sclerotium rolfsii)
Thời gian và điều kiện phát sinh, phát triển bệnh: Bệnh xuất hiện rất sớm, thường gây hại trên những chân đất khó thoát nước, bệnh gây hại nặng trong mùa mưa.
Triệu chứng: Đầu tiên phần gốc thân gần mặt đất, phần đầu lá hoặc gần cuống lá bị tái xanh như nhúng vào nước sôi, sau đó thối rã có khi chỉ còn trơ lại cuống lá. Nếu bị nhiễm bệnh sớm thì toàn bộ cây bị thối nhũn và chết rụi như bị dư nước nên còn gọi là bệnh chết yểu. Trên lá hoặc phần gốc thân sát mặt đất có tơ nấm hoặc hạch nấm màu trắng hoặc đen trênbề mặt vết bệnh.
Biện pháp phòng trừ: 7 – 10 ngày sau khi mọc hoặc trồng (khi bệnh chớm xuất hiện): Sử dụng Trichoderma 1,2kg/1.000m2, hòa 5g chế phẩm trong 10 lít nước tưới vào gốc. Kết hợp phun Olicide 9SL (Oligo – sacarit) trên lá. Có thể kết hợp phun thuốc hóa học khi cần thiết một trong các loại thuốc Appencard super 50FL (Carbendazim), Hạt Vàng 50WP (Iprodione), Bendazol 50WP (Benomyl) để trừ bệnh. Từ 25 ngày sau mọc, trồng phun luân phiên các thuốc Vanicide 5DD (Validamycin A), Diboxylin 8SL (Ningnanmycin) (số lần phun tùy thuộc vào tình hình bệnh trên ruộng).
Bệnh thối nhũn (Do vi khuẩnErwinia carotovora)
Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện từ đỉnh sinh trưởng của cây rồi lan dần ra các lá xung quanh, vết bệnh úng rồi mềm nhũn rất nhanh làm thối rữa các mô bên trong, sau đó cả ngọn và các bẹ lá bị thối mềm, có mùi hôi. Ban đầu vết bệnh có màu nâu rồi chuyển qua đen. Bệnh được phát hiện sớm nhờ một số lá có triệu chứng héo chóp lá vào buổi trưa và sẽ hồi xanh lại vào buổi chiều mát. Nếu quan sát vào buổi sáng sớm sẽ thấy có lớp tơ nấm trắng phủ trên vết bệnh ở đỉnh sinh trưởng.
Biện pháp phòng trừ:
-
-
- Sử dụng chế phẩm Canthomil 47WP (Kasugamycin +Copper Oxychloride) Starner 20 WP (Oxolimic acid (min 93%), Phytoxin – VS, Gamycin USA 185WP (Streptomycine sulfate + Kasugamycin).
- Các loại chế phẩm Bacillus, Pseudomonas sử dụng vào giai đoạn sắp thu hoạch
-
Bệnh sương mai (Peronospora parasitica)
Thời gian phát sinh phát triển bệnh: Bệnh phát sinh phá hại từ khi cây con mới mọc đến khi thu hoạch.
Triệu chứng: Bệnh làm chết cây con. Trên cây lớn vết bệnh là những đốm tròn hoặc bất định trên lá, màu vàng nâu. Mặt dưới lá chỗ vết bệnh có lớp mốc trắng như sương. Bệnh còn làm thối cây trong khi bảo quản
Biện pháp phòng trừ:
– Luân canh cây trồng với cây khác họ để tiêu diệt nguồn bệnh, có hiệu quả khi luân canh với cây lúa nước.
– Sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục với nấm Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh
– Xới đất vun gốc kịp thời, sau đợt mưa không để mặt đất đóng váng.
– Khi bệnh xuất hiện ngắt bỏ tiêu hủy lá và cây bị bệnh. Phòng trị bằng các loại thuốc như: Dithane – M 80WP (Mancozeb), Validamycin A
Bệnh đốm lá do vi khuẩn
Triệu chứng: Bệnh do vi khuẩn gây ra và có 2 dạng
-
-
- Dạng 1: Do vi khuẩn Xanthomanas campestris gây ra. Vết bệnh lúc đầu là những chấm nhỏ như đầu kim, đường kính 1-2mm, hình bất định, màu xanh vàng. Mặt dưới lá có thể thấy giọt dịch vi khuẩn vào những ngày ẩm ướt. Mô lá chuyển dần từ màu vàng, bạc trắng, lõm xuống, quanh vết bệnh có màu nâu đậm.
- Dạng 2: Do vi khuẩn Pseudomonas gây ra. Vết bệnh đi từ mép lá vào, màu vàng nhạt, sau đó vết bệnh lớn dần ăn sâu vào trong tạo thành dạng chữ V rất điển hình. Bệnh phát triển mạnh làm bộ lá bị cháy, chóng tàn, giảm năng suất.
