Quy định về học nghiệp vụ Quản lý vận hành nhà chung cư – Quản lý tòa nhà HomeID
Cấp giấy chứng nhận khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
– Căn cứ vào Luật nhà ở số 65/2014/QH 13 ngày 25 tháng 11 năm 2014, tại điều 105 quy định đội ngũ cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu về quản lý vận hành nhà ở bao gồm lĩnh vực xây dựng, kỹ thuật điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, vận hành trang thiết bị gắn với nhà chung cư và có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
– Căn cứ vào Thông tư số 2/2016/TT-BXD ngày 15 tháng 02 năm 2016 ban quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, Theo Điều 19 và Điều 28: Các thành viên trong Ban quản trị nhà chung cư, Các thành viên Ban giám đốc và các cán bộ làm việc trong các phòng, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ bao gồm kỹ thuật; bảo vệ, an ninh; dịch vụ, lễ tân và vệ sinh, môi trường; phải có trình độ chuyên môn tương ứng với vị trí công việc và phải có Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng.
– Căn cứ vào Thông tư số 10/2015/TT-BXD ngày 30 tháng 12 năm 2015 quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
I. Đối tượng tham gia khóa học và cấp chứng nhận Quản lý vận hành nhà chung cư
1. Các cán bộ, nhân viên đang làm việc trong các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định tại Điều 105 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2014.
2. Các thành viên Ban quản trị nhà chung cư.
3. Các cá nhân khác có nhu cầu.
II. Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
A. Về kiến thức cơ sở
Phần kiến thức cơ sở có tổng thời lượng là 12 tiết, bao gồm 02 bài giảng sau đây:
1. Bài giảng về pháp luật nhà ở; pháp luật đất đai, dân sự và xây dựng liên quan đến nhà chung cư (08 tiết).
a) Các quy định chung của pháp luật về nhà ở có liên quan đến nhà chung cư;
b) Các quy định có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo, bảo trì nhà chung cư;
c) Các quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà chung cư;
d) Các quy định có liên quan đến giao dịch về nhà ở, hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, hợp đồng bảo trì nhà chung cư.
2. Bài giảng về các nội dung cơ bản của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư (04 tiết).
a) Các quy định của pháp luật nhà ở về quản lý, sử dụng nhà chung cư;
b) Các nội dung của Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư.
B. Về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
1. Phần học lý thuyết bắt buộc có tổng thời lượng là 44 tiết, bao gồm 06 chuyên đề sau đây:
Chuyên đề 1: Nghiệp vụ quản lý việc sử dụng nhà chung cư (08 tiết);
a) Các mô hình quản lý vận hành nhà chung cư và phương thức, nội dung phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý vận hành nhà chung cư;
b) Quản lý sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung, các thiết bị thuộc phần sở hữu chung, sử dụng chung;
c) Quản lý việc ra vào, tiếng ồn, an ninh và vệ sinh, môi trường tại khu vực nhà chung cư;
d) Hướng dẫn việc sử dụng các dịch vụ công cộng của nhà chung cư và việc tiếp nhận, xử lý các phản hồi của người sử dụng để cải thiện chất lượng dịch vụ công cộng;
đ) Quy trình tiếp nhận bàn giao và quản lý vật tư, thiết bị của nhà chung cư;
e) Nghiệp vụ phục vụ, bao gồm cách thức xác định, lưu trữ và cập nhật thông tin về chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; nguyên tắc giao tiếp, xử lý tình huống của đơn vị quản lý vận hành và phương pháp xử lý thông tin tác động tiêu cực đến tâm lý người sử dụng nhà chung cư;
g) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
Chuyên đề 2: Quản lý vận hành hệ thống điện, cấp thoát nước, thông gió – cấp nhiệt trong nhà chung cư (12 tiết);
a) Quản lý vận hành, bảo trì hệ thống điện, hệ thống báo có sự cố và hệ thống chống sét, tiếp đất (nêu vị trí, nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
b) Quản lý vận hành, bảo trì hệ thống cấp và thoát nước trong, ngoài nhà chung cư (nêu vị trí, nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
c) Quản lý vận hành, bảo trì hệ thống thông gió, cấp nhiệt và điều hòa trong nhà chung cư (nêu vị trí, nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
d) Trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, chính quyền địa phương và nhà thầu cung cấp thiết bị;
đ) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
Chuyên đề 3: Quản lý vận hành hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy (sau đây gọi tắt là PCCC) tại nhà chung cư (08 tiết);
a) Quản lý vận hành máy móc, thiết bị PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ (nêu vị trí, nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
b) Trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, chính quyền địa phương, cơ quan PCCC và cứu nạn, cứu hộ;
c) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
Chuyên đề 4: Quản lý vận hành hệ thống thang máy, thang cuốn trong nhà chung cư (08 tiết);
a) Quản lý vận hành hệ thống thang máy, thang cuốn trong nhà chung cư (nêu nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
b) Trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, chính quyền địa phương và nhà thầu cung cấp thang máy, thang cuốn;
c) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
Chuyên đề 5: Quản lý vệ sinh môi trường, cảnh quan nhà chung cư và xử lý nước thải (04 tiết);
a) Nghiệp vụ quản lý vệ sinh, môi trường của nhà chung cư;
b) Quản lý vận hành hệ thống xử lý rác thải, nước thải trong nhà chung cư (nêu cấu tạo chính, nguyên lý hoạt động, nguyên tắc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống và việc xử lý sự cố kỹ thuật trong vận hành);
c) Quy trình hoạt động diệt côn trùng và chăm sóc cây xanh;
d) Trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư, Ban quản trị nhà chung cư, chính quyền địa phương và cơ quan quản lý môi trường đô thị;
đ) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
Chuyên đề 6: Quản lý rủi ro, quản lý an ninh và ứng phó với thiên tai tại nhà chung cư (04 tiết).
