Quy định mới nhất về xử lý hành vi cố tình không ký biên bản vi phạm giao thông – Tin Tức

Liên quan đến hành vi này, Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, không ít người vi phạm quy định về an toàn giao thông không ký biên bản vì họ cho rằng nếu mình không ký CSGT sẽ không có căn cứ để xử phạt.

Song, theo Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, xử phạt hành chính có thể lập biên bản hoặc không lập biên bản. Trong đó, có 2 trường hợp có thể xử phạt tại chỗ mà không cần lập biên bản, đó là xử phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 250.000 đồng với cá nhân, 500.000 đồng với tổ chức.

Trường hợp nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính do dùng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, có hàng loạt lỗi bị phạt tại chỗ, không lập biên bản như điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/h; Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt (không còi, xi nhan khi vượt trước); Chở người ngồi trên xe sử dụng ô…

Như vậy, trong nhiều trường hợp, lực lượng chức năng vẫn tiến hành xử phạt vi phạm giao thông mà không cần lập biên bản. Nếu phải lập biên bản mà người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan thì theo Điều 58 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.