Quy định về hoạt động liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp

Bà Hạnh hỏi, hoạt động nêu trên có được hiểu là hoạt động liên doanh, liên kết đối với đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị bà có phải áp dụng theo Khoản 2, Điều 25 Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập không?

 Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 9 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công quy định: “Sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết là việc cơ quan, người có thẩm quyền cho phép sử dụng tài sản công để hợp tác với tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh có thời hạn theo quy định của pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước”.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập:

Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) quy định: “Nghị định này quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực: giáo dục đào tạo; giáo dục nghề nghiệp, y tế – dân số; văn hóa, thể thao và du lịch; thông tin và truyền thông; khoa học và công nghệ; các hoạt động kinh tế và lĩnh vực khác”.

Điểm b, Khoản 2, Điều 15 (Nguồn tài chính của đơn vị) quy định: “Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công”.

Khoản 1, Điều 25 (Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết) quy định: “Đơn vị sự nghiệp công được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công”.

Khoản 2, Điều 25: “2. Đơn vị sự nghiệp công xây dựng đề án liên doanh, liên kết trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương (đối với đơn vị thuộc trung ương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với đơn vị thuộc địa phương quản lý) phê duyệt sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp, trong đó phải làm rõ hình thức liên doanh, liên kết (thành lập pháp nhân mới hoặc không thành lập pháp nhân mới); phương án bảo đảm nguồn tài chính, nguồn nhân lực cho hoạt động của đơn vị và cơ sở liên doanh, liên kết. Đối với đơn vị có thành lập Hội đồng quản lý, Hội đồng trường hoặc Hội đồng Đại học, đơn vị báo cáo Hội đồng thông qua đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt”.

Căn cứ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao; đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng Đề án liên doanh, liên kết trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ thực hiện theo đúng quy định.

Vì vậy, đề nghị bà nghiên cứu thực hiện theo các quy định hiện hành.

Chinhphu.vn