Quy tắc chính tả phân biệt l/n, ch/tr, x/s, gi/d/, c/q/k, i/y chính xác
Những qui tắc viết hoa cơ bản trong tiếng Việt? Qui tắc chính tả phân biệt l /n? Qui tắc chính tả phân biệt ch/tr? Qui tắc chính tả phân biệt x/s? Qui tắc chính tả phân biệt gi/r/d? Quy tắc viết phụ âm đầu c/k/q? Quy tắc viết nguyên âm i/y? Quy tắc đánh dấu thanh trong tiếng Việt?
Chính là luôn là nỗi băn khoăn, lo lắng của học sinh khi gặp những từ có cùng âm. Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn phân biệt những qui tắc trong tiếng Việt: l/n, ch/tr, x/s, c/q/k, i/y.
1. Những quy tắc viết hoa cơ bản trong tiếng Việt:
– Đầu câu
Ví dụ: Hôm nay, bầu trời trong xanh, nắng vàng ươm.
– Danh từ riêng: tên người, tên địa danh
Ví dụ: Nguyễn Văn Trỗi, quận Hoàn Kiếm,…
– Viết hoa khi dẫn lời nói trực tiếp.
Ví dụ: Cô bé thấy mẹ đi chợ về, ríu rít gọi mẹ: – Mẹ ơi !
– Sau dấu hai chấm mà kiểu câu liệt kê chú ý không viết hoa.
Ví dụ: Trong tất cả các loại trái cây: quả xoài, quả ổi, quả táo,…
– Viết hoa tên người, tên địa danh nước ngoài: phiên âm hoặc dịch ra tiếng Việt.
Trường hợp phiên âm qua âm Hán Việt: Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Khổng Tử, Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Triều Tiên …
Trường hợp phiên âm không qua âm Hán Việt (phiên âm trực tiếp, viết sát theo cách đọc): Phơ-ri-đơ-rích Ăng-ghen, Lê-nin, Mát-xcơ-va, I-ta-li-a, An-giê-ri, …
2. Quy tắc chính tả phân biệt l /n:
– L xuất hiện trong các tiếng có âm đệm. Ví dụ: luân lý, lưu ly,…
– N không xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (trừ 2 âm tiết là: noãn, noa).
– Trong cấu tạo từ láy:
Cả l và n đều có từ láy âm nhưng không láy âm với nhau. Do đó nếu gặp từ láy âm thì ta có thể chọn cả hai tiếng cùng có âm l hoặc n. Ví dụ: nợ nần, nao núng, nôn nao, nảy nở, nung nấu, lo lắng, lầm lì, lung linh, long lanh, len lỏi, lâm li,…
Láy vần: trong các từ láy vần có tiếng có n hoặc l thì tiếng thứ nhất bao giờ cũng có âm đầu l, tiếng thứ hai có âm đầu n khi tiếng thứ nhất có âm đầu “g” hoặc khuyết âm đầu và tiếng thứ hai có âm đầu l khi tiếng thứ nhất có âm đầu khác “g”. (Trừ hai trường hợp đặc biệt: khúm núm, khệ nệ).
Ví dụ: la cà, lờ đờ, lò dò, lù đù, lan man, lạch bạch, … gian nan, gieo neo, giãy nảy, áy náy, ảo não.., chói lọi, lông bông, khét nẹt, khoác lác, …
Bài tập minh họa: Điền l / n:
Tới đây tre …ứa …à nhà
Giò phong …an …ở nhánh hoa nhuỵ vàng
Trưa …ằm đưa võng, thoảng sang
Một …àn hương mỏng, mênh mang nghĩa tình.
…án đêm, ghé tạm trạm binh
Giường cây …ót …á cho mình đỡ đau…
3. Quy tắc chính tả phân biệt ch/tr:
– Khả năng tạo từ láy của “tr” hạn chế hơn “ch”.
“Tr” tạo kiểu láy âm là chính. Trừ một vài trường hợp: trẹt lét, trọc lóc, trụi lũi).