-
Biện pháp phòng trừ:
-
-
- Xử lý đất vườn ươm: Dùng thuốc Viben – C 50WP (Benomyl + Copper Oxychloride) hoặc Rovral 50WP (Iprodione) pha ở nồng độ 0,5% tưới ướt đẫm trên mặt đất (3-5 lít nước thuốc/1m2), để 2 ngày sau xới xáo đất cho đều rồi gieo hạt
- Đất trồng và đất vườn ươm phải cao ráo, thoát nước tốt. Làm đất kỹ, phơi ải càng lâu càng tốt
- Kiểm tra thường xuyên, ngắt bỏ các là già bị bệnh cho ruộng thông thoáng, giảm nguồn bệnh
- Giảm tưới khi bệnh xuất hiện. Tránh làm tổn thương đến cây trong quá trình chăm sóc.
- Sử dụng chế phẩm Canthomil 47WP (Kasugamycin +Copper Oxychloride), Starner 20 WP (Oxolimic acid (min 93%), Phytoxin – VS, Gamycin USA 185WP (Streptomycine sulfate + Kasugamycin).
-
8.3) Sâu hại
Bọ nhảy(Phyllotetra striolata)
Điều kiện phát sinh, phát triển: Gây hại nặng khi ẩm độ cao
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại:
– Trưởng thành màu đen, trên cánh có 8 chấm lõm dọc cánh và 2 mãng màu vàng nhạt hình củ lạc chiếm gần hết cánh.
– Ấu trùng màu vàng nhạt, hình thuôn có 3 đôi chân phát triển. Trên chân có các u lồi, trên các u có lông cứng nhỏ.
– Nhộng màu vàng nhạt, hình bầu dục. Đốt cuối bụng có hai gai lồi.
Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng để tiêu diệt ký chủ trung gian
-Thường xuyên kiểm tra ruộng, chú ý giai đoạn cải còn nhỏ.
– Sau thu hoạch, cần cày bừa kỹ, lật đất phơi khô. Nếu có điều kiện nên dùng nylon trong phủ đất từ 15-20 ngày có tác dụng khử trùng đất rất tốt.
-Luân canh hoặc xen canh: ngò rí, húng quế, hành lá, dưa leo,.
-Sử dụng bẫy: chừa 1 diện tích nhỏ rau cải cuối vườn thu hút bọ nhảy, phun thuốc trừ sâu để diệt. Phun vào buổi chiều sau 17 giờ.
-Tạo rãnh nước xung quanh liếp, rãi thuốc trừ sâu hoặc dầu nhớt trên mặt nước để bẫy trưởng thành.
– Sâu non bọ nhảy sống ở rễ sau mỗi vụ, luân phiên rãi Sago super 3G (Chlorpyrifos Methyl), Sargent 6GR (Chlorpyrifos Ethyl), Vibasu 5GR (Diazinon) với lượng 3 kg/1.000 m2 ngay khi trồng.
– Trong vòng 10 ngày sau trồng nếu bọ nhảy xuất hiện: có thể sử dụngVisumit 50EC (Fenitrothion), Forvin 85WP (Carbaryl).
– Sau trồng 10 ngày nếu bọ nhảy xuất hiện nhiều: sử dụng thuốc Match 050EC (Lufenuron)
– Nếu 5 ngày trước thu hoạch mà vẫn bị bọ nhảy phá hại nhiều: sử dụng các thuốc Success 25SC (Spinosad).
– Dùng các thuốc Sokupi 0.36SL (Matrine), Bralic – Tor phun trừ sâu trưởng thành
Sâu khoang, sâu ăn tạp(Spodoptera litura)
Điều kiện phát sinh phát triển: Phát triển mạnh trong các giai đoạn ẩm ướt và bón nhiều đạm.
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại: Trưởng thành màu xám nâu. Bướm đẻ trứng trên lá, cành và gân lá thành từng ổ bằng hạt đậu, có lông tơ bao phủ màu vàng rơm. Khi mới nở, sâu ăn lá tại chổ, khi lớn sâu di chuyển ăn mọi bộ phận của cây hành và tàn phá nhanh chóng. Sâu phá hại mạnh vào ban đêm, ban ngày ẩn trong đám lá, bụi cỏ hoặc trong đất. Sâu làm nhộng trong đất, gây hại trong suốt vụ trồng. Ấu trùng có 6 tuổi, trên dọc phiến lưng có 3 vệt kéo dài từ đầu xuống hậu môn. Vệt giữa lưng có màu vàng da cam. Hai vệt bên có đoạn vàng ngắn và đoạn trắng dài hơn so với vệt giữa lưng. Đỉnh đầu của ấu trùng có hình chữ “V”.
Biện pháp phòng trừ:
– Vệ sinh đồng ruộng, cày bừa kỹ để diệt nhộng.