a) Quản lý rủi ro trong nhà chung cư (nêu các loại rủi ro trong quản lý vận hành nhà chung cư, đánh giá xếp hạng rủi ro và tổ chức kiểm soát rủi ro), chính sách bảo hiểm để hạn chế rủi ro nhà chung cư và các loại hợp đồng bảo hiểm;
b) Tổ chức kiểm soát an ninh trong và ngoài nhà chung cư (nêu quy trình kiểm soát người, phương tiện giao thông và quy trình tuần tra trong và ngoài nhà chung cư);
c) Kiến thức, nghiệp vụ về an toàn lao động, lập kế hoạch và dự trù kinh phí PCCC, cứu nạn, cứu hộ và ứng phó thiên tai tại nhà chung cư;
d) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
2. Ngoài 6 chuyên đề trên, cơ sở đào tạo có thể bổ sung thêm các chuyên đề đào tạo khác theo nhu cầu của học viên.
3. Phần khảo sát, thực hành có tổng thời lượng 12 tiết, bao gồm các nội dung sau đây:
a) Khảo sát thực tế hoạt động quản lý vận hành nhà chung cư
b) Thực hành nghiệp vụ bảo vệ, an ninh, lễ tân, vệ sinh môi trường, công tác an toàn PCCC, cứu nạn, cứu hộ, thao tác phần mềm quản lý vận hành nhà chung cư;
c) Các phần thực hành khác có liên quan đến nhà chung cư theo nhu cầu của học viên;
d) Sau khi khảo sát, thực hành, các học viên phải viết bài thu hoạch bao gồm các nội dung: quy chế phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc quản lý vận hành nhà chung cư; đánh giá về nghiệp vụ bảo vệ, an ninh, PCCC và vệ sinh môi trường của nhà chung cư đã khảo sát.
C. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư
1. Đối với đối tượng của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thì phải học toàn bộ chương trình trên.
2. Đối với đối tượng của Ban quản trị chung cư, ngoài yêu cầu phải học Phần học lý thuyết bắt buộc, các Điểm a, b Khoản 1 Mục B của Chương trình khung (với 14 tiết) thì còn phải học thêm các kiến thức sau đây:
a) Các nội dung cơ bản của hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành và hợp đồng bảo trì nhà chung cư; việc phân loại tranh chấp và thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành, hợp đồng bảo trì nhà chung cư (04 tiết);
b) Các hậu quả pháp lý có khả năng xảy ra trong trường hợp có tranh chấp hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành và hợp đồng bảo trì nhà chung cư (02 tiết);
c) Kiến thức cơ bản về hồ sơ, bản vẽ nhà chung cư, bao gồm nội dung hồ sơ và việc xác định các loại bản vẽ liên quan đến nhà chung cư (02 tiết);
d) Các vấn đề khác có liên quan theo nhu cầu của học viên.
D. Kiểm tra cuối khóa học
1. Học viên thuộc đối tượng được tham dự kiểm tra cuối khóa học khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã tham dự tối thiểu 80% số tiết học phần lý thuyết;
b) Đã tham dự đầy đủ phần khảo sát, thực hành và có báo cáo thu hoạch
2. Trường hợp học viên phải dừng hoặc tạm dừng khóa học thì phải học bổ sung đủ số chuyên đề còn thiếu theo quy định của Thông tư này trước khi tham dự kiểm tra cuối khóa học.
3. Việc kiểm tra cuối khóa được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận trong thời gian 90 phút. Việc chấm bài kiểm tra phải do các giảng viên đã tham gia giảng dạy thực hiện.
4. Trường hợp học viên kiểm tra không đạt kết quả theo quy chế đào tạo thì cơ sở đào tạo phải tổ chức kiểm tra lại.
E. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo
1. Việc cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo được thực hiện theo quy định như sau:
a) Đối với các học viên của đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư, sau khi kiểm tra đạt kết quả và được Hội đồng đánh giá kết quả học tập đạt yêu cầu thì được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo theo mẫu quy định tại phụ lục số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BXD trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày kiểm tra;
Xem thêm về: Mẫu chứng nhận quản lý vận hành nhà chung cư cho Đơn vị quản lý
b) Đối với các học viên thuộc Ban quản trị nhà chung cư, sau khi tham gia đầy đủ số tiết học quy định thì được cấp Giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý sử dụng nhà chung cư cho thành viên ban quản trị nhà chung cư theo mẫu quy định tại phụ lục số 06 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2015/TT-BXD trong thời hạn tối đa là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc khóa học;
c) Các học viên thuộc diện 2 đối tượng trên mà thực hiện các quy định về đào tạo, kiểm tra áp dụng cho cả 2 đối tượng và có nhu cầu thì được cấp 02 giấy chứng nhận.
3. Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo có giá trị trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày ký; khi Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo hết thời hạn thì các học viên phải tham gia học bổ sung các kiến thức đã thay đổi so với chương trình khung quy định tại Chương III của Thông tư này để được cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo mới theo quy định của Thông tư này.
4. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo, cơ sở đào tạo gửi báo cáo kết quả đào tạo đến Sở Xây dựng nơi tổ chức khóa học và Bộ Xây dựng