Quy hoạch đô thị là gì? Nội dung, chiến lược quy hoạch đô thị?

Quy hoạch đô thị là để quản lý và định hướng sự phát triển của thành phố. Vậy quy hoạch đô thị là gì? Và Nội dung, chiến lược quy hoạch đô thị như thế nào?
Cùng theo dõi bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê để biết thêm về vấn đề này.

 

1. Quy hoạch đô thị là gì?

Quy hoạch đô thị chỉ các hoạt động kiểm soát hay tổ chức môi trường sống đô thị. Các hoạt động này có thể bao gồm: ban hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng và vận hành các bộ máy quản lý đô thị; đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt các quy hoạch; thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực; trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị,…. 

Theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Đô thị là hoạt động mà khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao. Hoạt động quy hoạch đô thị là nơi trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương. Cụ thể:

– Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng ký thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch;

– Quy hoạch chung là việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng ký thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở cho một đô thị phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững;

– Quy hoạch phân khu là việc phân chia và xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của các khu đất, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội trong một khu vực đô thị nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung;

– Quy hoạch chi tiết là việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thế hóa nội dung quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung.

 

2. Vai trò của việc quy hoạch đô thị

Quy hoạch đô thị đóng vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước hiện nay. Trong quá trình đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường , vai trò của việc quy hoạch đô thị càng được khẳng định rõ rệt:

– Quy hoạch đô thị xác định những chỉ số về không gian, kiến trúc làm cơ sở cho việc thực hiện các dự án sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, cải tạo xây dựng đô thị mới;

– Quy hoạch đô thị là công cụ không chỉ để thực hiện mà còn hướng dẫn đầu tư phát triển đô thị trên cơ sở phản ánh đúng chính xác kinh tế xã hội và xu hướng phát triển kinh tế;

– Quy hoạch đô thị có tác dụng kích thích hệ thống cơ chế bảo đảm cung cấp đầy đủ, bền vững và quản lý tốt cơ sở hạ tầng và dịch vụ công công trên cơ sở thương mại hóa các dịch vụ này;

– Quy hoạch đô thị giúp quản lý có hiệu quả việc sử dụng, điều chỉnh, mua bán và đầu tư phát triển đất đai cho mọi mục đích xây dựng đô thị.

 

3. Nội dung quy hoạch đô thị

Các khía cạnh ký thuật của quy hoạch đô thị liên quan đến việc áp dụng các quy trình khoa học, kỹ thuật, các cân nhắc và đặc điểm liên quan đến quy hoạch sử dụng đất, thiết kế đô thị, tài nguyên thiên nhiên, giao thông và cơ sở hạ tầng. quy hoạch đô thị bao gồm các ký thuật như:

– Dự đoán về sự gia tăng dân số;

– Phân vùng;

– Lập bản đồ và phân tích địa lý;

– Phân tích không gian công viên;

– Khảo sát nguồn cung cấp nước;

 – Xác định mô hình giao thông;

– Nhận biết nhu cầu cung cấp thực phẩm, phân bổ dịch vụ chăm sóc sức khỏe và xã hội;

– Phân tích tác động của việc sử dụng đất.

Vị trí, ranh giới vùng, các mối quan hệ tự nhiên, kinh tế – xã hội có ảnh hưởng đến khu vực quy hoạch được thể hiện trên bản đồ theo tỷ lệ thích hợp. Về điều kiện tự nhiên, hiện trạng phân bố dân sư và sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội … thể hiện trên bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/100.000, bản đồ 1/250.000 đối với các vùng liên tỉnh. Và theo tỷ lệ 1/25.000 hoặc 1/50.000 đối với các vùng khác. 

Quy hoạch đô thị sẽ đưa ra lý do, sự cần thiết trong việc lập quy hoạch xây dựng vùng, căn cứ lập quy hoạch và đưa ra quan điểm và mục tiêu phát triển vùng. Phân tích và đánh giá các điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội của vùng, hiện trạng phân bố đô thị và nông thôn; cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật,… Các nội dung cần trình bày một cách mạch lạc, ngắn gọn, đủ ý, rõ ràng kèm theo hồ sơ và bảng biểu minh họa. Xác định động lực và tiềm năng phát triển vùng. Đồng thời, dự báo tình hình kinh tế – xã hội, dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tình trạng sử dụng đất, môi trường,…

 

4. Chiến lược quy hoạch đô thị hiện nay

Nghị quyết 06-NQ/TW đã chỉ ra cách tiếp cận đa ngành, bao trùm tầm nhìn dài hạn, toàn diện, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững. Đây là yêu cầu đặc biệt quan trong đối với chất lượng quy hoạch nhằm tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới, đảm bảo tính tầng bậc, liên tục, thống nhất, đầy đủ, tích hợp của hệ thống quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.

Thứ nhất là quy hoạch đô thị chiến lược:

Quy hoạch đô thị chiến lược tập trung vào việc thiết lập các mục tiêu cấp cao và xác định các khu vực phát triển mong muốn cho một thành phố hoặc một khu đô thị. Kết quả là một kế hoạch chiến lược – kế hoạch phát triển, chiến lược cốt lõi hay kế hoạch toàn diện. Các mục tiêu của kế hoạch chiến lược bao gồm: giảm bớt giao thông trong thành phố tạo ra nhiều không gian cộng đồng, cải tiện chất lượng cuộc sống, tạo ra nhiều không gian trong thành phố, cải thiện chất lượng cuôc sống của công dân. đồng thời thu hút khách du lịch nước ngoài cũng như các người dân chuyển đến sinh sống.

Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất:

Quy hoạch sử dụng đất chủ yếu liên quan đến luật pháp và chính sách, thông qua các công cụ quy hoạch như đạo luật, quy hoạch, quy tắc, các chính sách của chính phủ để tác động đế việc sử dụng đất.

Các công cụ quy hoạch đề cập đến việc phân loại vị trí và số lượng đất cần để thực hiện các chức năng khác nhau của thành phố. 

Thứ ba, quy hoạch tổng thể:

Được dử dụng cho các dự án phát triển từ những cánh đồng lúa hoặc xây dựng trên khu đất chưa phát triển. Loại quy hoạch đô thị này hình dung ra trạng thái tương lai cho một không gian nhất định và những yếu tố quan trọng để đạt được tầm nhìn đó. 

Các nhà quy hoạch cần xem xét quy hoạch cần thiết từ kế hoạch sử dụng đất và cơ sở hạ tầng để khiến dự án khả thi hơn. 

Thứ tư, tái quy hoạch đô thị:

Trái ngược với quy hoạch tổng thể, tái quy hoạch tập trung vào việc cải thiện các khu vực đang trong tình trạng suy thoái. Định nghĩa chính xác về một khu vực giảm sút sẽ khác nhau giữa các thành phố.

Các cách cải thiện sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của sự suy giảm, có thể bao gồm những hoạt động như sửa chữa đường xá, phát triển cơ sở hạ tầng, làm sạch ô nhiễm, bổ sung công viên và các không gian công cộng khác,….

Thứ năm, phát triển kinh tế:

đây là chiến lược xác định các lĩnh vực tăng trưởng để thúc đẩy sự phát triển về mặt tài chính bằng cách thu hút các doanh nghiệp xây dựng mới hoặc chuyển văn phòng làm việc tới đó. Các doanh nghiệp từ đó sẽ sử dụng lao động tại địa phương và điểu tiết lực lượng lao động tới khu vực đó làm việc và sinh sống. Sự dịch chuyển của các khu công nghiệp, văn phòng, khu dân cư,… sẽ kéo theo các dịch vụ ăn uống, khách sạn, khu vui chơi giải trí, mua sắm sẽ được thúc đẩy tại địa phương đó và tạo ra nguồn thu nhập cho người dân.

Thứ sáu, quy hoạch môi trường:

Đây là hình thức phát triển chiến lược bền vững bao gồm cân nhắc về vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn, đất ngập mặn, môi trường sống của sinh vật,…. cùng với các yếu tố môi trường khác liên quan đến hệ thống tự nhiên và con người.

Thứ bảy, quy hoạch cơ sở hạ tầng:

Quy hoạch cơ sở hạ tầng đề cập đến các cơ sở và hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ người dân như:

– Cơ sở hạ tầng công cộng: cấp thoát nước, điện, viễn thông,…

– Cơ sở hạ tầng cộng đồng: trường học, bệnh viện, công viên,…

– Giao thông như đường bộ, đường sát, cảnh sát, cơ sở phòng cháy chữa cháy,…

 

5. Nguyên tắc khi quy hoạch đô thị

Trong quá trình quy hoạch đô thị cần chú ý một số nguyên tắc nhất định:

– Các thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn, thị xã, khu đô thị phải được lập bảng quy hoạch đô thị chung. Bên cạnh đó cũng phải đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia;

– Các khu vực trong thị xã, thành phố phải được lập quy hoạch phân khu nhằm cụ thể hóa các quy định chung. Điều này cũng sẽ là cơ sở để lập quy hoạch chi tiết và làm cơ sở để xác định cac dự án đầu tư xây dựng;

– Các khu vực trong thị trấn, thị xã, thành phố khi thực hiện đầu tư xây dựng phải có kế hoạch chi tiết nhằm cụ thể hóa các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung. Việc này sẽ là cơ sở để cấp phép xây dựng và lập các dự án đầu tư xây dựng;

– Với các dự án đầu tư xây dựng được một chủ đầu tư tổ chức thực hiện quy mô nhỏ hơn 5ha có thể lập dự án đầu tư xây dựng mà không cần phải làm thêm bản quy hoạch chi tiết. Đồng thời phải đảm bảo được sự phù hợp với không gian kiến trúc với khung trực xung quanh và đầu nối hạ tầng kỹ thuật.

 Ngoài ra phải đảm bảo tuân thủ, liên tục kế thừa và ổn định quy hoạch; Luôn luôn thống nhất các chiến lược quy hoạch ngành, lãnh thổ; Công khai quy hoạch đảm bảo sự tham gia của các cổ nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức,… hài hòa giữa lợi ích người dân với lợi ích quốc gia, địa phương; Đảm bảo tính độc lập giữa Hội đồng thẩm định quy hoạch với Cơ quan lập quy hoạch.

Trên đây là nội dung liên quan đến vấn đề Quy hoạch đô thị; Chiến lược cũng như nội dung của quy hoạch đô thị. Nếu quý khách hàng có bất kì vướng mắc nào về nội dung trên hay vấn đề khác thì hãy liên hệ trực tiếp đến Tổng đài luật sư tư vấn trực tuyến qua số hotline: 1900.6162 để được tư vấn và giải đáp thắc mắc.