– Thường xuyên thăm đồng, ngắt ổ trứng, dùng bẫy chua ngọt diệt bướm hoặc sử dụng đèn.
– Sử dụng bẫy Pheromon giới tính để diệt bướm.
– Phát hiện sớm sâu non mới nở chưa phân tán có thể dùng các thuốc Biocin (Bacillus thuringiensis var. kurstaki) luân phiên với Netoxin 90WP (Thiosultap – sodium)để trừ. Nếu trước thu hoạch 4 – 5 ngày sâu ăn tạp phát triển nhiều có thể dùng một trong các thuốc sau: Forvin 85WP (Carbaryl), và Success 25SC (Spinosad), Vi-BT (Bacillus thuringiensis var. kurstaki), Biocin (Bacillus thuringiensis var. kurstaki)để phun phòng trị.
Sâu đục nõn cải (Hellula undalis Fabricius)
Đặc điểm nhận diện và triệu chứng gây hại:
– Bướm nhỏ, màu nâu xám, trên cánh có nhiều sọc ngang gãy khúc. Đời sống của bướm ngắn (1 tuần) và đẻ 100 – 200 trứng trên các lá non của đọt cải.
– Trứng hình bầu dục, màu trắng ngà, nở sau 4 – 5 ngày. Ấu trùng màu hồng, đầu đen, thời gian phát triển lâu (10 ngày). Nhộng màu đỏ nâu, phát triển 6 – 8 ngày.
– Sâu thường sống tập trung
Biện pháp phòng trừ:
– Cần luân canh cải với hành lá, cây gia vị ngò ri, húng quế
– Thường xuyên thăm ruộng cải để phát hiện sớm khi sâu vừa xuất hiện, còn ở ngoài lá chưa chui vào trong đọt cải và phun thuốc như: Sokupi 0.36SL (Matrine), Biocin (Bacillus thuringiensis var. kurstaki), Match 050EC (Lufenuron), Success 25SC (Spinosad)
9) Thu hoạch, đóng gói và bảo quản
Cải ngọt là loại rau ăn lá được thu hoạch sau khi trồng từ 17 – 22 ngày hoặc sau khi gieo 30 – 35 ngày, khi cây đạt 30 – 40 cm. Thu hoạch phải đảm bảo thời gian cách ly của thuốc bảo vệ thực vật. Dùng tay nhổ cả cây và dùng dao cắt bỏ phần gốc cách mặt đất 1 – 2 cm, bó thành từng bó khoảng 0,5 – 1kg. Rửa sạch để ráo nước hoặc phơi cải dưới nắng nhẹ khoảng 1 giờ trước khi cột thành bó hay vô sọt để tránh gãy giập. và đặt vào dụng cụ chứa (giỏ nhựa cứng, cần xé để cải không tiếp xúc trực tiếp dưới đất)thật nhẹ nhàng, tránh làm xây xát, bầm giập để giảm nguy cơ bệnh sau thu hoạch. Thiết bị, thùng chứa và vật liệu tiếp xúc trực tiếp với cải phải được làm từ các chất không độc hại và đảm bảo sạch sẽ.
Tại nhà đóng gói có thể tiếp tục loại bỏ lá gốc, lá già, lá bị sâu bệnh. Sau đó, rửa sạch nhẹ nhàng không làm cây bị giập nát. Làm ráo tự nhiên hoặc cưỡng bức rồi cho vào bao bì sạch. Bảo quản cải đóng gói trong bao bì nhựa ở nhiệt độ lạnh (10 oC).
Cải ngọt sau khi thu hoạch được đưa tới nhà sơ chế để phân loại, đảm bảo tính đồng đều và các chỉ tiêu thương phẩm. Cải ngọt có thể được xử lý ozone nếu cần, đóng gói theo quy cách đơn đặt hàng.
Xử lý vệ sinh các dụng cụ sơ chế và nhà xưởng
10) Vận chuyển
Cần kiểm tra các phương tiện vận chuyển trước khi xếp thùng chứa sản phẩm, đảm bảo sạch sẽ.
Sản phẩm cần được bảo vệ trong quá trình vận chuyển nhầm đảm bảo chỉ tiêu về chất lượng và hình thức rau đạt VietGAP.
11) Ghi chép dữ liệu
Ghi chép tất cả các thông số kỹ thuật trong quá trình sản xuất, bảo quản và sơ chế như nhật ký sản xuất, nhật ký bảo vệ thực vật, phân bón, bán sản phẩm để dễ dàng kiểm tra và giải quyết các sự cố xảy ra. Đây cũng chính là hồ sơ để truy nguyên nguồn gốc trong quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn rau an toàn. Thùng chứa sản phẩm phải có nhãn mác, hồ sơ ghi lại thời gian, địa điểm, người giao hàng.
Hồ sơ này phải lưu giữ tại văn phòng của tổ sản xuất.