“Ch” cấu tạo vừa láy âm, vừa láy vần (chông chênh, chơi vơi)
– Những danh từ (hay đại từ) chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết với “ch”: cha, chú, cháu, chị , chồng, chàng,…
– Những danh từ chỉ đồ vật thường dùng trong nhà chỉ viết với “ch”: chum, chén, chai, chõng, chăn, chổi,…
– Những từ có nghĩa phủ định chỉ viết với ch: chẳng, chưa, chả,…
– Tên cây, hoa quả; tên các món ăn; cử động, thao tác của cơ thể, động tác lao động chân tay phần lớn viết với “ch”: chạy, chơi,…
– Tiếng trong từ Hán Việt mang thanh nặng và thanh huyền viết “tr”.
Mẹo tr/ch:
– Khi gặp một chữ bắt đầu bằng ch, nếu thấy chữ đó mang dấu huyền, dấu ngã và dấu nặng thì đấy là từ thuần Việt. Ngược lại, một chữ viết với “tr” nếu mang một trong ba dấu thanh nói trên thì chữ đó là chữ Hán Việt.
– Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm a thì hầu hết viết “tr”: tra, trà, trá, trác, trách, trạch, trai, trại, trạm, trảm, trang, tràng, tráng, trạng, tranh, trào, trảo.
– Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là nguyên âm “o” hoặc “ơ” thì hầu hết viết “tr”: tróc, trọc, trọng, trở, trợ.
– Trong tiếng Hán Việt, nếu sau phụ âm đầu là “ư” thì phần lớn viết “tr”: trừ, trữ, trứ, trực, trưng, trừng, trước, trương, trường, trưởng, trướng, trượng, trừu. Viết “ch” chỉ có: chư, chức, chứng, chương, chưởng, chướng.
Bài tập minh họa: Điền tr/ch:
Công … a như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước … ong nguồn … ảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính … a
Cho …òn …ữ hiếu mới là đạo con.
4. Quy tắc chính tả phân biệt x/s:
– “x” xuất hiện trong các tiếng có âm đệm: xuề xoà, xoành xoạch, xuềnh xoàng,…
– “s” chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm: soát, soạt, soạn, soạng, suất.
– “x” và “s” không cùng xuất hiện trong một từ láy. Tuy nhiên, cách phân biệt “x/s” không có quy luật riêng. Cách sửa chữa lỗi duy nhất là nắm nghĩa của từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách ghi nhớ.
Bài tập minh họa: Điền vào chỗ s hay x:
Cây …oan; nước …ôi; ăn …ôi; …uất sắc; …iêng năng
…anh thẫm; cây …oài; dòng …ông; quyển …ách; túi …ách
. ..ạch sẽ; …âu kim; hoa …en; buổi …áng; …ây dựng
5. Quy tắc chính tả phân biệt gi/r/d:
–“Gi” và “d” không cùng xuất hiện trong một từ láy.
– Những từ láy vần, tiếng thứ nhất là phụ âm đầu “l” thì tiếng thứ hai là “d” (lim dim, lai dai, líu díu,…)
– Từ láy mô phỏng tiếng động thì “r” (róc rách, rì rào, réo rắt,…)
– “Gi” và “r” không kết hợp với các tiếng có âm đệm.
– Tiếng có âm đầu “r” có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k (gi và d không có khả năng này)
– Trong từ Hán Việt, tiếng có thanh ngã, nặng viết d; mang thanh hỏi, sắc viết với “gi”
Mẹo d/gi/r:
– Phụ âm “r” không xuất hiện trong từ Hán Việt.
– Từ chữ Hán Việt mang dấu ngã và dấu nặng đều viết d
– Từ chữ Hán Việt mang dấu sắc và hỏi là “gi”
– Từ chữ Hán Việt có phụ âm đầu viết là gi khi đứng sau nó là nguyên âm a, mang dấu huyền và dấu ngang. (Ngoại lệ có: ca dao, danh dự).
– Từ Hán Việt mang dấu huyền hoặc dấu ngang, âm chính không phải là nguyên âm a thì phải viết với d
Bài tập minh họa: Điền gi/r/d:
– Ruột để ngoài ….o
– Gieo ….ó gặt bão
– Lá lành đùm lá ….ách
– Ở bầu thì tròn, ở ống thì ….ài
– Đầu bù tóc ….ối
– ….ậu đổ bìm leo
– Vỏ quýt ….ày có móng tay nhọn
– Thả con săn sắt bắt con cá ….ô
6. Quy tắc viết phụ âm đầu c/k/q:
Âm đầu “cờ” được ghi bằng các chữ cái c, k, q.
