Quy trình gieo trồng và chăm sóc cây lạc

II. ĐẤT ĐAI:

– Đất thích hợp nhất là đất có độ pH từ 5,5 – 6,5 để tạo điều kiện cho vi khuẩn nốt sần phát triển.

– Đất phải đảm bảo cao ráo, tơi xốp, thoát nước nhanh để tia lạc dễ đâm vào đất.

III. KỸ THUẬT TRỒNG:

1. Giống:

Tiêu chuẩn của hạt giống: Không lẫn, không sâu bệnh. Chọn hạt giống to, mẩy, vỏ sáng, không sây sát, tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Hạt giống khi đem trồng phải bảo đảm cho hạt to và đều.

2. Xử lý giống và mật độ gieo.

2.1. Xử lý giống trước khi gieo.

 

+ Đất gieo lạc ẩm:

Chọn hạt lạc không quá già, không quá non, không bị sâu bệnh ngâm trong nước từ 10-12 giờ. ở vụ Xuân nếu trời rét thì dùng nước ấm 40-45OC (2 sôi +3 lạnh) ngâm trong 12 giờ, sau đó ủ cho nứt mầm rồi đem gieo, không để mầm nhú dài.

+ Đối với đất gieo lạc khô thì không xử lý.

 

2.2. Mật độ gieo: Mật độ 33 cây/m2, 30cm x 10cm x 1hạt (hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 10cm, gieo 1hạt/lỗ) hoặc 30cm x 20cm x 2 hạt; ứng với lượng giống 200 kg lạc vỏ/ha đối với dùng lạc vụ Xuân để giống và từ 150-160kg/ha đối với lạc vụ Hè thu để giống.

 

3. Làm đất, phủ nilon, gieo hạt.

* Làm đất:

– Đất được cày 2-3 lần và sâu 25-30cm, cứ mỗi lần cày là 3 lượt bừa.

– Đất phải nhỏ, tơi, xốp và sạch cỏ dại.

– Luống lạc: + Không phủ nilon: Rãnh sâu 15-20cm, luống rộng 2-2,5m.

+ Nếu che phủ nilon: Luống rộng 1m , rãnh giữa hai luống rộng 20cm, luống có hình lưng rùa, mỗi luống rạch 4 hàng.

Riêng đối với đất dốc lên luống theo đường đồng mức để chống xói mòn và rửa trôi.

 

* Gieo hạt:

– Đối với lạc không che phủ ni lon:

Sau khi làm đất, và bón lót phân thì tiến hành gieo hạt.

– Đối với lạc phủ nilon tiến hành theo các bước như sau:

 

+ Trong vụ Hè thu, vụ Thu đông.

Bước 1: Sau khi lên luống, rạch hàng sâu 8-10cm.

Bước 2: Bón toàn bộ phân chuồng và phân vô cơ vào rãnh đã rạch, sau đó lấp phân để lại độ sâu 3-4cm.

Bước 3: Dùng thuốc diệt cỏ phun lên mặt luống.

Bước 4: Dùng cuốc gạt nhẹ đất 2 bên mép luống đã lên sẵn về phía rãnh.

Bước 5: Phủ nilon trên mặt luống sau đó vét đất ở rãnh ập nhẹ vào 2 bên mép luống để cố định nilon.

Bước 6: Sau khi phủ nilon dùng dụng cụ đục lỗ theo kích thước như trên.

Bước 7: Hạt giống được gieo vào lỗ đã đục sẵn, mỗi lỗ 2 hạt sâu 3-4cm.

 

+ Trong vụ Xuân:

Bước 1: Sau khi lên luống rạch hàng sâu 8-10cm.

Bước 2: Bón toàn bộ phân chuồng và phân vô cơ vào rãnh đã rạch sau đó lấp phân để lại độ sâu 3-4 cm.

Bước 3: Tiến hành gieo hạt theo khoảng cách như trên sau khi đã lấp phân và chú ý phủ hạt phẳng mặt luống.

Bước 4: Phun thuốc trừ cỏ lên mặt luống.

Bước 5: Dùng cuốc gạt nhẹ đất 2 bên mép luống đã lên sẵn về phía rãnh.

Bước 6: Phủ nilon trên mặt luống sau đó vét đất ở rãnh ập nhẹ vào hai bên mép luống để cố định nilon.

Bước 7: Đục cắt nilon ngay sau khi mầm nhú ra khỏi mặt đất để cho cây trồi ra ngoài nilon.

 

4. Bón phân cho lạc

– Lượng phân bón

+ Liều lượng phân bón tính cho 1 ha lạc là: 8-10 tấn phân chuồng + 20-30kgN + 60-90kgP205 + 30-60K20.

