Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính đơn vị sự nghiệp công lập

Ngày 21/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2021. Đây là một quy định mới và có vai trò rất lớn đối với kinh tế, xã hội.

1. Khái niệm đơn vị sự nghiệp công lập

Đơn vị sự nghiệp công lập chính là các tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật có tư cách pháp nhân, cung cấp các dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, lao động – thương binh và xã hội, thông truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.

Là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, y tế, nghiên cứu khoa học, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch, lao động – thương binh và xã hội, thông tin truyền thông và các lĩnh vực sự nghiệp khác được pháp luật quy định.

Đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm:

  • Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự.
  • Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về việc thực hiện các nhiệm vụ, tài chính, tổ chức về bộ máy, nhân sự.

Ví dự như: Trường Đại học Công nghiệp trực thuộc Bộ công thương là đơn vị sự nghiệp công lập. Bệnh viện 115 trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh…Các đơn vị nghiên cứu, sự nghiệp (nghiên cứu khoa học kỹ thuật và giáo dục (bệnh viện, trường, viện nghiên cứu)… Đối với các cơ quan quản lý các ngành sự nghiệp, những tổ chức này là những đơn vị cơ bản thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Đơn vị sự nghiệp chủ yếu là các viện nghiên cứu, trường học, bệnh viện… trực thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xét dưới góc độ vị trí pháp lý, đơn vị sự nghiệp công lập có thể chia thành loại như sau:

– Đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ;

– Đơn vị thuộc Tổng cục, Cục;

– Đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Đơn vị thuộc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

– Đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ bao gồm:

– Các đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ (các đơn vị nghiên cứu chiến lược, chính sách về ngành, lĩnh vực; báo; tạp chí. Trung tâm thông tin hoặc tin học. Trường hoặc trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; học viện). Và các đơn vị sự nghiệp công lập trong danh sách ban hành kèm theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

 

2. Quy định mới về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập

2.1. Sửa quy định về nguồn tài chính

Về nguồn tài chính, Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (SNCL) theo hướng tổng hợp chung tất cả các nguồn lực, chưa có sự tách bạch rõ nguồn thu từ hoạt động thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao và các hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định cụ thể nguồn tài chính của đơn vị SNCL theo hướng tách rõ nguồn thu. Cụ thể, nguồn thu hoạt động sự nghiệp gồm:

– Thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công;

– Thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh; hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị sự nghiệp công;

– Thu từ cho thuê tài sản công: Đơn vị thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án cho thuê tài sản công.

 

2.2. Tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết

Nghị định số 16/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể các hình thức liên doanh liên kết và việc phân phối kết quả chênh lệch thu chi từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị SNCL.

Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất chung về việc phân phối kết quả từ hoạt động liên doanh liên kết của đơn vị SNCL, Nghị định 60/2021/NĐ-CP bổ sung quy định về tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết.

Theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP, đơn vị SNCL được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân để hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Nghị định này không quy định việc sử dụng thương hiệu, giấy phép, bản quyền tác phẩm để liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới. Trường hợp liên doanh, liên kết theo hình thức thành lập pháp nhân mới thì đơn vị SNCL thực hiện theo các quy định pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đầu tư, pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật có liên quan khác.

Việc phân chia kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết thực hiện theo thỏa thuận trong Hợp đồng liên doanh, liên kết, cụ thể như sau:

– Đối với hình thức liên doanh, liên kết không thành lập pháp nhân mới: Đơn vị SNCL thực hiện bổ sung toàn bộ kết quả của hoạt động liên doanh, liên kết vào nguồn tài chính của đơn vị có hoạt động liên doanh, liên kết theo đề án liên doanh, liên kết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

– Đối với hình thức liên doanh, liên kết thành lập pháp nhân mới: số tiền thu được từ kết quả phân chia của hoạt động liên doanh, liên kết sau khi chi trả các chi phí lãi vay, chi phí thuê tài sản đem đi góp vốn (nếu có); phần thu nhập được chia còn lại của đơn vị SNCL được quản lý và sử dụng theo đề án liên doanh, liên kết được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

3. Vai trò của tự chủ tài chính với những đơn vị sự nghiệp công lập

Cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được hiểu là cơ chế theo đó các đơn vị sự nghiệp công được trao quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các khoản thu, khoản chi của đơn vị mình, nhưng không vượt quá mức khung do Nhà nước quy định.

Đơn vị sự nghiệp công lập là các đơn vị do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập, thuộc sở hữu của Nhà nước, là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán. Có thể kể đến các đơn vị sự nghiệp công lập, như: trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, văn hóa, sở khoa học công nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…

Mục tiêu của cơ chế tự chủ tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là:

Thứ nhất, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho đơn vị sự nghiệp trong việc tổ chức công việc, sắp xếp lại bộ máy, sử dụng lao động và nguồn lực tài chính để hoàn thành nhiệm vụ được giao; phát huy mọi khả năng của đơn vị để cung cấp dịch vụ với chất lượng cao cho xã hội; tăng nguồn thu, nhằm từng bước giải quyết thu nhập cho người lao động; phát huy tính sáng tạo, năng động, xây dựng “thương hiệu riêng” cho đơn vị mình.

Thứ hai, thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội để phát triển các hoạt động sự nghiệp, từng bước giảm dần bao cấp từ ngân sách nhà nước.

