Quy hoạch trồng mắc ca ở Lâm Đồng: Những chuyển động mới
Lâm Đồng đang triển khai quy hoạch trồng cây mắc ca với những nhiệm vụ và giải pháp phù hợp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư trồng mới xen canh kết hợp với chức năng che bóng cho cà phê, chè; phát triển công nghiệp chế biến gắn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Lâm Đồng đang chọn những hộ nông dân tiêu biểu để phát triển diện tích mắc ca theo quy hoạch mới.
Từ thử nghiệm
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, đến tháng 7/2016, tổng diện tích sản xuất cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.000ha, trong đó 50% diện tích mắc ca từ 4 năm tuổi trở lên (tuổi cây bước vào thu hoạch giai đoạn đầu), tổng sản lượng bình quân năm 2015 đạt hơn 210 tấn.
Mắc ca bắt đầu trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng năm 2006, do Viện Khoa học kỹ thuật nông – lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện. Qua thời gian theo dõi thấy mắc ca thích nghi khá tốt với nhiều vùng sinh thái ở Lâm Đồng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa vào chương trình hỗ trợ khuyến nông hàng năm. Kết quả từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng khoảng 90ha mắc ca xen với chè, cà phê thuộc các địa bàn Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và Di Linh.
Nhiều doanh nghiệp đã hợp đồng cung cấp giống, hướng dẫn và thu mua sản phẩm
Hiện các loại giống mắc ca đang trồng xen (mật độ từ 200- 300 cây/ha) và trồng tập trung (mật độ từ 400- 500 cây/ha) trong vườn của nông dân gồm: OC, 814, H2, 816, 849, 246…, có nguồn gốc từ tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, còn nhiều giống mắc ca khác nhau từ các tỉnh miền núi phía Bắc, được nông dân Lâm Đồng trực tiếp mua về trồng. Qua đánh giá bước đầu của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, các gia đình trồng mắc ca xen với cà phê đạt hiệu quả tiêu biểu như hộ ông Hòa ở xã Tân Hà (Lâm Hà) trồng 600 cây mắc ca giống ghép trên 2ha cà phê, thu hoạch quả tươi tách vỏ đạt 2 tấn vào năm 2014 và khoảng hơn 3 tấn vào năm 2015, giá bán bình quân từ 100- 150.000 đồng/kg.
Đến mục tiêu 8.000 tấn hạt mắc ca/năm
Nhằm đưa cây mắc ca vào lộ trình sản xuất ổn định và bền vững, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2020, Lâm Đồng mở rộng diện tích mắc ca trồng xen từ 3.500-4.000ha, trong đó có khoảng 950ha cho thu hoạch, đạt sản lượng khoảng 1.700 tấn hạt/năm. Những con số này sẽ lần lượt thực hiện đến năm 2030 gồm: 12.000-15.000ha sản xuất, 4.000ha thu hoạch và sản lượng 8.000 tấn hạt/năm.
Cùng với đó, Lâm Đồng chọn Đơn Dương, Đức Trọng và Bảo Lộc là những địa phương trồng mắc ca trọng điểm để thu hút các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sản xuất cung ứng giống mắc ca ghép đạt tiêu chuẩn chất lượng khoảng 600.000 cây giai đoạn 2016- 2020 và 2 triệu cây giai đoạn 2021- 2030. Đặc biệt, các cơ sở này phải sử dụng giống mắc ca H2 và 695 làm gốc ghép và 5 bộ giống làm chồi ghép, nhằm đảm bảo khả năng thụ phấn chéo gồm: Daddow, 788, A16 (bộ 1); Daddow, 344, 842 ( bộ 2); 842, 741, 816 ( bộ 3); 741, 508, H2 ( bộ 4); 695, 842, 816 ( bộ 5). Đồng thời, ban hành cơ chế khuyến khích nhà đầu xây dựng cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến mắc ca trên địa bàn Lâm Đồng với công suất thiết kế từ 1.000- 3.000 tấn hạt/năm/đơn vị vào năm 2020, tăng tổng công suất lên 8.000 – 10.000 tấn hạt vào năm 2030.
Ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ghi nhận những kết quả bước đầu của các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc nỗ lực cùng nông dân triển khai thực hiện quy hoạch, chủ động xây dựng vườn giống mắc ca đầu dòng với quy mô đồng bộ, hiện đại về kỹ thuật. Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT cần tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, khuyến cáo nông dân trồng mới 100% giống cây mắc ca ghép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Hội Nông dân tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng cây mắc ca liên xã, liên huyện, làm đầu mối cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Hy vọng trong tương lai gần, sản phẩm Macca Lâm Đồng sẽ có mặt khắp nơi để biến Macca Việt Nam thành nơi sản xuất sản phẩm cao cấp này!
(Theo Kinh tế Nông thôn)