Quy định như thế nào về hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2018 – 2025?
Căn cứ pháp lý
– Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 sau đây gọi là Luật Giáo dục năm 2019.
– Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.
Khái quát về hoạt động hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục
Theo Từ điển Tiếng Việt, hướng nghiệp là hệ thống các biện pháp giúp cho con người lựa chọn và xác định nghề nghiệp của bản thân trong cuộc sống tương lai trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu xã hội. Hướng nghiệp có nhiệm vụ: Nghiên cứu đặc điểm tâm sinh lí của thanh niên học sinh; Làm cho thanh niên hiểu nội dung lao động của một số nghề, giúp họ chọn nghề. Theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân đã xác định học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có thể học tiếp theo một trong 4 luồng sau: Trung học phổ thông; Sơ cấp Giáo dục nghề nghiệp; Trung cấp Giáo dục nghề nghiệp; Trung học phổ thông bổ túc văn hóa theo hệ giáo dục thường xuyên.
Dưới góc nhìn pháp lý, Luật Giáo dục nêu định nghĩa khái quát về việc hướng nghiệp trong giáo dục tại Khoản 1 Điều 9 như sau
“Điều 9. Hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục
1. Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
2. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
3. Chính phủ quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.”
Như vậy, hướng nghiệp đóng vai trò không thể thiếu trong quá trình giáo dục, giúp lựa chọn ngành nghề hợp lý và tạo điều kiện xác định nghề nghiệp cho dân lao động đặc biệt là lứa tuổi học sinh, sinh viên cần có sự định hướng đúng đắn về nghề nghiệp để đáp ứng những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của xã hội, nếu không có hướng nghiệp các bạn trẻ có thể chạy theo xu hướng hoặc lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp với bản thân dẫn tới phải làm trái nghề hay thậm chí thất nghiệp. Còn phân luồng học sinh trong giáo dục đặc biệt học sinh sau trung học cơ sở nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi sao cho:
+ Phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của của bản thân học sinh, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập có hiệu quả;
+ Phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ;
+ Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập.
Hướng nghiệp và phân luồng giáo dục phổ thông trong giai đoạn 2018 – 2025
Chính phủ quy định chi tiết hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục theo từng giai đoạn phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” tại (sau đây gọi tắt là Đề án).
Mục tiêu chung của Đề án đó là: tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025 của Đề án trên đó là:
– Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; đối với các trường ở địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;
– Phấn đấu 100% trường trung học cơ sở và trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%;
– Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%;
– Phấn đấu ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 35%.
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Giáo dục
Luật Hoàng Anh