Quy định về đấu thầu qua mạng (Cập nhật 2021)

Ngày nay, công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông internet. Do đó, việc mua bán ngoại thương trong đó bao gồm đấu thầu, đấu giá được diễn ra trên internet là chuyện rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ quy định về đấu thầu qua mạng. Theo dõi bài viết dưới đây của ACC để tìm hiểu sâu hơn về lĩnh vực này nhé.

7 31

7 31

Quy định về đấu thầu qua mạng (Cập nhật 2021)

1. Các khái niệm

1.1. Đấu thầu là gì?

Đấu thầu là một quá trình chủ đầu tư hoặc bên mời thầu lựa chọn được một nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của mình theo quy định của luật pháp. Người mua tổ chức đấu thầu để người bán (các nhà thầu) cạnh tranh nhau. Mục đích của nhà thầu là giành được quyền cung cấp hàng hóa dịch vụ đó với giá đủ bù đắp các chi phí đầu vào và đảm bảo mức lợi nhuận cao nhất có thể.

1.2. Đấu thầu qua mạng là gì?

Đấu thầu qua mạng được hiểu là việc tận dụng những lợi thế sẵn có của internet để tổ chức đấu thầu. Chủ mời thầu tìm được nhà thầu tốt, với giá cả hợp lý, phải chăng nhất vì đã trải qua một cuộc chọn lọc kỹ càng. Còn nhà thầu thì được làm việc với một nơi uy tín, đảm bảo có được gói thầu lớn, mang lại lợi nhuận cao.

2. Quy định về đấu thầu qua mạng: Đối tượng áp dụng

Căn cứ Điều 60 Luật đấu thầu 2013, Điều 84 Nghị định 63/2014/NĐ-CP và Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT quy định về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (lựa chọn nhà thầu qua mạng) đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh trong nước theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Đối với gói thầu chia thành nhiều phần sẽ không áp dụng đấu thầu qua mạng. Trường hợp cần áp dụng lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với gói thầu chia thành nhiều phần thì phải tách các phần thành gói thầu riêng biệt để lựa chọn nhà thầu.

Có tất cả gồm 07 mẫu hồ sơ mời thầu qua mạng (E-HSMT) tương ứng với 2 phương thức lựa chọn nhà thầu:

+ Một giai đoạn 1 túi hồ sơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc chào hàng cạnh tranh gồm: gói thầu xây lắp quy mô nhỏ, gói thầu mua sắm hàng hóa quy mô nhỏ, gói thầu dịch vụ phi tư vấn quy mô nhỏ;

+ Một giai đoạn 2 túi hồ sơ theo hình thức đấu thầu rộng rãi gồm: gói thầu xây lắp, gói thầu mua sắm hàng hóa, gói thầu dịch vụ phi tư vấn và một mẫu E-HSMT áp dụng đối với gói thầu chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.

3. Trách nhiệm của bên mời thầu

Căn cứ theo Điều 75 và Điều 79 Luật đấu thầu 2013 quy định về trách nhiệm của bên mời thầu như sau:

+ Trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu đấu thầu qua mạng;

+ Quản lý và không tiết lộ khóa bí mật của chứng thư số được cấp.

+ Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác và trung thực của các thông tin đã đăng ký, đăng tải lên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia khi đăng nhập bằng chứng thư số của mình;

+ Kiểm tra và xác nhận việc đăng tải các thông tin của mình đã nhập vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

4. Quy định về đấu thầu qua mạng: quy trình lựa chọn nhà thầu

Căn cứ theo Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định các phương thức lựa chọn nhà thầu qua mạng. Phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ và chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường diễn ra như sau:

4.1. Bước 1: Chuẩn bị lựa chọn nhà thầu

Lập, thẩm định và phê duyệt E-HSMT, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống, sau đó chọn mục “Hàng hóa” hoặc “Xây lắp” hoặc “Dịch vụ phi tư vấn” tương ứng để lập E-HSMT. Thành phần và định dạng file của E-HSMT theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư. Sau khi lập xong E-HSMT, bên mời thầu in hồ sơ trình chủ đầu tư, tổ chức thẩm định, phê duyệt. Bên mời thầu phải chịu trách nhiệm về sự thống nhất giữa nội dung E-HSMT trên Hệ thống và bản mà chủ đầu tư phê duyệt.

4.2. Bước 2: Tổ chức lựa chọn nhà thầu

+ Đăng tải E-TBMT và phát hành E-HSMT

Bên mời thầu đăng tải E-TBMT và phát hành E-HSMT theo hướng dẫn trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Thời gian chuẩn bị E-HSDT tối thiểu là 10 ngày đối với gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi và 05 ngày làm việc đối với gói thầu áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy trình thông thường, kể từ ngày đầu tiên đăng tải E-TBMT trên Hệ thống.