Thứ ba, thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp, Nhà nước vẫn quan tâm đầu tư để hoạt động sự nghiệp ngày càng phát triển; bảo đảm cho các đối tượng chính sách – xã hội, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ theo quy định ngày càng tốt hơn.

 

4. Tình hình thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của những đơn vị sự nghiệp công lập

Thời gian qua, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 9/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định trên. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP trên cơ sở tổng kết đánh giá kết quả đạt được cũng như những bất cập phát sinh, ngày 14/2/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP theo hướng quy định các vấn đề chung, làm căn cứ cho các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định riêng quy định đối với từng lĩnh vực cụ thể. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP đã thể hiện rõ mục tiêu đổi mới toàn diện các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị đồng bộ cả về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính.

Theo đó, tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp theo 4 mức độ: (i) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; (ii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên; (iii) Tự chủ tài chính đối với đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí); (iv) Tự chủ tài chính đối với đơn vị được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (theo chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao, không có nguồn thu hoặc nguồn thu thấp).

Thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc triển khai giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã mang lại một số kết quả tích cực, như các đơn vị sự nghiệp công lập đã chủ động sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) giao để thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao số lượng, chất lượng hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, từ đó phát triển nguồn thu.

Nguồn thu của các đơn vị sự nghiệp công lập cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm 10% chi hoạt động thường xuyên NSNN giao đã góp phần bảo đảm bù đắp một phần nhu cầu tiền lương tăng thêm, theo quy định của Chính phủ. Nhờ tăng cường khai thác nguồn thu, tiết kiệm chi và thực hiện cơ chế tự chủ, thu nhập và đời sống của người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập đã từng bước được nâng lên. Trong đó, thu nhập tăng thêm của cán bộ, viên chức bình quân khoảng từ 0,5 đến 1,5 lần tiền lương cấp bậc của đơn vị. Riêng một số đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục đại học tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động đã thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm cho người lao động khoảng 2 – 3 lần, như Đại học Quốc tế – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…

Về sắp xếp bộ máy và tinh giản biên chế, trong năm 2018, tại một số địa phương đã thực hiện quyết liệt và đạt được được một số kết quả nhất định. Tại Hà Nội, sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành đã giảm từ 401 đơn vị xuống còn 280 đơn vị (giảm tương đương 30,2%); các đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện đã giảm từ 206 đơn vị còn 96 đơn vị (giảm tương đương 53,4%). Tại tỉnh Quảng Ninh, địa phương này đã giao tự chủ tài chính cho 84 đơn vị sự nghiệp công lập (tăng 15 đơn vị so với năm 2017), có thêm 1.442 viên chức không hưởng lương từ NSNN (trong đó, số viên chức của 4 Bệnh viện thuộc Sở Y tế là 1.264 người), kinh phí ngân sách cấp năm 2018 giảm 120 tỷ đồng so năm 2017.

Trong các năm 2017-2018, chỉ tính riêng ở Trung ương, các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo đã giảm chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho các đơn vị sự nghiệp công lập mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng.

Tuy vậy, kết quả này mới chỉ tập trung tại một số đơn vị năng động, sáng tạo và có lợi thế về uy tín trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc ở một số ngành nghề có khả năng xã hội hóa cao.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành và địa phương, đến nay, tỷ lệ các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm kinh phí hoạt động còn thấp, chiếm khoảng 3,7% tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập của cả nước, tương đương 2.057 các đơn vị sự nghiệp công lập. Việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, chưa có bước chuyển biến có tính đột phá; chưa tách bạch rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công. Một số chính sách là điều kiện quan trọng để thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa được sửa đổi, bổ sung và ban hành đầy đủ kịp thời; một số đơn vị sự nghiệp công lập khi mở rộng hoạt động dịch vụ còn chạy theo số lượng, mà không quan tâm đến chất lượng hoạt động, lạm dụng kỹ thuật để tăng thu. Đồng thời, vẫn có những khoảng cách lớn giữa các vùng, miền, giữa Trung ương với địa phương trong các hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập… nên việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công còn hạn chế.

 

5. Giải pháp hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập

Để bảo đảm hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài việc ban hành đầy đủ khung pháp lý về cơ chế tự chủ trong đó có tự chủ tài chính, chúng ta cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý, sắp xếp và tổ chức lại hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có mục tiêu: Đến năm 2021, phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011 – 2015; Đến năm 2025, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính; 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Đồng thời triển khai Nghị quyết 19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó, giao các Bộ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 429/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP và đang tích cực phối hợp các Bộ, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 19, tiến tới giảm dần số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm toàn bộ chi hoạt động thường xuyên, tăng số lượng các đơn vị tự chủ tự bảo đảm về tài chính.

Trong thời gian tới, khi các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, việc hỗ trợ từ NSNN sẽ gắn với số lượng, chất lượng sản phẩm dịch vụ sự nghiệp công được cung cấp, giá cung cấp dịch vụ và nhu cầu sử dụng để bảo đảm hiệu quả đầu tư từ NSNN, tránh lãng phí; đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công có lộ trình cụ thể thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN để tạo điều kiện cho cơ sở ngoài công lập cùng tham gia cung cấp; giảm dần các sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, giao kế hoạch.