+ Khi dùng phân đơn thì bón với lượng: 2,5 – 3,0 kg urê + 20 – 25 kg supe lân + 3 – 4 kg kali clorua/sào.

+ Đối với cây lạc tốt nhất là dùng dùng phân hỗn hợp NPK loại 3:9:6 bón với lượng : 35- 50kg/sào .

Tuỳ theo độ pH của từng loại đất để bón từ 20-30 kg vôi bột/sào.

– Phương pháp bón

– Đối với lạc có che phủ nilon: Bón lót toàn bộ lượng phân bón. Riêng vôi bột để lại 50% bón khi ra hoa rộ.

– Đối với lạc không che phủ nilon:

+ Vôi bột: Bón lót 50% khi cày bừa lần cuối, 50% còn lại bón lúc lạc ra hoa rộ

+ Phân chuồng: Bón lót 100% sau khi cày bừa làm đất, sạch cỏ dại (trước khi rạch hàng).

+ Phân NPK: Bón lót 70% sau khi cày rạch hàng và được lấp kín đất rồi mới gieo. Bón thúc 30% lượng phân còn lại khi cây có 3-5 lá.

 

5. Tỉa dặm, xới xáo, làm cỏ

– Khi lạc có 2 lá thật nên tỉa dặm để đảm bảo mật độ.

– Khi lạc có 3-5 lá thật: Nhổ cỏ, xới xáo đất, kết hợp bón thúc.

– Khi lạc có 9 lá thật, lạc bắt đầu ra hoa thì cuốc cỏ xới sâu 5-6cm gần gốc.

– Khi lạc ra hoa rộ, bón 50% vôi còn lại và kết hợp vun gốc cho lạc.

 

6. Tưới nước

Trong thời kỳ lạc ra hoa nếu trời không mưa thì những nơi có điều kiện tưới nước có thể tiến hành tưới theo 2 cách sau:

+ Tưới phun đều ruộng lạc, ướt thấm đất.

+ Tháo nước đầy các rãnh, ngập hết mặt luống thì tháo nước ra.

 

7.Phòng trừ sâu bệnh:

 

7.1 Sâu hại

a. Sâu xám:

– Triệu chứng gây hại: Là đối tượng gây hại chính ở thời kỳ cây con, sâu thường cắn trụi lá đến cắn đứt ngang cây lạc lúc vừa mới mọc làm đứt khoảng, giảm mật độ lạc trên ruộng.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Bắt bằng thủ công.

+ Dùng các loại thuốc hoá học như Match 50ND, Sherpa 25 EC …theo liều khuyến cáo.

b. Sâu khoang:

– Triệu chứng gây hại: Phát sinh gây hại trong suốt qúa trình sinh trưởng của lạc, ở thời kỳ đầu vụ mật độ sâu cao, cắn khuyết đến trụi lá làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của lạc, sâu hại nặng ở giai đoạn lạc ra hoa bói trở đi, cắn trụi lá.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Luân canh cây trồng và vệ sinh đồng ruộng.

+ Dùng bả chua ngọt để diệt trừ.

+ Bắt diệt bằng thủ công khi mật độ thấp.

+ Khi mật độ cao dùng thuốc Ofatox 40EC, Fastac theo liều khuyến cáo.

c. Rệp hại lạc:

– Triệu chứng gây hại: Rệp tập trung thành đám bám vào phần lá non, đọt non của lạc chích hút dịch cây làm lạc sinh trưởng kém, quăn queo, ra hoa đâm tia kém. Rệp phát sinh nhiều trong điều kiện thời tiết có mưa phùn, ruộng lạc ẩm ướt, rậm rạp.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng và bón phân cân đối.

+ Dùng thiên địch để diệt trừ.

+ Khi rệp phát triển nhiều thì dùng Ofatox 50EC, Trebon 10EC theo liều khuyến cáo để diệt rệp.

d. Sâu cuốn lá:

– Triệu chứng gây hại: Sâu cuốn lá lạc gặm ăn hết biểu bì để lại lá non màu trắng, nếu mật độ cao làm ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lạc.

– Biện pháp phòng trừ

+ Tổ chức bắt bằng thủ công.

+ Sử dụng thuốc hoá học như: Match 50ND, Sherpa 25 EC… Theo liều khuyến cáo.

Biện pháp phòng trừ tổng hợp đối với sâu hại lạc

– Trồng lạc đúng quy trình kỹ thuật tạo điều kiện cho lạc sinh trưởng, phát triển tốt.

– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, chú ý ngay từ lúc mới gieo, phát hiện kịp thời sâu xám, sâu khoang… nếu có mật độ cao nên tổ chức bắt sâu vào sáng sớm hoặc chiều tối là biện pháp quan trọng và cho hiệu quả cao.

