Quy hoạch là gì? Phân loại quy hoạch?
Việc có một chỗ ở để phát triển sự nghiệp ổn định là rất quan trọng với mỗi người, đặc biệt là đối với những người ngay từ đầu đã có kế hoạch mua đất để sử dụng lâu dài chứ không phải để đầu tư, mua đi bán lại. Tìm được mảnh đất ưng ý để mua thì việc tìm hiểu thông tin về đất cũng như mảnh đất đó có đang nằm trong quy hoạch hay không là rất quan trọng. Vậy quy hoạch là gì? Đất quy hoạch có nên mua không? Mua Bán sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.
Mục Lục
Khái niệm quy hoạch là gì?
Quy hoạch được hiểu là sự sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn liền với sự phát triển của kết cấu hạ tầng, khai thác sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên thực thể lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ vào các mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
Phân loại quy hoạch
Quy hoạch tùy theo đối tượng cũng được chia thành nhiều loại theo các tiêu chí khác nhau:
Căn cứ vào đối tượng được quy hoạch
- Quy hoạch không gian biển:
Là việc sắp xếp, phân vùng chức năng, phân bố hợp lý các không gian đối với từng loại ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
- Quy hoạch sử dụng đất:
Là sự phân bổ đi kèm khoanh vùng đất đai theo khoảng không gian sử dụng với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường cũng như thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai, nhu cầu sử dụng đất của từng loại ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.
- Quy hoạch ngành:
Là quy hoạch theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
- Quy hoạch đô thị:
Là sự tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật cũng như các công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập ra một môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
Căn cứ vào phạm vi quy hoạch
- Quy hoạch tổng thể quốc gia:
Là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
- Quy hoạch vùng:
Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.
- Quy hoạch tỉnh:
Là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
- Quy hoạch đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt: do Quốc hội quyết định.
- Quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
>>> Xem thêm: Bản đồ quy hoạch có tác dụng gì khi chuẩn bị mua nhà đất?
Các nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch
Là một trong những công việc đóng vai trò quan trọng chiến lược đối với sự phát triển của quốc gia, việc lập quy hoạch sử dụng đất do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định dựa trên từng địa phương nói riêng cũng như tiềm lực của đất nước nói chung với mục đích đưa ra các chính sách phù hợp, khai thác tốt các điều kiện của từng vùng.
Song song đó, việc lập quy hoạch đất phải bảo đảm đầy đủ các nguyên tắc quy định tại Điều 35 Luật Đất đai 2013:
Thứ nhất: phải phù hợp với chiến lược quy hoạch của mảnh đất tổng thể, kế hoạch phát triển các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng nơi đó;
Thứ hai: đi từ tổng thể đến cụ thể chi tiết; quy hoạch đất của cấp dưới phù hợp với quy hoạch của cấp trên. Với những loại quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia cần đảm bảo được tính đặc thù cùng với sự liên kết của các vùng; quy hoạch sử dụng đất của cấp huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã.
Thứ ba: quy hoạch sử dụng đất của các ngành, các lĩnh vực, của địa phương có sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch đất và các kế hoạch được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa quyết định và phê duyệt;
Thứ tư: bảo đảm được sự sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả;
Thứ năm: quy hoạch sẽ góp phần khai thác hợp lý các tài nguyên và bảo vệ môi trường;
Thứ sáu: góp phần bảo vệ, lưu giữ phát triển các di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh của quốc gia;
Thứ bảy: bảo đảm nguyên tắc dân chủ và công khai;
Thứ tám: việc lập quy hoạch sử dụng đất cần bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho mục đích an ninh, quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng và bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh đó còn phải tuân theo các quy định của Luật Quy hoạch và các luật khác có liên quan cũng như các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ; quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường.
- Cam kết tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
>>> Xem thêm: Làm sao biết đất có quy hoạch hay không để có chiến lược đầu tư đúng đắn?
Các phương pháp quy hoạch hiện nay
Để có thể lập quy hoạch sử dụng đất, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải dựa trên cơ sở các phương pháp nhất định. Trong đó:
-
Phương pháp điều tra nhanh:
Tra nhanh đánh giá một cách nhanh chóng sự quan tâm, hiểu biết và tham gia của cộng đồng về quy hoạch sử dụng đất. Như vậy, cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới có thể nắm bắt được các quy luật, xu thế cũng như các số bình cầu.
-
Phương pháp định mức:
Định mức chủ yếu được tiến hành theo từng nhóm ngành, khu dân cư và từng nhóm hệ thống khác nhau.
-
Phương pháp dự báo:
Phương pháp này yêu cầu khi tiến hành cần dự báo về các yếu tố khác nhau: dân số, nhu cầu sử dụng đất đai.
Thời kỳ quy hoạch
Theo Luật định, thời kỳ quy hoạch có khái niệm qui định tại Điều 8 Luật Quy hoạch 2017:
- Thời kỳ quy hoạch là khoảng thời gian được xác định để làm cơ sở dự báo, tính toán các chỉ tiêu kinh tế – xã hội cho việc lập quy hoạch.
- Thời kỳ quy hoạch của các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch cấp quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm. Tầm nhìn của quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh là từ 20 năm đến 30 năm.
- Kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm.
- Kỳ kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và kỳ kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh là 05 năm.
- Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được lập hàng năm.
Hy vọng từ những thông tin trên, Mua Bán giúp bạn hiểu rõ hơn về khái niệm quy hoạch là gì? Cũng như các thông tin liên quan đến quy hoạch. Cùng theo dõi Mua Bán để cập nhật các thông tin thị trường và tin đăng Mua Bán Nhà Đất ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và toàn quốc mới nhất nhé!
>>> Có thể bạn chưa biết:
Tăng Thơ