Viết “q” trước các vần có âm đệm ghi là chữ cái “u”.
Ví dụ: Quốc ca, Hoa quỳnh, hòa quyện,…
Viết k trước các nguyên âm e, ê, i (iê, ia).
Ví dụ: que kem, kiên định, kiếm,…
Viết c trước các nguyên âm khác còn lại.
Ví dụ: lá cờ, cái cân, cái ca, …
Bài tập minh họa: Điền c/ k/ q:
– ..ày sâu …uốc bẫm.
– …ốc mò …ò xơi.
– …ết tóc xe tơ.
– …ông thành danh toại.
– …uýt làm cam chịu.
– …uen hơi bén tiếng.
– kén …á chọn …anh.
– kề vai sát …ánh.
7. Quy tắc viết nguyên âm i/y:
– Nếu đứng một mình thì viết “y” Ví dụ: y tế, ý nghĩ, …
– Nếu đứng sau âm đệm “u” là “y”. Ví dụ: suy nghĩ, quy định,…
– Nếu nguyên âm đôi “iê” đứng đầu tiếng thì viết “y”. Ví dụ: yên ả, yêu thương,…
– Nếu là vị trí đầu tiếng (không có âm đệm) thì viết “i”. Ví dụ: im lặng, in ấn,…
– Nếu là vị trí cuối tiếng (trừ uy, ay, ây) thì viết “i”. Ví dụ: chui lủi, hoa nhài,..
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, mà cụ thể ở đây là văn viết bình thường, ta có thể sử dụng cả 2 cách viết “i” và “y”. Nguyên nhân là cả “i” và “y” đều là nguyên âm nên khi nó đứng cuối thì đều được chấp nhận như nhau. Trên thực tế cả “y” hay “i” trong trường hợp này đều có cùng giá trị sử dụng như nhau. Ví dụ các từ như:
– Hi sinh/ hy sinh; Kỉ niệm/ kỷ niệm; Lí do/ lý do; Li kì/ ly kỳ…
8. Quy tắc đánh dấu thanh trong tiếng Việt:
Quy tắc 1. Với những âm tiết chỉ có một chữ nguyên âm, thì dấu thanh được đặt vào chữ nguyên âm đó.
Ví dụ: á à, ì ạch, ọ ẹ, ủ rũ, ọp ẹp, ục ịch, hà, lán, giá, giục, lá, lả…
Quy tắc 2. Với những âm tiết, mà trong âm tiết đó chỉ cần có một chữ nguyên âm mang dấu phụ (Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư) và không kể kết thúc bằng con chữ gì, thì dấu thanh bao giờ cũng đặt ở chữ đó (riêng ƯƠ, dấu đặt ở Ơ).
Ví dụ: ế ẩm, ở rể, ứ ừ, chiền chiện, cuội, cừu, duệ, duềnh, cái giường, ngoằng, quyệt, ruỗng, rượu, siết, suyển, tuẫn tiết, , ồ ề, tiến triển,
Quy tắc 3. Với những âm tiết có hai nguyên âm và kết thúc bằng một phụ âm hoặc tổ hợp phụ âm, thì dấu thanh được đặt vào nguyên âm chót.
Ví dụ: choàng, hoạch, loét, quẹt, suýt, thoát, khoét,…
Quy tắc 4. Với những âm tiết kết thúc bằng “oa, oe, uy” thì dấu thanh được đặt vào nguyên âm chót.
Ví dụ: hoạ, hoè, huỷ, suý, thuỷ, loà xoà, loé,…
Quy tắc 5. Với những âm tiết kết thúc bằng hai hay ba nguyên âm khác với oa, oe, uy, thì dấu thanh được đặt vào nguyên âm áp chót.
Ví dụ: bài, bảy, giúi, hoại, mía, ngoáy, ngoáo, quạu, quẹo, ngoẻo, chịu, chĩa, chĩa, chịu, của, đào hào,…