– Xử lý bằng thuốc Basudin 10H.

– Thời kỳ lạc ra hoa bói trở đi nếu có mật độ sâu khoang, sâu xanh, cuốn lá cao (sâu tuổi lớn) nên tổ chức bắt sâu bằng thủ công vì dùng thuốc ít hiệu quả. Trong trường hợp dùng thuốc thì phải xử lý lúc sâu mới nở tuổi 1-3.

 

7.2 Bệnh hại lạc

a. Bệnh héo xanh vi khuẩn:

– Nguyên nhân gây bệnh: Do vi khuẩn Pseudomonas Solanacerum.

– Triệu chứng: Bệnh thường xuất hiện khi lạc có 5-6 lá đến lúc hình thành củ. Lạc chết héo đột ngột cả cây hay một số cành trên cây, nhưng lá vẫn xanh. Chẻ dọc rễ cây bị bệnh có màu nâu đậm hơi khô, khi bị nặng thân rũ xuống, rễ thối đen. Khi cắt một đoạn thân cây bị bệnh nhúng vào cốc nước trong ta sẽ thấy dịch nhầy chảy ra ở vết cắt.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Vệ sinh đồng ruộng, nhổ và tiêu huỷ cây bị bệnh.

+ Luân canh với các cây trồng như mía, bông …

+ Dùng giống kháng bệnh.

+ Tăng cường bón phân chuồng và vôi bột.

b. Bệnh lở cổ rễ

– Nguyên nhân: Do nấm Rhizoctoniak gây hại.

– Triệu chứng: Bệnh gây hại chủ yếu ở thời kỳ cây con, khi mưa nhiều, độ ẩm cao. Bệnh gây hại ở phần cổ rễ, rễ, gốc thân nơi tiếp giáp với mặt đất bị thâm đen, cây héo dần và bị chết.

– Biện pháp phòng trừ:

+ Xử lý đất bằng vôi bột.

+ Luân canh sau 2 vụ mới trồng lạc trở lại đối với đất trồng lạc bị nhiễm bệnh nặng.

+ Khi bị nặng dùng thuốc Rovral 50WP, Ridomil…theo liều khuyến cáo.

 

8. Thu hoạch:

– Thu hoạch: Khi thấy lá trở màu nên nhổ 1 vài bụi để quan sát, nếu thấy 2/3 số củ đã già thì nên thu hoạch ngay. Nếu bán ăn tươi, bà con nên thu hoạch sớm hơn 10-15 ngày.

Bà con có thể sử dụng máy tuốt lạc do Công ty Cổ Phần Đầu Tư Tuấn Tú chế tạo và cung cấp, để giúp giảm được phần nào sức lao động và nâng cao năng suất.

 

 

9. Chọn giống:

– Chọn giống: Lạc là cây tự thụ, vì vậy có thể dùng để giống cho vụ sau. Chọn giống theo nguyên tắc 4 tốt:

*  Giống tốt: Chỉ chọn những giống đậu phộng thích hợp với ruộng giống của mình.

* Ruộng tốt: Ít lẫn tạp.

* Khoảnh ruộng tốt: Đồng đều, tốt nhất ruộng.

* Cây tốt: Chọn những cây tốt nhất, những cây củ ít thì bỏ.

10. Bảo quản:

Lạc là cây có dầu nên rất mau mất sức nảy mầm, bảo quản trong dụng cụ kín (bao poly ethylen, lu, vại), phơi 3 tháng/lần thì ít ảnh hưởng đến tỷ lệ nảy mầm. Củ lạc phải được phơi thật khô, ẩm độ trong hạt khoảng 10-12%. Chú ý, chỉ lấy những củ già để giống. Khi phơi làm giống, củ lạc phải lắc kêu và khi tách ra vỏ lụa phải dể tróc. Bao chứa lạc không để tiếp xúc trực tiếp với mặt đất.

* Lưu ý:

– Không nên trồng liên tiếp nhiều vụ trên cùng 1 mảnh đất sẽ làm giảm năng suất.

– Không nên luân canh lạc với các cây họ đậu khác, khoai lang, cà ớt … để tránh lây lan bệnh.

 

Các giống lạc năng suất cao đang được trồng phổ biến.

Tên giống

Thời gian sinh trưởng

(ngày)

Năng suất

(tạ/ha)

Khối lượng100 hạt (g)

LVT

130-135

25-30

50-55

L02

125-135

30-50

60-65

L05

110-120

25-30

55-60

L03

120-125

25-30

55-65

BG78

130-135

30-35

60-65

V79

125-130

20-25

50-55

MD7

120-125

30-35

55-60