Quy hoạch bưu chính: Theo hướng đa dạng loại hình dịch vụ
Sự bùng nổ công nghệ thông tin với các thị trường dịch vụ di động, dịch vụ internet đang làm thay đổi thói quen sử dụng các dịch vụ bưu chính truyền thống. Điều này dẫn đến cần phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lại ngành bưu chính cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bản Quy hoạch tổng thể phát triển bưu chính, viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2007. Theo Sở Thông tin Truyền thông, bản quy hoạch này mới chỉ tính đến thời điểm năm 2010 và chỉ có một số chỉ tiêu định hướng đến năm 2020. Vì vậy, không còn phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển của bưu chính, viễn thông trong và ngoài nước. Trong khi đó, phát triển bưu chính, viễn thông những năm qua đã có bước phát triển nhanh, mạnh; góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh. Có thể chỉ ra một số chỉ tiêu: Mức tăng trưởng điện thoại cố định bình quân hàng năm đạt 20%, điện thoại di động tăng 79%/năm và internet tăng trưởng 132%/năm. Ngược lại, một số chỉ tiêu về bưu chính khác lại đạt rất thấp so với chỉ tiêu trong quy hoạch, thậm chí thấp hơn bình quân chung cả nước. Cụ thể, chỉ tiêu quy hoạch đưa ra 548 điểm phục vụ thì chỉ thực hiện 153 điểm; bán kính phục vụ đề ra là 2,38 km song mới thực hiện được 4,47 km và số dân trung bình trên một điểm phục vụ mà chỉ tiêu đặt ra 2.263 người/điểm phục vụ nhưng thực tế thực hiện là 7.624 người/điểm, dẫn tới phát triển âm gần 236% so với chỉ tiêu quy hoạch.
Như vậy, sau 5 năm thực hiện quy hoạch, bên cạnh một số chỉ tiêu có mức tăng trưởng cao, một số chỉ tiêu lại đạt thấp so với quy hoạch như phát triển dịch vụ bưu chính, phát triển mạng lưới phục vụ… Một trong những nguyên nhân do mạng lưới bưu chính đã phát triển tương đối rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt có nhiều dịch vụ khác thay thế các dịch vụ bưu chính. Mặt khác, mạng lưới bưu chính gần đây đã được sắp xếp theo hướng hiện đại, tinh gọn bộ máy quản lý và hệ thống mạng dịch vụ, đưa dần một số dịch vụ mới như chuyển phát nhanh, bưu chính ủy thác, chuyển tiền nhanh, tiết kiệm bưu điện… vào các bưu cục cấp 3 để đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính của người dân. Chính vì vậy cần phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển bưu chính trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, quan điểm phát triển bưu chính theo hướng tin học hóa, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ. Kết hợp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Phát huy mọi nguồn lực, tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ bưu chính, chuyển phát trong môi trường cạnh tranh lành mạnh… Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 đó là 100% điểm bưu điện văn hóa xã cung cấp dịch vụ internet băng thông rộng, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của các điểm phục vụ bưu chính bên cạnh việc rà soát, cắt giảm hoặc đóng cửa một số điểm hiệu quả thấp. Đưa dịch vụ bưu chính truyền thống (bưu phẩm, bưu kiện…) có tốc độ tăng trưởng từ 3 – 5%/năm; dịch vụ bưu chính hiện đại (tiết kiệm bưu điện, bảo hiểm bưu chính…) tăng từ 5 – 10%/năm và tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm từ dịch vụ bưu chính từ 10 – 15%. Qua đó, phát triển các dịch vụ bưu chính mới: tài chính bưu điện, dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch thu cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ… và nâng cao chất lượng mạng lưới vận chuyển, dịch vụ. Điều đáng quan tâm, theo bản quy hoạch sẽ điều chỉnh giảm khoảng 35 – 45% điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh, những điểm ở khu vực khó khăn sẽ sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ kinh phí hoạt động, (khoảng 40 điểm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020). Thực hiện bản quy hoạch phát triển bưu chính này, theo đơn vị tư vấn là Trung tâm Tư vấn thông tin và Truyền thông – Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin truyền thông), cần nguồn kinh phí khoảng 21,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng thư viện tại các điểm bưu điện văn hóa xã, các dự án ứng dụng công nghệ mới trong bưu chính.