Quy định về chế độ nghỉ bệnh của giáo viên

Hà Ly
0
Bảo hiểm xã hội

Chế độ nghỉ bệnh của giáo viên được quy định như thế nào khi đây là nghề nghiệp đặc thù có thêm kỳ nghỉ hè dài ngày. Trường hợp giáo viên bị bệnh phải nghỉ sẽ được tính ra sao?

Giáo viên là nghề nghiệp đặc thù có những chế độ nghỉ khác so với những ngành nghề còn lại. Ngoài nghỉ phép, nghỉ hè thì chế độ nghỉ bệnh của giáo viên như thế nào?

Luật quy định về thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên

Khoản 3 Điều 5 Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT Ban hành quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, sửa đổi và bổ sung bởi điểm a, Khoản 3 tại Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT:

“3. Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: nghỉ hè, nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau:

a) Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có);

b) Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, Hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định.”

Như vậy, giáo viên sẽ có chế độ nghỉ hằng năm và được hưởng nguyên lương cùng những khoản phụ cấp khác nếu có, bao gồm 2 tháng nghỉ hè và các ngày nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ, nghỉ lễ theo quy định của Luật lao động. Tuy nhiên, giáo viên cần lưu ý 2 tháng nghỉ hè này được tính thay cho ngày nghỉ phép hằng năm.

Vì vậy giáo viên chỉ có thể xin nghỉ lâu dài cho việc riêng ngoài các ngày quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 và không được hưởng lương và các khoản phụ cấp nếu được sự cho phép của Ban giám hiệu nhà trường, căn cứ theo khoản 3 Điều 115 Bộ luật Lao động:

“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”

Giáo viên có chế độ nghỉ bệnh như thế nào

 

Chế độ nghỉ bệnh của giáo viên hiện nay như thế nào?

Thời gian hưởng chế độ ốm đau của giáo viên hiện nay

Giáo viên là đối tượng công, viên chức được hưởng chế độ ốm đau theo khoản 1 Điều 26 Luật BHXH 2014, thời gian nghỉ ốm đau được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần, được quy định như sau:

  • Giáo viên đóng BHXH dưới 15 năm thì được nghỉ 30 ngày chế độ ốm đau trong điều kiện làm việc bình thường; được nghỉ 40 ngày nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên.
  • Giáo viên đóng BHXH từ 15 đến 30 năm thì được nghỉ 40 ngày chế độ ốm đau trong điều kiện làm việc bình thường; được nghỉ 50 ngày nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên.
  • Giáo viên đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên thì được nghỉ 60 ngày chế độ ốm đau trong điều kiện làm việc bình thường; được nghỉ 70 ngày nếu làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0.7 trở lên.

Với những trường hợp giáo viên nghỉ ốm dài hạn, khoản 2 Điều 26 Luật BHXH 2014 quy định về những trường hợp người lao động nghỉ ốm vì mắc bệnh nằm trong Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành sẽ được nghỉ hưởng chế độ ốm đau:

  • Tối đa 180 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần;
  • Trường hợp người lao động đã hưởng Tết 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đóng BHXH.

Thời gian nằm viện điều trị bệnh của giáo viên

Giáo viên nằm viện điều trị bệnh

Mức hưởng chế độ nghỉ ốm đối với giáo viên

Mức hưởng chế độ ốm đau không nằm trong Danh mục chữa trị dài ngày của giáo viên

Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiến lương tháng đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24 ngày x 75% x Số ngày nghỉ được hưởng chế độ ốm đau

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.

Mức hưởng chế độ ốm đau nằm trong Danh mục chữa trị dài ngày của giáo viên

Khoản 2 Điều 28 Luật BHXH đưa ra quy định về mức hưởng với thời gian điều trị dài ngày:

Mức hưởng chế độ ốm đau với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau (%) x Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

Chú thích, tỷ lệ chế độ ốm đau được tính như sau:

  • 75% với thời gian hưởng chế độ ốm đau của giáo viên trong 180 ngày đầu.

Sau đó, nếu vẫn tiếp tục điều trị thì tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau cho thời gian tiếp theo là:

  • 65% cho giáo viên đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
  • 55% cho giao viên đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  • 50% nếu người lao động đã đóng BHXH dưới 15 năm.

Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ nghỉ bệnh của giáo viên

Hồ sơ cần chuẩn bị những loại giấy tờ gì?

Điều 100 Luật BHXH năm 2014 và Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH quy định về các loại giấy tờ chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ ốm đau:

– Với điều trị nội trú

  • Bản sao giấy ra viện của người lao động. Nếu người bệnh tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh thì thay thế bằng Giấy báo tử; trường hợp giấy báo tử không thể hiện thời gian vào viện thì cần có thêm giấy tờ của cơ sở khám, chữa bệnh thể hiện thời gian vào viện.
  • Trường hợp chuyển tuyến khám chữa bệnh trong quá trình  điều trị nội trú thì có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

– Với điều trị ngoại trú

  • Giấy chứng nhận BHXH (bản chính).
  • Nếu cả cha và mẹ đều phải nghỉ việc để chăm con thì giấy chứng nhận nghỉ việc của 1 trong 2 người là bản sao; hoặc giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

Nộp hồ sơ

  • Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động.
  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan BHXH.

Giải quyết hồ sơ và trả kết quả

Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ cho người lao động trong 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Trường hợp nào cơ quan BHXH không giải quyết được thì phải có văn bằng giải thích nêu rõ lý do.

Đọc thêm: Tổng quan chế độ trợ cấp ốm đau cho người lao động

Bài viết đã tổng kết những quy định về chế độ nghỉ bệnh của giáo viên. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích cho những người lao động quan tâm.