+ Sửa đổi, làm rõ E-HSMT

Trường hợp cần sửa đổi E-HSMT, bên mời thầu đăng nhập và chỉnh sửa trực tiếp trên Hệ thống sau khi có sự chấp thuận về nội dung của chủ đầu tư và bên mời thầu phải đăng tải quyết định sửa đổi E-HSMT (kèm theo các nội dung sửa đổi). Việc sửa đổi phải được thực hiện trước thời điểm đóng thầu tối thiểu 03 ngày làm việc; trường hợp không bảo đảm đủ thời gian như nêu trên thì phải gia hạn thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần làm rõ E-HSMT, nhà thầu gửi đề nghị làm rõ đến bên mời thầu thông qua Hệ thống tối thiểu 03 ngày làm việc trước ngày có thời điểm đóng thầu để xem xét, xử lý. Nội dung làm rõ E-HSMT được bên mời thầu đăng tải lên Hệ thống.

+ Nộp Hồ sơ dự thầu qua mạng (E-HSDT)

Bên dự thầu nộp E-HSDT theo hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT.

+ Mở thầu

Đến thời điểm mở thầu, bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và chọn gói thầu cần mở theo số E-TBMT. Sau đó, bên mời thầu giải mã E-HSDT của các nhà thầu tham dự thầu. Biên bản mở thầu phải đăng tải công khai trên Hệ thống, bao gồm các nội dung thông tin về gói thầu và các nhà thầu tham dự được hướng dẫn tại Điều 14 Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT; Việc mở thầu phải được hoàn thành trong vòng 02 giờ kể từ thời điểm đóng thầu;

Trường hợp có ít hơn 03 nhà thầu nộp E-HSDT thì bên mời thầu mở thầu ngay mà không phải cho phép gia hạn thời điểm đóng thầu nhằm tăng thêm số lượng nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất theo quy định tại Khoản 4 Điều 117 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

4.3. Bước 3: Đánh giá E-HSDT, xếp hạng nhà thầu

Bên mời thầu đăng nhập vào Hệ thống và tải E-HSDT của các nhà thầu để tổ chức đánh giá. Việc đánh giá E-HSDT được thực hiện theo quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và tiêu chuẩn đánh giá nêu trong E-HSMT. Trong đó lưu ý:

+ Đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm file tài liệu chứng minh. Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải nộp các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm, năng lực kỹ thuật cho bên mời thầu để đối chiếu với thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT.

+ Căn cứ vào E-HSDT của các nhà thầu đã nộp trên Hệ thống và phương pháp đánh giá E-HSDT quy định trong E-HSMT, bên mời thầu chọn 01 trong 02 quy trình đánh giá E-HSDT cho phù hợp để đánh giá E-HSDT gồm: Quy trình 01: áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”; Quy trình 02: áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá E-HSDT theo phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào.

+ Làm rõ E-HSDT, bên mời thầu và nhà thầu tiến hành làm rõ E-HSDT trực tiếp trên Hệ thống.

+ Tổ chuyên gia vận dụng Mẫu báo cáo đánh giá (mẫu số 1) ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lập báo cáo đánh giá E-HSDT.

+ Phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu, trên cơ sở kết quả đánh giá E-HSDT của tổ chuyên gia, bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Phụ lục số 5A ban hành kèm theo Thông tư số 23/2015/TT-BKHĐT.

4.4.  Bước 4: Thương thảo hợp đồng; trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu

+ Việc thương thảo hợp đồng, trình, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

+ Sau khi kết quả lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, bên mời thầu phải đăng tải thông tin về kết quả lựa chọn nhà thầu trên Hệ thống, bao gồm các nội dung chủ yếu sau: Thông tin về gói thầu, về nhà thầu trúng thầu, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo hướng dẫn tại Điều 18 Thông tư

4.5. Bước 5: Hoàn thiện, ký kết hợp đồng

Bên mời thầu và nhà thầu hoàn thiện và ký kết hợp đồng trên cơ sở tuân thủ quy định của Luật đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất để hiểu rõ hơn quy định về đấu thầu qua mạng. Đây là một hình thức phổ biến trong thời đại hiện nay. Tận dụng được lợi thế sẵn có của internet, người mở thầu và người đấu thầu dễ dàng tìm gặp nhau và ký kết những hợp đồng với giá phải chăng, tiết kiệm được thời gian và chi phí. Nếu còn gì băn khoăn về quy định về đấu thầu qua mạng, hãy liên hệ với ACC để được tư vấn!

Đánh giá post