Quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ gồm 8 Chương và 86 Điều với nhiều điểm mới so với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Nghị định số 21/2020/NĐ-CP trước đây. Cụ thể:

1. Về công trình khác

Công trình khác theo Nghị định này là công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và không phải là nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân.

2. Vi phạm quy định về trật tự xây dựng

– Bổ sung quy định xử phạt hành vi không công khai Giấy phép xây dựng

– Bổ sung xử phạt không điều chỉnh Giấy phép xây dựng

– Không phân biệt nhà ở riêng lẻ ở đô thị, nông thôn

– Xây dựng trên đất không đúng mục đích chỉ xử phạt đất đai

– Tăng mức phạt đối với hành vi không chấp hành yêu cầu tạm dừng

– Thay đổi, bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, đã sửa đổi biện pháp “buộc tháo dỡ” thành “Buộc phá dỡ” công trình, phần công trình xây dựng vi phạm. Quy định này phù hợp với Điều 118 Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và phù hợp với thực tế cưỡng chế công trình xây dựng, không thể tháo dỡ mà phải phá dỡ công trình vi phạm.

– Bổ sung hành vi được xác định là sai phép;

– Bổ sung mức phạt với hành vi để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn.

– Sửa đổi quy định về trường hợp đang thi công phải xin phép xây dựng

3. Thẩm quyền lập biên bản lĩnh vực xây dựng

Nghị định này bỏ quy định viên chức thuộc UBND các cấp được lập biên bản vi phạm hành chính, chỉ quy định  “Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về xây dựng quy định tại Nghị định này” có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.

 Ngoài ra, Nghị định này còn tăng mạnh mức phạt vi phạm đối với các hành vi vi phạm về: lập quy hoạch xây dựng, đô thị; phê duyệt dự án đầu tư không đảm bảo đủ vốn; xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; thi công không giấy phép xây dựng; thi công sai giấy phép xây dựng; không lắp đặt biển báo tại công trình xây dựng.

4. Về hiệu lực thi hành:

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (28/01/2022).

Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng

 

5. Về quy định chuyển tiếp:

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, các quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 79 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP được tiếp tục thực hiện như sau:

– Hành vi xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng; xây dựng không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng; xây dựng sai thiết kế được phê duyệt, sai quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định tại khoản 9 Điều 13, Nghị định số 121/2013/NĐ-CP nếu đáp ứng đủ 6 điều kiện sau đây:

+ Hành vi vi phạm xảy ra từ ngày 04 tháng 01 năm 2008 và đã kết thúc trước ngày 15 tháng 01 năm 2018 nhưng sau ngày 15 tháng 01 năm 2018 mới được người có thẩm quyền phát hiện hoặc đã được phát hiện trước ngày 15 tháng 01 năm 2018 và đã có một trong các văn bản sau đây: biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả;

+ Không vi phạm chỉ giới xây dựng;

+ Không ảnh hưởng các công trình lân cận;

+ Không có tranh chấp;

+ Xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp;

+ Nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

– Hành vi vi phạm mà đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d và điểm đ khoản 1 nhưng không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm e khoản 1 Điều này, thì xử lý như sau:

Hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện trước ngày 15 tháng 01 năm 2018 đã lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng đến ngày 15 tháng 01 năm 2018 cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa thực hiện việc nộp phạt (nếu có) và nộp số lợi bất hợp pháp, thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP thay thế biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp.

– Số lợi bất hợp pháp mà cá nhân, tổ chức có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp được xác định như sau:

+ Trường hợp xây dựng công trình nhằm mục đích kinh doanh: số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

+ Trường hợp xây dựng công trình không nhằm mục đích kinh doanh: số lợi bất hợp pháp là tổng số m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với chi phí 1m2 sàn xây dựng theo dự toán được duyệt nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

+ Trường hợp không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký hoặc dự toán được duyệt: số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng m2 sàn xây dựng vi phạm nhân với suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%;

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính áp dụng suất vốn đầu tư tại thời điểm ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chịu trách nhiệm xác định số lợi bất hợp pháp phải nộp theo quy định tại điểm a, điểm b hoặc điểm c khoản này.

– Không áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỷ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ.

– Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành việc nộp phạt vi phạm hành chính và số lợi bất hợp pháp, có kết quả kiểm định chất lượng công trình thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm: có ý kiến xác nhận về Quy hoạch – Kiến trúc, cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng.

Ngoài những giấy tờ theo quy định, hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng, điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh thiết kế xây dựng còn phải bổ sung thêm giấy tờ chứng minh đã hoàn thành nộp phạt và số lợi bất hợp pháp theo quy định (nếu có).

Sau khi tổ chức, cá nhân vi phạm hoàn thành các thủ tục nêu trên thì được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng theo quy định.