Quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn được Chính Phủ ban hành ngày 19/10/2020, có hiệu lực ngày 05/12/2020. Các quy định chung về việc xử phạt được quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP như thế nào ?

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Thuế của Công ty luật Minh Khuê

>> Luật sư tư vấn pháp luật Thuế, gọi:  1900 6162

1. Các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn gồm

– Người nộp thuế hoặc cá nhân, tổ chức được người nộp thuế uỷ quyền thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

– Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định pháp luật và đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, địa điểm kinh doanh trực tiếp kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn có vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

– Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập có vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

– Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã có vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

– Tổ chức hoặc doanh nghiệp nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam có vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

– Cơ quan nhà nước có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn mà hành vi đó không thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao có vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

– Các tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật có vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn.

2. Phân biệt một số hành vi liên quan đến sử dụng hoá đơn

Các hành vi liên quan đế sử dụng hoá đơn, chứng từ cần làm rõ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 125/2020/NĐ-CP là hành vi sử dụng hoá đơn chứng từ không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hoá đơn, chứng từ. Cụ thể:

Hành vi sử dụng hoá đơn chứng từ không hợp pháp là 
Hành vi sử dụng không hợp pháp hoá đơn, chứng từ là

– Các hoá đơn, chứng từ được sử dụng là hoá đơn, chứng từ giả; hoá đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng hoặc hết giá trị sử dụng.

– Sử dụng các hoá đơn đã bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế.

– Sử dụng hoá đơn điện từ mà không đăng ký với cơ quan thuế hoặc Chưa có mã của cơ quan thuế (đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế).

– Các hoá đơn được sử dụng có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

– Hóa đơn, chứng từ hợp pháp nhưng người sử dụng không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

– Hóa đơn, chứng từ hợp pháp đã được ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ theo các chỉ tiêu đã ghi hoặc không phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

– Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

– Sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

– Sử dụng hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

3. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 5 Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

– Quy trình thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

– Các hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn thực hiện theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

– Thông thường, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ các trường hợp sau:

+) Cùng một thời điểm người nộp thuế khai sai một hoặc nhiều chỉ tiêu trên các hồ sơ thuế của cùng một sắc thuế thì hành vi khai sai thuộc trường hợp xử phạt về thủ tục thuế chỉ bị xử phạt về một hành vi khai sai chỉ tiêu trên hồ sơ thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;

+) Cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều hồ sơ khai thuế của nhiều kỳ tính thuế nhưng cùng một sắc thuế thì chỉ bị xử phạt về một hành vi chậm nộp hồ sơ khai thuế có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần.

Nếu trong số hồ sơ khai thuế chậm nộp có hồ sơ khai thuế chậm nộp thuộc trường hợp trốn thuế thì tách riêng để xử phạt về hành vi trốn thuế;

+) Cùng một thời điểm người nộp thuế chậm nộp nhiều thông báo, báo cáo cùng loại về hóa đơn thì người nộp thuế bị xử phạt về một hành vi chậm nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn có khung phạt tiền cao nhất trong số các hành vi đã thực hiện quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và áp dụng tình tiết tăng nặng vi phạm nhiều lần;

+) Nếu hành vi vi phạm về sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thuộc trường hợp bị xử phạt theo Điều 16, Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì không bị xử phạt theo Điều 28 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

– Mức phạt tiền quy quy định tại Điều 10, 11, 12, 13, 14, 15, khoản 1, 2 Điều 19 và Chương III Nghị định 125/2020/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với tổ chức.

Mức phạt tiền áp dụng với người nộp thuế là hộ gia đình, hộ kinh doanh áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân.

– Trường hợp người nộp thuế vi phạm vừa  có tình tiết tăng nặng và vừa có tình tiết giảm nhẹ thì áp dụng nguyên tắc một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng.

– Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn và hành vi tại Điều 19 Nghị định 125/2020/NĐ-CP là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mỗi tình tiết được giảm 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng được tính tăng 10% mức tiền phạt trung bình của khung tiền phạt nhưng mức phạt tiền đối với hành vi đó không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt. Tuy nhiên, nếu tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng đã được sử dụng để xác định khung tiền phạt thì không được sử dụng khi xác định số tiền phạt nữa.

4. Xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 125/2020/NĐ-CP, các biện pháp xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế và hoá đơn bao gồm:

Hình thức xử phạt chính gồm: Phạt cảnh cáo và Phạt tiền. Trong đó: 

– Phạt cảnh cáo là hình thức xử phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và thuộc trường hợp áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo theo quy định cụ thể đối với từng hành vi vi phạm tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

– Đối với các hành vi vi phạm phải áp dụng hình thức phạt tiền thì:

+) Mức phạt tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn và tối đa không quá 50.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn.

+) Mức phạt tối đa không quá 200.000.000 đồng đối với người nộp thuế là tổ chức thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế và tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với người nộp thuế là cá nhân thực hiện hành vi vi phạm thủ tục thuế.

+) Phạt 20% số tiền thuế thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn.

+) Phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn đối với hành vi trốn thuế.

+) Phạt tiền tương ứng với số tiền không trích vào tài khoản của ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định n125/2020/NĐ-CP.

Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động in hoá đơn có thời hạn.

Các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: 

– Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

– Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ chuyển kỳ sau.

– Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký thuế; khai lại và nộp bổ sung các tài liệu trong hồ sơ thuế; nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế; cung cấp thông tin.

– Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải thực hiện thủ tục phát hành hóa đơn theo quy định.

– Buộc cá nhân, tổ chức vi phạm phải lập hóa đơn theo quy định.

– Buộc hủy, tiêu hủy hóa đơn, các sản phẩm in vi phạm.

– Buộc lập và gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn

– Buộc chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định

– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hoá đơn được quy định tại Điều 8 nghị định 125/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

– Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 01 năm.

+) Nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện  là các hành vi quy định tại khoản 4 Điều 21; điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 23; khoản 2, khoản 5 Điều 24; điểm b khoản 3 Điều 25; điểm b khoản 2 và điểm b, c, d khoản 3 Điều 27; điểm b khoản 5 Điều 29; điểm b khoản 3 Điều 30 Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

+) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

– Thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế là 02 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

– Thời hiệu xử phạt đối với hành vi trốn thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn là 05 năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.

– Đối với vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thụ lý, giải quyết, nhưng sau đó cómột trong các quyết định gồm Quyết định không khởi tố vụ án hình sự, Quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án, Quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải chuyển các quyết định nêu trên kèm theo hồ sơ, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Thời hiệu xử phạt vi phạm áp dụng theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Thuế – Công ty luật Minh Khuê