Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

Thế nào là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ? Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đối tượng áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng khi xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

    Hiện nay, vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ xảy ra ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự cũng như xâm phạm đến tính mạng, tài sản của người khác. Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Dưới đây là những quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:

    Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568

    1. Thế nào là vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?

    Vi phạm hành chính được hiểu là hành vi có lỗi do cá nhân hoặc một tổ chức thực hiện vi phạm các quy định của pháp luật và xâm phạm đến các quan hệ pháp luật được Nhà nước bảo vệ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Và việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ là những hành vi trái pháp luật, do chủ thể có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện có lỗi trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ví dụ như đua xe trái phép, vượt đèn đỏ, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, đi vượt quá tốc độ,…

    Những hành vi vi phạm quy định trong trật tự an toàn giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt này được thực hiện bởi người có thẩm quyền, xử phạt theo mức quy định và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm.

    Xem thêm: Giấy hẹn cấp bằng, biên lai tạm giữ bằng lái xe có thay được Giấy phép lái xe?

    2. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:

    Căn cứ tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định nguyên tắc chung xử lý vi phạm hành chính, cụ thể là: 

    – Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

    – Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành một cách nhanh chóng, công khai, khách quan, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền.

    – Để tiến hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ căn cứ trên tính chất, mức độ cũng như hậu quả vi phạm, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm cũng như các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

    – Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Và một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

    Trường hợp có nhiều người thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

    Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được quy định là tình tiết tăng nặng.

    Xem thêm: Biên bản vi phạm giao thông có hiệu lực trong thời hạn bao lâu?

    3. Đối tượng áp dụng để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ:

    Lĩnh vực giao thông đường bộ được quy định tại Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP bao gồm:

    – Xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô. Các loại xe tương tự xe ô tô được hiểu là loại phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ có từ hai trục, bốn bánh xe trở lên, có phần động cơ và thùng hàng (nếu có) lắp trên cùng một xát xi (kể cả loại xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện)

    – Xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô. Trong đó xe tương tự xe mô tô là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh, có dung tích làm việc của động cơ từ 50 cm3 trở lên, có vận tốc thiết kế lớn nhất lớn hơn 50 km/h, có khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

    – Máy kéo là loại xe gồm phần đầu máy tự di chuyển, được lái bằng càng hoặc vô lăng và rơ moóc được kéo theo (có thể tháo rời với phần đầu kéo).

    – Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.

    – Xe máy và các loại xe tương tự xe gắn máy. Trong đó, các loại xe tương tự xe gắn máy là phương tiện giao thông đường bộ chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h, trừ các xe quy định tại điểm e khoản này.

    – Xe đạp máy là xe thô sơ hai bánh có lắp động cơ, vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h và khi tắt máy thì đạp xe đi được (kể cả xe đạp điện).

    Đối tượng áp dụng trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Trong đó, tổ chức bao gồm:

    – Đơn vị sự nghiệp.

    – Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao.

    – Đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

    – Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam.

    – Tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

    – Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp gồm: Doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và các đơn vị phụ thuộc doanh nghiệp (chi nhánh, văn phòng đại diện).

    – Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

    – Tổ hợp tác.

    – Các tổ chức khác được thành lập theo pháp luật Việt Nam.

    Xem thêm: Nộp phạt giao thông tại chỗ có được cầm biên lai nộp phạt?

    4. Quy định về các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng khi xử phạt vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ: 

    Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ gồm:

    – Buộc tái xuất phương tiện khỏi Việt Nam.

    – Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do người thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra.

    – Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do người thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra.

    – Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép.

    – Buộc thực hiện biện pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do người thực hiện hành vi vi phạm hành chính gây ra.

    – Buộc phải tháo dỡ các vật che khuất biển báo hiệu đường bộ, đèn tín hiệu giao thông hoặc buộc phải di dời cây trồng không đúng quy định.

    – Buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

    – Buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, đinh, vật sắc nhọn, dây, các loại vật dụng, vật cản khác.

    – Buộc phải bổ sung hoặc sửa chữa các biển báo hiệu bị mất, bị hư hỏng và khắc phục các hư hỏng của công trình đường bộ.

    – Buộc phải thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông theo quy định; buộc phải treo biển báo thông tin công trình có đầy đủ nội dung theo quy định.

    – Buộc phải lắp đầy đủ thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật hoặc khôi phục lại tính năng kỹ thuật của phương tiện, thiết bị theo quy định hoặc tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định.

    – Buộc phải đăng ký, niêm yết đầy đủ, chính xác các thông tin theo quy định.

    – Buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.

    – Buộc phải gắn hộp đèn với chữ “TAXI” hoặc buộc phải niêm yết cụm từ “XE TAXI”, “XE HỢP ĐỒNG”, “XE DU LỊCH” theo đúng quy định.

    – Buộc phải cấp “thẻ nhận dạng lái xe” cho lái xe theo quy định.

    – Buộc phải xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.

    – Buộc phải tổ chức tập huấn nghiệp vụ hoặc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

    – Buộc phải ký hợp đồng với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe.

    – Buộc phải bố trí người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải đủ điều kiện theo quy định.

    – Buộc phải lập, cập nhật, lưu trữ đầy đủ, chính xác lý lịch phương tiện, lý lịch hành nghề của lái xe, các hồ sơ, tài liệu có liên quan trong quá trình quản lý, điều hành hoạt động vận tải của đơn vị theo quy định.

    – Buộc phải lắp đặt camera, dây an toàn, đồng hồ tính tiền cước, thiết bị in hóa đơn, thiết bị giám sát hành trình trên xe theo đúng quy định.

    – Buộc phải cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ thiết bị giám sát hành trình, camera lắp trên xe ô tô theo quy định.

    – Khôi phục lại nhãn hiệu, màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc buộc phải thực hiện đúng quy định về biển số, quy định về kẻ chữ trên thành xe và cửa xe.

    – Buộc phải cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô hoặc máy chủ của đơn vị cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

    – Khôi phục lại hình dáng, kích thước, tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe và đăng kiểm lại trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

    – Phải làm thủ tục đăng ký xe, đăng ký sang tên hoặc thủ tục đổi lại, thu hồi Giấy đăng ký xe, biển số xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định.

    – Buộc phải đưa phương tiện quay trở lại Khu kinh tế thương mại đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế.

    – Thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

    Khi xử phạt, người có thẩm quyền đảm bảo đúng nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả:

    – Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định.

    – Biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng độc lập trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.