Quy định mới về thi và xét thăng hạng giáo viên
Ngày 30/11/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 34/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/01/2022.
Thông tư này thay thế các Thông tư: Thông tư số 20/2017/TT-BGDĐT ngày 18/8/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập; Thông tư số 28/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bãi bỏ Quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ban hành kèm theo Thông tư số 29/2017/TT-BGDĐT ngày 30/11/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nội dung, hình thức xét thăng hạng được quy định như sau:
1. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng II lên giáo viên hạng I:
Việc kiểm tra, sát hạch được thực hiện bằng hình thức làm bài trắc nghiệm hoặc phỏng vấn.
– Đối với hình thức làm bài trắc nghiệm: Thời gian thực hiện bài thi trắc nghiệm là 60 phút, nội dung gồm các câu hỏi liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học), tối đa không quá 60 câu hỏi. Bài trắc nghiệm được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính.
– Đối với hình thức phỏng vấn: Thời gian thực hiện bài phỏng vấn không quá 15 phút/01 người dự xét, nội dung phỏng vấn liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục và nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh nghề nghiệp của mỗi cấp học). Bài phỏng vấn được chấm theo thang điểm 30 và được thực hiện trực tiếp đối với từng người.
2. Xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II
Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học.
Cách tính điểm hồ sơ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Hồ sơ xét thăng hạng được chấm theo thang điểm 100, không làm tròn số khi cộng các điểm thành phần, cụ thể:
– Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng: 20 điểm
– Điểm chấm nhóm tiêu chí về tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: 80 điểm.
Minh chứng và chấm điểm các nhóm tiêu chí được quy định tại phụ lục kèm theo Thông tư.
Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực kể từ ngày 15/01/2022.
Từ Hữu Sơn, Phòng TCCB