Quy định mới của Luật Thi đua, khen thưởng: Giáo viên không có sáng kiến vẫn có thể đạt danh hiệu …

Ngày 15/6/2022, Quốc hội ban hành ban hành Luật số 06/2022/QH15 Luật Thi đua, Khen thưởng (TĐKT). Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Luật TĐKT năm 2022 là văn bản pháp luật quan trọng để xét quá trình công tác, cống hiến và ghi nhận thành tích của người lao động, động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh minh họa

Đặc biệt, Luật TĐKT năm 2022 có nhiều điểm mới đáng chú ý. Cụ thể như luật này quy định rõ một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó; chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm bình đẳng giới trong TĐKT.

Sau đây là những điểm mới về TĐKT liên quan trực tiếp đến cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành giáo dục, cụ thể:

Giáo viên không cần có sáng kiến vẫn có thể đạt chiến sĩ thi đua cơ sở

Điều 23 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Quy định để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở ở Luật mới này phải đạt 2 tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến” và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận (gọi chung là sáng kiến). Để đạt chiến sĩ thi đua cơ sở theo quy định hiện nay, để đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở bắt buộc phải có: “Có sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.”

Theo quy định mới, giáo viên muốn đạt chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ cần đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đánh giá phân loại viên chức (hoặc sáng kiến).

Việc đánh giá, phân loại viên chức theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP quy định để được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng không cần có sáng kiến.

Quy định mới về danh hiệu Lao động tiên tiến

Tại khoản 1 Điều 24 Danh hiệu “Lao động tiên tiến” để tặng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt các tiêu chuẩn sau đây:

“a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên;

b) Có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua.”

Tiêu chuẩn để được công nhận danh hiệu Lao động tiên tiến cũng được đơn giản hóa.

Theo Luật hiện hành tại khoản 1 Điều 24 quy định để đạt Lao động tiên tiến phải đạt các tiêu chuẩn sau:

“a) Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đạt năng suất và chất lượng cao;

b) Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có tinh thần tự lực, tự cường; đoàn kết, tương trợ, tích cực tham gia phong trào thi đua;

c) Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ;

d) Có đạo đức, lối sống lành mạnh.”

Như vậy, 2 danh hiệu thi đua mà giáo viên quan tâm nhất là danh hiệu Lao động tiên tiến và Chiến sĩ thi đua cơ sở sẽ được sửa đổi theo hướng đơn giản, có lợi hơn đối với cán bộ, giáo viên, người lao động trong ngành.

Bên cạnh đó, Luật TĐKT 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng sau: thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;….

Và căn cứ xét thi đua bao gồm: Phong trào thi đua; thành tích thi đua; tiêu chuẩn danh hiệu thi đua. So với hiện hành đã bỏ đi căn cứ “Đăng ký tham gia thi đua” cũng nhận được sự quan tâm, đồng tình của giáo viên, ghi nhận quá trình công tác, cống hiến.

Thay đổi tiêu chuẩn tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Tại khoản 1 Điều 73 Quy định “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

“a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;

b) Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;

c) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Bộ, ban, ngành, tỉnh hoặc được giải thưởng ở khu vực;

d) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo.”

Tại điểm b thường áp dụng với giáo viên có quy định để được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải đạt tiêu chuẩn “Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

So với Luật hiện hành tại điểm b, khoản 1, Điều 71 quy định để được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ phải đạt tiêu chuẩn: “Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương và 5 năm tiếp theo liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Như vậy quy định mới, tiêu chuẩn để được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ rõ ràng, cụ thể hơn, kết hợp danh hiệu thi đua, đánh giá phân loại viên chức.

Nếu giáo viên đạt các tiêu chuẩn trên, chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không nhất thiết có sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Quy định về Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh

Tại khoản 1 Điều 74 quy định Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:

“a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong các phong trào thi đua do Bộ, ban, ngành, tỉnh phát động;

b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng ở một trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ban, ngành, tỉnh;

c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;

d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở;

đ) Công nhân, nông dân, người lao động lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong địa bàn cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.”

Tiêu chuẩn tại điểm d thường áp dụng với giáo viên có quy định để được tặng Bằng khen của Bộ, ngành, tỉnh phải có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả.

Tài liệu tham khảo: Tải về tại đây./.

Văn phòng Sở GDĐT.