Quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục là gì?
Mục Lục
Căn cứ pháp lý
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.
– Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Mục tiêu của giáo dục
Mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Ngày nay sự phát triển của một quốc gia không chỉ dựa trên sự đồng lòng cùng thi đua tăng gia sản xuất của người dân cả nước mà còn cần sự giao thương, hợp tác với các quốc gia khác trên toàn thế giới, hay còn gọi đó là sự hợp tác, hội nhập quốc tế. Những lợi ích mà hợp tác quốc tế mang lại không chỉ thúc đẩy nền giáo dục nước nhà mà còn giúp bổ sung những giá trị và tiến bộ của văn hóa, văn minh của thế giới, làm giàu văn hóa dân tộc và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Hướng nghiệp trong giáo dục
Theo Từ điển Tiếng Việt, hướng nghiệp là hệ thống các biện pháp giúp cho con người lựa chọn và xác định nghề nghiệp của bản thân trong cuộc sống tương lai trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu xã hội. Hướng nghiệp có nhiệm vụ: Nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lí của thanh niên học sinh; Làm cho thanh niên hiểu nội dung lao động của một số nghề, giúp họ chọn nghề. Dưới góc nhìn pháp lý, Luật Giáo dục nêu định nghĩa khái quát về việc hướng nghiệp trong giáo dục tại Khoản 1 Điều 9 như sau:
“Điều 9. Hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục
1. Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.”
Theo đó, hoạt động hướng nghiệp được hiểu là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như đánh giá, quản lý và phát triển nghề nghiệp. Hướng nghiệp là quá trình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, được diễn ra liên tục và lựa chọn nghề nghiệp chính là giai đoạn đầu, sau đó đến quá trình trau dồi kiến thức chuyên môn và tìm được nơi lao động phù hợp.
Giáo dục mầm non thì không cần tới sự hướng nghiệp vì lứa tuổi này còn nhỏ, vẫn còn cần sự bao bọc của cha mẹ; đối với giáo dục tiểu học thì hướng nghiệp sẽ mang tính giới thiệu bước đầu ví dụ như giới thiệu về các ngành nghề trong xã hội cho các em học sinh được biết và khơi gợi trong sở thích, đam mê của mỗi em. Hoạt động hướng nghiệp diễn ra chủ yếu từ giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông bởi đây là lứa tuổi có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý, có cả những sự “bồng bột của tuổi trẻ” và cả sự mông lung khi đứng trước những ngã rẽ của cuộc đời; và độ tuổi lao động cũng bắt đầu từ 15 tuổi vì thế mà học hết giáo dục trung học cơ sở, các em học sinh có thể tham gia vào thị trường lao động, chọn ngành, nghề mà mình mong muốn theo đuổi.
Là một bộ phận hữu cơ của quá trình giáo dục – đào tạo, hướng nghiệp được tiến hành không chỉ ở các trường học mà còn tại các cơ quan và cơ sở sản xuất, với thế hệ trẻ và cả người lớn tuổi không có nghề hoặc phải thay đổi nghề.
Như vậy, hướng nghiệp đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình giáo dục, giúp lựa chọn ngành nghề hợp lý và tạo điều kiện xác định nghề nghiệp cho dân lao động đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên cần có sự định hướng đúng đắn về nghề nghiệp để đáp ứng những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của xã hội, nếu không có hướng nghiệp các bạn trẻ có thể chạy theo xu hướng hoặc lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với bản thân dẫn tới phải làm trái nghề hay thậm chí thất nghiệp.
Phân luồng trong giáo dục
Phân luồng học sinh trong giáo dục rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội. Vì vậy, phân luồng giáo dục đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng, Nhà nước, được ngành Giáo dục và Đào tạo và toàn xã hội quan tâm. Tại Khoản 2 Điều 9 của Luật Giáo dục quy định về phân luồng trong giáo dục như sau:
“Điều 9. Hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục
2. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.”
Phân luồng học sinh trong giáo dục đặc biệt học sinh sau trung học cơ sở nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi sao cho:
+ Phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của của bản thân học sinh, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập có hiệu quả;
+ Phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ;
+ Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập.
Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau: Trung học phổ thông; Sơ cấp Giáo dục nghề nghiệp; Trung cấp Giáo dục nghề nghiệp; Trung học phổ thông bổ túc văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên.
Việc phân luồng học sinh trong giáo dục thể hiện rõ nhất qua các kỳ thi ví dụ như Kỳ thi tốt nghiệp trung học cơ sở, Kỳ thi vào lớp 10 và Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đây là một trong những cột mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi học sinh, các em có thể lựa chọn chỉ thi tốt nghiệp trung học cơ sở và sau đó sẽ tham gia lao động mà không học tiếp; có em sẽ lựa chọn học tiếp tục ở các trình độ cao hơn thì sẽ cần vượt qua các kỳ thi trên để đạt được yêu cầu học tiếp.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục
Luật Hoàng Anh