Quy định về cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính?

Cưỡng chế hành chính là biện pháp bắt buộc phải thi hành một mệnh lệnh, quyết định hành chính. Là biện pháp do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện đối với cá nhân hay tổ chức đã bị xử phạt vi phạm hành chính, nhưng không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt.

 

1. Cưỡng chế hành chính được hiểu như thế nào?

Cưỡng chế hành chính là biện pháp bảo đảm để thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực hành pháp, đảm bảo trật tự quản lý Nhà nước. Như vậy quyền lực nhà nước về lĩnh vực hành chính được thể hiện thông qua các biện pháp, cách thức khác nhau như: thuyết phục, cưỡng chế, kinh tế. 

Các biện pháp cưỡng chế được quy định tại khoản 2 điều 86 Luật xử lý hành chính năm 2012 cụ thể:

2. Các biện pháp cưỡng chế bao gồm:

a) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm;

b) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá;

c) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản.

d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này.

Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá (sau đây gọi tắt là “kê biên tài sản”) được pháp luật quy định là một trong các biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt VPHC trong trường hợp cá nhân, tố chức bị xử phạt VPHC không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt VPHC của chủ thể có thẩm quyền.

Các trường hợp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản bao gồm:

– Cá nhân không được hưởng tiền lương, thu nhập hoặc bảo hiểm xã hội tại một cơ quan, đơn vị tổ chức và không có tài khoản hoặc số tiền gửi tử tài khoản tại tổ chức dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản

– Tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản 

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

Điều 4. Nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị áp dụng cưỡng chế

1. Đối với tổ chức là cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì thực hiện khấu trừ từ nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị, tổ chức đó.

2. Đối với đơn vị sự nghiệp nhà nước có thu, đơn vị vũ trang được tổ chức các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật, khi bị khấu trừ, kê biên tài sản và trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế thì lấy từ nguồn thu và tài sản do các hoạt động này mang lại.

3. Đối với tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản của tổ chức, quỹ đó.

4. Đối với doanh nghiệp và hợp tác xã thì khấu trừ tiền, kê biên tài sản, trả chi phí cho hoạt động cưỡng chế từ tiền, tài sản hoặc thu nhập bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Theo đó khi áp dụng các  biện pháp cưỡng chế hành chính Nhà nước có thể tác động một cách trực tiếp hoặc gián tiếp lên tâm lý, tư tưởng và hành vi của cá nhân hoặc tổ chức, buộc các chủ thể đó phải thực hiện các nghĩa vụ pháp lý nhằm mục đích phòng ngừa, ngăn chặn hoặc xử lý những hành vi trái pháp luật, bảo đảm trật tự và kỷ luật trong hoạt động hành chính. 

 

2. Cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính?

2.1. Trường hợp áp dụng

Căn cứ tại điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định về các trường hợp bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hành chính như sau:

Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây:

a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt;

b) Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (trong trường hợp khẩn cấp, cần khắc phục ngay hậu quả để kịp thời bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả).  

 

2.2. Gửi quyết định cưỡng chế.

Nghị định 166/2013/NĐ-CP cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Điều 5. Gửi quyết định cưỡng chế đến cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trường hợp cưỡng chế bằng biện pháp quy định tại Điểm b, Điểm c, Điểm d Khoản 2 Điều 86 Luật xử lý vi phạm hành chính thì quyết định cưỡng chế phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế trước khi thi hành để phối hợp thực hiện.

2. Quyết định cưỡng chế được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế biết.

Đối với trường hợp quyết định được giao trực tiếp mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận thì người có thẩm quyền lập biên bản về việc không nhận quyết định có xác nhận của chính quyền địa phương và được coi là quyết định đã được giao.

Đối với trường hợp gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm, nếu sau thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định cưỡng chế đã được gửi qua đường bưu điện đến lần thứ ba mà bị trả lại do cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế cố tình không nhận; quyết định cưỡng chế đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị cưỡng chế hoặc có căn cứ cho rằng người bị cưỡng chế trốn tránh không nhận quyết định cưỡng chế thì được coi là quyết định đã được giao.

3. Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Khi thi hành quyết định cưỡng chế lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc quyết định cưỡng chế của các cơ quan nhà nước khác khi được yêu cầu. Trường hợp có yêu cầu lực lượng Cảnh sát nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn trong quá trình thi hành quyết định cưỡng chế thì cơ quan chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế phải gửi văn bản yêu cầu đến cơ quan Công an cùng cấp 05 ngày làm việc trước khi thực hiện cưỡng chế để bố trí lực lượng. Khi tham gia cưỡng chế, lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm ngăn chặn các hành vi gây rối, chống người thi hành công vụ, bảo đảm trật tự, an toàn.

 

3. Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính.

Thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính là loại thẩm quyền không thường xuyên. Theo đó thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt VPHC chỉ phát sinh khi cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu cá nhân, tổ chức VPHC đã tự nguyện chấp hành đầy đủ các nội dung của quyết định xử phạt thì thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt sẽ không phát sinh trên thực tế.

Luật năm 2012 đã trao thẩm quyền xử phạt cho rất nhiều các chức danh khác nhau, đặc biệt là chức danh trực tiếp thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước (chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ, kiểm soát viên quản lý thị trường, công chức hải quan đang thi hành công vụ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, kiểm lâm viên…). Trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người bị cưỡng chế, do đó đòi hỏi người ra quyết định phải giữ vị trí nhất định (các chức danh giữ chức vụ cấp trưởng) để bảo đảm mỗi quyết định cưỡng chế khi ban hành có tính pháp lý cao, hạn chế khiếu nại, kiện tụng. Một lý do khác mà các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế là những chức danh được “chọn lọc” cao vì tính trách nhiệm của mỗi quyết định cưỡng chế buộc người có thẩm quyền cưỡng chế phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định, đặc biệt đó là những trường hợp ra quyết định cưỡng chế nhằm thi hành quyết định xử phạt của những chức danh khác chứ không phải để thi hành quyết định xử phạt của mình.

Khoản 3 Điều 5 Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định: “Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế”.

 

4. Trình tự thủ tục áp dụng đối với biện pháp khấu trừ tiền lương

Căn cứ tại Mục 1 chương 2 Nghị định 166/2013/NĐ-CP

Trước hết cần phải xác minh thông tin về tiền lương và thu nhập quy định tại điều 9 Nghị định 166/2013/NĐ-CP cụ thể:Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức xác minh thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân bị cưỡng chế để làm căn cứ ra quyết định cưỡng chế. Cá nhân bị cưỡng chế; tổ chức, cá nhân đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập và các tổ chức, cá nhân liên quan phải cung cấp thông tin về tiền lương, thu nhập, mức bảo hiểm xã hội của cá nhân bị cưỡng chế trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã cung cấp.

Nội dung ra quyết định biện pháp khấu trừ bao gồm Số quyết định; ngày, tháng, năm ra quyết định; căn cứ ra quyết định; họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người ra quyết định; họ tên, địa chỉ của cá nhân bị cưỡng chế khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập; tên, địa chỉ cơ quan, tổ chức quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế; số tiền bị khấu trừ; lý do khấu trừ; tên, địa chỉ của Kho bạc Nhà nước nhận tiền; phương thức chuyển số tiền bị khấu trừ đến Kho bạc; thời gian thi hành; chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan ra quyết định.

Việc khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có thể tiến hành nhiều lần, tỷ lệ như sau:

“1. Đối với tiền lương, bảo hiểm xã hội tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng.

2. Đối với những khoản thu nhập khác, tỷ lệ khấu trừ mỗi lần không quá 50% tổng số thu nhập.”

Cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập có trách nhiệm chấp hành nghiêm chỉnh quyết định cưỡng chế của cơ quan có thẩm quyền.

Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.Trường hợp chưa khấu trừ đủ số tiền theo quyết định cưỡng chế mà cá nhân bị cưỡng chế đã chấm dứt hợp đồng có hưởng lương hoặc thu nhập thì cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động phải thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.Trường hợp cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế khấu trừ của cơ quan có thẩm quyền thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.